QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2013, 16:53 (GMT+7)
Lữ đoàn 242 vững vàng trên tuyến biển, đảo đông bắc Tổ quốc

Ghi sâu lời Bác dặn, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 luôn đoàn kết, tích cực, chủ động, vượt khó vươn lên, giữ vững ý chí chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc.

Năm1961, khi đến thăm quân và dân xã đảo Cô Tô, huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh (nay là huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), Bác Hồ đã căn dặn: “…các đồng chí bộ đội, công an, dân quân cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị, nghiệp vụ và vǎn hoá, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân.”1. Những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lời căn dặn của Bác luôn được cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) thực hiện với tinh thần “Mỗi ngày làm một việc tốt”, đề cao ý thức tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, vững vàng trên tuyến biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc.

Sự vững vàng của CB,CS Lữ đoàn được thể hiện trước hết là về chính trị, tư tưởng. Đóng quân phân tán trên các đảo xa đất liền, xa sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của trên (có đảo cách xa đất liền hàng trăm ki-lô-mét), công tác đảm bảo gặp nhiều trở ngại; khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, trong khi đó, tình hình buôn bán hàng cấm, tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là trên biển và giáp đường biên giới còn diễn biến phức tạp; kinh tế - xã hội phát triển chưa vững chắc, đời sống của nhân dân và bộ đội còn gặp nhiều khó khăn… đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Mặc dù vậy, thấm nhuần tinh thần của Bác về tinh thần vượt khó vươn lên, CB,CS Lữ đoàn vẫn tích cực tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, đồng tâm hiệp lực để thực hiện nhiệm vụ. Từ việc nắm vững tình hình địa bàn, nhiệm vụ của đơn vị và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với vùng biển, đảo nước ta, CB,CS Lữ đoàn luôn đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) để không bất ngờ trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Lữ đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm cho mọi CB,CS, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng các mặt công tác. Nội dung giáo dục trọng tâm là các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của trên về thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác; yêu cầu thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 317-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”… Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được thực hiện thường xuyên, trên cơ sở phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, bằng những hình thức, phương pháp, phương tiện phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung với giáo dục riêng, giữa giáo dục với thực hiện các biện pháp hành chính, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống và gia đình, hậu phương của bộ đội.

Cùng với giáo dục chính trị, tư tưởng, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm xây dựng các tổ chức vững mạnh; đề ra các chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân2, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để CB,CS phấn đấu, rèn luyện. Trong đó, Đảng ủy Lữ đoàn tập trung vào xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, duy trì nghiêm các chế độ, nguyên tắc, nền nếp sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đề ra các biện pháp khắc phục khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chính trị nội bộ; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị. Nhờ đó, hằng năm, Đảng bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Riêng năm 2012, Đảng bộ có 85% CB,ĐV hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm tư cách; 83,2% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh, Lữ đoàn đạt vững mạnh toàn diện; 100% CB,CS yên tâm công tác, không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Sự vững vàng của CB,CS Lữ đoàn còn được thể hiện ở bản lĩnh và ý chí chiến đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh vì sự bình yên của vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc. Điều đó được thể hiện rõ nét ở tinh thần trách nhiệm cao, làm chủ các nội dung, khoa mục, quy trình trong thực hiện nhiệm vụ: SSCĐ, huấn luyện, diễn tập và xử lý các tình huống; sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, phương tiện; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Khi có mệnh lệnh của trên, CB,CS đơn vị đều tổ chức thực hiện nghiêm túc, với quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, kể cả trong những điều kiện khó khăn, phức tạp. Nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị, đảm bảo cho CB,CS vững vàng trên tuyến biển, đảo Đông Bắc, ĐU,CH Lữ đoàn  thường xuyên coi trọng công tác huấn luyện, SSCĐ. Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh huấn luyện, SSCĐ theo đúng chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên; sát với đặc điểm, tình hình địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến. Trong huấn luyện, luôn bám sát phương châm: cơ bản, thiết thực, vững chắc; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; gắn lý thuyết với thực hành, thao trường, bãi tập với chiến trường, huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật phù hợp với điều kiện bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới. Vấn đề được ĐU,CH Lữ đoàn hết sức chú ý trong huấn luyện là phải nâng cao trình độ xử lý tình huống, nhất là tình huống địch đổ bộ lên đảo; xây dựng, luyện tập thành thục các phương án chiến đấu; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tổ chức diễn tập tác chiến theo phương án bảo vệ biển, đảo, diễn tập vòng tổng hợp, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Thông qua đó, trang bị cho CB,CS kiến thức thực tiễn, để khi có tình huống xử lý được ngay, không bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, yếu tố đóng vai trò quyết định là khâu cán bộ. Bởi vậy, trước mỗi mùa huấn luyện, Lữ đoàn đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ với phương châm: cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ bồi dưỡng chiến sĩ theo các khoa mục đã được xác định; kết hợp tập huấn tập trung với tập huấn theo phân đội, chuyên ngành, đảm bảo tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.

