QPTD -Thứ Năm, 20/02/2020, 12:11 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Ngành Kỹ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc vượt khó vươn lên đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”1, ngành Kỹ thuật Thông tin đã làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông tin liên lạc quân sự, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Quân đội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đối với Bộ đội Thông tin liên lạc, công tác kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp bảo đảm cho hệ thống thông tin liên lạc hoạt động thông suốt, vững chắc. Ý thức sâu sắc vấn đề đó, 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Kỹ thuật Binh chủng Thông tin luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vừa xây dựng, vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu và chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật thông tin, góp phần quan trọng vào thành tích vẻ vang của Bộ đội Thông tin liên lạc anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đã tác động lớn đến yêu cầu xây dựng Binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, đặt ra cho ngành Kỹ thuật Thông tin cả thời cơ thuận lợi và không ít khó khăn thách thức. Cùng với việc phải bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông tin liên lạc với nhiều chủng loại trang bị, phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, bắt đầu xuống cấp, vật tư thay thế khó khăn, Binh chủng còn đưa vào khai thác nhiều loại trang bị thông tin mới hiện đại, nhiều loại có công nghệ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Vì lẽ đó, nhu cầu bảo đảm kỹ thuật tăng mạnh, số lượng trang bị và mạng lưới thông tin cần sửa chữa, nâng cấp, đồng bộ rất lớn. Việc bảo đảm kỹ thuật cho khí tài, trang bị thế hệ mới rất phức tạp, yêu cầu khắt khe, công tác nghiên cứu làm chủ khai thác và bảo đảm kỹ thuật khó khăn. Trong khi đó, tổ chức lực lượng Ngành kỹ thuật, năng lực của hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật ở các cấp nhiều mặt chưa theo kịp, khả năng bảo đảm ngân sách, vật tư phụ tùng còn hạn chế, v.v. Thực hiện lời dạy của Bác: “Phải thấy trước, lo trước”2, do nắm vững tình hình ngành Kỹ thuật Binh chủng đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kỹ thuật; đồng thời, trực tiếp triển khai nhiều chủ trương, biện pháp về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước hết, tập trung nghiên cứu, thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác tổ chức bảo đảm trang bị thông tin liên lạc trong toàn quân, phù hợp với thực tiễn đất nước, Quân đội. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, trực tiếp là Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011 - 2020, Ngành đã tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng quy hoạch trang bị thông tin theo hướng giảm chủng loại, kiên quyết loại bỏ các trang bị lạc hậu, tập trung đầu tư trang bị hiện đại, tăng cường nội địa hóa trang bị thông tin quân sự, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, điều kiện của đất nước và nghệ thuật quân sự. Thực hiện đồng bộ hóa, hiện đại hóa trang bị thông tin liên lạc cho các đơn vị; trước mắt, tập trung cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, các khu vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao. Với trang bị có thể tự sản xuất trong nước, Ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, định hướng các cơ sở sản xuất có năng lực như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Tecapro, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, Nhà máy Z755,… đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tập trung sản xuất trang bị thông tin có tính năng hiện đại để hạn chế nhập ngoại3. Hiện nay, các trang bị thông tin cấp chiến dịch, chiến thuật cơ bản đã được sản xuất trong nước, nên hoàn toàn chủ động bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm an ninh quân sự. Cùng với đề nghị loại khỏi biên chế những trang bị kỹ thuật thế hệ cũ, không còn nhu cầu sử dụng, Ngành tham mưu, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp trang bị hệ cũ còn khả năng sử dụng; tiếp nhận, tổ chức sửa chữa, đồng bộ, đưa vào khai thác trang bị thông tin hết khấu hao từ các doanh nghiệp viễn thông để tăng cường năng lực cho hệ thống, bảo đảm đủ trang bị cho các đơn vị.

