QPTD -Thứ Năm, 23/09/2021, 08:37 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát huy vai trò nòng cốt, chủ động ứng phó với “thách thức kép”

Trước sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Thách thức chồng thách thức trên dải đất Nam Trung Bộ - Tây Nguyên khi mùa mưa bão đang đến gần, đặt ra yêu cầu phải chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát huy vai trò nòng cốt, chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả tác động của “thách thức kép” trên địa bàn. Đó cũng chính là kết quả đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lực lượng vũ trang Quân khu, tạo động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết: Lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát huy vai trò nòng cốt, chủ động ứng phó với “thách thức kép”, của nhóm tác giả: Hồng Lâm - Thiên Tô - Đức Thịnh.

I. Ứng phó với thiên tai trong bối cảnh đại dịch

Thiên tai, dịch bệnh là hai hiểm họa lớn nhất của nhân loại, đang có khả năng lớn xảy ra cùng một lúc trên đất nước ta, nhất là ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên trong mùa mưa bão năm nay, gây ra “thảm họa kép” ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống, hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đại dịch Covid-19 là thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Đến cuối tháng 8/2021, trên thế giới đã có hơn 215 triệu người nhiễm, gần 4,5 triệu người tử vong, hơn 18 triệu người đang điều trị và đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều biến thể mới, nguy hiểm hơn xuất hiện. Ở nước ta, làn sóng dịch lần thứ tư đang bùng phát trên diện rộng do biến thể Delta lây lan với tốc độ nhanh hơn, việc phát hiện các ca nhiễm bệnh rất khó khăn, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguồn lây tạo nên nhiều ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng dân cư, nhà máy, khu công nghiệp, v.v.

Tác động của đại dịch đối với đời sống kinh tế - xã hội ngày càng hiện hữu, gây ra hệ lụy khó đoán định, chi phối trực tiếp đến quá trình phát triển của các tỉnh trên địa bàn Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Việc sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những làn sóng đại dịch trước đây gây ảnh hưởng mạnh hơn ở một số ngành nghề đặc thù (du lịch, dịch vụ, vận tải,…) thì làn sóng dịch lần này “tấn công” trực tiếp vào khối doanh nghiệp sản xuất, trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng, v.v. Chỉ cần một ca nhiễm, nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất phải dừng sản xuất, đóng cửa tạm thời, phong tỏa, cách ly,… ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống,… nơi tiêu thụ hàng hóa, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong làn sóng dịch lần này. Đã khó khăn từ dịch bệnh (nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại hàng hóa không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất ít, vấn đề xuất nhập khẩu,…), doanh nghiệp giờ lại càng khó khăn khi phải đối mặt với “cơn lốc giá” đầu vào khi rất nhiều loại nguyên vật liệu tăng giá phi mã thời gian qua. Đơn cử, giá thép xây dựng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu tăng nhiều lần và đang ở mức cao nhất trong gần 2 năm qua; giá thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp cũng đang tăng mạnh, v.v. Trong bối cảnh ấy, “khó khăn” lại thêm “thách thức” khi mùa mưa bão đang đến gần với những dự báo xấu.

Do kiến tạo của tự nhiên, Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên hội tụ các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để biến nơi đây trở thành “rốn bão lũ” của cả nước. Trên địa bàn vùng núi với địa hình dốc, địa chất thiếu bền vững, nhiều nhánh sông ngắn, thường xảy ra lũ ống, lũ quét kèm theo nguy cơ sạt lở đất mỗi khi mưa lớn kéo dài, gây chia cắt giao thông, vùi lấp các khu dân cư ven chân núi. Trong khi đó, vùng đồng bằng hẹp ven biển là nơi có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; thường xuyên bị hiện tượng bão lốc, gió nóng, khô hạn, mưa lớn bất thường; tình trạng xâm nhập mặn, biển xâm thực ngày càng nhiều hơn, tạo ra những khó khăn cho sinh kế và cư trú của người dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện lớn được xây dựng, góp phần đảm bảo điều tiết nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhưng nếu không được quản lý, vận hành tốt dễ gây ngập, lụt cục bộ trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 băng qua dòng nước lũ tìm kiếm nạn nhân mất tích sau cơn bão số 9, tháng 10/2020. Ảnh: qdnd.vn

