QPTD -Thứ Năm, 08/07/2021, 09:48 (GMT+7)
“Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí” - chỉ đạo chiến lược của Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam

Cùng với ý chí, quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc thì “Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”1 là tổng kết của Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm bốn năm Ngày chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết đó đồng thời là chỉ đạo chiến lược để xây dựng và phát triển ngành Kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của cách mạng và Quân đội ta.

Quy luật của chiến tranh là “mạnh được, yếu thua”. Trong khi đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chống kẻ thù xâm lược được ví như “châu chấu đá voi”, “võ sĩ tí hon đánh tên khổng lồ”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhân dân Việt Nam khắc phục mọi khó khăn, bất cập về lực lượng và phương tiện, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù có tiềm lực mạnh về kinh tế và quân sự, có quân đội nhà nghề, bộ máy vận hành chiến tranh chuyên nghiệp, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và phương tiện chiến tranh hiện đại, v.v. Trên cơ sở lý luận chiến tranh và quân đội của chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa quân sự thế giới và truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo chiến lược, giải quyết kịp thời những vấn đề cơ bản, cấp bách về quân sự của cách mạng Việt Nam.

Cùng với việc quy tụ sức mạnh chiến tranh, sức mạnh quân sự vào vai trò quyết định của con người, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Người chỉ rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng”2 và “Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân vùng dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước, đoạt lại chính quyền”3. Trong điều kiện rất khó khăn, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều cách thức tìm kiếm các nguồn vũ khí cho cách mạng, thể hiện tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tìm kiếm và huy động mọi nguồn vũ khí để trang bị cho lực lượng vũ trang. Trước hết là phát huy nội lực, tự tạo, tự sản xuất là cách tốt nhất để giải quyết kịp thời những khó khăn, thiếu thốn trước mắt về vũ khí. Trong giai đoạn chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Cái gì đánh được giặc là phải dùng cả,… khi có dịp phải rèn giáo, mác cho du kích”4. Đầu năm 1941, Người giao nhiệm vụ cho các cán bộ chuyên môn mở xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí ở Cao Bằng. Tiếp đó, thực hiện chỉ thị của Đảng và lời kêu gọi sắm sửa vũ khí đánh quân thù của Tổng bộ Việt Minh, hầu hết các tỉnh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều khẩn trương rèn đúc vũ khí; những nơi có điều kiện thì lập “Công binh xưởng” để sản xuất và sửa chữa vũ khí để kịp thời cung cấp cho các đơn vị giải phóng quân và du kích đánh giặc. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân và lực lượng vũ trang, sử dụng vũ khí tự tạo để đánh giặc, lấy vũ khí của giặc để trang bị cho mình. Quán triệt tư tưởng đó, Quân đội và nhân dân Việt Nam với cách đánh du kích thông minh, sáng tạo tổ chức nhiều trận đánh, thu được nhiều vũ khí của địch để đánh địch.

Hồ Chí Minh còn tìm cách mua sắm vũ khí từ nước ngoài, đồng thời tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế để có thêm vũ khí mới, hiện đại cho cách mạng. Ngay từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã chủ trương mở thông đường dây liên lạc từ Cao Bằng sang Côn Minh (Trung Quốc) để giữ mối liên hệ với các đồng chí hoạt động ở nước ngoài và tìm cách mua vũ khí từ Trung Quốc, vận chuyển về nước. Đồng thời, Người cùng Trung ương Đảng phát động phong trào “Đồng tiền cứu nước” (6/1945), “Tuần lễ vàng” (9/1945) quyên góp tiền mua súng đạn trang bị cho lực lượng vũ trang, giúp cho cách mạng có được một khối lượng đáng kể các loại vũ khí, trang bị cho các lực lượng chiến đấu. Để có thêm nguồn vũ khí, nhất là các loại vũ khí hiện đại mà ta chưa có điều kiện sản xuất hoặc mua sắm, Hồ Chí Minh chủ trương “dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới”5. Người trực tiếp đi thăm Trung Quốc, Liên Xô để thiết lập quan hệ ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình giúp đỡ của quốc tế cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn 1954 - 1964, Liên Xô đã ủng hộ Việt Nam 77.219 tấn hàng quân sự, Trung Quốc viện trợ 42.219 tấn hàng quân sự. Giai đoạn 1965 - 1975, các nước xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ cho Việt Nam 2.224.802 tấn hàng quân sự6. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã có đủ sức mạnh để mở các chiến dịch lớn, làm nên những chiến thắng vang dội, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Hai là, tập trung xây dựng và phát triển ngành quân khí theo hướng cơ bản, lâu dài, vững chắc và hiện đại. Để đáp ứng vũ khí cho những yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp kháng chiến, Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng và phát triển ngành Quân khí theo hướng cơ bản, vững chắc và hiện đại. Ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 15/9/1945, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng với hai nhiệm vụ: “Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quân sự hóa toàn dân”7. Đồng thời, chỉ đạo quân và dân ta, nhất là ngành Quân giới nỗ lực nghiên cứu, chế tạo, cải tiến, biến vũ khí có được từ mọi nguồn thành vũ khí của mình và đánh theo cách đánh của mình, với tinh thần: sản xuất vũ khí đi đôi với yêu cầu chiến thuật. Với ý chí tự lực, tự cường của toàn quân, toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, các loại vũ khí hiện đại, có uy lực lớn do các nước viện trợ đã được nghiên cứu, cải tiến gọn nhẹ, dễ mang vác, tiện cơ động, phù hợp với cách đánh của bộ đội Việt Nam. Các hoạt động sản xuất, chế tạo vũ khí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm cơ bản vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Các tổ chức hoạt động kỹ thuật quân sự khác cũng từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, như: thông tin liên lạc, vận tải, công binh, pháo binh,… góp phần đưa ngành Kỹ thuật Quân đội ngày càng phát triển, trưởng thành và lớn mạnh.

