QPTD -Thứ Bảy, 04/07/2015, 22:40 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Lữ đoàn Không quân 918 thực hiện tốt công tác an toàn bay

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy đối với Bộ đội Không quân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Không quân 918 luôn có những việc làm thiết thực, góp phần bảo đảm công tác an toàn bay, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải hàng không quân sự trong mọi tình huống.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP kiểm tra việc khai thác, sử dụng máy bay CASA-212

Lữ đoàn Không quân 918 (tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) ra đời ngày 05-7-1975. Chỉ sau 10 năm thành lập, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 29-8-1985, Đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ vùng trời thời kỳ đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Lữ đoàn luôn giữ vững và phát huy truyền thống, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nằm trong đội hình của Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, nhiệm vụ của Lữ đoàn là xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cơ động, vận chuyển khí tài quân sự theo yêu cầu của Quân chủng và Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, các lực lượng của Đơn vị đóng quân phân tán, việc quản lý rất khó khăn, phạm vi hoạt động rộng, nhiều nhiệm vụ đột xuất; đội ngũ phi công, thành viên bay tuổi đời bình quân cao, trình độ khai thác, sử dụng trang thiết bị máy bay theo lứa tuổi không đồng đều; vũ khí, trang bị, kỹ thuật Lữ đoàn quản lý, sử dụng gồm nhiều chủng loại, phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ và hệ số kỹ thuật thiếu ổn định, hay phát sinh hỏng hóc, vật tư, linh kiện thay thế khan hiếm; công tác bảo đảm có mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ, v.v.

Trước tình hình trên, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn xác định phải chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm tốt công tác an toàn bay; trong đó, vấn đề hàng đầu là thường xuyên coi trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, phi công, thành viên tổ bay. Khắc ghi lời khen của Bác “… các đồng chí lái máy bay đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công, hạ nhiều máy bay giặc Mỹ. Các đồng chí cán bộ và nhân viên không quân ta đều có tinh thần trách nhiệm cao, tất cả để chiến thắng”1, hằng năm, bên cạnh việc thực hiện tốt chương trình giáo dục chính trị theo Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” cho các đối tượng theo quy định của trên, Lữ đoàn còn chú trọng giáo dục truyền thống, nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu, điều hành bay chặt chẽ; đồng thời, làm rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn bay, huấn luyện bay, thực hiện nghiêm Điều lệ bay, Điều lệ an toàn bay và các quy định bảo đảm trong bay cho các đối tượng, nhất là đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật, chỉ huy, điều hành bay, v.v. Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn còn đẩy mạnh thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, chức trách của từng cá nhân. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong nghị quyết lãnh đạo hằng tháng của các cấp ủy và là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng trong Lữ đoàn. Nhờ đó, làm cho các giá trị, chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu trong suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Đơn vị, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin vào vũ khí, khí tài và tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị và thực hành bay.

Xác định đội ngũ cán bộ, phi công, thành viên bay là “gốc” của mọi công việc, có vai trò quyết định đến thành công của mỗi chuyến bay, nên Đơn vị luôn lãnh đạo phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác bảo đảm an toàn bay, nhất là người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp theo phương châm: trên làm trước, dưới làm sau; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Nhiều đồng chí cán bộ chủ trì đã trở thành tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động trong công việc để bộ đội noi theo; đồng thời, luôn luôn sâu sát cấp dưới, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu phê bình của quần chúng và có quyết tâm sửa chữa, khắc phục hạn chế, thiếu sót. Trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là trước mỗi chuyến bay, ban bay, đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên gần gũi cấp dưới, nắm tâm tư, hoàn cảnh, những suy nghĩ làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn bay để động viên, chia sẻ, giúp đỡ, cùng khắc phục khó khăn trong cuộc sống và công việc; nghiêm khắc đấu tranh phê bình với những nhận thức lệch lạc, việc làm sai, thiếu dân chủ, khách quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đã tập trung lãnh đạo các tổ chức quần chúng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để động viên, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện các mặt công tác phục vụ cho nhiệm vụ bay. Cùng với đó, công tác kiện toàn, củng cố các tổ chức đảng, hoàn thiện quy chế lãnh đạo, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện,... được Lữ đoàn tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, bảo đảm cho các cấp ủy, tổ chức đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết trong đơn vị.

