Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Theo gương Bác
Công tác dân vận là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính trị trung tâm của các đoàn kinh tế - quốc phòng. Nhận rõ điều đó và trên cơ sở thấm nhuần lời Bác dạy, Lâm trường 155 đẩy mạnh công tác dân vận bằng những biện pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Lâm trường 155 (thuộc Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327, Quân khu 3) thực hiện nhiệm vụ trên 02 xã: Đồng Văn, Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Địa bàn Lâm trường phụ trách rộng, địa hình chia cắt, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn1; nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Dao (chiếm 96%), phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh, tình hình an ninh biên giới tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định,... đã tác động, chi phối tới việc thực hiện nhiệm vụ của Lâm trường.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”2, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận bằng những biện pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực và luôn xem đó là nội dung quan trọng hàng đầu. Bởi, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thế trận và tiềm lực khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi biên cương của Tổ quốc.
Quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác dân vận, trọng tâm là Chỉ thị số 472-CT/QUTW, ngày 21/5/2020 của Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các đoàn kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới”, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho nhân dân trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây vừa là nội dung, yêu cầu quan trọng nhất của công tác dân vận nói chung, vừa là giải pháp cơ bản để Lâm trường hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đoàn kinh tế - quốc phòng. Vì vậy, trên cơ sở học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ: “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”3, Lâm trường lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ nhận thức và mặt bằng dân trí để nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong 05 năm (2016 - 2021), Lâm trường đã tổ chức gần 200 lượt cán bộ, tri thức trẻ tình nguyện xuống địa bàn các thôn, bản tuyên truyền cho trên 800 lượt người dân về Luật Biên giới quốc gia, Quy chế đường biên, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, v.v. Đồng thời, chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng 23 Hoành Mô tuyên truyền, vận động nhân dân chống xâm canh, xâm cư, ngăn chặn các hoạt động khai thác lâm thổ sản, đưa người qua biên giới trái pháp luật, v.v. Nhờ đó, đại đa số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết quân - dân; luôn nhận rõ, đề cao cảnh giác và chủ động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, cơ hội; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng xa, biên giới, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, Lâm trường đã phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng dự án kinh tế - quốc phòng. Bám sát quy hoạch tổng thể Khu kinh tế - quốc phòng Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, Lâm trường chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng quy hoạch, chương trình phối hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trong vùng dự án, bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Bằng kinh phí huy động từ nhiều nguồn, Lâm trường tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, như: hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình thiết yếu phục vụ di dân, giãn dân, phát triển sản xuất, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng,… tạo diện mạo mới cho địa phương. Cùng với đó, Lâm trường còn tổ chức thực hiện hiệu quả Dự án 174 của Chính phủ về “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020”; Đề án tổ chức lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quản lý kinh tế, quản lý đầu tư, gắn với thực hiện Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, Lâm trường đã hoàn thành hàng trăm công trình thuộc các dự án; trong đó, tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ gần 140 ha rừng tự nhiên, hơn 530 ha rừng vành đai biên giới, bàn giao gần 1.000 ha rừng trồng phòng hộ và đất lâm nghiệp cho địa phương quản lý; xây dựng 01 mô hình nông - lâm kết hợp, với tổng số tiền trên một tỉ đồng. Đặc biệt, Lâm trường đã phối hợp với địa phương khảo sát, quy hoạch, xây mới 41 nhà di dân, giãn dân; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di giãn, tách hộ tại chỗ được 41 hộ/174 nhân khẩu ra sinh sống ổn định, yên tâm bám bản, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xóa vùng trắng dân, tạo “phên giậu” vững chắc trên tuyến biên giới.
