QPTD -Thứ Hai, 25/05/2015, 10:22 (GMT+7)
Lữ đoàn Thông tin 134 đẩy mạnh xây dựng “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác”

Trong thời gian qua, Lữ đoàn Thông tin 134 triển khai đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Trong đó, mô hình “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác” được xây dựng với nhiều nội dung sát với đặc điểm nhiệm vụ của Đơn vị, mang lại hiệu quả cao. Từ thành công của mô hình này, Lữ đoàn đang chỉ đạo tiếp tục nhân rộng trong toàn đơn vị.

Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng kiểm tra trạm HUB.

Lữ đoàn Thông tin 134 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra và một phần Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Lữ đoàn còn bảo đảm thông tin liên lạc cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị về thông tin liên lạc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn chú trọng quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, coi đây là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, với những nội dung, chỉ tiêu, biện pháp sát với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm của Đơn vị.

Nét nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 03 ở Lữ đoàn Thông tin 134 là đã gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thông qua hoạt động thực tiễn, xuất hiện nhiều nhân tố mới, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với những nét đặc trưng về phẩm chất, bản lĩnh, nhân cách, văn hóa của Bộ đội Thông tin; qua đó, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với những tổ, trạm lẻ ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Trong đó, mô hình “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác” được đông đảo cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng. Đây là mô hình được xây dựng từ sáng kiến của tập thể cán bộ, chiến sĩ Trạm A61, với 4 nội dung: Bảo đảm thông tin tốt; Huấn luyện tốt; Rèn luyện chấp hành kỷ luật, bảo đảm đời sống tốt; Dân vận tốt.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”1, Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm thông tin tốt và xem đây là tiêu chí cơ bản, quyết định để các tổ, trạm duy trì độ ổn định, tính vững chắc của hệ thống thông tin. Theo đó, từng tổ, trạm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, tuyệt đối không để mất liên lạc do lỗi chủ quan gây nên; kịp thời xử lý các sự cố theo đúng quy trình, quy định của công tác kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra bảo vệ an toàn “Tuyến cáp thanh niên tự quản” và duy trì “Ca trực thanh niên kiểu mẫu”. Làm theo tấm gương của Bác, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn luôn chủ động khắc phục khó khăn, tích cực khai thác, làm chủ, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang bị thông tin, kể cả trang bị thông tin thế hệ mới, bảo đảm tỷ lệ liên lạc thường xuyên trên đường trục đạt 100%, qua các phương tiện thông tin khác đạt 99,5% trở lên. Nhờ đó, Lữ đoàn luôn bảo đảm tốt thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cuộc diễn tập cũng như những nhiệm vụ đột xuất, được cấp trên đánh giá cao.

Những năm gần đây, do yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại, hệ thống thông tin quân sự đang được hiện đại hóa, các trang thiết bị liên lạc truyền thống, công nghệ cũ được thay thế bằng trang bị mới, có độ tích hợp cao, tỷ trọng phần mềm lớn, tính hệ thống chặt chẽ, đa phần là quản lý, điều hành tập trung, cung cấp đa dịch vụ với chất lượng cao, hệ thống hoạt động liên tục 24/24 giờ. Bởi vậy, yêu cầu công tác quản lý, chỉ huy, điều hành, khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa rất khắt khe, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật phải không ngừng nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật công nghệ mới. Trên cơ sở lực lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đã được sắp xếp theo biên chế, Lữ đoàn tiến hành rà soát chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo chức trách, nhất là đối với những chuyên ngành hẹp, như: truyền dẫn quang, thông tin vệ tinh, trunking, truyền số liệu IP, tổng đài, kỹ thuật xe máy mới, v.v. Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý hồ sơ và hỗ trợ kỹ thuật, giúp cho quá trình điều hành hệ thống thông tin, quản lý vùng mạng chặt chẽ, thuận tiện trong hiệp đồng, hỗ trợ xử lý từ xa, giảm thiểu thời gian đi lại, tiết kiệm kinh phí, xăng dầu và giảm tối đa thời gian gián đoạn thông tin liên lạc.

Từ kinh nghiệm hoạt động của mô hình “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác” cho thấy, huấn luyện tốt là tiêu chuẩn quan trọng để Mô hình thực sự là điển hình tiên tiến trong bảo đảm thông tin liên lạc cho các nhiệm vụ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng tổ, trạm, Lữ đoàn chỉ đạo duy trì nghiêm thời gian huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại khí tài, trang bị để có khả năng độc lập khai thác, thuần thục xử lý các tình huống thông tin theo phân cấp. Để làm được điều đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu xây dựng nội dung huấn luyện sát với điều kiện thực tế, đặc điểm trang bị kỹ thuật và tính chất hoạt động của các tuyến, trạm. Trong mỗi chuyên ngành, Lữ đoàn tập trung phân loại thành ba lực lượng chính: nòng cốt, kế cận và khai thác thông thường; trong đó, lực lượng nòng cốt, kế cận được lựa chọn từ những cán bộ, nhân viên có trình độ trung cấp trở lên, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn giỏi và tuổi đời phục vụ lâu dài. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị xác định rõ những nội dung kỹ thuật còn yếu để huấn luyện bổ sung, nhất là trình độ công nghệ thông tin, khả năng thao tác trên máy tính, kỹ thuật truyền số liệu IP, truyền hình, VSAT, truyền dẫn quang, nguồn điện, xe máy thế hệ mới, v.v.

