QPTD -Thứ Hai, 20/08/2012, 02:28 (GMT+7)
“Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở vùng tây bắc Tổ quốc (tiếp theo*)

 


Lực lượng dân quân cụm xã Dương Quỳ (Văn Bản, Lào Cai) tham gia xây dựng nông thôn mới (nguồn: laocai.gov.vn)
 

II

“BỘ ĐỘI CỤ HỒ” TÍCH CỰC VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA MỚI

  

Cùng với tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới (ĐSVHM) là một nội dung quan trọng trong Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Quân đội trên địa bàn Tây Bắc.

Văn hóa luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc ta nói chung, cũng như của các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc nói riêng. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chứng minh rằng, cái bảo đảm cho dân tộc trường tồn, phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách là sức mạnh của văn hóa, là những giá trị văn hóa tinh thần. Văn hóa Việt Nam nói chung, của các dân tộc ở Tây Bắc nói riêng đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người nơi đây, làm rạng rỡ thêm truyền thống dân tộc, xây dựng nên xã hội mới, con người mới, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xây dựng nền văn hóa, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, đời sống văn hóa tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến từng con người và toàn bộ cộng đồng dân cư. Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, với những con người có phẩm chất, đạo đức, lối sống cao đẹp thì điều quan trọng có tính quyết định là phải xây dựng được môi trường văn hóa - đời sống văn hóa cụ thể tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Chính vì vậy, trong những năm đổi mới vừa qua, nhận thức đúng vai trò của văn hóa và ĐSVHM, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn Tây Bắc đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai thực hiện có kết quả nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm xây dựng ĐSVHM của đồng bào các dân tộc. Các cấp luôn quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc; chú ý trang bị, bổ sung cơ sở vật chất, làm cho hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng đầy đủ, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu, từng bước xây dựng các giá trị văn hóa mới, nếp nghĩ, lối ứng xử mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng ĐSVHM.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, tình hình địa lý phức tạp, thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất chậm phát triển, nên đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc còn nhiều khó khăn; các nhân tố văn hóa mới và nhiều thiết chế văn hóa chưa phát huy được tác dụng. Nhiều nơi, việc cưới hỏi, ma chay còn ăn uống linh đình gây lãng phí; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tăng cao; người chết để dài ngày trong nhà; không cho con gái đến trường hoặc không cho học lên cao khá phổ biến… Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo “điểm nóng” trên địa bàn Tây Bắc. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Quân đội trên địa bàn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, có nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức đơn vị tích cực tham gia xây dựng ĐSVHM trên địa bàn.