“Đã có cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác Thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới,...”4. Khắc ghi lời Bác dạy, Ngành tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cho trang bị thông tin với phương châm “làm chủ công nghệ”, “chủ động bảo đảm”. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngành điện tử viễn thông phát triển rất mạnh, nhiều trang bị mua của nước ngoài có vòng đời công nghệ ngắn, bảo đảm kỹ thuật phức tạp, khó khăn, tốn kém, Ngành đã tìm tòi sáng tạo nhiều biện pháp, giải pháp tiến hành thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật, phù hợp với tình hình cụ thể như: đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật từ sửa chữa thay thế linh kiện sang thay thế khối, bảng mạch; đẩy mạnh phân cấp bảo đảm kỹ thuật cho đơn vị, phát huy hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cơ động; tạo nguồn vật tư dự phòng tại chỗ, v.v. Đặc biệt, đã tham mưu cho Binh chủng huy động các nguồn lực tập trung đầu tư5, nâng cao toàn diện năng lực bảo đảm kỹ thuật các cấp, tạo thành hệ thống bảo đảm có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau. Đến nay, hệ thống cơ sở sửa chữa kỹ thuật thông tin đã sửa được trên 95% hư hỏng của các trang bị có trong biên chế, bảo đảm chất lượng ổn định, độ tin cậy cao; các cơ sở đầu ngành về kỹ thuật thông tin trong Quân đội đã sửa chữa được trang bị thông tin công nghệ cao, làm chủ phần mềm hệ điều hành, chế tạo được nhiều loại bảng mạch tương đương để thay thế vật tư nhập ngoại. Ngành còn phối hợp các đơn vị tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống an toàn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật tẩm phủ bảng mạch, kỹ thuật bọc kín kết hợp tản nhiệt để giảm tác động xấu của môi trường đến trang bị, nhờ đó tỷ lệ hỏng đã giảm từ trên 30% xuống dưới 10%, đồng thời nâng cao tuổi thọ và độ tin cậy của trang bị, nhất là ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, Ngành đang tích cực triển khai thí điểm thực hiện giải pháp bảo đảm kỹ thuật theo niên hạn vòng đời6 cho trang bị thông tin đang khai thác tại khu vực biển, đảo, bước đầu đã cho kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho công tác bảo đảm kỹ thuật trong giai đoạn tới.

Khi hệ thống thông tin liên lạc quân sự ngày càng được đầu tư nhiều trang bị thế hệ mới tiên tiến, hiện đại thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có đủ khả năng quản lý, khai thác và thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật càng đặt ra nhu cầu cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó và thấm nhuần lời dạy của Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Ngành chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cục Kỹ thuật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng rà soát, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn kỹ thuật có chất lượng toàn diện cả về phẩm chất chính trị, trình độ chỉ huy quản lý, năng lực hoạt động thực tiễn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đầu ngành; phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm 95% qua đào tạo đúng cương vị; đồng thời, tiến hành rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật theo đúng chuyên nghiệp quân sự; đào tạo lại số nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở các ngành nghề dôi dư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các cơ sở bảo đảm kỹ thuật thông tin chiến lược, chiến dịch, đội ngũ thợ kỹ thuật giỏi ở đơn vị cơ sở. Cùng với đó, đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, nhất là lĩnh vực chuyên sâu, mũi nhọn; có cơ chế thu hút, tuyển dụng cán bộ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chuyên ngành điện tử, viễn thông, khoa học máy tính, công nghệ thông tin,... có đủ tiêu chuẩn vào làm việc. Nhờ đó, Binh chủng duy trì vững chắc chất lượng hệ thống thông tin liên lạc, đáp ứng tốt yêu cầu của người chỉ huy trong cả hoạt động thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu và xử lý các tình huống, nhất là ở biên giới, biển, đảo và các địa bàn trọng điểm.

Phát huy kết quả và kinh nghiệm đạt được, thời gian tới, Ngành Kỹ thuật thông tin tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với thực hiện Cuộc vận động 50, nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật cho trang bị thông tin toàn quân, để công tác chỉ huy các cấp luôn được “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Thượng tá VŨ HỮU HANH, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng

____________

1 - Lịch sử Bộ đội Thông tin liên lạc, Tập 1, 1930 - 1955, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, H. 1982, tr. 05.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 180.

3 - Viettel đã sản xuất được 13 loại máy vô tuyến điện sóng ngắn và cực ngắn; Tecapro đã sản xuất các loại tổng đài TDM, tổng đài cơ động kết hợp công nghệ IP và TDM.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 544.

5 - Từ năm 2014 - 2019 đã đầu tư sửa chữa hạ tầng cho 100% cơ sở sửa chữa thông tin chiến dịch; cải tạo nâng cấp hạ tầng cho 235 cơ sở sửa chữa thông tin chiến thuật; bổ sung gần 1.000 trang thiết bị công nghệ cho các cơ sở sửa chữa và tổ sửa chữa thông tin cơ động.

6 - Bảo đảm đầy đủ một lần về phụ tùng, đồng bộ, vật tư tiêu hao để trang bị hoạt động bình thường, tin cậy từ đầu đến hết tuổi thọ quy định.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.