QPTD -Thứ Năm, 07/06/2012, 14:56 (GMT+7)
Học viện Biên Phòng gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Biên phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong tình hình mới.

alt
Lễ phát động Phong trào thi đua "Học viện Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới"

Học viện Biên phòng triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI), Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương và Chỉ thị 118-CT/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP trong điều kiện công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của Học viện có bước phát triển mới (lưu lượng học viên đông, nhiều đối tượng đào tạo), trong khi cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm còn nhiều khó khăn,… Để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP, gắn với nâng cao chất lượng GD-ĐT, Học viện đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, biện pháp.

Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đây là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như chất lượng GD-ĐT của Học viện. Trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP, Đảng ủy Học viện tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn đạo đức của các đối tượng trong Nhà trường sát với tình hình thực tiễn, làm cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ. Đảng ủy Học viện yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên phải tích cực phấn đấu, rèn luyện theo tiêu chí đạo đức đã được xác định; nói phải đi đôi với làm, “xây” đi đôi với “chống”. Đối với giáo viên, phải phấn đấu có đủ phẩm chất, trình độ để thực hiện tốt việc kết hợp "dạy chữ, dạy nghề, dạy người"; bảo đảm vừa truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, vừa giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng kinh nghiệm chiến đấu và nghiệp vụ công tác biên phòng cho học viên. Với đội ngũ cán bộ quản lý, phải thực sự là "người thầy thứ hai" trong định hướng, xây dựng động cơ nghề nghiệp, duy trì nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tổ chức tự học tại đơn vị, hướng dẫn học viên thực hành, thực tập, hoạt động ngoại khóa. Thực hiện yêu cầu đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ tại chức, nhất là về phương pháp sư phạm, kỹ năng thực hành sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, ngoại ngữ, tin học,… cho cán bộ, giáo viên. Học viện luôn làm tốt khâu luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện đưa giáo viên đi thực tế cơ sở để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng sáng tạo vào quá trình truyền thụ kiến thức cho người học. Hằng năm, Học viện đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi,...; qua đó, thấy được trình độ, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ, giáo viên để có nội dung, biện pháp bồi dưỡng phù hợp. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Học viện có trình độ đại học trở lên (trong đó có 10 phó giáo sư, 22 tiến sĩ, 200 thạc sĩ); 100% có trình độ A về ngoại ngữ, tin học; 15 đồng chí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú; hàng trăm đồng chí đã được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục"; nhiều đồng chí được công nhận là giảng viên dạy giỏi cấp Bộ và cấp Học viện.

Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng là một biện pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP gắn với nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chú trọng trước hết đến việc xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đảng ủy Học viện luôn coi trọng lãnh đạo phát huy vai trò của đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong thực tiễn; đổi mới phương pháp, tác phong công tác, lề lối làm việc và kiên quyết khắc phục những khâu yếu, mặt yếu ở từng tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên; đi sâu đột phá về mặt nhận thức tư tưởng, làm chuyển biến mạnh mẽ động cơ, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Ngoài tiêu chí chung về chuẩn mực đạo đức, lối sống đã được xác định, Học viện tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên vững vàng về lập trường tư tưởng, quan điểm, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có tình cảm, trách nhiệm cao trong công việc; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến phẩm chất, nhân cách của người thầy cũng như mối quan hệ gắn bó giữa người dạy với người học. Đối với học viên, Học viện hướng trọng tâm vào xây dựng động cơ học tập đúng đắn, đề cao tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học; trung thực, nghiêm túc trong thi, kiểm tra. Cùng với đó, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên, điều hành huấn luyện luôn bảo đảm khoa học, thống nhất, theo đúng quy chế, quy định hiện hành; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ GD-ĐT được đầu tư xây dựng và củng cố ngày càng tốt hơn; cảnh quan môi trường khang trang, sạch, đẹp. Nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP luôn được cấp ủy các cấp gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nội dung “10 xây”, “10 chống”1 trong Học viện Biên phòng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do trên và Học viện phát động. Trong đó, Học viện đã kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” và phong trào Thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt, kỷ luật nghiêm, đời sống tốt”, v.v.

alt
Huấn luyện kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu
 

Đẩy mạnh đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo sát thực tế công tác, chiến đấu của BĐBP được xem là nội dung thiết thực trong việc gắn thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị với nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện. Việc xây dựng chương trình, nội dung sát với các bậc học, đối tượng đào tạo đã được thực hiện có nền nếp ở tất cả các cấp, từ bộ môn đến khoa và Học viện, đảm bảo tính khoa học, cơ bản, thiết thực, đáp ứng mô hình, mục tiêu đào tạo. Các nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng bảo đảm kết hợp tốt giữa trang bị kiến thức cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu với bồi dưỡng năng lực, phương pháp lãnh đạo, bản lĩnh của người chỉ huy và ý thức rèn luyện kỷ luật, sức khỏe cho người học. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý thuyết với thực hành, nâng cao chất lượng các bài giảng theo hướng gắn lý luận với thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP trên các tuyến biên giới. Hiện nay, Học viện đang đẩy mạnh tiến độ triển khai Dự án mô phỏng Công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của BĐBP để đưa vào giảng dạy. Cùng với việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo sát hợp, công tác nghiên cứu khoa học cũng được Đảng ủy Học viện quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt ở tất cả các bước, từ khâu xây dựng kế hoạch tổng thể, đến triển khai thực hiện và hướng dẫn danh mục đề tài cho cán bộ, giáo viên, học viên đăng ký nghiên cứu, có sự phân công, phân nhiệm cán bộ tham gia; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy với kết quả nghiên cứu của đơn vị mình. Do vậy, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã thực sự đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên; phạm vi, đối tượng được mở rộng. Năm 2011, Học viện có 66 đề tài khoa học nghiên cứu thành công; trong đó, có 01 đề tài cấp Bộ, 05 đề tài cấp ngành và 60 đề tài cấp Học viện,... Nghiệm thu kết quả nghiên cứu của các đề tài đều đạt khá và xuất sắc, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao trong GD-ĐT và thực tiễn công tác biên phòng.

Nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh và khắc phục dứt điểm những tiêu cực nảy sinh trong GD-ĐT vừa là một yêu cầu của việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vừa là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Hiện nay, Học viện có 25 đối tượng đào tạo, trong đó nguồn chủ yếu được tuyển chọn qua các kỳ tuyển sinh quân sự hằng năm, cử tuyển đối với con em các dân tộc ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và tuyển chọn đầu vào đào tạo, bồi dưỡng các khóa ngắn hạn, đào tạo sau đại học. Để lựa chọn được những học viên có đủ yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, sức khoẻ, Học viện chú trọng khâu tạo nguồn từ địa phương và các đơn vị cơ sở của BĐBP; thực hiện chặt chẽ khâu xét tuyển hồ sơ, tổ chức thi tuyển sinh quân sự đảm bảo khách quan, đúng quy chế, quy định. Trước và sau khi tuyển sinh, Học viện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu đào tạo sĩ quan Biên phòng, giúp học viên chuẩn bị tốt tâm lý, xác định động cơ, xu hướng nghề nghiệp đúng đắn, không ngừng phấn đấu rèn luyện phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng. Năm 2011, Học viện đã tuyển sinh 11 khóa, với hàng trăm học viên bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đạt chất lượng cao; không để sai sót, tiêu cực xảy ra.

Những nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể trên đây là biểu hiện sinh động của việc chuyển mạnh từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với nâng cao chất lượng GD-ĐT của Học viện. Năm học 2010 - 2011, Học viện có 100% học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó 3,62% đạt loại giỏi, 66,59% đạt loại khá; số học viên rèn luyện tốt đạt 98,99%. Học viên ra trường về đơn vị đảm nhiệm chức vụ ban đầu đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần cùng toàn lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên các địa bàn trong tình hình mới.

 Thiếu tướng, TS. HOÀNG VĂN ĐỒNG

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện

                  

1 - “10 xây”:  - 1. Ý chí mạnh, kỷ luật nghiêm, đời sống vật chất, tinh thần tốt; 2. Nói đi đôi với làm, có tinh thần trách nhiệm, có động cơ thái độ học tập, công tác đúng đắn, yêu nghề, gắn bó với Nhà trường; 3. Thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm với đồng chí, đồng đội; 4. Chăm lo xây dựng đơn vị, Học viện như xây dựng gia đình mình; 5. Quan hệ gắn bó mật thiết với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; 6. Có cơ sở vật chất, phương tiện trang bị hiện đại phục vụ dạy - học và nghiên cứu khoa học; 7. Bảo đảm chất lượng đào tạo toàn diện, chống mọi biểu hiện tiêu cực; 8. Xây dựng môi trường đơn vị lành mạnh, phát huy tốt năng lực và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị; 9. Có đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đề cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; 10. Có nền nếp chính quy, môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong trào thi đua sôi nổi cả bề rộng và chiều sâu.

- “10 chống”: - 1. Không làm việc cầm chừng, trung bình chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao;  2. Không chủ nghĩa cá nhân, gia trưởng độc đoán, cục bộ, định kiến gây mất đoàn kết nội bộ; 3. Không có tiêu cực trong thi, kiểm tra, trong quản lý bộ đội; 4. Không quan liêu xa rời quần chúng, vi phạm các quy định trong học tập, công tác và rèn luyện; 5. Không tham gia các tệ nạn xã hội, đơn, thư nặc danh, khiếu kiện vượt cấp; 6. Không để xảy ra mất vũ khí, tài liệu, lộ bí mật quân sự, bí mật quốc gia và thất thoát tài sản; 7. Không để đối tượng, phần tử xấu mua chuộc, móc nối; 8. Không vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn trong công tác, huấn luyện và tham gia giao thông; 9. Không thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, hoạn nạn của đồng đội và nhân dân; 10. Không vi phạm chế độ tiêu chuẩn, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.