QPTD -Thứ Ba, 17/07/2012, 16:00 (GMT+7)
“Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây bắc Tổ quốc

LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó, Quân đội có vai trò quan trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và ở những địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

Ghi nhận những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong tham gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu bài viết: “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Bắc Tổ quốc do nhóm tác giả Văn Bảy – Minh Sơn – Tá Anh thực hiện.

I

“BỘ ĐỘI CỤ HỒ” CHỦ ĐỘNG THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO

alt
Chiến sĩ Trung đoàn 82 (Quân khu 2) hành quân dã ngoại về bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì để thực hiện “bốn cùng” với nhân dân địa phương (nguồn: qdnd.vn)
Vùng Tây Bắc1 Tổ quốc là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc; có 792 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và 610 km giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tây Bắc có vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng – an ninh (QP-AN) đặc biệt quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các mặt. Kinh tế của các địa phương tăng trưởng khá; chính trị - xã hội ổn định; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; QP-AN được tăng cường. Hệ thống chính trị cơ sở từng bước được kiện toàn và phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (KT,XH) của các địa phương… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đặc thù về lịch sử, xã hội và địa lý, Tây Bắc vẫn là vùng có cơ sở hạ tầng KT,XH chậm phát triển; trình độ dân trí còn thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao (năm 2011 chiếm 32% - theo tiêu chí mới). Trong khi đó, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở của một số địa phương còn nhiều hạn chế; tình trạng khiếu kiện đông người, tranh chấp đất đai, tệ nạn ma tuý, thiên tai, dịch bệnh,… diễn biến phức tạp. Lợi dụng những khó khăn trên, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số (nhất là đồng bào Mông) di cư tự do gắn với đòi thành lập “Vương quốc Mông tự trị”,… nhằm chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, xây dựng Tây Bắc ngày càng văn minh, giàu mạnh là trách nhiệm chính trị, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Ý thức rõ trách nhiệm tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” là thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Quân đội ta đối với đồng bào các dân tộc, trong thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Quân đội trên địa bàn Tây Bắc luôn chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch trong tham gia xây dựng NTM. Trong quá trình tham gia2, CB,CS ta luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt3. Để thực hiện điều đó, các đơn vị Quân đội trên địa bàn luôn lựa chọn nội dung tham gia xây dựng NTM phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Một trong những nội dung được các đơn vị chú trọng thực hiện tốt là tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng KT,XH và xóa đói giảm nghèo.

Trong tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng KT,XH, CB,CS ta chủ yếu thực hiện ở địa hình khó khăn, phương tiện cơ giới không tiếp cận được. Đó là những công trình có quy mô nhỏ, nhưng gắn bó thiết thực với đời sống của đồng bào các dân tộc. Thực tế cho thấy, Tây Bắc là vùng có địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, dân cư thưa thớt, địa bàn rộng (có xã diện tích bằng một huyện, thậm chí bằng một tỉnh nhỏ của đồng bằng Bắc Bộ). Vì vậy, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT,XH ở Tây Bắc rất tốn kém, nhưng đem lại lợi nhuận thấp cho nhà đầu tư, nhất là việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT,XH có quy mô nhỏ, như: đường giao thông liên thôn (bản), liên xã, thủy lợi, điện, trường học, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư,… Để khắc phục tình trạng trên, dựa chắc vào sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các đơn vị Quân đội đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, lực lượng đứng chân trên địa bàn đột phá vào việc xây dựng, sửa chữa hệ thống đường, trường, trạm y tế, nhà ở dân cư… để tạo động lực thức dậy nhiều tiềm năng của cả vùng Tây Bắc. Chỉ riêng việc thực hiện nội dung tiêu chí về giao thông4 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở Tây Bắc cho thấy, việc làm này không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, mà còn phải phát huy cao độ ý chí, nghị lực, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của bộ đội. Vì vậy, cấp ủy các đơn vị đã thường xuyên tổ chức quán triệt nghiêm túc, tuyên truyền sâu rộng đến mọi CB,CS về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng kết cấu hạ tầng KT,XH; đưa việc thực hiện nhiệm vụ này thành một nội dung lãnh đạo của nghị quyết hằng tháng, quý, năm. Trên cơ sở đó, các đơn vị xác định rõ nội dung từng phần việc ở từng địa điểm, xây dựng kế hoạch, xác định lực lượng, phương tiện, thời gian, kinh phí thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị luôn chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, trước hết là tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt phương châm: cần, kiệm, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả.

