QPTD -Thứ Năm, 28/10/2021, 10:13 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 270 phát huy truyền thống, thực hiện tốt nhiệm vụ

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Bộ binh như mũi mác, Công binh như cán mác, lưỡi có sắc, cán có chắc thì mới đâm được giặc”1, Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5 luôn phát huy truyền thống “Tiên phong, xung kích; tích cực, kiên cường; mở đường thắng lợi”, nỗ lực, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thành lập ngày 01/11/1971, trên mặt trận ác liệt nhất của chiến trường khu 5 chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trung đoàn Công binh 270 (nay là Lữ đoàn Công binh 270) có nhiệm vụ mở đường, chiến đấu bảo vệ hành lang, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, bảo đảm cơ động chiến đấu cho các đơn vị của Quân khu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến tranh biên giới Tây - Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, Lữ đoàn bảo đảm công binh, làm đường, bắc cầu phục vụ cho các quân chủng, binh chủng mở chiến dịch giải phóng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và xây dựng một số công trình phòng thủ sau ngày giải phóng. Trở về nước sau gần 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất Bạn, Lữ đoàn bước vào thời kỳ xây dựng vững mạnh toàn diện với muôn vàn khó khăn, thử thách; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, dò gỡ bom mìn, sửa chữa cầu, đường trên quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam qua địa bàn Quân khu 5, v.v. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (8/2000), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Là đơn vị công binh hỗn hợp của Quân khu, hiện nay, Lữ đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu; tham gia xây dựng công trình quốc phòng, rà phá vật cản, xây dựng đường tuần tra biên giới; hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ khác. Với tinh thần: người, vũ khí, trang bị khí tài sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn đơn vị và khu vực đóng quân, nhất là trong các ngày lễ, Tết. Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch tác chiến bảo vệ biển, đảo, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ đơn vị, phòng, chống cháy, nổ sát thực tế; thường xuyên luyện tập, xử lý thuần thục các tình huống. Tổ chức huấn luyện, hợp luyện, bảo đảm vượt sông cho các đơn vị của Quân khu trong diễn tập; tham gia xử lý tình huống A2 trong diễn tập khu vực phòng thủ; thực binh xử lý sự cố cháy, nổ, tràn dầu. Nhờ đó, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội không ngừng được nâng lên.

Công tác huấn luyện là một trong những khâu đột phá trọng yếu được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Lữ đoàn tập trung đầu tư xây dựng, củng cố thao trường huấn luyện chiến thuật, mô hình học cụ phục vụ huấn luyện. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch, sát phương châm, nguyên tắc; chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhất là huấn luyện chuyên ngành vượt sông, phân đội làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Hằng năm, Lữ đoàn hoàn thành 100% nội dung, chương trình huấn luyện; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu trở lên (trên 80% khá, giỏi); 100% cán bộ huấn luyện theo phân cấp; trên 90% cán bộ tiểu đoàn, 75% cán bộ trung đội, đại đội huấn luyện khá, giỏi. Từ năm 2011 đến nay, Lữ đoàn luôn đạt Đơn vị huấn luyện giỏi.

Bảo đảm vượt sông trong diễn tập

Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng, nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, bảo đảm tuyệt đối an toàn và bí mật công trình. Tổ chức thi công các công trình sở chỉ huy cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện và hầm pháo 85 mm trong điều kiện hầu hết các công trình đều nằm ở vùng rừng núi, biển, đảo; tính chất công việc nặng nhọc, khối lượng đất, đá đào đắp rất lớn, sâu trong lòng núi. Mặc dù, đối mặt với rất nhiều khó khăn do địa hình rừng núi phức tạp, núi cao, suối sâu, tuyến đường quanh co, vách núi cao hiểm trở, đường vào công trình rất khó khăn, bảo đảm vật tư, vật liệu chủ yếu bằng phương pháp gùi, thồ, thời tiết khắc nghiệt,... nhưng với ý chí quyết tâm cao, phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi”, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, Lữ đoàn thi công và bàn giao 02 tuyến đường tuần tra biên giới; phát tuyến mở đường công vụ hơn 13 km; đào hạ, đắp gần 960.000 m3 nền đường; xây hơn 10.500 m3 ta luy đường; thi công 1.280 m rãnh; đổ 7.886 m3 bê tông nền đường và nhiều cống hộp, cống bản, cống tròn, cọc tiêu,… với chất lượng tốt. Đã bàn giao đưa vào sử dụng 12 công trình sở chỉ huy cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, hầm pháo 85 mm và đang thi công 05 công trình.

