QPTD -Thứ Ba, 13/06/2017, 07:40 (GMT+7)
Công tác kiểm tra, giám sát theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổ chức thi tốt nghiệp cho học viên đào tạo năm học 2016 - 2017
(Ảnh: hocvienhaucan.edu.vn)

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng. Theo Người, lãnh đạo tất yếu phải có kiểm tra; “kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”1, “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”2. Tư tưởng đó của Bác, mãi mãi là kim chỉ nam định hướng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong suốt quá trình hoạt động.

Về mục đích của công tác kiểm tra, Bác viết: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”3. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều, nặng nề, đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì các cấp ủy, tổ chức đảng phải chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Đó là khâu không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo của Đảng, nhằm giáo dục đảng viên, cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, Nhà nước, làm gương cho nhân dân, góp phần củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Theo Bác, kiểm tra để quyết định vấn đề cho đúng; để biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thi hành như thế nào, có thực sự đi vào cuộc sống để mang lại lợi ích cho nhân dân hay không. Nếu kiểm tra không tốt thì “nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” mà Đảng vẫn không hay biết. Lúc đó, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không những trở nên vô ích, mà còn làm tổn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi vậy, có kiểm tra “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”; mới ngăn chặn sai lầm, sửa chữa thói hư, tật xấu, thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất, hoặc những kẻ vụ lợi chui vào trong Đảng; để tuyển chọn, đề bạt, cất nhắc cán bộ được chính xác, khách quan. Về cách thức kiểm tra, Bác chỉ rõ: “1. Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn. 2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi. 3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”4. Cùng với đề cập vai trò của công tác kiểm tra, kiểm soát, Người thẳng thắn phê phán: “… hiện nay còn có một số cấp ủy đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của địa phương mình, v.v. Đó là thành kiến sai lầm, cần phải sửa chữa”5. Đồng thời, nhắc nhở: “… các Ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến”6, v.v.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kiểm soát, nhiều năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã coi kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng; đồng thời khẳng định, đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát có chuyển biến rõ, được thể hiện qua việc chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn phức tạp, tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ thấp. Việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm được thực hiện nghiêm, kể cả cán bộ cao cấp đã tạo hướng tích cực, có tác dụng giáo dục, răn đe, được quần chúng đồng tình, ủng hộ. Kiểm tra, xử lý nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng với thái độ kiên quyết, nghiêm minh, góp phần tích cực vào đấu tranh chống tệ nạn này. Ủy ban kiểm tra các cấp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc, phương hướng nhiệm vụ để tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện một cách toàn diện; gắn kiểm tra thường xuyên với kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật Đảng. Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, năm 2016, toàn Đảng đã tiến hành kiểm tra gần 10 vạn tổ chức đảng và hơn 4 vạn đảng viên; giám sát hơn 3 vạn tổ chức đảng và hơn 10 vạn đảng viên; thi hành kỷ luật gần 150 tổ chức đảng và hơn 12 nghìn đảng viên. Kết quả đó, đã có tác dụng tích cực đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

 Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, vẫn còn những yếu kém, tồn tại cần sớm được khắc phục, như đánh giá của Đảng tại Đại hội XII và các hội nghị Trung ương gần đây: chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát chưa cao. Công tác kiểm tra trong Đảng còn yếu, nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện và khắc phục; chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa và phát huy nhân tố tích cực. Công tác giám sát trong Đảng và giám sát của nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng các cuộc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm còn thấp; tính chủ động, kết quả, chất lượng, tác dụng ngăn ngừa, giáo dục chưa cao. Thực hiện chức năng tham mưu và làm nhiệm vụ do cấp ủy giao còn có việc thiếu chủ động, v.v. 

Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát là phải, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ. Thời gian tới công tác này cần tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản sau đây:

Trước hếtđẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Điều quan trọng là cấp ủy các cấp cần giáo dục cho các đối tượng thấy rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; nắm vững quy chế, quy trình, chức năng, nội dung, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, v.v. Đồng thời, phải xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trực tiếp và thường xuyên của các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy Đảng. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tổ chức đảng, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, lòng nhiệt tình, tâm trong sáng và phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát, đúng. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phù hợp với đặc điểm, tình hình tổ chức, nhiệm vụ Quân đội và các đơn vị. Cấp ủy phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người trực tiếp thực hiện, không khoán trắng cho Ủy ban kiểm tra. Đồng thời, phải chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá, rút kinh nghiệm; xây dựng quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy và tự kiểm tra, giám sát của mỗi cấp ủy viên, v.v.

Ba làđổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát cần bám sát phương châm: kiểm tra tập trung, giám sát mở rộng và trong quá trình thực hiện cần phát huy vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp. Ủy ban kiểm tra phải thực hiện đúng chức năng tham mưu giúp cấp ủy theo quy định; thực hiện nền nếp chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm, nhất là đối với tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện quản lý của cấp ủy cùng cấp. Nội dung kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và triển khai các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Chú trọng kiểm tra, giám sát những tổ chức đảng yếu kém, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ thấp; tổ chức đảng ở cơ quan trọng yếu, đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị quản lý nhiều cơ sở vật chất, lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tài chính, v.v. Coi trọng kiểm tra, giám sát việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra cấp dưới; nâng cao hiệu quả phối hợp kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng bảo đảm chặt chẽ, công minh, chính xác; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kịp thời, đúng quy trình và thẩm quyền, “thấu tình, đạt lý”, không để đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp và vụ việc kéo dài, gây phức tạp nội bộ.

Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cần chú trọng kiện toàn ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp theo đúng hướng dẫn của trên. Coi trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng, luân chuyển, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra, giám sát, nhất là với cán bộ chuyên trách. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc cho ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra, cũng như nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra, giám sát.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác về công tác kiểm tra, giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác này, góp phần khắc phục yếu kém, khuyết điểm, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trung tá ThS. LÊ VIỆT CƯỜNG, Học viện Hậu cần
__________
____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 327.

2 - Sđd, tr. 327.

3 - Sđd, tr. 636.

4 - Sđd, tr. 637.

5 - Sđd, Tập 14, tr. 326.

6 - Sđd, tr. 363 - 364.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.