Với nhiều cách làm rất sáng tạo, chủ yếu bằng đôi tay và khối óc, bộ đội ta đã vượt lên mọi khó khăn, làm nên những công trình với quy mô khác nhau, chủ yếu là quy mô nhỏ nhưng thiết thực với đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc. Trong 02 năm (2010 và 2011), bằng công sức của mình, CB,CS thuộc Quân khu 2 đã huy động được 2.683.250 ngày công để tu sửa, làm mới được 4.576.970 km đường giao thông liên thôn (bản); 3.913.500 km kênh mương; xây sửa được 284 phòng học, 40 trạm xá (có 7 trạm xá Quân - dân y), duy trì hoạt động thường xuyên 10 trạm xá Quân - dân y, xây dựng được 68 khu gia đình văn hoá, làm được 41 Nhà tình nghĩa, Nhà đại đoàn kết, trị giá 2.219 triệu đồng, xây được 17 Nhà đồng đội, trị giá 935 triệu đồng. Các đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 379, 326 thực hiện có hiệu quả các dự án theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-TTg, Quyết định 167/QĐ-TTg của Chính phủ trong xoá nhà tạm cho hơn 4.000 hộ vùng Dự án. Trong năm 2011, có 349 đầu mối đơn vị từ cấp đại đội và tương tương trở lên với 6.397 lượt CB,CS về 98 xã (phường) giúp dân di dời nhà về nơi tái định cư; tu sửa, làm mới 1.248 nhà và 24 chuồng trại chăn nuôi; làm được 30 cầu (gỗ, bê tông) và nhiều công trình khác. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, các đơn vị đã huy động 45.072 ngày công lao động của CB,CS để tu sửa, làm mới 14.715 km đường giao thông, 88,4 km kênh mương; sửa chữa và xây mới 16 phòng học, 77 nhà; làm mới 7 cầu (gỗ, bê tông),… Tiêu biểu cho việc làm trên là CB,CS thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ; các đoàn KT-QP 326, 379, Sư đoàn 316, Trung đoàn 82, Cục Hậu cần Quân khu 2; CB,CS thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.

Điều đáng nói là do địa hình phức tạp, nên các phương tiện cơ giới không thể tiếp cận được địa điểm thi công các công trình có quy mô nhỏ, nên công sức, mồ hôi của CB,CS đổ ra cho một công trình, một ki-lô-mét đường giao thông, kênh mương nội đồng,... ở Tây Bắc nhiều hơn gấp bội phần so với thi công ở miền xuôi. Điều này đã phần nào nói lên tính chất gian khổ, sức sáng tạo của “Bộ đội Cụ Hồ” nơi đây.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo CB,CS tham gia xoá đói giảm nghèo. Do điều kiện tự nhiên, đất của các địa phương ở Tây Bắc chủ yếu là đất đồi, núi; đất sản xuất nông nghiệp rất ít (điển hình như cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang). Vì vậy, hướng phát triển kinh tế chủ yếu của các địa phương là từ đồi rừng, còn trồng lúa nước rất khó khăn, có trồng cây nông nghiệp thì chủ yếu là cây ngô. Nơi có khả năng phát triển cây ăn quả (như mận ở Sơn La, thảo quả ở Yên Bái, Lai Châu…), nhưng do khó khăn trong khâu bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, nên khó phát triển thành kinh tế hàng hóa lớn. Điều đó cho thấy công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Tây Bắc rất khó khăn; với những ai thiếu tâm huyết dễ dẫn đến nản lòng. Tuy nhiên, ghi sâu lời Bác Hồ dạy: “Phải săn sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với đồng bào rẻo cao về mọi mặt5, các đơn vị Quân đội trên địa bàn luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong tham gia thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa miền xuôi với miền ngược, đưa Tây Bắc hòa chung với sự phát triển của cả nước. Song làm gì, làm như thế nào để giúp đồng bào, khi mà trình độ nhận thức và phong tục tập quán của đồng bào còn lạc hậu? Đó không chỉ là nỗi trăn trở của cấp ủy, chỉ huy các cấp mà còn là nỗi băn khoăn của mỗi CB,CS ta. Một trong những hướng đi được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Quân đội lựa chọn là chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Để thực hiện tốt điều đó, CB,CS các đơn vị đã thực hiện “4 cùng”6, kiên nhẫn “cầm tay chỉ việc” không chỉ một vài lần, mà thường xuyên, liên tục nhiều lần, làm mẫu ở từng hộ, từng thôn (bản) có kết quả tốt thì nhân rộng. Vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số đã tin tưởng, làm theo.

