QPTD -Thứ Sáu, 08/04/2016, 07:53 (GMT+7)
Bộ đội Hóa học học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Nhờ nhận thức đúng, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện tốt, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Binh chủng Hóa học đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và chiến sĩ, góp phần xây dựng Binh chủng ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Phạm Đức Thọ phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng Hóa học lần thứ VIII. (Ảnh: binhchunghoahoc.vn)

Những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của Bộ đội Hóa học.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, những việc khó, việc mới để tập trung và giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, tạo chuyển biến vững chắc trên các mặt công tác của từng đơn vị. Đồng thời, hằng năm bổ sung chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, làm cơ sở cho họ rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trên cơ sở tiêu chí xác định, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch, đăng ký phấn đấu thực hiện. Hằng tháng, các cấp ủy, chi bộ đều đánh giá việc thực hiện của từng tổ chức, cá nhân, nhất là sự “nêu gương” của cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp; coi việc thực hiện chuẩn mực đạo đức là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Chỉ huy các cấp thường xuyên đưa nội dung nhận xét, đánh giá việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào các hội nghị giao ban, hội họp; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo và nhắc nhở phê bình những nơi làm chưa tốt, v.v. Các đơn vị còn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức của Người, với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú, như: tổ chức học tập, nghiên cứu các chuyên đề, thi kể chuyện, tìm hiểu về Bác; tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa, văn nghệ, tham quan truyền thống; tuyên truyền trên hệ thống bảng tin, pa-nô, áp phích, truyền thanh nội bộ và các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, duy trì thực hiện nghiêm túc Quy chế Dân chủ ở cơ sở, mọi ý kiến thắc mắc của cán bộ, chiến sĩ đều được kết luận giải trình bằng văn bản; từ đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong toàn Binh chủng. Đặc biệt, Cục Chính trị Binh chủng đã tổ chức in ấn, phát hành và hướng dẫn học tập tài liệu “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” ghi lại cảm xúc, tình cảm, lời hứa với Bác Hồ kính yêu (năm 1969, khi Bác vừa từ trần) của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 92 (Cục Hóa học), Bộ đội Hóa học trước khi đi làm nhiệm vụ chiến đấu. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong “làm theo” tấm gương đạo đức Bác Hồ; xây dựng nền nếp làm việc khoa học, hiệu quả, thúc đẩy mọi mặt hoạt động của Đơn vị.

Sự chuyển biến rõ nét nhất trong “làm theo” Bác ở Binh chủng Hóa học là đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, v.v. Thực hiện lời dạy của Bác “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng,…”1, trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban; kịp thời bổ sung, kiện toàn các phương án tác chiến và tổ chức luyện tập, bảo đảm cho Binh chủng luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, không bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, chủ động tham mưu, xử lý tốt các tình huống hóa chất độc, xạ, cháy nổ, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; duy trì nghiêm túc hoạt động của các trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ hóa học trên các địa bàn trọng điểm. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ khắc phục sự cố hóa chất độc, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng hóa học toàn quân. Điều chỉnh, nâng cấp hệ thống trang thiết bị sở chỉ huy, thông tin liên lạc, cơ yếu, bảo đảm thông suốt, bí mật, an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và địa phương tích cực luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy rừng, cứu hộ cứu nạn; xây dựng nguồn dự bị động viên, động viên công nghiệp, từng bước bảo đảm về số lượng và nâng cao chất lượng chuyên nghiệp quân sự, cân đối trên các vùng, miền, v.v.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội.”2, trong huấn luyện, toàn Binh chủng đã tạo dựng được ý thức tự giác trong chấp hành các chỉ thị, mệnh lệnh của trên; tích cực, chủ động chuẩn bị mô hình, học cụ, thao trường, bãi tập, giáo án, bài giảng và hệ thống sổ sách theo mẫu thống nhất. Quá trình huấn luyện, thực hiện nghiêm kế hoạch đã được phê chuẩn và phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, đúng thực chất, không chạy theo thành tích; xác định trọng tâm huấn luyện sát thực tế chiến đấu của Bộ đội Hóa học, như: chống khủng bố, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố hóa học, phóng xạ, v.v. Cùng với đó, Binh chủng đã đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể, tạo động lực tinh thần to lớn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện theo hướng đơn vị chủ động tự kiểm tra, tự đánh giá chất lượng. Vì vậy, đã khắc phục được “bệnh thành tích”, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm 100% đạt yêu cầu, trên 75% khá, giỏi; huấn luyện thể lực đạt giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 81% khá, giỏi.

Xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, xử lý sự cố môi trường là nhiệm vụ “thầm lặng” trong thời bình của Bộ đội Hóa học, nhưng rất phức tạp, nguy hiểm, độc hại, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có lòng dũng cảm, bản lĩnh vững vàng, có trình độ chuyên môn sâu và trách nhiệm cao mới có thể hoàn thành. Do ý thức rõ trách nhiệm của mình, nên Bộ đội Hóa học đã không quản khó khăn, hiểm nguy, kể cả đe dọa đến sức khỏe, tương lai nòi giống, luôn nỗ lực vượt khó vươn lên làm chủ trang bị, phương tiện, xử lý an toàn mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng làm cho môi trường trở lại trong sạch, an toàn. Từ năm 2012 đến 2015, Binh chủng đã thu gom, xử lý triệt để hàng trăm tấn chất độc CS và đạn chứa CS, cùng nhiều loại hóa chất độc hại khác3; phối hợp với các lực lượng, trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn do ngạt khí độc tại xã Thái Học, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (tháng 01-2012); tiến hành điều tra, khảo sát, phân tích mẫu đất, nước, không khí, góp phần xác định nguyên nhân gây bệnh lạ ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (tháng 4-2012), v.v. Qua đó, làm trong sạch môi trường, củng cố niềm tin, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân, được các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao về những đóng góp to lớn của Bộ đội Hóa học - Bộ đội Cụ Hồ.

Một trong những điểm sáng về học tập và làm theo Bác ở Binh chủng Hóa học là đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Mặc dù còn khó khăn về nguồn nhân lực, song lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học một cách toàn diện, có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Binh chủng đã tổ chức nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị hóa học, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất ở các đơn vị, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng. Đó là sáng kiến “Máy bơm khí nén cao áp cứu hộ hầm lò”, “Bộ thang dây cứu hộ”, “Thiết bị san chiết hóa chất dạng lỏng”, mô hình “Xe thả khói TĐA-M” và “Giá treo tranh cải tiến đa năng” của Lữ đoàn 86; “Phần mềm 3D mô phỏng các trang bị khí tài tiêu tẩy, các bộ tranh huấn luyện” và “Ứng dụng phần mềm Crocodile mô phỏng thí nghiệm hóa học” của Trường Sĩ quan Phòng hóa. Cùng với đó, là “Thiết kế, chế tạo cụm phin lọc bụi cho quạt hút khí nóng của máy ép mặt kính mặt nạ MV-5”, “Bộ gá rà nấm động cơ xe Zin-131 và UAZ-469”, “Bàn ép thủy lực tháo bơm con phanh ô tô”, “Giá tháo lắp hộp số” và “Gia công vòng số 5 trên 9 bộ khuôn cao su” của Nhà máy X61; “Máy đánh gỉ bình tiêu độc ĐKV” và “Quy trình sang can, bảo quản, niêm cất hóa chất KT-1, KT-2” của Kho K63, v.v.

Với công tác bảo đảm hậu cần, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sự chuyển biến trong “làm theo” Bác được thể hiện ở tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời vật chất hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, nhất là đối với những đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Binh chủng luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; duy trì nghiêm nền nếp chế độ hậu cần, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều cơ quan, đơn vị đã phấn đấu đạt tiêu chuẩn “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, coi trọng nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Công tác tăng gia, chăn nuôi phát triển tốt, nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu rau xanh; quản lý chặt chẽ, khai thác lương thực, thực phẩm, chế biến tập trung và các dịch vụ kỹ thuật có hiệu quả; điều kiện sinh hoạt, làm việc của bộ đội được cải thiện đáng kể. Công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội được coi trọng theo tiêu chuẩn “Đơn vị Quân y 5 tốt”; quan tâm khám bệnh nghề nghiệp cho bộ đội và t­ư vấn, điều trị có hiệu quả, bảo đảm quân số khỏe trên 99%. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến tốt; ý thức tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, cơ sở vật chất của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp luôn đầu tàu gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, được quần chúng thừa nhận và noi theo; những hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí của công, làm thất thoát tài sản đơn vị được phát hiện và xử lý kịp thời; không để xảy ra tham ô, tham nhũng, lãng phí trong công tác hậu cần, tài chính4.

Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ, góp phần xây dựng Binh chủng vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.

Thiếu tướng PHẠM ĐỨC THỌ, Chính ủy Binh chủng

_______________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.

2 - Sđd, Tập 8, tr. 29.

3 - Điển hình là, xử lý an toàn 4,6 ha đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai); nâng hạn sử dụng 10.368 quả lựu đạn A3 (lựu đạn đặc chủng) tại Kho K62; khắc phục sự cố rò rỉ khí Clo tại Nhà máy A42 Quân chủng Phòng không - Không quân; xử lý 13,5 tấn đạn gồm hơn 4.000 quả đạn M-72 và XM-74, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

4 - Trong 4 năm (2012 - 2015) toàn Binh chủng tiết kiệm điện, nước, xăng dầu và trong xây dựng cơ bản được trên 470 triệu đồng. Tăng gia sản xuất hằng năm đạt bình quân 1.300.000 đồng/người/năm, tăng 4% - 5% so với các năm trước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.