QPTD -Thứ Hai, 13/05/2024, 21:55 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, Bộ đội Biên phòng Bình Định đẩy mạnh xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Quán triệt, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm; tập trung vào xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, trực tiếp là sức mạnh của nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”1. Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ “canh cửa cho Tổ quốc” từ hướng biển, Bộ đội Biên phòng Bình Định luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân khu vực biên giới biển, đảo, tích cực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh thông qua xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp đỡ nhân dân và địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát bờ biển.

Với 134km bờ biển tương ứng với hơn 108km đường biên giới biển, hình thành vùng nước nội thủy rộng 1.181km2, vùng lãnh hải 2.451km2, có 33 đảo lớn, nhỏ, 05 cảng biển, trong đó có 04 cảng quốc tế, Bình Định có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những năm qua, khu vực biên giới biển của Tỉnh cơ bản ổn định, đời sống xã hội có bước phát triển mới nhờ kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình an ninh nông thôn liên quan đến một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn vẫn còn phức tạp; tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tuy có giảm nhưng chưa bền vững; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp,... đặt ra yêu cầu mới, cao hơn đối với xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Từ thực tế đó, thấm nhuần lời Bác dạy: “việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không,... Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”2, Đảng ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Chú trọng lãnh đạo thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy thông báo, trao đổi tình hình có liên quan đến khu vực biên giới biển; thống nhất chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo. Chủ trì, phối hợp thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Trong đó, coi trọng việc kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở địa phương vững mạnh.

Căn dặn lực lượng Công an và Bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “...phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và bên ngoài,... và phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt,... Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”3. Khắc ghi lời dạy của Người, để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn dân trên địa bàn. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tạo sự đồng thuận, trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ quan trọng này. Tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025” gắn với thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”. Trong quá trình tiến hành, các đơn vị đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm đa dạng, phong phú, sát với đặc điểm địa phương, phù hợp với từng đối tượng. Không chỉ làm tốt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tập trung qua các lớp tập huấn, buổi sinh hoạt cộng đồng, các cơ quan, đơn vị còn đến tận nhà dân, từng tàu cá để trực tiếp tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhân dân. Việc kết hợp giữa tuyên truyền miệng với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ, tặng quà cho ngư dân, thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, thi trực tuyến,… được các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức hiệu quả, thường xuyên.

Tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản.

Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động, huy động các cấp, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hướng về biên giới biển, đảo; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng thương mại, dịch vụ hậu cần trên biển; xây dựng tiềm lực mọi mặt ở khu vực biên giới biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa bàn, khu vực từ nội địa đến khu vực biên giới biển, đảo; các tuyến đường giao thông ven biển và các tuyến nối vùng ven biển với quốc lộ 1A, quốc lộ 19, tuyến đường ven biển phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo quốc phòng, an ninh; các cảng biển, cảng cá, khu kinh tế, cụm công nghiệp, khu du lịch và dịch vụ dọc tuyến biển, đảo,… được đầu tư xây dựng, mở rộng, góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới biển. Các địa phương quan tâm xây dựng và tổ chức quy hoạch, sắp xếp dân cư; ưu tiên công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội khu vực biên giới biển. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác xa bờ gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo.

Cùng với đó, chú trọng tổ chức, đoàn kết nhân dân, dựa vào nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, chăm lo xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cải cách tốt thì cán bộ phải làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, trước hết là phải đoàn kết nhân dân lao động, thứ hai là liên hiệp với chủ thuyền”4, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Tỉnh luôn coi đồn là nhà, biển, đảo là quê hương, ngày đêm bám dân, bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hòa mình với phong trào quần chúng. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” của Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã tham mưu, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cho tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự với nhiều mô hình, như: “Tổ tự quản an ninh trật tự”, “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi an toàn”,… đã tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn trong sản xuất, phòng, chống khai thác IUU và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của trên về tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới biển; tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; phát huy tốt vai trò của đội ngũ đảng viên, cán bộ đồn Biên phòng tham gia củng cố cơ sở chính trị địa phương. Từ đầu năm 2020 đến nay, có 05 lượt cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, 37 lượt tham gia cấp ủy cấp xã; 62 lượt đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu phố, 86 lượt đảng viên phụ trách 496 hộ/2.021 nhân khẩu. Tham mưu, phối hợp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 12 chi đoàn, 10 chi hội phụ nữ thôn/khu phố và 06 chi hội nông dân thôn; xây dựng 33 Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ Biên phòng”,… góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương khu vực biên giới biển vững mạnh.

Bằng những việc làm thiết thực, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới; tham gia hàng chục nghìn ngày công làm mới, tu sửa đường giao thông, kênh mương thủy lợi; hỗ trợ xây dựng Nhà đồng đội, Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho nhân dân; giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Nhiều phong trào, chương trình, như, “Bộ đội Biên phòng Tỉnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển”,... đã và đang được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, tạo cơ sở vật chất và động lực tinh thần trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh hết sức coi trọng xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng triển khai đồng bộ biện pháp công tác nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo; tích cực đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại đối tượng xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng liên quan trong nắm tình hình, quản lý chắc đối tượng; làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện hoạt động trên biển; kịp thời phát hiện, tham mưu, phối hợp xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo; giữ vững ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương nhanh, bền vững.

Đại tá PHAN TRƯỜNG SƠN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
__________________
       

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 311.

2 - Sđd, Tập 5, tr. 320.

3 - Sđd, Tập 12, tr. 154.

4 - Sđd, Tập 10, tr. 309.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.