Bên cạnh tập huấn về công tác chỉ huy, tham mưu, Lữ đoàn cũng chú trọng huấn luyện nội dung, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hậu cần, kỹ thuật theo phương án tác chiến biển, đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ, quy định SSCĐ, nhất là chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra, canh gác; chủ động phát hiện, kịp thời có biện pháp xử lý các tình huống. Với tinh thần vượt khó, sáng tạo, tích cực trong củng cố thao trường, bãi tập, cải tiến mô hình, học cụ, đến nay, hệ thống các công trình, mô hình học cụ phục vụ cho huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn đã đáp ứng yêu cầu cả trước mắt cũng như lâu dài. Năm 2012, Lữ đoàn đã tổ chức củng cố 17 thao trường kỹ thuật chiến đấu bộ binh, 13 thao trường chiến thuật, 07 bãi thể lực; làm mới 565 bia các loại, 1.246 mô hình học cụ; 72 bộ thiết bị điều khiển bia ẩn hiện bằng phương pháp đổ bia; hoàn thành 840 bộ giáo án huấn luyện… Với việc làm đó, Lữ đoàn đã có điều kiện huấn luyện toàn diện, chuyên sâu; bảo đảm trang bị cho CB,CS hệ thống kiến thức cơ bản, để họ có thể tác chiến trong các điều kiện, tình huống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm đến công tác bảo đảm hậu cần, tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo đảm tốt đời sống, góp phần nâng cao sức khỏe của bộ đội.

Cùng với xây dựng yếu tố con người, ĐU,CH Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác kỹ thuật, bảo đảm cho vũ khí, trang bị, phương tiện luôn trong tình trạng tốt, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng đơn vị. Hiện nay, vũ khí, trang bị, phương tiện của Lữ đoàn do sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Mặt khác, do tác động của môi trường biển nên khí tài nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến kết quả, hiệu suất huấn luyện chiến đấu. Để khắc phục tình trạng đó, ĐU,CH Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ Ngày kỹ thuật, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo xa. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa, điều chỉnh, đồng bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, nâng cao khả năng, trình độ SSCĐ; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, xây dựng ngành Kỹ thuật vững mạnh về mọi mặt. Làm theo lời Bác dạy, CB,CS làm công tác kỹ thuật luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc; cẩn thận, tỉ mỉ trong quản lý, giữ gìn, bảo quản các loại vũ khí, trang bị, phương tiện. Trên cơ sở thực trạng của đơn vị, Lữ đoàn tổ chức thực hiện việc tăng hạn sử dụng đối với các loại vũ khí hiện có; đồng thời, tích cực học tập, làm chủ khí tài mới được trang bị, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật, hệ số chiến đấu cho các loại vũ khí, trang bị, phương tiện của đơn vị.

Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ là thường xuyên củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí. Quán triệt lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Lữ đoàn đã thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường biển. Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, CB,CS Lữ đoàn đã tham gia gần 4.000 ngày công lao động giúp nhân dân làm đường (Đông Xá, Ngọc Vừng), xây dựng đập nước ngọt (Cô Tô), tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ (Vân Đồn), xây kè chắn nước biển, xóa nhà tạm (Thanh Lân), thăm hỏi, chăm sóc, khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách và nhân dân trên địa bàn… Bằng những việc làm thiết thực, CB,CS Lữ đoàn đã tạo dựng được tình cảm tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; tình quân - dân trên vùng biển, đảo ngày thêm gắn bó.

Thực hiện tốt lời Bác dạy năm xưa, 100% CB,CS Lữ đoàn 242 luôn xác định rõ “Đơn vị là nhà, biển, đảo là quê hương”, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, cùng với nhân dân và các lực lượng đóng quân trên địa bàn bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên tuyến biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc.

Thượng tá TRẦN VĂN HOÀNH

Chính ủy Lữ đoàn
___________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 354.

2 - Chuẩn mực đạo đức chung của mọi CB,CS:

1- Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. 2- Kiên quyết đấu tranh các biểu hiện sai trái trong cơ quan, đơn vị; chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế chặt chẽ. 3- Khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chủ động sáng tạo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị và các tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện. 4- Tích cực tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. 5- Lối sống trong sáng, giản dị, yêu thương đồng đội.

Chuẩn mực đạo đức của cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp:

1- Luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực nổi bật của người cán bộ chủ trì, chủ chốt đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. 2- Là hạt nhân đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy và đơn vị. 3- Gương mẫu, tiêu biểu về đạo đức, lối sống và chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm. 4- Phương pháp, tác phong công tác khoa học, dân chủ, kỷ cương. 5- Khiêm tốn, gần gũi, tôn trọng cấp dưới, tận tụy với nhân dân, thương yêu chiến sĩ. 6- Đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.