Hiện nay, Đảng bộ Lữ đoàn tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp theo đúng biểu biên chế, ưu tiên đơn vị mới thành lập (Phi đội Casa-212 và Đại đội kỹ thuật Hàng không Casa-212); chủ động xây dựng và thực hiện phương án điều chỉnh đội hình, tăng cường lực lượng, phương tiện cho phía Nam theo yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình đó được thực hiện dân chủ, đúng nguyên tắc, phát huy trách nhiệm, ý thức nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sau khi được kiện toàn, nên luôn giữ vững ổn định đơn vị, tạo động lực thúc đẩy mọi cán bộ, phi công, thành viên bay và các lực lượng bảo đảm nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Kiểm tra máy bay trước khi làm nhiệm vụ

Thấm nhuần lời dạy của Bác và để hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải đường không, bảo đảm an toàn tuyệt đối, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ khí, trang bị, kỹ thuật, nhất là máy bay thế hệ mới. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy các cấp thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chủ trương, kế hoạch, biện pháp sát với tình hình thực tế của đơn vị. Thực hiện phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, Lữ đoàn tập trung huấn luyện theo hướng cơ bản, đồng bộ, chuyên sâu theo nhiệm vụ, huấn luyện trên không, mặt đất và huấn luyện chuyên ngành sát tình huống, đối tượng; lấy huấn luyện đội ngũ cán bộ làm then chốt, huấn luyện bay, huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy là trọng tâm; coi trọng huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, kỹ thuật có trong biên chế, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật thế hệ mới, khí tài cải tiến. Bám sát tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới - Thiết thực - Thận trọng - An toàn” trong huấn luyện bay của Quân chủng, Lữ đoàn tăng cường huấn luyện theo các nhiệm vụ, bay đêm, bay biển; nhất là bay chuyển tiếp chỉ huy, trinh sát, quan sát biển, chụp quét Lidar, cứu hộ, cứu nạn, thông báo bão trên biển, v.v. Trong đó, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường, bay ứng dụng chiến đấu trong điều kiện khí tượng phức tạp; cất, hạ cánh trên các sân bay có đường băng ngắn, hẹp và trên đảo; bay dẫn đường kết hợp quan sát, trinh sát nhận dạng mục tiêu trên biển và hiệp đồng chiến đấu với các quân chủng, binh chủng, lực lượng có liên quan cho các đối tượng phi công, nhất là đội ngũ phi công trẻ. Cùng với đó, Lữ đoàn duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tích cực tổ chức luyện tập các phương án, kế hoạch chiến đấu; tăng cường báo động kiểm tra đột xuất về khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt “bốn biết”2 trong quản lý vùng trời và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống trên không, trên biển, không để bất ngờ, lỡ thời cơ. Do huấn luyện tốt, nên trong thực hiện nhiệm vụ bay vận tải những năm gần đây, Lữ đoàn đạt an toàn tuyệt đối và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay cứu trợ cho đồng bào bị bão lũ, thiên tai,… được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban phòng, chống lụt bão Trung ương, Tư lệnh Quân chủng tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Đặc thù nhiệm vụ bay của Lữ đoàn đặt ra cho các mặt bảo đảm yêu cầu rất cao, khắt khe, nhất là bảo đảm kỹ thuật. Vì vậy, Lữ đoàn luôn chú trọng làm tốt các mặt bảo đảm kỹ thuật hàng không cho hoạt động bay. Thực hiện lời dạy của Bác: “Các chú làm tốt công tác khoa học, kỹ thuật là khó,… các chú phải cố gắng học tập văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì sửa chữa mới tốt, tránh được sai sót, phục vụ chiến đấu mới thắng lợi”3, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt bảo đảm, đáp ứng tốt nhất cho các nhiệm vụ bay. Cùng với tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên các chuyên ngành hàng không, Lữ đoàn tăng cường đầu tư đổi mới, coi trọng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần hàng không và kỹ thuật sân bay. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị, kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tập trung xây dựng chính quy ngành kỹ thuật, xây dựng kho, đài, trạm, xưởng kiểu mẫu, duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng “Ngày Kỹ thuật” ở các cấp. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng, tăng hạn kỹ thuật, nâng cao độ tin cậy của vũ khí, trang bị, kỹ thuật, nhất là loại máy bay An-2 và An-26 đã qua nhiều năm khai thác, sử dụng, khí tài thay thế khan hiếm. Mặt khác, Lữ đoàn tăng cường bồi dưỡng, chuyển loại kỹ thuật, huấn luyện chuyển giao công nghệ, làm chủ khai thác và tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị, kỹ thuật thế hệ mới,... góp phần nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn bay.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ phi công, thành viên bay, việc học tập và làm theo lời dạy của Bác đối với Bộ đội Không quân đã được triển khai thực hiện rất cụ thể, sát với yêu cầu thực tế, góp phần bảo đảm cho Lữ đoàn Không quân 918 hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và công tác an toàn bay, xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Đại tá NGUYỄN BÁ SÂM, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 134.