Ba là, quan tâm tìm kiếm và bồi dưỡng người có đủ năng lực về chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu, cải tiến và sản xuất vũ khí cho cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo quân sự ở nước ngoài để sau này về xây dựng Quân đội. Đặc biệt, năm 1946, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, Người đã vận động và đưa về nước một số trí thức Việt kiều yêu nước, như: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Vũ Đình Huỳnh, v.v. Trên đường về, Người căn dặn Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa): “Chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí. Sớm muộn, thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp”8. Sau này, Người giao cho Trần Đại Nghĩa giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới. Dưới sự chủ trì, chỉ huy của Trần Đại Nghĩa và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự sáng tạo, ngành Quân giới đã chế tạo được nhiều loại vũ khí mới, trong đó có những loại có uy lực mạnh, sức công phá lớn như: Badôca, SKZ, AT, SS,… đủ sức phá tan các phương tiện chiến tranh hiện đại, như: xe tăng, xe bọc thép, boong ke kiên cố của địch.

Để đào tạo ra những cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự có chuyên môn tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (ngày 28/10/1966), tiền thân của Học viện Kỹ thuật quân sự ngày nay. Đây là Trường Đại học kỹ thuật quân sự đầu tiên của Quân đội và đất nước, với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự, phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường đã đào tạo và cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho các binh trạm, xưởng sửa chữa, trực tiếp phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tập trung cải tiến, phát huy tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, trang bị hiện có. Với việc coi trọng và làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật quân sự tài năng, tâm huyết, sáng chế nhiều loại vũ khí cho bộ đội và nhân dân đánh giặc, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Bốn là, coi trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tinh thần tiết kiệm, “giữ tốt, dùng bền”, sử dụng có hiệu quả cao nhất các loại vũ khí và chiến lợi phẩm thu được. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong điều kiện đất nước còn nghèo, bao nhiêu nguồn, bao nhiêu vũ khí cũng chưa thể đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng. Do đó, tất cả các loại vũ khí, dù do ta sản xuất ra hoặc lấy được của địch hay bạn bè quốc tế ủng hộ, đều phải được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả theo phương châm “mỗi viên đạn một quân thù”. Đây là cách tốt nhất để góp phần giảm bớt những khó khăn, thiếu thốn về vũ khí của cách mạng, mà vẫn đạt được hiệu suất chiến đấu cao. Vì vậy, cần giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tinh thần tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí. Người thường căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “cần giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, xe cộ; cần tiết kiệm đạn dược, xăng dầu; cần quý trọng sức của, sức người của nhân dân”9. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên “giáo dục bộ đội giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, từng hạt gạo, không được để lãng phí”10. Đặc biệt, đối với những chiến lợi phẩm thu được, Bác căn dặn phải cất giữ cẩn thận và sử dụng tiết kiệm: “Các chú thu được một số xe của địch, thế là tốt,... Đấy là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này sẽ phát triển nhiều thêm... Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu11.

Nhờ những biện pháp tìm kiếm, chế tạo và phát triển vũ khí sáng tạo, hiệu quả, phù hợp, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã giải quyết thỏa đáng vấn đề khó khăn của cách mạng Việt Nam là vấn đề vũ khí, góp phần đưa cách mạng làm nên những thắng lợi huyền thoại trong thế kỷ XX. Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội đặt ra ngày càng cao, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong khi nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thì những chỉ dẫn trong luận điểm “đánh giặc, trước hết cần phải có vũ khí” của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TS. PHẠM VĂN MINH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 397.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb QĐND, H. 2011, tr. 103.

3 - Trần Thị Minh Tuyết – Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, H. 2015, tr. 108.

4 - Đầu nguồn hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, H. 1975, tr. 337.

5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 396.

6 - Nguyễn Văn Quyền – Việt Nam tranh thủ nguồn viện trợ quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Viện Lịch sử quân sự, H. 2016, tr.163 - 164.

7 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 28.

8 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 211.

9 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG,     H. 2011, tr. 30.

10 - Sđd, Tập 15, tr. 577.

11 - Sđd, Tập 7, tr. 58.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.