QPTD -Thứ Hai, 11/10/2021, 09:29 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát huy vai trò nòng cốt, chủ động ứng phó với “thách thức kép”

II. Đội quân chiến đấu trong thời bình

Là một bộ phận của lực lượng vũ trang cách mạng, trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Quân khu 5 luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí, hậu phương, tiền tuyến đồng lòng. Dù thời bình hay thời chiến, khó khăn, gian khổ đến đâu, lực lượng vũ trang Quân khu luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, anh dũng, sáng tạo, chiến đấu và chiến thắng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, đại dịch Covid-19 trên địa bàn - “thách thức kép” - lực lượng vũ trang Quân khu phát huy vai trò nòng cốt, thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành nhiều nội dung, biện pháp ứng phó nhằm góp phần ổn định tình hình, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; coi đó là tình cảm, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ “Bộ đội Cụ Hồ” đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Giúp dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm của lực lượng vũ trang Quân khu; dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn, thử thách đến đâu cũng phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, lực lượng vũ trang Quân khu luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: bão, lụt là “loại giặc” nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp, nên công tác phòng, chống bão, lụt “tổ chức phải chặt chẽ, chỉ huy phải vững vàng, dụng cụ phải đầy đủ. Các đoàn thể Nông hội và Thanh niên phải xung phong, các đơn vị bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp sức đồng bào”1; lấy đó làm cơ sở, nền tảng để giáo dục, quán triệt cho bộ đội xác định việc giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường là trách nhiệm chính trị, tình cảm đối với nhân dân, đòi hỏi phải có ý chí, quyết tâm cao, vượt qua hiểm nguy, gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 573 di dời người dân phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đến nơi an toàn. Ảnh: mod.gov.vn 

Khi có tình huống mưa, bão xảy ra, Bộ Tư lệnh Quân khu khẩn trương chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, ngoài kíp trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức thêm kíp trực phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn ở các cấp để kịp thời xử lý các tình huống; chỉ đạo tạm dừng các hoạt động huấn luyện, xây dựng công trình chiến đấu, xây dựng cơ bản, hội nghị không cần thiết; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng lực lượng, phương tiện cơ động giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Trước và trong các đợt mưa, bão, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra và trực tại các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả; chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, khu kỹ thuật, phương tiện, công trình chiến đấu, trang bị, dự trữ vật chất, quân y, lương thực, thực phẩm, chất đốt. Triển khai công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện hỗ trợ chính quyền địa phương ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”2; kiểm tra, chỉ đạo sẵn sàng sơ tán lực lượng, phương tiện, trang bị ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn xử lý sự cố, thiên tai; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, sơ tán nhân dân, cơ sở vật chất, điều động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nên khi xảy ra tình huống “bão chồng bão, lũ chồng lũ” trong năm 2020 và ứng phó với các làn sóng dịch Covid-19, lực lượng vũ trang Quân khu không lúng túng, bị động, mà sẵn sàng xử lý các tình huống, vững vàng trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Khi một số địa phương xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại lớn, Bộ Tư lệnh Quân khu nhanh chóng đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, phương án, huy động lực lượng ứng cứu ngay trong mưa bão. Công tác tìm kiếm, cứu nạn người dân mất tích do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi, tai nạn chìm tàu; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân khu vực bị nước lũ, sạt lở cô lập, chia cắt được chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương. Thực tế trong cơn bão số 9, số 10 năm 2020, Quân khu thành lập Sở Chỉ huy phía trước tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) do đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cứu hộ, cứu nạn trong vụ sạt lở đất tại địa bàn xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Trên hướng huyện Phước Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam giao Ban Chỉ huy Quân sự Huyện phối hợp với các lực lượng triển khai phương án tìm kiếm người mất tích; tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) bị nước lũ cô lập. Do chủ động chuẩn bị nên chỉ trong thời gian ngắn, Quân khu đã điều động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, hàng trăm phương tiện vừa tìm kiếm cứu nạn, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống.

