QPTD -Thứ Ba, 11/04/2023, 19:10 (GMT+7)
Đổi mới phong cách lãnh đạo của đội ngũ chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Vận dụng “cách lãnh đạo đúng”1 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác, vị thế, uy tín của đội ngũ chính trị viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó có nội dung vận dụng “cách lãnh đạo đúng” của Người vào đổi mới phong cách lãnh đạo của cấp ủy, cán bộ, đảng viên nói chung, chính trị viên nói riêng, góp phần nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chưa thật quan tâm và thực hiện đầy đủ vấn đề này. Do vậy, “năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế”2; phong cách lãnh đạo của chính trị viên ở đơn vị cơ sở, nhất là việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của các cấp ủy đảng, năng lực đề xuất và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ,… dẫn đến công tác giáo dục, quản lý tư tưởng ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt; công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh với biểu hiện sai trái có nơi, có thời điểm chưa kiên quyết, hiệu quả.

Khắc phục những hạn chế trên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đòi hỏi tất yếu khách quan phải không ngừng nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng “cách lãnh đạo đúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đổi mới phong cách lãnh đạo của chính trị viên hiện nay với những nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp về “cách lãnh đạo đúng” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở thấu triệt ba trọng tâm về “cách lãnh đạo đúng” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ở từng cấp cần cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy; tiến hành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về “cách lãnh đạo đúng” của Hồ Chí Minh và các nguyên tắc, quy chế, quy định trong công tác lãnh đạo của Đảng, gắn với cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao. Nội dung tập trung vào quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác xây dựng Đảng, nhất là: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, v.v. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức học tập, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động; coi trọng xây dựng những nhân tố mới, điển hình về “cách lãnh đạo đúng” của tập thể cấp ủy nói chung, người chính trị viên nói riêng. Đồng thời, động viên chính trị viên phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường các biệp pháp phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ quan trọng này.

Thứ hai, xác định đúng nội dung, hình thức, biện pháp vận dụng “cách lãnh đạo đúng” vào đổi mới phong cách lãnh đạo của chính trị viên. Các cấp ủy, cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ chính trị viên về quy trình, nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo; nâng cao năng lực nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên, nắm vững tình hình mọi mặt đơn vị, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, đề xuất với cấp ủy cấp mình và cấp trên những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng. Coi trọng phát huy dân chủ, trí tuệ, sức mạnh của tập thể, phối hợp chặt chẽ với người chỉ huy trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, nhiệm vụ của đơn vị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phê phán, uốn nắn những biểu hiện nhận thức và hành vi sai trái, lệch lạc; triệt để khắc phục cách lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh, hành chính, áp đặt một chiều, v.v.

Hình thức, biện pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng” vào đổi mới phong cách lãnh đạo của chính trị viên phải phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Trong đó, cần coi trọng nghiên cứu, đổi mới phương pháp, tác phong công tác; hình thức, biệp pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, các chuyên đề chính trị của sĩ quan; tổ chức công tác tập huấn cán bộ chính trị, hội thi, hội thao, kết hợp với việc truyền đạt kinh nghiệm của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên. Bên cạnh đó, chủ động tiến hành các biện pháp phân công, giao nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm, cương vị của mỗi chính trị viên.

Thứ ba, tăng cường vai trò nêu gương, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, cán bộ chủ trì với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”3, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tích cực, quyết liệt thực hiện phương châm “cán bộ giữ cương vị càng cao thì càng phải gương mẫu” trong học tập và làm theo Bác, nhất là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng” vào đổi mới phong cách lãnh đạo để chính trị viên học tập và thực hiện theo. Cấp ủy, cán bộ chủ trì, nhất là ở cơ sở cần quán triệt và thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong đó có nêu gương về đổi mới phong cách lãnh đạo. Nắm vững và duy trì nghiêm quy trình, nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Trong đó, coi trọng xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của bí thư cấp ủy (chi bộ) - chính trị viên, mối quan hệ giữa bí thư (chính trị viên) với người chỉ huy, v.v. Thường xuyên xây dựng môi trường làm việc dân chủ để khuyến khích chính trị viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình, nguyên tắc và việc đổi mới phong cách lãnh đạo của chính trị viên, nhất là trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với các nhiệm vụ của đơn vị. Qua kiểm tra, phải phát hiện nơi làm tốt, việc làm tốt, mô hình hay để kịp thời biểu dương, nhân rộng; đồng thời, phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nguyên tắc, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ tư, phát huy vai trò tích cực, chủ động của chính trị viên trong tự học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng”. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo Bác một cách thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc,... bởi sự nỗ lực vươn lên trong học tập, công tác là một đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp quy luật phát triển của mỗi người và toàn xã hội. Đối với người chính trị viên, việc tích cực tự học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng” có vai trò hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự phát triển, hoàn thiện phong cách lãnh đạo, bảo đảm cho họ đáp ứng kịp sự phát triển của thực tiễn, nhiệm vụ. Mỗi chính trị viên phải luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời,... Không có ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”4. Từ đó, xác định động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, thái độ khiêm tốn, cầu thị; chủ động xây dựng kế hoạch tự học tập, rèn luyện và làm theo “cách lãnh đạo đúng” của Người. Kế hoạch đó phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện, thời gian cụ thể, kết quả đạt được, v.v. Do vậy, đòi hỏi mỗi chính trị viên phải có quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, kiên quyết, kiên trì, tích cực, chủ động thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra; thực sự gương mẫu trong tự học tập, rèn luyện và làm theo Bác ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc, nhất là trong đổi mới phong cách lãnh đạo; luôn tự giác “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày để tiến bộ, phát triển không ngừng.

Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng, nhất là cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, động viên, khích lệ đội ngũ chính trị viên tích cực, chủ động tự học tập, rèn luyện, tự đổi mới phong cách lãnh đạo theo tư tưởng “cách lãnh đạo đúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chính xác kết quả tự học tập và làm theo Bác của chính trị viên để chỉ đạo, hướng dẫn, rút kinh nghiệm kịp thời; đồng thời, làm cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Phát hiện, nghiêm khắc phê phán, uốn nắn nhận thức và hành vi lệch lạc, nhất là biểu hiện đối phó trong học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cách lãnh đạo đúng”.

Khắc ghi lời Bác: “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”5, đòi hỏi cấp ủy các cấp, trước hết là đội ngũ chính trị viên cần tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng linh hoạt tư tưởng về “cách lãnh đạo đúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm không ngừng hoàn thiện mình để nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY HOÀNG, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị
____________________

1 - Một là, phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Hai là, phải tổ chức thi hành cho đúng. Ba là, phải giám sát, kiểm tra việc thi hành các quyết định cho đúng.

2 - Tổng cục Chính trị – Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb QĐND, H. 2020, tr. 36.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 672.

4 - Sđd, Tập 10, tr. 377.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 485.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.