Để góp phần nâng cao đời sống nhân dân, Lâm trường đẩy mạnh thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo, trọng tâm là triển khai các dự án ổn định và phát triển sản xuất. Bằng nguồn vốn trên cấp, Lâm trường đã khảo sát, triển khai cho gần 70 hộ gia đình tham gia dự án giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Lâm trường đã tổ chức các lớp dạy nghề cho hơn 210 lao động, tập huấn khuyến lâm cho 145 người dân, xây dựng gần 30 chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, v.v. Với phương châm: “Nói cho dân hiểu, thực hành cho dân tin và làm theo”, Lâm trường đã chỉ đạo các tổ, đội sản xuất và gần 50 đội viên trí thức trẻ tình nguyện học tiếng dân tộc, làm cầu nối phổ biến, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông, lâm nghiệp cho đồng bào. Đồng thời, trực tiếp xuống các thôn, bản thực hiện bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, giúp đỡ nhân dân phát triển, mở rộng sản xuất, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, tư vấn kiến thức, chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; triển khai lồng ghép các dự án giảm nghèo, xây dựng các mô hình điểm về kinh tế điểm hộ gia đình với giá trị gần 800 triệu đồng, góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 40% xuống dưới 10%.
Gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng Lâm trường thành điểm sáng về công tác dân vận, Đảng ủy, chỉ huy Lâm trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh. Theo đó, Lâm trường thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, như: “Áo ấm biên cương”, “Sữa học đường”, “Tuổi trẻ với mùa xuân biên cương”,... huy động được gần 400 bộ quần áo, chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập và nhiều phần quà ý nghĩa, đem lại niềm vui cho đồng bào, nhất là các em nhỏ vùng biên giới. Lâm trường nhận đỡ đầu 12 lượt cháu có hoàn cảnh khó khăn, hằng tháng, trợ cấp cho mỗi cháu 15 kg gạo; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp các ngày lễ, Tết. Thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, Lâm trường đã tổ chức ba lớp tập huấn cho 104 lượt y tá viên thôn, bản; cấp tủ thuốc cho 09 thôn, bản biên giới, trị giá gần 400 triệu đồng; phối hợp với Bệnh viện Quân y 7 khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 lượt đối tượng chính sách, gia đình khó khăn; thu dung khám chữa bệnh cho hơn 4.100 lượt đồng bào. Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn đơn vị đóng quân, tham mưu, giúp địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng cho trên 300 cán bộ địa phương, phổ biến Luật Biên giới cho gần 800 chủ hộ. Trong các đợt hành quân dã ngoại, làm công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ Lâm trường đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực4, góp phần củng cố cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Lâm trường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về dịch Covid-19; vận động, giúp đỡ nhân dân tiêm vaccine, góp phần kiểm soát hiệu quả, đẩy lùi dịch bệnh, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
Những kết quả đạt được trong công tác dân vận của Lâm trường 155 đã trực tiếp góp phần giúp nhân dân nâng cao đời sống, yên tâm phát triển kinh tế, giữ đất, bám bản, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc; tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Thượng tá PHÍ VĂN DƯƠNG, Chính trị viên Lâm trường __________________
1 - Có 08 thôn, bản tiếp giáp Trung Quốc, với chiều dài đường biên giới 17 km.
2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 355.
3 - Sđd, Tập 6, tr. 233.
4 - Đổ bê tông đường liên thôn bản, kè đá chống sạt lở đường giao thông trên 05 km; làm sân cho các hộ dân, các điểm trường và nhà văn hóa, với diện tích gần 4.000 m2; tu sửa, chỉnh trang 07 nhà văn hóa, 15 điểm trường học; xây dựng mương cứng, nạo vét, khơi mương thoát nước trên 05 km, với trên 3.000 ngày công, v.v.
Lâm trường 155,Làm theo lời Bác,công tác dân vận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam 22/11/2024
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm 18/11/2024
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 11/11/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển 31/10/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy ở Sư đoàn Bộ binh 5 21/10/2024
Lực lượng vũ trang Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị 10/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) 01/10/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo) 26/09/2024
Hiệu quả học tập và làm theo lời Bác trong phong trào Thi đua “Đồng khởi mới” của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre 23/09/2024
Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên 17/09/2024
Làm theo lời Bác, Vùng Cảnh sát biển 4 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Binh chủng Hóa học đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII)
Làm theo lời Bác, Sư đoàn 968 thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam