Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:39 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) không chỉ là việc làm thường xuyên, mà còn là động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 673 vượt khó vươn lên, trở thành một tập thể điển hình tiên tiến được vinh danh cấp toàn quân.
Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới (đợt 1 năm 2013).
Nằm trong đội hình quân đoàn chủ lực, đứng chân trên địa bàn vùng trung du phía Bắc của Tổ quốc, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nổi lên là, trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) không đồng đều, nhất là chiến sĩ mới. Vũ khí, khí tài sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Hậu phương gia đình của một số CB,CS còn khó khăn. Điều kiện bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ có mặt còn hạn chế… Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Lữ đoàn đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao; trong đó, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) là giải pháp chủ yếu, nhằm phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó vươn lên của CB,CS để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Để việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW trở thành việc làm thường xuyên, đạt hiệu quả thiết thực, Lữ đoàn đẩy mạnh công tác giáo dục, làm cho CB,CS nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ nói chung và rèn luyện bản thân nói riêng; đồng thời, nắm chắc nội dung tư tưởng, đạo đức của Bác làm phương châm cho hành động cách mạng. Đơn vị đã lấy hình ảnh Bác Hồ đến tận mâm pháo, ân cần hỏi thăm Bộ đội Phòng không (trong kháng chiến chống Mỹ): “ăn có đủ no không?”, “hằng ngày bữa cơm có thịt cá không?”, “mỗi ngày các chú trực mấy giờ? Ngủ mấy giờ?” để tuyên truyền, giáo dục cho CB,CS thấy được sự quan tâm đặc biệt của Bác với Bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ). Đó chính là “nguồn sức mạnh” để Bộ đội PK-KQ vượt khó vươn lên, quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời được phân công. Trên cơ sở nhận thức đúng yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ủy xác định phải lựa chọn nội dung “làm theo” Bác thật cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm của từng cơ quan, đơn vị, chức trách của từng người. Đối với tập thể, phải hướng vào khắc phục những khó khăn trên từng mặt công tác, đổi mới lề lối làm việc, xây dựng nền nếp công tác chính quy, khoa học. Đối với cá nhân, căn cứ vào tiêu chí về phẩm chất người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ để đăng ký học tập và làm theo, hướng vào khắc phục những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong tổ chức thực hiện, Lữ đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là cán bộ chủ trì các cấp đề cao trách nhiệm, thực hiện nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện và trong mọi hoạt động khác. Đây là yêu cầu cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải vượt qua chính mình để tự giáo dục, rèn luyện phẩm chất, năng lực. Đối với người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, phải luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thực sự là ngọn cờ, hạt nhân đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy, đơn vị; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; gương mẫu, tiêu biểu về đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác; nói đi đôi với làm; chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; trung thực, luôn tự phê bình và phê bình; thực hành tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; khiêm tốn, gần gũi, tôn trọng cấp dưới, tận tụy trong công việc, yêu thương chiến sĩ. Đồng thời, Đảng ủy yêu cầu các cấp phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động của các ngành, tạo phong trào hành động cách mạng sâu, rộng, hướng vào khắc phục khâu yếu, mặt yếu, duy trì tốt nền nếp các hoạt động của đơn vị.
Trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), ĐU,CH Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt, giáo dục cho CB,CS nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn; nắm chắc các yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; nhất là thấm nhuần tư tưởng của Bác: xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xây dựng quyết tâm, đức tính kiên trì, chịu đựng khó khăn, gian khổ cho mọi CB,CS. Là đơn vị phòng không, nên vị trí canh trực trên đồi cao, mùa hè thì nóng, mùa đông thì rét, bộ đội thường có tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, có đồng chí biểu hiện ngại trực SSCĐ… Nhằm khắc phục tình trạng đó, Đơn vị yêu cầu cán bộ các cấp, nhất là cán bộ phân đội phải luôn sâu sát, thường xuyên kiểm tra, bám nắm trận địa, kịp thời động viên bộ đội trong các ca trực, kíp trực, nhất là những ngày cao điểm, thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm cho đơn vị luôn trong trạng thái SSCĐ cao nhất. Thông qua tập huấn hằng năm và trước khi bước vào mùa huấn luyện, Đơn vị đã bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực huấn luyện, quản lý bộ đội cho cán bộ các cấp. Làm theo lời Bác: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, Lữ đoàn đã phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên xung kích vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Nhiều mô hình đã được khẳng định trong thực tiễn, như: “Trận địa Thanh niên” với các tiêu chí: “ý thức cảnh giác cao”, “thuần thục về hành động, động tác”, “nhanh về thời gian”, “nghiêm về kỷ luật”; “Khẩu đội tự quản”; “Khẩu đội điểm giỏi”… Trong huấn luyện, Đơn vị luôn chấp hành nghiêm phương châm, phương pháp, các chế độ canh trực; cán bộ mẫu mực trước chiến sĩ, chiến sĩ cũ có kinh nghiệm kèm cặp chiến sĩ mới… Bằng những cách làm đó, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ cao. Trong hai năm liền (2011 và 2012), Lữ đoàn được Quân chủng PK-KQ và Quân đoàn kiểm tra, đánh giá là đơn vị SSCĐ tốt; được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị Huấn luyện giỏi”.
