QPTD -Thứ Năm, 12/12/2013, 22:20 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, lực lượng vũ trang Quân khu 5 thực hiện tốt mô hình “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Quân khu 5 đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” là một mô hình có ý nghĩa thực tiễn to lớn, làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đến từng hộ nghèo
thực hiện “4 cùng”, giúp dân thoát nghèo
. (Nguồn: qdnd.vn).

Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một nội dung rất quan trọng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (ĐU,BTL) Quân khu 5 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ là thực hiện tốt công tác dân vận (CTDV). Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1, các đơn vị của Quân khu đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động, đưa CTDV đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với tiếp tục thực hiện tốt những hình thức đã được triển khai, như: giao địa bàn làm CTDV cho các đơn vị ở các xã đặc biệt khó khăn; chăm sóc gia đình chính sách; kết nghĩa; tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng Quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”; tổ chức cho bộ đội ăn Tết Nguyên đán với nhân dân; xây dựng Nhà Đồng đội, Nhà Tình nghĩa,... ĐU,BTL Quân khu chủ trương: “Các tiểu đoàn đủ quân và đơn vị tương đương đứng chân ở địa phương mỗi năm có trách nhiệm tham gia xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Năm 2011, chủ trương trên được cụ thể hóa thành mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” và được triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng, tổ chức thực hiện có nền nếp, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, muốn giúp dân xóa đói giảm nghèo (XĐGN) một cách bền vững, thì phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của dân, tìm ra được những cái dân cần, hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ chưa thoát đói, nghèo. Trên cơ sở đó, từng bước tuyên truyền, hỗ trợ, giúp dân khắc phục khó khăn, tự vươn lên vượt nghèo bằng chính nghị lực, trí tuệ và công sức của mình. Thời gian qua, mặc dù Quân khu đã triển khai nhiều nội dung, chương trình giúp dân XĐGN, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn; cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng một bộ phận đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ địa kháng chiến cũ. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vẫn là do bộ đội chưa nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, khả năng của từng hộ đói, nghèo, nên chưa có được những hình thức giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Nhận thức rõ điều đó, làm theo tấm gương suốt đời vì nước, vì dân của Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã thường xuyên quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Bác đối với cán bộ làm CTDV là phải: “... óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”1, bám sát thực tiễn, thường xuyên “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với nhân dân; chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” do các đơn vị cấp tiểu đoàn đủ quân và tương đương thực hiện, nhằm giúp đỡ từng hộ dân thoát đói nghèo, ổn định cuộc sống.

Để thực hiện Mô hình có hiệu quả, ngay từ đầu, ĐU,BTL Quân khu đã yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo các tiểu đoàn đủ quân và tương đương, tích cực, chủ động bám sát cơ sở, chức năng, đặc điểm hoạt động của đơn vị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình đời sống của từng hộ dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng khảo sát kỹ thực trạng, nguyên nhân từng hộ đói, hộ nghèo; nhu cầu, khả năng, nguyện vọng tham gia Mô hình; xây dựng nội dung, cách thức giúp đỡ nhân dân thoát đói nghèo một cách vững chắc. Việc thực hiện Mô hình của các đơn vị đối với từng hộ phải hoàn thành trong 01 năm, sau đó chuyển sang hộ khác. Quy trình thực hiện mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” được bắt đầu từ việc lựa chọn đối tượng. Theo đó, đối tượng tham gia Mô hình nhất thiết phải là những hộ thuộc diện đói nghèo theo tiêu chí của Chính phủ2; hoặc theo tiêu chí của địa phương (nếu địa phương xây dựng tiêu chí nghèo đói riêng). Đồng thời, đảm bảo các điều kiện, như: có người lao động chính, có tư liệu sản xuất (hoặc không), nhưng vì không có vốn, năng lực và kinh nghiệm chuyển đổi cách làm ăn để thoát nghèo. Quân khu lưu ý, không chọn những hộ thiếu khả năng đảm bảo các yêu cầu an toàn về vốn; không có hướng phát triển hoặc làm những nghề trái với những quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện Mô hình, các đơn vị tập trung hỗ trợ hộ đói nghèo về: sức sản xuất (công sức của bộ đội), kỹ thuật, giống, vốn, phương tiện; liên hệ, phối hợp với ngân hàng giới thiệu họ vay vốn theo quy định, hoặc bằng tín chấp,... Như vậy, mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” coi trọng việc giúp nhân dân “cái cần câu” và chỉ cho họ “cách câu” để thoát đói nghèo bằng chính năng lực của họ, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và địa bàn.

Để đảm bảo việc lựa chọn đối tượng tham gia Mô hình đáp ứng yêu cầu đề ra, các đơn vị căn cứ vào sự giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp huyện (thị, thành phố) và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương; trên cơ sở đó, tổ chức khảo sát, thẩm định, nắm vững nguyện vọng của đối tượng, cùng địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo quý, năm. Trong kế hoạch thực hiện Mô hình, chú trọng làm rõ việc hỗ trợ cái gì trước, cái gì sau, mốc thời gian hoàn thành…; đồng thời, lập biên bản giao kết 03 bên (địa phương, đơn vị, gia đình), làm căn cứ để các bên đều có trách nhiệm thực hiện. Sau đó, các đơn vị cử lực lượng trực tiếp giúp từng hộ đói nghèo theo giao kết. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ thêm về nguồn vốn, nhân lực và thẩm định, đánh giá kết quả.