Với nghĩa cử cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đợt bão, lũ năm 2020, lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp với địa phương tổ chức thông báo cho 26.490 lượt tàu/150.627 lượt lao động đang hoạt động trên biển neo đậu, tránh trú bão, tổ chức sơ tán nhân dân, tài sản các khu vực ven biển, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp của bão đến nơi tránh trú an toàn, với 59.568 hộ/249.759 nhân khẩu; tổ chức vận chuyển sơ tán tài sản, người ở khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, với 533 hộ dân/1.917 nhân khẩu; tìm kiếm 109 người dân mất tích do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi và tai nạn chìm tàu. Tổ chức sơ tán người, tiếp tế lương thực, thực phẩm, bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán 211 công nhân Thủy điện Đăk Mi 2, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) ra khỏi khu vực bị cô lập, chia cắt; cứu hộ 38 công nhân đang thi công công trình Đập dâng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) bị mắc kẹt, đưa vào bờ an toàn. Tổ chức 02 đội công tác cơ động đường bộ từ xã Phước Kim vào Phước Thành, xã Phước Công vào Phước Lộc (huyện Phước Sơn), vận chuyển 23,6 tấn lương thực, thực phẩm, 250 lít xăng, dầu tiếp tế cho nhân dân, v.v.

Phun khử khuẩn cho các địa phương có ca mắc Covid-19

Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu tham gia giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đều được kết hợp chặt chẽ với thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần coi nhân dân trong vùng dịch “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Quân khu đã có kế hoạch, phương án cụ thể để khắc phục, tham gia cùng các địa phương hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do đại dịch gây ra. Qua các làn sóng dịch bùng phát ở thành phố Đà Nẵng, Nha Trang và các tỉnh trên địa bàn, Bộ Tư lệnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quân khu đã kích hoạt các phương án phòng, chống dịch ở các cấp, theo từng cấp độ sát thực tiễn địa phương, đơn vị; kịp thời điều chỉnh kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm “vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, vừa chống dịch”. Đồng thời, tiến hành rà soát, củng cố, chuẩn bị cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị y tế cho các khu điều trị, khu cách ly. Từ kinh nghiệm của những lần bùng phát dịch trước đây và tinh thần “chủ động tiến công”, quyết liệt, phản ứng nhanh ngay từ đầu, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ lực lượng vũ trang Quân khu luôn bám sát địa bàn, tình hình diễn biến của dịch, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng xông pha, lao vào tâm dịch, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ứng phó với đại dịch nguy hiểm này. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, “Bộ đội chủ động tìm đến với dân”, lực lượng vũ trang Quân khu đã lao vào tâm dịch, tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc, với tổng diện tích lên đến 02 triệu m2; phối hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 13.686 trường hợp; tổ chức 35 điểm tiếp nhận gần 24.000 công dân về nước cách ly theo quy định; phối hợp lập chốt cách ly, tham gia truy vết, kiểm soát nguồn lây,... góp phần rất quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của đại dịch.

Trong làn sóng dịch lần thứ tư, ngay từ đầu, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân Khu đã tập trung quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các văn bản, chỉ thị của trên, tập trung chỉ đạo các đơn vị rà soát kế hoạch, chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “sớm hơn và cao hơn một bước”, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Trong đó, hết sức lưu ý giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống nhân dân, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do đại dịch gây ra. Trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch, cán bộ, chiến sĩ luôn nhạy bén, nắm chắc tình hình, nhanh chóng, quyết liệt, xử lý công việc gọn, đúng, trúng; có phương án dự báo, dự lường về diễn biến của dịch, chủ động nắm tình hình để có biện pháp ứng phó phù hợp. Các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phối hợp, hiệp đồng với lực lượng chức năng địa phương theo dõi, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các biện pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2021 khi tình hình dịch có chiều hướng bùng phát phức tạp, thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với những biện pháp chặt chẽ hơn, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, lực lượng vũ trang Quân khu là một trong những lực lượng nòng cốt, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân, chung tay cùng chính quyền địa phương nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bên cạnh việc tham gia các điểm chốt kiểm soát dịch, lực lượng vũ trang Quân khu tăng cường các chốt phòng, chống dịch trên tuyến biên giới; quyên góp, cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng tâm dịch, với tinh thần “lo cho dân như lo cho mình”, quyết không để dân đói. Nhiều đơn vị tích cực tham gia hiến máu tình nguyện với hàng nghìn đơn vị máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện. Điều động hàng trăm cán bộ, nhân viên quân y, hàng chục xe cứu thương lên đường vào miền Nam “chia lửa” cùng tuyến đầu chống dịch. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với nhân dân trong đại dịch.

Những việc làm thiết thực của lực lượng vũ trang Quân khu 5 là minh chứng sinh động khẳng định Quân đội là chỗ dựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu, lực lượng vũ trang Quân khu luôn phát huy vai trò nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân địa phương vượt qua “thách thức kép”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân trên địa bàn.

(Số sau: III. Nỗ lực vượt qua “thách thức kép”)

HỒNG LÂM - THIÊN TÔ – ĐỨC THỊNH
______________   

1 -  Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 341.

2 - Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.