Những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan, khó dự báo; hiện tượng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” xảy ra với mật độ ngày càng nhiều hơn, gây ra thảm họa khó lường đối với tài sản và con người nơi đây; đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang trên địa bàn. Hằng năm, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên phải hứng chịu trực tiếp từ 03 đến 05 cơn bão với cấp độ mạnh, thậm chí đến cấp 16, 17, kèm theo mư­a lớn trên diện rộng, lượng mưa từ 470 mm đến 790 mm/ngày; nước biển dâng từ 5,7 m đến 6,2 m trong bão gây hiện tượng lũ chồng lũ nhiều nơi. Bão lụt, thảm họa môi trường đã cướp đi sinh mệnh hàng trăm người, gây nên những thiệt hại to lớn về tài sản, hủy hoại môi trường, đất đai canh tác của người dân. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 năm 2020, tình hình bão, mưa, lũ càng phức tạp, cực đoan, dồn dập xảy ra tại một số tỉnh Nam Trung Bộ với những con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ, sạt lở đất. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn này và các tỉnh lân cận đã phải hứng chịu 5 cơn bão lớn (6, 7, 8, 9, 12), với một lượng mưa trút xuống đo được cả đợt từ 1.000 mm đến 2.000 mm, có nơi 2.000 mm đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Mặc dù đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo với phương châm “4 tại chỗ”, kế hoạch ứng phó cụ thể, tinh thần sẵn sàng cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang địa phương đóng vai trò nòng cốt, trên tuyến đầu, song sự thiệt hại về người và tài sản cũng không tránh khỏi1. Do đó, việc ứng phó với thiên tai, bão lũ luôn được quan tâm hàng đầu, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng, cùng nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Tuy nhiên, sự nỗ lực của con người cũng không lường trước được những thách thức rình rập, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và cuộc sống bình yên của người dân trên địa bàn. Đó là đại dịch Covid-19 đang hoành hành khi mùa mưa bão đang đến gần. Đại dịch này làm cho công tác phòng, chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn; chi phối trực tiếp đến việc giúp dân ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, từ xây dựng kế hoạch, điều động lực lượng đến chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật, hậu cần, sơ tán dân, v.v. Vừa phải gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phải ứng phó với thiên tai sẽ khiến công tác lãnh đạo, chỉ đạo gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất bị chi phối, nên nguy cơ thiệt hại sẽ càng lớn hơn khi thiên tai ập đến. Để bảo đảm không lây lan dịch bệnh khi sơ tán, cần bố trí các nhóm người vào khu hợp lý khác nhau, như: nhóm nghi nhiễm (F1), nhóm nguy cơ thấp, không có triệu chứng; sắp xếp ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như: người già, người có bệnh nền nghiêm trọng, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người tàn tật. Đặc biệt lưu ý về các vấn đề về vệ sinh, khử khuẩn, nước sạch và an toàn thực phẩm tại nơi sơ tán, phong tỏa trong bối cảnh “thảm họa kép”; chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chăm lo bảo đảm đời sống của người dân, chính sách an sinh xã hội, để khi thiên tai xảy ra sẽ huy động mọi nguồn lực để tập trung phòng, chống theo kế hoạch, phương án, kịch bản đã xác định.

Thiên tai, biến đổi khí hậu cùng với đại dịch Covid-19 đã trở thành “gánh nặng kép” làm trầm trọng hơn thách thức chi phối đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của lực lượng vũ trang Quân khu. Đặc biệt, tác động trực tiếp đến phòng thủ quân khu, từ việc hoàn chỉnh, luyện tập các phương án tác chiến; chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật và nhu cầu thiết yếu cho quân và dân trên địa bàn; tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng; xây dựng, hoàn chỉnh các công trình phòng thủ, v.v. Mặc dù cùng lúc thực hiện nhiều công việc, vừa đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, vừa phòng, chống dịch và sẵn sàng giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường, song Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định những thách thức “thảm họa kép” của địa phương cũng là thách thức của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cơ quan thường trực phòng chống dịch Covid-19 các địa phương tìm biện pháp ứng phó hiệu quả. Tập trung rà soát phương án phòng, chống thiên tai trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; công tác trực ban, tham mưu chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường; sơ tán tại chỗ, sơ tán tập trung; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, hướng dẫn địa phương, cộng đồng khi “thảm họa kép” xảy ra, v.v.

Với tinh thần “Chủ động nắm bắt, nhận định rõ tình hình, dự lường những diễn biến của dịch và có phương án từ sớm, từ xa trong mọi tình huống”, lực lượng vũ trang Quân khu 5 luôn phát huy vai trò nòng cốt, khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với “thách thức kép”, góp phần tô thắm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội Khu 5” trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

(Số sau: II. Đội quân chiến đấu trong thời bình)

HỒNG LÂM - THIÊN TÔ – ĐỨC THỊNH
_______________

1 - Theo tổng hợp, thiệt hại do các trận bão gây nên trên địa bàn cuối năm 2020: hơn 60 người chết, gần 50 người mất tích, hơn 60 người bị thương; 94 khu vực, 27 tuyến đường, 34 cầu cống bị ngập nước; 134 điểm dân cư, 02 công trình thủy lợi, 65 tuyến đường bị sạt lở; 65 tàu cá bị chìm; 728 nhà dân bị sập; 86.400 gia súc, gia cầm bị chết, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.