Một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu được CB,CS Quân đội thực hiện tốt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn về xây dựng ĐSVHM. Do những tập tục lạc hậu đã “ăn sâu, bám rễ” trong tiềm thức của đồng bào các dân tộc, nên để thay đổi được vấn đề này là việc làm không đơn giản. Ghi sâu lời dạy của Bác: mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước1, các đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thống nhất nhận thức, quan điểm về xây dựng ĐSVHM; nắm vững đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” để vận dụng thực hiện phù hợp. Trên cơ sở thống nhất nhận thức, các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương để nắm tình hình, xác định rõ những nội dung cần tập trung xây dựng, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả. Trong tổ chức thực hiện, các địa phương đã chú ý nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong vận động, phát huy vai trò của đồng bào tham gia xây dựng ĐSVHM. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn của CB,CS Quân đội, đồng bào các địa phương đã tích cực thực hiện nếp sống mới, động viên nhau xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không trồng cây thuốc phiện, không di, dịch cư tự do, không nghe theo kẻ xấu kích động, lôi kéo… từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Trong quá trình làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, CB,CS ta luôn căn cứ vào đặc điểm, tâm lý của từng dân tộc để có hình thức, phương pháp vận động sát hợp với từng đối tượng; chú trọng vào đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, trưởng thôn (trưởng bản), các già làng, người có uy tín trong dòng họ; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo xây dựng ĐSVHM, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương, tổ chức tọa đàm với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các vị chức sắc tôn giáo; vận động cộng đồng dân cư tham gia xây dựng Hương ước, Quy ước văn hóa và cùng nhau thực hiện. Các đơn vị đóng quân gần thôn (bản) đã chú ý phát huy tính lan tỏa của Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” trên địa bàn; tăng cường các hình thức giao lưu, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng ĐSVHM trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đài phát thanh nội bộ. Do đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số là ở phân tán, đi nương, rẫy cả ngày, có khi hai, ba ngày mới về nhà; bởi vậy, bộ đội ta phải trực tiếp đến từng gia đình khi họ đi làm về để vận động, tuyên truyền, giải thích. Nhiều nơi, như ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Tè (Lai Châu), Sốp Cộp (Sơn La), Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai),… CB,CS phải đi bộ mấy ngày liền, đến “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm” với đồng bào để thuyết phục đồng bào nhận thức rõ và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như việc xây dựng ĐSVHM. Những vùng dân cư tập trung hoặc ở các thị tứ, thị trấn, các đơn vị vận dụng hình thức tuyên truyền lưu động, nhất là dùng loa phát thanh bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số trong các phiên chợ để chuyển tải thông tin đến với đồng bào. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng vào việc hướng dẫn đồng bào tiếp thu kiến thức mới trong lao động, sản xuất và sinh hoạt; tích cực bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; loại bỏ dần những tập tục lạc hậu; xây dựng và hình thành lối sống văn minh; ngăn chặn sự thẩm lậu của văn hóa độc hại vào đời sống của đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó, các đơn vị tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới. Theo địa bàn được phân công, CB,CS ta đã thường xuyên bám thôn (bản) vận động đồng bào xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến; đưa các nội dung xây dựng nếp sống văn minh vào việc cưới, việc tang và lễ hội; phê phán, bài trừ các tập tục lạc hậu; xây dựng thôn (bản) văn hóa, cộng đồng dân cư văn hóa; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, cờ bạc, các hủ tục mê tín dị đoan... Để thực hiện tốt vấn đề này, các đơn vị đã chú ý gắn kết chặt chẽ Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Trong quá trình thực hiện, các cấp hết sức coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng ĐSVHM. Cùng với xây dựng các mối quan hệ, nếp sống, lối sống văn minh, tốt đẹp, CB,CS ta tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không nghe theo các luận điệu kích động “xưng vua, đón chúa”… của kẻ xấu; tích cực xây dựng thôn (bản) văn hóa. Nhiều nơi đã xây dựng được các mô hình tiên tiến, như: “Họ đạo gương mẫu”, “Gia đình người Mông văn hoá”, “Thôn (bản) bình yên, gia đình hoà thuận”, “Thôn (bản) không có người hoạt động tôn giáo trái phép”. Các mô hình đó đã góp phần ngăn chặn, vô hiệu hóa sự chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời, tạo cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhờ vậy, nhận thức và cảm thụ các giá trị văn hoá của đồng bào được nâng cao; các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư được xử lý hài hoà, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Nếp sống mới từng bước được hình thành trong các gia đình, dòng họ,… tạo nên những nét đẹp trong chuẩn mực văn hóa của đồng bào nơi đây. Với sự tham gia tích cực của CB,CS Quân đội ta, nhiều lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Du lịch Qua miền Tây Bắc, Hội trại Văn hóa, Hội chợ Du lịch - Thương mại, Du lịch Cung đường Tây Bắc, tuần phim và ký sự Du lịch Tây Bắc; các môn thể thao dân tộc và hoạt động trò chơi dân gian được khôi phục, phát huy, làm cho bộ mặt các thôn (bản) vùng cao ngày càng khởi sắc, hấp dẫn hơn, để lại tình cảm sâu sắc đối với đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ, giúp bà con định cư tập trung thành thôn (bản), cố kết cộng đồng trong lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa. Đồng bào La hủ đã biết ăn Tết cổ truyền của dân tộc và ngày càng ổn định cuộc sống, phát triển văn hóa, xã hội, hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn, như: Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái… có trên 80% gia đình đồng bào dân tộc đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; gần 80% khu dân cư thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới.