Trên mảnh đất duyên hải Nam Trung Bộ (nơi luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt), Lữ đoàn xác định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng cứu, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là “nhiệm vụ chiến đấu”, “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Hằng năm, Lữ đoàn xây dựng kế hoạch, phương án sát thực tế, tổ chức huấn luyện chuyên ngành phục vụ cho công tác này, không để bị động, bất ngờ. Những năm qua, Lữ đoàn đã cử hàng chục lượt phân đội, phương tiện cơ động ứng cứu bão lụt, cùng địa phương thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”2 ngay từ những ngày đầu. Điều động nhân lực, phương tiện vận chuyển nhân dân, hàng cứu trợ, phục vụ cán bộ các cấp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện công tác dân vận, giúp chính quyền và nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, nạo vét bùn, dọn vệ sinh, sửa chữa đường giao thông nông thôn; thu hoạch hoa màu; chằng chống, tu sửa nhà dân, trường học, v.v. Năm 2020, hiện tượng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” gây sạt, lở núi vùi lấp nhiều người tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, sau 22 ngày, đêm dầm mình trong mưa lũ, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn cùng với các lực lượng địa phương và đơn vị bạn đã cứu sống 33 người dân, tìm kiếm 09 thi thể bị vùi lấp. Ghi nhận thành tích của đơn vị, cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện lực lượng thường xuyên phân tán; địa bàn chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, biển đảo, địa hình hiểm trở; điều kiện bảo đảm ăn ở, sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn, tính chất công việc nguy hiểm, độc hại, nặng nhọc, nguy cơ mất an toàn cao. Trong khi đó, số lượng phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, phần lớn thuộc thế hệ cũ, đã xuống cấp, hệ số kỹ thuật thiếu ổn định, cơ sở bảo đảm nhiều mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ. Trước thực tế đó, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “các đơn vị công binh cũng phải dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết vượt mọi khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, kiên quyết tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to hơn nữa”3, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức; tích cực chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết, sâu sát trong chỉ đạo, đề cao dân chủ, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện tốt việc quy hoạch sử dụng, đồng bộ vũ khí, trang bị hiện có; huy động các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực để củng cố, nâng cấp toàn diện mặt bằng công nghệ, trang thiết bị; đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thi công, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng công trình, giảm công sức bộ đội.

Trước thực trạng cán bộ, thợ kỹ thuật của Lữ đoàn còn thiếu về số lượng, chưa cân đối giữa các chuyên ngành; trình độ, tay nghề không đồng đều; thợ kỹ thuật có tay nghề cao còn ít, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật “vừa hồng, vừa chuyên”. Đây là công việc “gốc”, nhân tố trực tiếp quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Hiện thực hóa chủ trương đó, Lữ đoàn thực hiện nghiêm quy định về tổ chức biên chế; đẩy mạnh đột phá xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn. Nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diệnmẫu mực, tiêu biểu”; tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Đảng ủy Lữ đoàn đã ban hành Quy chế lãnh đạo công tác cán bộ sát với tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc trong tuyển dụng nguồn đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật các cấp; kết hợp đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, thực hiện tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng tay nghề tại đơn vị; đề cao tự học, tự bồi dưỡng thông qua thực tiễn công việc. Thường xuyên coi trọng đổi mới phương pháp, tác phong công tác; phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng giản đơn, thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Đề cao trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, phức tạp. Tăng cường kỷ cương, xây dựng đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; sâu sát chỉ huy, cơ quan chỉ đạo tại thực địa.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác: “... cần giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, xe cộ; cần tiết kiệm đạn dược, xăng dầu; cần quý trọng sức của, sức người của nhân dân”4, Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần giữ tốt, dùng bền vũ khí, trang thiết bị, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ canh trực, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình quốc phòng. Chủ động rà soát, đề nghị đưa ra khỏi biên chế trang bị lạc hậu, không còn nguồn vật tư thay thế; làm tốt công tác tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định. Phát huy vai trò trách nhiệm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chính quy công tác kỹ thuật, nâng cao chất lượng “Giờ Kỹ thuật”, “Ngày Kỹ thuật”; gắn công tác bảo đảm kỹ thuật với thực hiện các nội dung, mục tiêu của Cuộc vận động 50. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp, nội dung, quy trình bảo đảm kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nội dung công tác kỹ thuật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định, không để hư hỏng, thất thoát, cháy nổ.

Những kết quả trên là tiền đề, động lực để Lữ đoàn Công binh 270 Anh hùng viết tiếp truyền thống “Tiên phong, xung kích; tích cực, kiên cường; mở đường thắng lợi” bằng những thành tích mới trong thời gian tới.

Đại tá HUNH VĂN CHINH, Chính ủy Lữ đoàn
_________________

1 - Đỗ Hoàng Linh, Văn Thanh Mai – Bác Hồ với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Thanh niên, H. 2009, tr. 19.

2 - Gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 30.

4 - Sđd, tr. 30.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.