QPTD -Thứ Năm, 14/11/2013, 20:26 (GMT+7)
Chuyển biến của Trường Sĩ quan Đặc công sau hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị

Qua hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Đặc công đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên và học viên, góp phần xây dựng Nhà trường trở thành một trong 50 tập thể Điển hình tiến tiến được vinh danh cấp toàn quân.

Là trung tâm đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị đặc công toàn quân nói chung và Binh chủng Đặc công nói riêng, hơn 45 năm qua, Trường Sĩ quan Đặc công luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), lập nên nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu (BGH) Nhà trường luôn coi trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên (CB,GV) và học viên; qua đó, phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác. Từ khi có Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (BCT) (khóa XI), vấn đề này càng được chú trọng hơn, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và mọi CB,GV, học viên, chiến sĩ, công nhân viên của Nhà trường. Đặc biệt, thông qua việc triển khai kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng và thực hiện các nhóm giải pháp khắc phục khuyết điểm đã được chỉ ra, hiệu quả của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Nhà trường tiếp tục được nâng lên một bước mới.

Qua hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của BCT, đội ngũ giảng viên và học viên của Nhà trường đã có tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Nhận thức rõ đội ngũ giảng viên là lực lượng quyết định đến hiệu quả công tác GD-ĐT, nên Đảng ủy, BGH Nhà trường đã thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ này vững mạnh về mọi mặt: có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; luôn say mê, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; có phương pháp, tác phong công tác phù hợp, uy tín cao trước tập thể. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới công tác GD-ĐT của Nhà trường, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng Đặc công “tinh nhuệ, thiện chiến”, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của một số giảng viên có mặt còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Thông qua đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cho thấy, mặc dù không có CB,GV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng một số đồng chí vẫn còn biểu hiện băn khoăn, chưa yên tâm gắn bó với nghề, chưa thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống. Về phía học viên, một số đồng chí chưa thực sự cố gắng trong học tập và rèn luyện; chưa tận dụng hết thời gian cho học tập, nên kết quả học tập có môn còn thấp. Đây chính là những trăn trở của lãnh đạo, chỉ huy trong nâng cao chất lượng GD-ĐT, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Để khắc phục hạn chế đó, Đảng ủy, BGH Nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kết hợp với tuyên truyền tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ,... Cùng với đó, Nhà trường coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa người dạy với người học; yêu cầu giảng viên phải gương mẫu trước học viên, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, đưa mọi hoạt động của Nhà trường vào nền nếp. Nhờ những việc làm đó, so với thời điểm trước thực hiện Chỉ thị 03 của BCT, đội ngũ giảng viên của Nhà trường có sự tiến bộ vượt bậc về lập trường, tư tưởng, không bị dao động trước khó khăn, thử thách; có tinh thần trách nhiệm cao, yêu ngành, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp GD-ĐT; mẫu mực về đạo đức, lối sống; tâm huyết, gắn bó với Nhà trường, xứng đáng là tấm gương để học viên noi theo. Đội ngũ học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ học tập đúng đắn, tự giác ghép mình vào khuôn khổ; tích cực tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương của Bác từ việc nhỏ đến việc lớn; đoàn kết, tận tình giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn; có ý thức tiếp thu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm cơ sở cho thực hiện chức trách, nhiệm vụ sau này; kiên quyết đấu tranh với những suy nghĩ, việc làm sai trái, biểu hiện chây lười, ngại học, ngại rèn, vi phạm quy chế, quy định của đơn vị.

Sự chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị 03 của BCT được thể hiện rõ nét ở chất lượng GD-ĐT của Nhà trường. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, xây dựng Binh chủng trong tình hình mới, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhiều đối tượng, bậc học, cấp học, ngành học. Trong khi đó, Nhà trường đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản, nơi ăn, ở của CB,GV và học viên còn nhiều khó khăn. Nhận thức rõ điều đó, Nhà trường luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới; Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 60/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD-ĐT; các chỉ thị, nghị quyết của Binh chủng về công tác GD-ĐT. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Học phải đi đôi với hành”, Đảng ủy, BGH Nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến của Bộ đội Đặc công; tích cực đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo sát với từng cấp học, bậc học, đối tượng học và từng chuyên ngành đặc công; nhất là đối tượng đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu đặc công cấp phân đội, trình độ đại học và học viên quốc tế. Với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, công tác GD-ĐT của Nhà trường đã có sự chuyển biến tiến bộ; việc thực hiện quy chế, quy trình đào tạo bảo đảm nghiêm túc; tính liên thông, liên kết giữa từng cấp học, bậc học được thực hiện khoa học. Nội dung GD-ĐT đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng thời gian học thực hành, giảm thời gian học lý thuyết; cắt giảm những nội dung môn học không còn phù hợp và bổ sung những môn học, nội dung mới, như: chống khủng bố, kỹ thuật nhảy dù, đổ bộ đường không,… sát với yêu cầu nhiệm vụ, trang bị và cách đánh của Bộ đội Đặc công trong tình hình mới. Năm 2012, Nhà trường đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình, nội dung đào tạo chuyên ngành Đặc công chống khủng bố (bậc trung cấp) và đã tuyển sinh khóa 1 (năm học 2012 - 2013), bước đầu đem lại kết quả thiết thực. Sự chuyển biến của Nhà trường còn được thể hiện ở chất lượng các đợt diễn tập tổng hợp cuối khóa, huấn luyện dã ngoại và thi tốt nghiệp của các đối tượng học viên được nâng cao; vai trò của các tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy và tổ chức quần chúng được phát huy. Phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng thực tế của người dạy và người học, không để những tiêu cực xảy ra trong Nhà trường.

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được Nhà trường quan tâm đầu tư và thực hiện có hiệu quả, đúng hướng, thu hút được đông đảo CB,GV, học viên tham gia. Hằng năm, Nhà trường đã chú trọng kiện toàn và nâng cao chất lượng Hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường; bổ sung Quy chế NCKH thống nhất trong toàn Trường; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng đề tài; thực hiện đúng quy trình từ khâu thẩm định, xét duyệt đề cương, đi thực tế đến tổ chức nghiên cứu, nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn. Các khoa giáo viên, hệ học viên đã động viên được đội ngũ CB,GV say mê nghiên cứu, sáng tạo, tập trung chủ yếu vào các đề tài định hướng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho các chuyên ngành đặc công; tăng cường nghiên cứu, thiết kế các trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đời sống bộ đội khi tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt, mang tính độc lập cao,… Nhà trường còn tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, các học viện, nhà trường, đơn vị trong và ngoài Quân đội để đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng, hiện đại hóa các trang thiết bị chuyên ngành đặc công trước yêu cầu mới1. Đến nay, công tác NCKH của Nhà trường đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đề tài; nhiều công trình mang tính “đặc thù” của Bộ đội Đặc công được ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị trong Binh chủng.

Bằng những giải pháp tích cực, hiệu quả, hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của BCT (khóa XI), Trường Sĩ quan Đặc công đã có bước chuyển biến tiến bộ toàn diện trên các mặt công tác. Cụ thể là: Từ một đơn vị còn nhiều khó khăn, Nhà trường đã vươn lên trở thành lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng. Qua kiểm tra nhận thức chính trị các đối tượng hằng năm, có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 80% khá, giỏi; riêng sĩ quan cao cấp 100% đạt khá, giỏi. Học viên thi tốt nghiệp 100% đạt yêu cầu, có trên 80% đạt khá, giỏi (trong đó, giỏi 16,91%), hầu hết học viên ra trường đều phấn khởi nhận nhiệm vụ. Kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên: Đảng bộ có 100% đảng viên đủ tư cách, trong đó trên 95% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm liền Đảng bộ Nhà trường đạt trong sạch, vững mạnh. Nhà trường được xây dựng đáp ứng yêu cầu chính quy, tiên tiến, mẫu mực; các chế độ đi vào nền nếp, không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, kỷ luật thông thường giảm còn 0,07%. Công tác tăng gia, chăn nuôi luôn đạt và vượt các chỉ tiêu, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội. Các cơ quan, khoa, hệ đều có hệ thống tắm nước nóng vào mùa Đông; 100% các bếp đạt “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”. Cảnh quan môi trường của Nhà trường đạt tiêu chuẩn chính quy, “xanh - sạch - đẹp” . Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” được thực hiện tốt. Các phong trào, như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”2; hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ3;… được thực hiện có hiệu quả. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân” - luôn được tỏa sáng trên mọi lĩnh vực công tác. Ghi nhận những thành tích đạt được, năm 2013, Nhà trường được vinh danh là Đơn vị Điển hình tiên tiến cấp toàn quân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, giữ vững thành tích Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh, Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, vững mạnh toàn diện.

Đại tá CẤN VĂN THÀNH

Chính ủy Nhà trường
___________

1 - Trong hơn hai năm (2011 - 2013), Nhà trường đã nghiệm thu được 13 đề tài, 13 chuyên đề, 63 giáo trình và 67 sáng kiến.

2 - Làm mới, sửa chữa được 06 km đường giao thông nông thôn và đào đắp 05 km kênh mương; giúp đỡ nhân dân 1.650 ngày công thu hoạch mùa màng; tổ chức cho 1.385 lượt cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận ở các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội và huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

3 - Nhà trường đã quyên góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo” được 365 triệu đồng; trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách 120 triệu đồng, trao tặng 02 Nhà tình nghĩa; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 285 lượt người, trị giá  hơn 19 triệu đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.