QPTD -Thứ Hai, 15/09/2014, 11:45 (GMT+7)
Bản Di chúc lịch sử

Trước lúc đi xa, “về với thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử. Với ngôn ngữ giản dị, văn phong trong sáng, cô đúc, Di chúc là kết tinh tư tưởng, đạo đức, tình cảm của Người dành cho Đảng, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Di chúc của Người mãi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Ảnh tư liệu

Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo tháng 5-1965, đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, song đang trên đà thắng lợi. Đó là những lời tâm huyết mà Người hằng nung nấu để lại cho Đảng, cho nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam. Qua nhiều lần bổ sung, đầu năm 1969, Người hoàn thành bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang Người (Tháng 9-1969) gồm 4 trang in. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Khẳng định đó là bản Di chúc lịch sử, là tài sản vô giá của dân tộc ta bởi trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ căn dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những việc cần làm mang tính chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, mà còn tiên liệu thắng lợi chắc chắn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, qua đó động viên nhân dân ta quyết tâm giành cho được thắng lợi đó để rồi xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Giá trị lịch sử của Di chúc được thể hiện ở chỗ: hàm chứa trí tuệ, tầm nhìn sâu rộng về sự chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong Di chúc, Người tin tưởng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”; “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Trong suốt cuộc đời cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chỉ có mong muốn tột bậc là đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân được sống ấm no, dân chủ, công bằng, các quyền con người được đảm bảo. Đó cũng là tâm nguyện, mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trước sự bạo tàn, khốc liệt của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra đối với đất nước ta, đây là ước muốn, cái nhìn lạc quan cách mạng, niềm tin khoa học, sắt đá của một trí tuệ mẫn tiệp trong Con người vĩ đại. Đúng như dự đoán của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết đứng lên, trải qua bao gian khổ, hy sinh, đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, từng bước biến tâm nguyện cao cả ấy của Người thành hiện thực. Mùa xuân năm 1975, đất nước ta thống nhất, “non sông liền một dải”, cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Từ đó đến nay, nhân dân ta luôn vững bước trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thế, lực và uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới không ngừng được nâng cao. Một dự báo thiên tài, có tầm vóc lịch sử!

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thực tế cho thấy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp đó, lãnh đạo cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ chỗ phải hoạt động bí mật, bị bọn đế quốc, thực dân đặt ngoài vòng pháp luật, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Với trí tuệ anh minh, tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: trong điều kiện Đảng cầm quyền, nếu không làm tốt công tác xây dựng Đảng, rất dễ dẫn đến nguy cơ Đảng bị thoái hóa biến chất, cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) “tự đánh mất mình”, sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - vấn đề mà Người đã không ít lần cảnh báo. Ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, ác liệt, Người đã viết “Sửa đổi lề lối làm việc” để CB,ĐV học tập, rèn luyện. Với ý nghĩa đó, trong Di chúc, vấn đề đầu tiên Người đề cập là về Đảng. Với mong muốn Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân, là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại đưa cách mạng nước ta phát triển vững chắc, Người căn dặn: Đảng ta phải gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, quyết định đến sự tồn tại, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Cùng với đó, Đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”... Đây là những vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, làm tốt những công việc đó, Bác tin tưởng rằng, cách mạng dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng giành thắng lợi. Lời căn dặn của Người thể hiện tầm tư duy chiến lược, khả năng dự báo, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng Đảng vào hoàn cảnh cụ thể nước ta; đồng thời, thể hiện trách nhiệm lớn lao của Bác đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc và của Đảng. Lời căn dặn của Bác đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc đối với Đảng ta và mỗi CB,ĐV.

Quán triệt tư tưởng của Người trong Di chúc thiêng liêng, Đảng đã tiến hành nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình. Vì thế, Đảng ta luôn thật sự “là đạo đức, là văn minh”; CB,ĐV luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, xã hội và con người, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, đổi mới toàn diện đất nước giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Ngày nay, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế với những thời cơ, vận hội to lớn, nhưng cũng không ít thách thức khắc nghiệt. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và xã hội, nhằm làm suy yếu năng lực lãnh đạo của Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, hòng chuyển hướng phát triển của đất nước theo quỹ đạo của chúng. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, mất đoàn kết, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, cục bộ, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc,… Những điều đó, làm cho uy tín của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên trước nhân dân bị giảm sút, cản trở sự phát triển vững chắc của đất nước. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, hằng ngày, nhằm khắc phục những mặt yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo Nhà nước và xã hội thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế. Những điều Bác căn dặn về xây dựng Đảng trong Di chúc sống mãi với thời gian, mang tính thời sự nóng hổi.

Biết chắc rằng, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH còn lâu dài, nhiều gian khổ, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người yêu cầu Đảng ta phải không ngừng chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo lớp thanh niên trở thành những người chủ tương lai của nước nhà “vừa hồng, vừa chuyên”. Bản thân Bác là hình mẫu về sự chăm lo, giáo dục, chuẩn bị thế hệ cách mạng cho đời sau. Nhờ sự chăm lo, giáo dục của Bác mà đội ngũ cán bộ của Đảng không ngừng trưởng thành, luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, “vừa hồng, vừa chuyên”, gắn bó với nhân dân, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, giành những thắng lợi to lớn. Nhận thức rõ, việc chăm lo hạnh phúc của nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Người căn dặn: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn bộ công việc của Đảng, Nhà nước đều vì con người, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của mỗi người dân. Lời căn dặn của Người vừa toát lên mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam, vừa thấm đẫm tư tưởng nhân văn cộng sản sâu sắc và tình cảm, đạo đức của một con người vĩ đại, suốt đời vì nước, vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy rõ, cách mạng Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với cách mạng thế giới. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn có sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của các nước anh em, bè bạn cùng chí hướng. Thắng lợi ấy đóng góp quan trọng vào thắng lợi và sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế. Vì vậy, trong Di chúc, Người mong muốn: khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn thành, đất nước thống nhất, sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè năm châu và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết quốc tế. Điều Người băn khoăn, lo lắng nhất chính là sự “bất hòa” giữa một số “đảng anh em”. Người mong muốn Đảng ta sẽ đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, ra sức hoạt động để hàn gắn những mối bất hòa ấy một cách có lý, có tình. Lời căn dặn của Người mang tầm chiến lược, định hướng cho hoạt động đối ngoại của Đảng, nhằm khai thác, phát huy sức mạnh thời đại, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trước khi đi xa, Người chỉ ân hận là không còn được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng. Người để lại muôn vàn tình thương yêu với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đạo đức của Người Cộng sản Hồ Chí Minh thật vĩ đại. Di chúc của Người là bảo vật vô giá của dân tộc ta. Ở đó là sự kết tinh quan điểm về “Chân, Thiện, Mỹ”, toát lên những giá trị cao đẹp của dân tộc, thời đại và loài người tiến bộ. Bản Di chúc là kim chỉ nam, động lực thôi thúc hành động của nhân dân ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một văn kiện độc đáo, mang tính lịch sử, chứa đựng những điều giản dị, trong sáng, gần gũi, chân thành nhưng thật vĩ đại như chính cuộc đời của Người - Hồ Chí Minh.

    

MINH SƠN

 

 


* - Các câu trích trong bài được dẫn từ Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bản công bố năm 1969) - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, trang 619-629.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.