Các đơn vị thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Tây Bắc có 26 huyện). Theo đó, các đơn vị luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và giúp đồng bào các dân tộc tái định cư; thay đổi cách sản xuất. Căn cứ vào tình hình cụ thể và yêu cầu của cấp uỷ, chính quyền địa phương, trong năm 2010, CB,CS thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Sư đoàn 316, Trung đoàn 82 tổ chức cho 3.647 lượt người về 51 xã (phường) tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trực tiếp giúp dân thực hiện tốt việc tái định cư Thuỷ điện Sơn La. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, các đơn vị tổ chức gần 3 nghìn lượt CB,CS về 35 xã giúp dân tái định cư Thủy điện Sơn La; đồng thời, bố trí dân cư theo quy hoạch ở khu vực Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Các tổ đội công tác cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi cách sản xuất. Trong năm 2010, các đơn vị trên địa bàn Tây Bắc tổ chức được 211 đội về 211 xã (phường); 6 đoàn KT-QP tổ chức được 41 đội sản xuất thực hiện nhiệm vụ ở 53 xã thuộc 10 huyện của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La,… tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi cách sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để có năng suất cao. Năm 2011, Khu KT-QP Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc trên địa bàn 39 con trâu và 22 con bò giống; Khu KT-QP Xín Mần hỗ trợ đồng bào được 80 con trâu, bò sinh sản…; đồng thời, hướng dẫn đồng bào cách thức chăm sóc con giống mới. Đối với việc chuyển đổi cây trồng, CB,CS các đơn vị trên địa bàn đã vận động, hướng dẫn đồng bào trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp, rừng phòng hộ đầu nguồn… Khu KT-QP Phong Thổ hướng dẫn đồng bào ghép được 12.010 cây đào, mận, lê; Khu KT-QP Xín Mần hướng dẫn đồng bào trồng ngô lai được 30 ha, ghép xoài được 5 ha, trồng thảo quả được 350 ha… Trong năm 2010 và 2011, CB,CS tham gia giúp dân trên địa bàn trồng 1.954,9 ha rừng, khai hoang, phục hoá được 289,7 ha, thu hoạch và chăm sóc 244,7 ha hoa màu, hướng dẫn đồng bào trồng được 12.270 ha cây cao su… Những việc làm này còn có tác động khuyến khích người nghèo ở nhiều địa phương khác có đặc điểm tương đồng áp dụng để tạo việc làm, tăng thu nhập. 

Mặc dù kết quả mới chỉ là bước đầu, nhưng với Tây Bắc, điều đó có ý nghĩa rất lớn cả về KT,XH và QP-AN. Mỗi kết quả ấy đều thấm đẫm tình người, mồ hôi và công sức của “Bộ đội Cụ Hồ”. Với mong muốn đạt được kết quả lớn hơn trong thời gian tới, các đơn vị Quân đội rất mong được trang bị thêm phương tiện kỹ thuật trong tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế có quy mô nhỏ; được trang bị thêm kiến thức về khuyến nông để giúp đồng bào các dân tộc trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và cơ cấu kinh tế có hiệu quả cao hơn.

VĂN BẢY - MINH SƠN - TÁ ANH

(Kỳ sau: II - “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới)

                 

1 - Tây Bắc trong phạm vi bài viết bao gồm 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.

2 - Mặc dù phong trào: “Quân đội chung sức xây dựng NTM” mới được phát động đầu năm 2012, nhưng những nội dung mà Phong trào đề cập được CB,CS Quân đội ta thực hiện từ nhiều năm nay. Nhưng từ khi thực hiện Phong trào này, các nội dung đó được thực hiện với khí thế mới, tinh thần mới. Các số liệu trong bài viết được lấy từ năm 2010 - thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010 phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 543.

4 - Tiêu chí 2: Giao thông, 2.1 – Tỷ lệ ki-lô-mét đường trục xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải ; 2.2 – Tỷ lệ ki-lô-mét đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 2.3 – Tỷ lệ ki-lô-mét đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 2.4 – Tỷ lệ ki-lô-mét đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.

5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 132.

6 - 4 cùng: 1- Cùng ăn; 2- Cùng ở; 3- Cùng làm; 4- Cùng nói tiếng dân tộc thiểu số.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.