Tham gia xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát từ đối tượng chiến sĩ chủ yếu là thanh niên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội: có nhận thức nhanh, năng động, song thích tự do, nên trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật có biểu hiện thiếu tích cực, tự giác; nhiều đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa yên tâm công tác. Để khắc phục tình trạng đó, Lữ đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, các khâu, các bước của công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội; chú ý quan tâm, chăm lo, động viên, giúp đỡ đối với những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tinh thần, nhất là đối với chiến sĩ mới, làm cho bộ đội phấn khởi, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. ĐU,CH Lữ đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp nói chung, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên nói riêng phải thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, công tác với bộ đội”, thực sự là “người anh, người chị, người bạn” của chiến sĩ, tạo nên sự gần gũi, yêu thương để bộ đội tin tưởng, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ. Qua đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Đồng thời, duy trì nghiêm túc các chế độ, nền nếp ngày, tuần; tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ con người, vũ khí, cơ sở vật chất; đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Là đơn vị chiến đấu, quản lý một khối lượng vũ khí, khí tài lớn, nên Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác kỹ thuật, với yêu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kịp thời, đầy đủ, tốt nhất cho huấn luyện, SSCĐ. Để làm được điều đó, Đơn vị đã tăng cường giáo dục cho CB,CS nhận thức rõ: vũ khí, trang bị là tài sản, mồ hôi, xương máu của nhân dân nên phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Làm theo lời Bác dạy, mỗi người phải đề cao tinh thần trách nhiệm, cần cù, tỉ mỉ, sáng tạo trong quản lý, bảo quản để sử dụng lâu dài, phát huy tính năng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Toàn đơn vị phải đẩy mạnh Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; các phong trào thi đua: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”1, “Giữ tốt, dùng bền”; duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng ngày, tuần, tăng cường công tác kiểm tra, hội thi, hội thao kỹ thuật, đảm bảo các loại vũ khí, trang bị của đơn vị luôn trong chế độ SSCĐ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Sự vượt khó vươn lên của Lữ đoàn còn thể hiện rõ trong đảm bảo đời sống bộ đội. Bằng tinh thần phát huy nội lực, chủ động, tự lực tự cường; đẩy mạnh phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”,… Đơn vị đã đảm bảo đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng phục vụ CB,CS. Thực hiện chủ trương đơn vị tự đảm bảo lương thực và khắc phục khó khăn do giá cả biến động, Lữ đoàn đầu tư xây dựng nhà máy xay xát để đảm bảo gạo ăn cho Đơn vị. Nhờ đó, có giá gạo rẻ hơn mua ngoài thị trường từ 1.000 đến 1.500 đồng/1kg và trấu được ép thành củi phục vụ đun nấu ở các bếp, bảo đảm tiết kiệm được chất đốt. Ngoài ra, Đơn vị còn tích cực tăng gia, chăn nuôi; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí…, góp phần làm lợi cho ngân sách mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhằm đảm bảo nước uống sạch cho bộ đội, khắc phục nguồn nước uống có nhiều chất vôi, Lữ đoàn đã trích quỹ từ nguồn lãi thu được trong tăng gia, sản xuất và sử dụng lao động của bộ đội để xây dựng Nhà lọc nước tinh khiết2; tập trung chỉ đạo xây dựng “Đơn vị Quân y 5 tốt”, phòng chống dịch, bệnh, tổ chức khám, điều trị kịp thời. Vì vậy, Đơn vị luôn bảo đảm quân số khỏe tham gia công tác theo quy định.
Nhờ đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), CB,CS Lữ đoàn 673, Quân đoàn 2 luôn đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích nổi bật trong hai năm (2011, 2012), Đơn vị được Chính phủ tặng Cờ Thi đua và Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Tháng 8-2013, Lữ đoàn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tuyên dương là Đơn vị Điển hình tiên tiến toàn quân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở để CB,CS Lữ đoàn tiếp tục phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.
Đại tá NGUYỄN NHƯ HUYỀN
Chính ủy Lữ đoàn ________
1 - Các sáng kiến của Lữ đoàn: dụng cụ tháo báng súng tiểu liên AK; giá nâng tháo lắp ô tô đa năng; thiết bị tháo lắp tang phanh ô tô; hệ thống bia bắn súng tiểu liên AK bài 1,… đã đưa vào sử dụng, được Quân đoàn đánh giá cao và nhân rộng.
2 - Lữ đoàn đầu tư xây dựng Nhà lọc nước công suất 500 lít/1h; mỗi giờ tiêu thụ hết 3KW điện (thành tiền khoảng 9.600 đồng).
Lữ đoàn 673,
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam