QPTD -Thứ Hai, 19/12/2022, 07:54 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Nhà máy X48 nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với bộ đội Hải quân: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành”1, Nhà máy X48 đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Nhà máy X48 thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ sửa chữa tàu quân sự, phương tiện thủy, vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu và sản xuất một số vật tư kỹ thuật đặc chủng cho công tác bảo đảm kỹ thuật Hải quân. Những năm gần đây, nhiệm vụ xây dựng Quân chủng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc có sự phát triển; do vậy, nhu cầu bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật Hải quân tăng mạnh. Trong khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng của Nhà máy lạc hậu, trang thiết bị công nghệ cũ, năng suất thấp, năng lực công nghệ có nhiều hạn chế; nguồn vật tư thay thế khan hiếm; đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật biến động, trình độ không đồng đều, nhất là thiếu lực lượng chất lượng cao, v.v. Trước thực tế đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Nhà máy chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ; huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; làm tốt công tác chính sách,… tạo nội lực, sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây chính là nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) mà Đảng bộ Quân chủng và toàn quân đang triển khai tiến hành.

Trước hết, Nhà máy tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các chương trình dự án nâng cao năng lực bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị, khí tài và sản xuất vật tư bảo đảm. Quán triệt Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới và chủ trương xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, Nhà máy kết hợp với cơ quan chức năng tham gia xây dựng, triển khai các dự án: tăng năng lực sửa chữa tàu quân sự; nâng cao năng lực sản xuất vật tư kỹ thuật; cải tạo hạ tầng kỹ thuật; nâng cấp khu hành chính, sinh hoạt; củng cố kho tàng, nhà xưởng, v.v. Qua đó, bổ sung nhiều hệ thống trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật mới vào các dây chuyền sản xuất, như: thiết bị sản xuất bình sinh hàn; khuôn dập chi tiết máy; lò đúc trung tần; khuôn đúc bằng kim loại; các loại máy: cắt plastma, tiện CNC, khoan đế từ, lăn gân, vê mép,… thiết thực tăng năng lực sửa chữa tàu quân sự, đóng mới xuồng nhôm, sản xuất được các loại vật tư, phụ tùng có yêu cầu kỹ thuật, độ chính xác cao, như: các loại bình sinh hàn dầu nước; bình sinh hàn hệ thống làm lạnh trên tàu; điện cực chống ăn mòn cho vỏ tàu và các chi tiết tiếp xúc với nước biển trên tàu, v.v.

Bắn nghiệm thu pháo sau bảo dưỡng, sửa chữa

Nhà máy phối hợp tốt với các cơ sở kỹ thuật trong và ngoài Quân đội để chia sẻ thông tin, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa chi tiết máy, sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật, phục vụ tốt cho hoạt động sửa chữa cơ động, nhất là trao đổi kinh nghiệm, xác định nhu cầu kỹ thuật thực tế, đề ra hướng phát triển đúng cho nền công nghệ, kỹ thuật. Cùng với đó, Nhà máy duy trì nghiêm nền nếp chế độ bảo quản, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị theo đúng niên hạn, chu kỳ khai thác, kịp thời khắc phục 100% hư hỏng đột xuất; bảo đảm vật tư sửa chữa đúng tiến độ, chất lượng; duy trì đều đặn, chất lượng ngày, giờ kỹ thuật,… đáp ứng yêu cầu giữ tốt, dùng bền, khai thác hiệu quả cơ sở, trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật đã đầu tư. Từ năm 2012 đến 2021, Nhà máy sửa chữa nhỏ, cấp đốc 111 lượt vũ khí, tàu, 165 bộ khí tài; sản xuất 105 bình sinh hàn, gần 32.000 điện cực chống ăn mòn, v.v.