2 - Bốn biết: 1. Biết kế hoạch dự báo bay; 2. Biết đã bay hay chưa; 3. Bay đến đâu, biết đến đó; 4. Biết hành động bay trên không.

3 - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân - Hồ Chí Minh, với Bộ đội Phòng không - Không quân, 1975, tr. 38.

 

Ý kiến bạn đọc (1)

bai hat tang chien sy CASA 212
23/08/2016 15:44
TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG Sang tác: Hồng Lam Lý con sáo Các..anh ơi? Tổ quốc đang gọi từng tên. ……… Nơi quê nhà mẹ đợi cha mong. Biển cả mênh mông các anh ở nơi nào, Triệu con tim đang nức nở nghẹn ngào. Từng gây đợi chở, từng giây ngóng trông. Nước biển đây hay nước mắt của người thân? Biển lạnh lùng trào dân sóng dử, Các anh ơi! mau về với quê hương. Vọng cổ Tiếng của quê hương đang nghẹn lòng réo gọi, biển cả mênh mông các anh ơ nơi….nào Câu 1 Các anh ra đi trong thương nhớ vô bờ..triệu triệu con tim đang hướng về nơi ấy, giữa ngàn trùng biển cả mênh mông. Đảng bao đên dài thao thức ngóng trông nuốt vào tim ngàn niềm thương nổi nhớ. Anh đi thật rồi giữa thăm thẳm trùng khơi, vì sự bình yên của quê hương đất nước. Câu 2 Đêm xuống rồi trời mờ xa thẳm, các anh ở đâu? để đồng đội kiếm tìm…Đất mẹ thân yêu đang ngóng đợi từng giờ…Đêm biển mặn mà lòng như lữa đốt, những ánh đèn tìm khản giọng giữa biển xanh. Chưa bao giờ Tổ quốc cần các anh, như lúc này cần các anh trở lại. Biển đêm đêm truyền tiếng tìm đồng đội, các ở đâu rồi hãy mau trả lời đi. Vọng cổ Lúc ra đi anh còn đưa tay vẫy chào đồng đội, nhưng có ngờ đâu đó là lần vẩy tay định mệnh sau…cùng Câu 5 Anh Khải đang ở ngoài kia các anh còn phải đi tìm..Mới vừa hôm qua sau bao giờ bay chưa hề ngơi nghỉ, các anh lại lên đường vì đồng đội thân yêu. Họ đang cần các anh ở ngoài kia, từng giây trôi qua là từng giây chờ đợi. Casa chở theo bao niềm thương, nổi nhớ, nhưng ngôi nhà thân yêu đã đi mãi không về. Câu 6 Ôi nhớ lắm ngươi chiến sỹ không quân anh dũng, các anh sẽ sống mãi trong lòng của đất mẹ thân yêu. Cơn biển dữ rồi cũng sẽ qua đi, màu xanh của biển sẽ trở về cùng với biển. Đất nước vẫn cần những cách bay không mõi, giữ yên vùng trời, vùng biển thân yêu. Ngày ngày phi đội vẫn bay, quê hương vẫn gọi, nòn sông vẫn cần. Dưới lòng đất các anh yên nghĩ cho bầu trời còn mãi những cánh bay. Trọn đời nhớ mãi tên anh anh, những người chiến sỹ không quân kiên cường.
Tran hong lam
Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.