QPTD -Thứ Hai, 03/09/2018, 09:43 (GMT+7)
Hồ Chí Minh - kiến trúc sư trưởng vĩ đại của nhà nước Việt Nam hiện đại

Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước kiểu mới, Nhà nước Việt Nam hiện đại. Những quan điểm của Người về xây dựng Nhà nước Việt Nam hiện đại là nền tảng tư tưởng, chỉ dẫn hành động cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (Ảnh tư liệu)

1. Kết quả của cả quá trình lựa chọn kiểu nhà nước

Những quan điểm về xây dựng Nhà nước mới ở Việt Nam được Hồ Chí Minh định hình và từng bước hoàn chỉnh trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng. Người tích cực dấn thân vào đời sống xã hội ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới để tìm tòi mục tiêu, con đường phát triển mới cho dân tộc và nghiên cứu những vấn đề cơ bản của cách mạng, trong đó có vấn đề nhà nước. Cùng với cách quan sát trực tiếp, Người còn trải qua học tập, nghiên cứu lý luận chính trị tại các trung tâm lớn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có uy tín của Quốc tế Cộng sản (đặt tại Liên Xô những năm 20 và 30 thế kỷ XX), như: Trường Đại học Cộng sản phương Đông, Trường Quốc tế Lê-nin, Viện Nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Những vấn đề của cách mạng, trong đó có nhà nước được Hồ Chí Minh tiếp cận theo phương pháp tối ưu của phép biện chứng mác-xít: lý luận gắn với thực tiễn, mang bản chất khoa học và cách mạng chứ không đơn tuyến chỉ theo lý luận hoặc chỉ theo thực tế.

Khi nghiên cứu cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng: đây là những cuộc cách mạng tư sản và “không đến nơi” (có nghĩa là không triệt để). Bởi, cách mạng đã nhiều lần mà công nông vẫn cực khổ, quyền hành được trao vào tay số ít; từ đó, Người đi đến kết luận: cách mạng Việt Nam không nên theo các cuộc cách mạng này. Với Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: đây là cuộc cách mạng triệt để. Vì, cách mạng thành công, quyền được giao cho số đông, chính quyền thuộc về giai cấp công nhân, nông dân; đồng thời, ủng hộ sự nghiệp giải phóng của các dân tộc khác. Từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Người khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”1, cách mạng Việt Nam nên đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Lô-gíc tất yếu của cách mạng vô sản là: khi giành thắng lợi, nhà nước được thiết lập, thì quyền lực nhà nước ấy thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ vận mệnh của đất nước và hướng mọi véc-tơ lực vào mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức được lô-gíc đó và cũng là vấn đề quy luật phát triển khi Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã đưa điều này vào Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, trong đó dự kiến sẽ lập ra chính phủ công nông.

Hình mẫu nhà nước công nông (thực ra là theo mô hình Nhà nước Xô-viết) được Đảng ta áp dụng trong một thời gian ngắn ở nhiều làng quê của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931, với hình thức là chính quyền Xô-viết. Thực tế cho thấy, nếu chính quyền nhà nước chỉ của công nông, thì không phù hợp với xã hội Việt Nam thuộc địa - phong kiến, khi tất cả các giai tầng (dù ít hay nhiều, dù đậm hay nhạt) đều có “mẫu số chung” là muốn giải phóng dân tộc, nên đều có thể và cần phải tham gia vào bộ máy quyền lực nhà nước. Do vậy, đòi hỏi Đảng ta phải từng bước lựa chọn kiểu chính quyền nhà nước để thay thế cho phù hợp. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), Đảng ta lựa chọn hình thức nhà nước Cộng hòa dân chủ, nhưng nó lại bộc lộ hạn chế lớn với cái tên là “Liên bang Đông Dương”. Đến Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) tại Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, với sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, thì hình thức nhà nước mới được “chốt”, là: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong tiến trình đi đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà nước kiểu mới này đã được thực hiện dưới hình thức Khu Giải phóng, mà ở đó, nó tổ chức hoạt động như là của Nhà nước Việt Nam hiện đại non trẻ. Từ đó, những quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân từng bước được hoàn chỉnh. Vai trò là kiến trúc sư trưởng, cùng toàn Đảng lãnh đạo việc thực thi xây dựng Nhà nước kiểu mới càng được xác định chắc chắn, rõ ràng hơn khi Người chính thức làm Chủ tịch Đảng từ Đại hội II của Đảng (02-1951) và làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ tháng 9-1945 đến khi Người qua đời tháng 9-1969).