Để “không ngừng tiến bộ” theo lời dạy của Bác, Nhà máy tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chất lượng cao. Theo đó, trong từng lĩnh vực, khâu sản xuất, sửa chữa, chú trọng lựa chọn, bố trí lao động theo đúng năng lực, sở trường, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; ưu tiên vị trí kiểm tra chất lượng, nghiệm thu sản phẩm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, cùng với gửi cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi đào tạo nâng cao tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội, tập huấn ở cấp trên và duy trì tốt chế độ thi nâng bậc thợ, Nhà máy đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng tại đơn vị cho đối tượng chính là đội ngũ thợ mới ra trường, ít kinh nghiệm. Tập trung vào các nội dung mới, còn yếu, như: an toàn, vệ sinh lao động; làm chủ trang thiết bị mới, dây truyền sản xuất kẽm chống ăn mòn; khai thác hiệu quả các loại máy: hàn nhôm, cắt plasma CNC, phay CNC, cắt dây; nhất là sử dụng trung tâm gia công CNC, v.v. Đối với thợ kỹ thuật, chú trọng hướng dẫn, cầm tay chỉ việc trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành trang thiết bị bảo đảm cho lực lượng này nắm chắc quy trình, nguyên công, nhất là đạt độ chính xác cao. Đối với cán bộ, khuyến khích tự nghiên cứu tài liệu, tiếp thu công nghệ mới, phối hợp với nhân viên kỹ thuật đi sâu thực hành các nội dung công việc phức tạp, đòi hỏi tư duy phân tích cao. Để đạt hiệu quả cao, Nhà máy chỉ đạo các cơ quan, phân xưởng xây dựng kế hoạch huấn luyện hằng năm theo nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật và tổ chức huấn luyện cả trước, trong, sau thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “thiết thực, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả”. Đồng thời, chú trọng tổ chức các hội thi, hội thao kiểm tra năng lực độc lập khai thác trang thiết bị công nghệ và cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Giai đoạn 2012 - 2021, Nhà máy huấn luyện được hơn 1.600 lượt người; trong đó, bồi dưỡng thi thợ bậc thấp 145 lượt, bậc cao 70 lượt, cấp chứng chỉ độc lập khai thác trang thiết bị cho 110 lượt người; huấn luyện chuyên sâu về: sửa chữa máy tàu 18 người, công nghệ đúc 5 người, gia công cơ khí 10 người, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng đội ngũ. Nhờ đó, các khâu sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa làm đến đâu chắc nguyên công đó, hạn chế phế phẩm, lãng phí vật tư, công sức.

Thấu triệt lời dạy của Bác: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động…”2, thời gian qua, Nhà máy đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động khoa học - công nghệ, tạo bước đột phá trong tiết kiệm chi phí và làm chủ vũ khí, trang bị mới. Trên cơ sở kế thừa truyền thống tự lực, tự cường, tự nghiên cứu phục vụ công tác và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nhà máy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gắn với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Trong đó, hướng trọng tâm vào nghiên cứu các đề tài tăng năng suất lao động, chất lượng sửa chữa tàu quân sự, sản xuất vật tư kỹ thuật; chuyển đổi, áp dụng công nghệ nội địa, tự chủ trong cải tiến, hiện đại hóa, bảo đảm kỹ thuật. Hằng năm, Hội đồng khoa học Nhà máy xây dựng kế hoạch, tổ chức cho cơ quan, đơn vị đăng ký đề tài, sáng kiến; tiến hành thẩm định, giao nhiệm vụ chính thức; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ và triển khai thêm các đề tài mới, phát sinh trong tiến trình thực hiện. Đồng thời, xây dựng nhóm nghiên cứu cho các đề tài cùng chuyên ngành, chuỗi sản xuất, chuỗi công nghệ để phối hợp thực hiện, giúp tiết kiệm vật tư, thời gian, dễ dàng hỗ trợ tri thức. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của hoạt động khoa học, công nghệ trong quá trình tự chủ về kỹ thuật, loại bỏ sự phụ thuộc nước ngoài, nhất là khi chuỗi cung ứng đứt gẫy, khan hiếm vật tư kỹ thuật. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cán bộ, nhân viên kỹ thuật đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ và tích cực nghiên cứu, sáng tạo, hỗ trợ hoàn thành trước thời hạn nhiều đề tài, sáng kiến, như: chế tạo bình sinh hàn nước Klimat; hoàn thiện quy trình sản xuất protector chống ăn mòn kim loại cho tàu; thiết kế, chế tạo hệ thống điện cực chống ăn mòn ICAF; thiết kế, chế tạo tháp tản nhiệt cho lò đúc trung tần, v.v. Giai đoạn 2012 – 2021, Nhà máy có 117 đề tài cơ sở được công nhận, trong đó có 05 đề tài đạt giải cấp Quân chủng; 02 đề tài đạt giải Nguyễn Phan Vinh và 01 đề tài đạt giải sáng tạo trẻ toàn quân; biên soạn, ứng dụng 40 bộ quy trình công nghệ, v.v. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật không những tháo gỡ khó khăn về bảo đảm vật tư kỹ thuật, khai thác trang bị hiện đại mà còn góp phần hoàn thiện quy trình khai thác trang thiết bị công nghệ mới đầu tư; nâng cao trình độ, tay nghề, nhất là đổi mới tư duy dám nghĩ, dám làm cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật.

Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả công tác và “tiết kiệm sức người, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của Nhà nước...”3, Nhà máy tập trung nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động bảo đảm kỹ thuật. Trước hết, đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý kỹ thuật, tiến độ các hoạt động; duy trì nghiêm chế độ lập và quản lý kế hoạch, giao ban, báo cáo kết quả thực hiện, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, hạn chế chồng chéo công tác. Đồng thời, quy hoạch tốt mặt bằng nhà xưởng, phân khu chức năng, sẵn sàng đầu tư, phát triển nhà xưởng, lắp đặt thiết bị mới. Quy định vị trí đặt các trang thiết bị công nghệ, nơi để vật tư, dụng cụ, phụ tùng sau tháo dỡ; bổ sung đủ các bảng nội quy, quy tắc an toàn, yêu cầu sử dụng máy móc, thời gian biểu, chức trách nhiệm vụ, phiếu quy trình công nghệ, tài liệu kỹ thuật ở từng vị trí công tác,… để tiết kiệm công di chuyển vật chất, nhân lực, tra cứu tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản suất, sửa chữa. Quá trình thực hiện được quy định tròn khâu, từ công tác khảo sát, lập dự toán; cung ứng vật tư; bảo dưỡng, sửa chữa; theo dõi, ghi nhật ký hoạt động của máy móc,… đến kiểm tra từng nguyên công, sản phẩm, hạn chế sản phẩm lỗi. Nhà máy cũng đã xây dựng kế hoạch, tiến độ sửa chữa máy móc; thực hiện nghiêm chế độ bảo quản sau giờ làm việc; bảo dưỡng, kiểm định kịp thời trang bị công nghệ, nhất là các thiết bị yêu cầu độ an toàn cao; ứng dụng hệ thống đánh giá chất lượng hoàn thành công việc cá nhân và quản lý tốt công lao động, góp phần duy trì tốt tiến độ mọi hoạt động, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và kinh phí.

Cùng với các giải pháp trên, Nhà máy X48 luôn coi trọng, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cho “người lính thợ” về đạo đức nghề nghiệp; thực hiện tốt các chế độ bồi dưỡng, trợ cấp đặc thù và công tác chính sách để duy trì sức khỏe, tinh thần làm việc, giữ chân, thu hút nhân tài, củng cố nền tảng con người, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá TRẦN ĐÌNH TUYÊN, Giám đốc Nhà máy
__________________

1 - Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 202.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 97.

3 -Sđd, Tập 15, tr. 74.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.