Cùng với việc xác định đúng đối tượng, vấn đề tiếp theo là xác định hình thức hỗ trợ cho các hộ nghèo, trước hết là về vốn sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị của Quân khu đã kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” với các mục tiêu, chỉ tiêu của các phong trào, cuộc vận động, mô hình dân vận khác, như: “đỡ đầu” xã, thôn nghèo trên địa bàn dân vận được trên giao; xây dựng “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”, Quỹ Từ thiện, Quỹ Phúc lợi,… Qua đó, tạo nguồn lực tổng hợp cho công tác XĐGN đạt hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài việc giúp các hộ đói, nghèo bằng các nguồn vốn do cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp, các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các ngân hàng cùng chung sức thực hiện mục tiêu đề ra.

Với quyết tâm chính trị cao, theo lời dạy của Bác, cấp ủy các đơn vị đã đưa việc thực hiện Mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm; kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên (CU,CTV), người chỉ huy và cơ quan chính trị; coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của bộ đội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng trong triển khai, thực hiện Mô hình. Do đó, việc triển khai, thực hiện Mô hình luôn bảo đảm chặt chẽ, theo đúng kế hoạch đề ra, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Các đơn vị đã thường xuyên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lựa chọn cách giúp hộ đói, nghèo một cách thiết thực, từng bước đưa Mô hình đi vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu, rộng trong toàn Quân khu. Với các đơn vị đóng quân trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc hỗ trợ được thực hiện bằng cách chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ đói nghèo tái định cư, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; kết hợp vừa tuyên truyền, vừa “cầm tay chỉ việc”, “4 cùng” với đồng bào, nên Mô hình đã được đông đảo hộ đói nghèo tham gia tích cực. Với các đơn vị đóng quân ở địa bàn trung tâm huyện (thị xã, thành phố), ven biển, các đơn vị giúp họ về vốn (của đơn vị, hoặc giới thiệu ngân hàng vay vốn tín chấp) để buôn bán nhỏ, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phương tiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi, tăng năng lực đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản,... Kể từ khi làm thí điểm (năm 2011) đến nay, 100% đầu mối trực thuộc Quân khu, thông qua Mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” đã nhận và giúp đỡ 264 hộ (đạt 307,97% chỉ tiêu); trong đó, đã giúp được 114 hộ xóa nghèo, 29 hộ làm ăn phát triển, trả được vốn. Các đơn vị làm tốt, vượt chỉ tiêu, như: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (18 hộ nghèo/02 chỉ tiêu); Sư đoàn 2 (14 hộ nghèo/04 chỉ tiêu),... Những kết quả trên đã góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực; “thế trận lòng dân” ngày càng được tăng cường; hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới ngày càng tỏa sáng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Quân khu vẫn còn những hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như cấp ủy, CU,CTV, người chỉ huy nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, quy trình tổ chức thực hiện Mô hình. Việc khảo sát, lựa chọn đối tượng, cách thức giúp dân có lúc, có nơi chưa thật phù hợp, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức,... Để khắc phục tình trạng đó, ĐU,BTL Quân khu yêu cầu cấp ủy, CU,CTV, người chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị phải tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Mô hình, đưa công tác này trở thành nội dung lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, kế hoạch công tác của CU,CTV, người chỉ huy, nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Việc thực hiện Mô hình phải được đưa vào chỉ tiêu của phong trào Thi đua Quyết thắng; kết quả thực hiện phải được xem là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chỉ huy và các đơn vị. Đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục những vấn đề nảy sinh; vừa giúp đỡ xóa đói, thoát nghèo cho đối tượng mới, vừa tiếp tục theo dõi, giám sát giúp đỡ đối tượng cũ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để các hộ đói nghèo phấn đấu, vươn lên thoát đói nghèo bền vững. Cùng với đó, các đơn vị cần chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện Mô hình. Thông qua nghị quyết liên tịch và các kế hoạch công tác liên ngành, các đơn vị chủ động cử cán bộ chuyên trách, đại diện đơn vị phối hợp với địa phương cùng khảo sát, thẩm định đến từng đối tượng. Mặt khác, phải làm tốt công tác sơ kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, điển hình tiên tiến; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Mô hình.

Mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” là việc làm thiết thực của lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong học tập và làm theo tấm gương suốt đời vì dân, vì nước của Bác Hồ; là một hình thức “dân vận khéo” nhằm giúp dân XĐGN, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đưa phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đi vào cuộc sống. Thực hiện tốt Mô hình là trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng, trước hết là của cấp ủy, CU,CTV, người chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị thuộc Quân khu; là nội dung cần đẩy mạnh, nhân rộng trong thời gian tới.

Thiếu tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG

Chính ủy Quân khu
_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, Tập 5, tr. 699 - 700.

2 - Tiêu chí của Chính phủ: Hộ trên địa bàn nông thôn, thu nhập bình quân 260.000đ đến 400.000đ/người/tháng; địa bàn thành thị là 600.000đ người/tháng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.