2. Những quan điểm thiết kế và xây dựng Nhà nước mới

Là kiến trúc sư trưởng và là nhà lãnh đạo thực thi Nhà nước Việt Nam mới, quan điểm của Người được khái quát, thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, Nhà nước của dân. Đó là nhà nước mà mọi quyền lực và quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Người nói rõ: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân2. Dân có vị thế, địa vị tối cao trong biểu hiện và thực thi của quyền lực xã hội. Quan điểm này được thể hiện rõ trong đạo luật cơ bản của Quốc gia - Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1960 - do Người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc soạn thảo. Trong Nhà nước mới của Việt Nam, nhân dân thực thi quyền lực bằng cả hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Quyền lực Nhà nước là do nhân dân ủy thác, nên các cơ quan quyền lực nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều là công bộc của nhân dân, nghĩa là “gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”3; “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”4; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”5. Nhà nước của dân thì nhân dân có quyền kiểm soát, phê bình nhà nước, có quyền bãi miễn những đại biểu mà dân đã lựa chọn, bầu ra và có quyền giải tán những thiết chế quyền lực mà dân đã lập nên. Để có nhà nước thật sự của dân, Người luôn mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của “người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.

Thứ hai, Nhà nước do dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước mới của Việt Nam được lập nên bằng thắng lợi của sự nghiệp cách mạng toàn dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhà nước do dân còn có nghĩa “dân làm chủ” và “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”6; phải tuân theo pháp luật của Nhà nước, theo kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung, đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc, v.v. Người nhấn mạnh: cán bộ, công chức phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực thi những quyền mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định; nhân dân hưởng đầy đủ quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ làm chủ của mình.

Thứ ba, Nhà nước vì dân. Đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thực sự trong sạch. Người khẳng định: “… phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”7; muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần “chí công vô tư”. Cán bộ, công chức vừa là đày tớ, vừa là người lãnh đạo nhân dân.

Thứ tư, Nhà nước thượng tôn pháp luật. Trong thiết kế của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước mới, một trong những vấn đề đáng chú ý nhất là Nhà nước quản lý bằng Hiến pháp và pháp luật. Muốn vậy, trước hết, cần làm tốt công tác lập pháp và phải chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho pháp luật được thi hành và có cơ chế giám sát việc thi hành pháp luật. Pháp luật là công cụ quyền lực của nhân dân, vì thế điều quan trọng là phải “… làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm8. Việc thực thi pháp luật có quan hệ rất lớn đến trình độ dân trí, nên Người chú trọng đến vấn đề giáo dục ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong xã hội và làm cho nhân dân có ý thức chính trị tốt trong việc tham gia công việc của chính quyền các cấp. Người luôn hướng vào việc nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật trong hoạt động quản lý của nhà nước theo phương châm: pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính, nhưng sẽ “thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân”9 và những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Điều đó, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, thực thi pháp luật phải luôn thượng tôn pháp luật, thật sự công tâm và nghiêm minh, đảm bảo bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng đều bị trừng trị nghiêm khắc.

Thứ năm, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đây vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu trong thiết kế và thực thi xây dựng Nhà nước Việt Nam mới của Hồ Chí Minh. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải tẩy trừ những thói cậy mình là “người nhà nước” để cửa quyền, hách dịch với dân, lạm quyền, vơ vét tiền của, sa vào chủ nghĩa cá nhân; kiên quyết chống tham ô, lãng phí - một thứ “giặc nội xâm”. Người phê bình những người “lấy của công dùng vào việc tư” là những kẻ “quên cả thanh liêm, đạo đức”; “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến,… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”10. Muốn chống các tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước, Người đòi hỏi các cấp phải chú ý nâng cao trình độ dân chủ trong xã hội, thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ nghiêm pháp luật Nhà nước; thường xuyên làm tốt công tác thanh tra; kết hợp thưởng phạt với giáo dục; cán bộ phải làm gương, cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn; mọi người phải có trách nhiệm tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng.

Thứ sáu, sự thống nhất giữa bản chất giai cấp và tính dân tộc của Nhà nước. Nói “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, không có nghĩa là xóa nhòa bản chất giai cấp của nó. Nhà nước Việt Nam mới, theo quan điểm Hồ Chí Minh là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Điều này được thể hiện: (1). Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1960 khẳng định: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, chủ trương để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, chính sách, kế hoạch; hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên của mình trong bộ máy, cơ quan nhà nước và công tác kiểm tra. (2). Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển đất nước. (3). Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Nhà nước Việt Nam, bản chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc và trên thực tế Người đã giải quyết rất thành công mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, quyền lợi của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Nhà nước Việt Nam mới chính là người đại diện, bảo vệ, đấu tranh cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Người kiến trúc sư trưởng vĩ đại Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một bản thiết kế Nhà nước Việt Nam hiện đại - Nhà nước của dân, do dân, vì dân - và được Đảng ta bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh trong tiến trình hoạt động theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Hiện nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang vận hành theo sự chỉ dẫn của Kiến trúc sư trưởng vĩ đại Hồ Chí Minh trong điều kiện đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên.

GS,TS. MẠCH QUANG THẮNG
_____________

           

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 292.

2 - Sđd, Tập 8, tr. 262.

3 - Sđd, Tập 4, tr. 65.

4 - Sđd, Tập 10, tr. 572.

5 - Sđd, Tập 7, tr. 434.

6 - Sđd, Tập 9, tr. 258.

7 - Sđd, Tập 4, tr. 21.

8 - Sđd, Tập 15, tr. 293.

9 - Sđd, Tập 6, tr. 49.

10 - Sđd, Tập 7, tr. 357-358.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.