QPTD -Thứ Hai, 12/06/2023, 07:46 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Bộ đội Biên phòng Điện Biên đẩy mạnh công tác vận động quần chúng

“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tích cực đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài 455,573 km, 176 cột mốc2 trong điều kiện địa bàn khu vực biên giới rộng, địa hình phức tạp; đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (thống kê năm 2022 chiếm 34,45%). Trong khi đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá ta quyết liệt, nhất là hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, thành lập “Nhà nước riêng”. Tình hình di cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, v.v. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; trong đó, làm theo lời dạy của Bác Hồ về đẩy mạnh công tác vận động quần chúng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là biện pháp công tác cơ bản, nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng.

Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Tỉnh thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và chủ trì xây dựng, triển khai hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng bổ sung, ký kết chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành các huyện, xã biên giới; trong đó, xác định rõ nội dung, yêu cầu, phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn cho từng đối tượng và cụ thể hóa thành các kế hoạch sát tình hình, đặc điểm địa phương. Qua đó, tạo sự đồng thuận, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực biên giới trong triển khai thực hiện. Hằng năm, vào dịp Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng (03/3), 100% đồn Biên phòng chủ động tham mưu, phối hợp với 29 xã biên giới tổ chức sơ kết Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi, cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Điện Biên, các đơn vị đã tham mưu cho địa phương triển khai có hiệu quả Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đến nay, đã có 09 cặp xã, bản hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa (01 cặp tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và 08 cặp tuyến biên giới Việt Nam - Lào), góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới, chủ động phối hợp đề phòng, tham gia đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả mọi vấn đề xảy ra trên biên giới và khu vực hai bên biên giới.

Do đặc điểm khu vực biên giới của Tỉnh chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sốngtrình độ dân trí thấp, với nhiều hủ tục còn tồn tại, nên các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng đặc điểm đó cùng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để xuyên tạc, kích động, lôi kéo, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân, làm giảm lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước thực trạng đó, Bộ đội Biên Phòng Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiệp định, Hiệp ước, Quy chế biên giới, các luật về: phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội, về quản lý cư trú, các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, v.v. Trong tuyên truyền, các đơn vị chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp, kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện công tác biên phòng, xây dựng địa bàn bằng những cách thức, mô hình trực quan dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình dân trí, dân cư trên địa bàn. Để đạt hiệu quả, các đồn Biên phòng, đội công tác vận động quần chúng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để nâng cao chất lượng, hiệu quả vận động, tuyên truyền; kết hợp chặt chẽ với triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo”. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí của địa phương, Trung ương tổ chức tuyên truyền về kết quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với tổ chức các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” hằng năm. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về biên giới quốc gia, ý thức quốc giới và chủ quyền lãnh thổ không ngừng được nâng cao; từ đó đề cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới3.

Thực tiễn cho thấy, sự ổn định vững chắc của chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn gắn liền với sự vững mạnh toàn diện của khu vực biên giới. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Để thực hiện tốt nội dung này, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương khu vực biên giới và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới; phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới4; đẩy mạnh thực hiện mô hình đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, khối phố. Hiện nay, có 29 đồng chí cán bộ các đội tăng cường xã biên giới được huyện ủy chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy 29 xã biên giới; 83 đảng viên các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 83 chi bộ thôn, bản biên giới và 387 đảng viên phụ trách 1.634 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Đảng viên được phân công làm nhiệm vụ tăng cường thực hiện tốt phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, gần gũi, nắm chắc tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn; kịp thời tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham mưu cho địa phương duy trì nền nếp, hiệu quả chế độ ra nghị quyết lãnh đạo, quy hoạch nguồn cán bộ, kế hoạch phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt. Nhờ đó, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”5 và với phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh thực hiện tốt việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm, luôn lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; giúp những gì người dân cần hơn giúp những gì mình có, nhất là trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới6. Các đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh; nhất là, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các cấp, tổ chức các lớp tập huấn, “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cây giống, con giống, tìm đầu ra cho nông sản,... góp phần giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu ngay trên mảnh đất biên giới.

Cùng với đó, Bộ độ Biên phòng Tỉnh tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, xây dựng các hương ước, quy ước thôn, bản. Đồng thời, nhân rộng và thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình, phần việc mà Bộ đội Biên phòng Tỉnh đang triển khai, như: Chương trình “Nâng bước em tới trường -  Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hũ gạo chiến sĩ”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, v.v. Đây thực sự là động lực tinh thần mạnh mẽ để Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN THANH DỊU, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Tuyến biên giới: Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861 km; Việt Nam - Lào dài 414,712 km. Địa bàn biên giới gồm 04 huyện biên giới (Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé), gồm 29 xã, 299 thôn, bản, 16 dân tộc sinh sống với tổng dân số 27.817 hộ/134.351 nhân khẩu.

3 - 05 năm qua đã tuyên truyền vận động được 81 tập thể và 3.398 hộ, 4.412 cá nhân đăng ký tự quản 408,616 km/455,573 km đường biên giới, 146 mốc; 302 tổ/1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản.

4 - Từ năm 2018 đến nay, đã tham mưu, tham gia củng cố 312 chi bộ thôn, bản thành lập 104 chi bộ thôn, bản, xóa 56 bản chưa có đảng viên; tham mưu cho địa phương kết nạp 1.432 đảng viên mới, củng cố 166 tổ chức chính trị - xã hội ở 29 xã biên giới.

5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233 - 234.

6 - Thực hiện Quyết định của Ủy ban nhân dân Tỉnh phân công, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã và đang giúp đỡ 03 xã biên giới Sín Thâu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (đến nay xã Sín Thầu đã đạt chuẩn nông thôn mới). Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 79 của Chính phủ về việc sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại bản Hua Sin 1 và Hua Sin 2 xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.