Do các tổ, trạm thường bố trí phân tán, nhỏ lẻ nên việc tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cho các đối tượng theo phân cấp gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với số nhân viên mới. Để giải quyết những bất cập đó, Lữ đoàn quán triệt và cụ thể hóa chủ trương “Binh chủng học tập” thông qua việc cử cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi “xuống tuyến” để trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng cho từng nhân viên tổ, trạm. Đồng thời, tổ chức huấn luyện chuyên sâu để mỗi người giỏi chuyên môn của mình, hiểu và làm được từ 2 đến 3 vị trí khác theo phương châm: cấp trên trực tiếp bồi dưỡng cho cấp dưới; cơ quan bồi dưỡng đơn vị; người có kinh nghiệm truyền thụ, bồi dưỡng cho người ít kinh nghiệm, v.v. Cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn luôn khắc sâu lời Bác dạy: “Đã cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn,…”2. Nhờ vậy, chất lượng chuyên môn các tổ, trạm từng bước được nâng lên, đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, kể cả nhân viên mới đều có thể độc lập xử lý các sự cố về kỹ thuật, bảo đảm duy trì tốt hoạt động của hệ thống thông tin. Ngoài ra, Lữ đoàn còn chủ động gửi cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Binh chủng và Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao tổ chức.

Cùng với đó, việc tăng cường rèn luyện, chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, bảo đảm đời sống tốt được xác định là nội dung quan trọng của “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác”. Với tiêu chí này, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị giáo dục cho bộ đội ý thức tự giác, tự quản, tự rèn trong chấp hành kỷ luật, pháp luật, nhất là khi hoạt động độc lập trên tuyến. Đây cũng là tiêu chí đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của từng cán bộ, chiến sĩ; từng tổ, trạm đăng ký phấn đấu không có trường hợp vi phạm kỷ luật phải xử lý; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh, nhất là các nền nếp, chế độ trực, xây dựng nét đẹp người chiến sĩ thông tin. Để tăng cường sức lãnh đạo cho các tổ, trạm, Lữ đoàn thực hiện việc luân chuyển, đưa cán bộ có năng lực, trình độ đến những đơn vị còn yếu kém, chuyển biến chậm; gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể với đề cao ý thức tự giác, tự quản, tự rèn của mỗi cá nhân; phát huy vai trò trách nhiệm của tổ trưởng, trạm trưởng. Trong điều kiện đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, việc bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn, Lữ đoàn xác định phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, cải thiện đời sống bộ đội. Với tinh thần đó, các tổ, trạm đã tận dụng đất xung quanh doanh trại để trồng sau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phấn đấu mỗi cán bộ, chiến sĩ chăn nuôi từ 04 con gia cầm trở lên, nhiều trạm còn phát triển chăn nuôi cả lợn, bò, dê; trồng và chăm sóc nhiều loại cây ăn quả, góp phần nâng cao đời sống, tạo cảnh quan môi trường: xanh, sạch, đẹp xung quanh doanh trại.

Đóng quân trên địa bàn hơn 21 tỉnh, thành phố, với nhiều tổ, trạm lẻ, từ Lào Cai, Lạng Sơn đến Thừa Thiên - Huế, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nên Lữ đoàn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ phải tăng cường làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và sự đùm bọc, che chở của nhân dân địa phương trong việc bảo vệ an toàn tuyến cáp, trạm máy. Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, mỗi tổ, trạm nhận giúp đỡ một gia đình chính sách gặp khó khăn ở địa phương cả về ngày công lao động và thăm hỏi khi ốm đau, v.v. Định kỳ hằng tháng, quý, cán bộ, chiến sĩ tham gia sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với tổ chức Đoàn địa phương; thường xuyên giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương.

Với chủ trương đúng đắn, biện pháp cụ thể, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trên thực tế, qua hơn 03 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn Lữ đoàn có 100% tổ, trạm đã đăng ký thực hiện mô hình “Tổ, trạm thông tin 4 tốt làm theo lời Bác”, được Tổng cục Chính trị xác định là một trong những mô hình hoạt động tiêu biểu của Thanh niên Quân đội làm theo lời Bác. Thông qua mô hình này, cán bộ, chiến sĩ thêm gắn bó với đơn vị, tình cảm đồng chí, đồng đội được gắn kết sâu sắc hơn, cùng nhau quyết tâm xây dựng tổ, trạm mẫu mực, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, phấn đấu giữ vững “mạch máu” thông tin “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống.

Đại tá PHẠM TÀI QUANG, Lữ đoàn trưởng
_______________

1 - Lịch sử Bộ đội Thông tin lên lạc - Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc 1982, tr. 6.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 544.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.