Các đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực trong tham gia xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc. Địa bàn Tây Bắc là nơi có nhiều đối tượng, thuộc nhiều độ tuổi cần được xóa mù chữ, nhưng nơi ở lại phân tán, đường đến trường vừa xa, vừa khó khăn vì phải lội suối, trèo đèo… nên dễ làm nản lòng học sinh và phụ huynh. Nắm vững đặc điểm, tình hình cũng như tâm lý của đồng bào, CB,CS ta đã đến tận từng gia đình để vận động hoặc trực tiếp làm giáo viên dạy học cho con em đồng bào các dân tộc. Nhiều đơn vị đã cử CB,CS kiên trì bám địa bàn, bám dân, tổ chức nhiều loại hình lớp học, như: Trường bán trú dân nuôi, lớp học tình thương, lớp học ban ngày, lớp học ban đêm để đón nhận và dạy chữ cho các cháu. Trong những năm qua, các đơn vị thuộc Quân khu 2 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cử hàng ngàn lượt CB,CS, hàng trăm tổ (đội) đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để dạy học; huy động hàng chục vạn ngày công để sửa chữa, củng cố trường học cho các địa phương. Tiêu biểu trong phong trào đó là CB,CS thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; các Đoàn kinh tế - quốc phòng 326 (Sốp Cộp, Sơn La), 379 (Mường Chà, Điện Biên), 345 (Bát Xát, Lào Cai)... Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng đã huy động hơn 13.000 ngày công tu sửa các phòng, lớp học; tặng 137 bộ bàn ghế; xây, sửa 46 phòng học trị giá gần 02 tỷ đồng; mở 55 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho hơn 1.000 học sinh; vận động được hơn 70.000 học sinh bỏ học và trẻ em trong độ tuổi đến trường đi học. Chính tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, lòng nhiệt tình của CB,CS Quân đội đã góp phần quan trọng đưa con em các dân tộc trên địa bàn vượt qua khó khăn, trở ngại để đến trường học tập, tạo điều kiện để mở mang kiến thức và hòa nhập với trào lưu của đất nước.

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc cũng được CB,CS ta rất quan tâm. Tây Bắc là một trong những địa bàn mà người dân rất tin vào “thầy mo”, “thầy cúng” trong chữa bệnh… Để thay đổi quan niệm, nếp nghĩ đó và vận động được đồng bào đến các cơ sở y tế chữa bệnh, tổ chức ăn, ở hợp vệ sinh… là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, do nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm, cùng với tình cảm gắn bó với đồng bào các dân tộc, CB,CS Quân đội ta đã kiên trì vận động, giải thích, giúp đồng bào hiểu rõ nguyên nhân của bệnh tật và tin vào phương pháp điều trị theo khoa học. Cùng với đó, các cấp hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình quân - dân y kết hợp, có các giải pháp tổ chức điều trị liên hoàn từ tuyến xã đến cụm liên xã, huyện, tỉnh, tạo nên mạng lưới đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong những năm qua, các Bệnh viện Quân y 109, Quân y 6; các tiểu đoàn Quân y của Sư đoàn 316, 355, Phòng Quân y Quân khu 2… đã tổ chức hàng chục đợt về các địa bàn đồng bào các dân tộc để khám bệnh, cấp thuốc; trực tiếp hướng dẫn đồng bào sử dụng màn khi ngủ; không để người và gia súc, gia cầm ở chung nhà (người ở trên, súc vật ở dưới), sử dụng nước sạch, phun thuốc diệt muỗi; vận động đồng bào thực hiện tốt chương trình sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình. Riêng năm 2011, các đơn vị quân y trên địa bàn Tây Bắc đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 150 ngàn lượt người; tiêm chủng mở rộng cho hơn 100.000 lượt người dân; cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 02 tỷ đồng, v.v. Chính việc tuyên truyền, giải thích và bằng các hoạt động cụ thể đó của CB,CS Quân đội đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đã dần được xóa bỏ; khi đau, ốm đồng bào đã đến trạm y tế để khám, điều trị; các dịch bệnh nguy hiểm, như: tiêu chảy cấp, sốt rét, cúm A H5N1,… đã từng bước được thanh toán.

Những hoạt động thiết thực, hiệu quả trên đây của CB,CS Quân đội đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng ĐSVHM của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc. Kết quả đó đã làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng thêm tỏa sáng trong lòng đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc - một bảo đảm quan trọng để Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

VĂN BẢY - MINH SƠN -  TÁ  ANH

(Kỳ sau: III - “Bộ đội Cụ Hồ” vì sự bình yên ở vùng Tây Bắc)

                  

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số  7/2012.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 137.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.