QPTD -Thứ Ba, 10/04/2018, 07:07 (GMT+7)
“Ba thực chất” – mô hình thực hiện Chỉ thị 05 ở Trường Quân sự Quân khu 5

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, Trường Quân sự Quân khu 5 đã xác định nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Trong đó, “Ba thực chất”1 là mô hình hiệu quả nhất đang được triển khai thực hiện.

Buổi kiểm tra bắn đạn thật cho học viên tại Thao trường 327

Là trung tâm đào tào, bồi dưỡng cán bộ của Quân khu, Trường Quân sự Quân khu 5 có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sĩ quan dự bị; liên kết với Trường Sĩ quan Lục quân 2 đào tạo các lớp Cao đẳng, Đại học ngành Quân sự cơ sở cho lực lượng vũ trang Quân khu; bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; bồi dưỡng, bổ túc cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, v.v. Để Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) là một giải pháp quan trọng. Đồng thời, cụ thể hóa Chỉ thị 05 thành những nội dung, chỉ tiêu sát với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, với phương châm xuyên suốt: “Dạy thực chất, học thực chất và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực thất”. Đây vừa là mục tiêu, chuẩn mực, giá trị để phấn đấu, vừa là tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cũng như của mỗi cá nhân trong Nhà trường.

1. Dạy thực chất

Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác giáo dục - đào tạo, trăn trở với những bất cập trong hoạt động giảng dạy theo lối áp đặt một chiều trước đây và thấm nhuần lời Bác: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”2, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định quyết tâm lãnh đạo đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng thực chất, tức là dạy đúng, đủ, phù hợp với trình độ của học viên, sát thực tiễn đơn vị. Để đạt hiệu quả, Nhà trường xác định phải bắt đầu từ công tác “gốc”, đó là: xây dựng đội ngũ giáo viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Ngoài việc làm tốt công tác tạo nguồn, Nhà trường đề nghị Quân khu tạo điều kiện cho giáo viên được đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội gắn với đào tạo, bồi dưỡng tại chức, chú trọng thực hiện việc bồi dưỡng theo phân cấp; tổ chức cho giáo viên đi thâm nhập đơn vị nhằm tăng tính thực tiễn quân sự, quốc phòng địa phương trong từng bài giảng, góp phần nâng cao trình độ, năng lực sư phạm. Do vậy, đội ngũ giáo viên của Nhà trường ngày càng được chuẩn hóa về trình độ. Đến nay, toàn trường có 6,6% Thạc sĩ; 68,9% đại học; 15,6% cao đẳng và 09% trung cấp. Nhiều giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp Nhà trường. Năm 2017, có 02 giáo viên được công nhận là Nhà giáo giỏi cấp Bộ. Đồng thời, tích cực xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý học viên là “người thầy thứ hai” kiêm giảng dạy để giảm tải cho các khoa giáo viên. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; trọng tâm là: xây dựng nội dung, chương trình tổng thể, từng môn học và từng bài giảng, bảo đảm logic trong quá trình nhận thức, có kết cấu hợp lý về hàm lượng tri thức cần trang bị, bám sát thực tiễn công tác quân sự, quốc phòng, phù hợp nhu cầu của học viên. Các khoa giáo viên duy trì chặt chẽ quy trình sư phạm; chú trọng tổ chức các hoạt động thông qua bài giảng, dự giảng, bình giảng của giáo viên ở các cấp; xây dựng mô hình bài giảng “Ba tiêu chí”3, bài giảng mẫu,… để vừa nắm chắc chất lượng giảng dạy, vừa bồi dưỡng nội dung, phương pháp cho từng giáo viên.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”4, Nhà trường đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, tạo động lực để mỗi giáo viên không ngừng vươn lên tự hoàn thiện mình, phát triển tài nghệ sư phạm, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, mô phạm trong từng lời nói và hành động, luôn hun đúc lòng tự hào, tâm huyết với nghề; không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt những bài giảng huấn luyện trên thao trường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng đất Nam Trung Bộ. Đó là cách dạy học thực chất nhất, tấm gương mô phạm nhất, góp phần truyền thụ cho học viên không chỉ tri thức, kỹ năng, mà còn là những giá trị, chuẩn mực đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”.

2. Học thực chất

Thực tế cho thấy, để học viên tự giác, tích cực trong học tập thì yếu tố đầu tiên, rất quan trọng là xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho họ. Nhận rõ vấn đề này, thực hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm, từng bước chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục, ngay từ đầu mỗi khóa học, Nhà trường đã tổ chức đối thoại dân chủ, quán triệt Quy chế Giáo dục - đào tạo đến từng đối tượng. Đội ngũ cán bộ quản lý tăng cường nắm tâm tư, nguyện vọng, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ học tập, rèn luyện của học viên để định hướng kịp thời. Trong từng buổi lên lớp, huấn luyện, giáo viên đã lồng ghép nội dung học tập với việc xác định nhu cầu nhận thức, khơi dậy sự khát khao kiến thức, lòng ham muốn học hỏi của học viên, từ đó xây dựng và nuôi dưỡng động cơ học tập đúng đắn, tích cực và thường xuyên. Nhà trường yêu cầu giáo viên phải áp dụng rộng rãi và hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, tăng tính trực quan trong mỗi bài giảng, tính tương tác giữa giáo viên và học viên bằng nhiều hình thức, như: xê-mi-na (thảo luận), hỏi - đáp,... tập trung sự chú ý vào nội dung bài giảng, tiếp thu bài trên lớp. Đồng thời, tăng thời gian rèn luyện kỹ năng thực hành cho học viên về kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, rèn luyện thể lực, hành quân xa, mang vác nặng, sát thực tế chiến đấu để bảo đảm “học đi đôi với hành”5. Đây là cơ sở quan trọng để học viên làm chủ quá trình học tập của mình, đề cao tính tích cực trong tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện. Nắm chắc đặc điểm trình độ nhận thức của học viên không đồng đều, với khẩu hiệu “Không để học viên đơn độc trên con đường đến với tri thức”, đội ngũ cán bộ quản lý luôn phối hợp chặt chẽ với giáo viên, thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn học viên biết cách học và học có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phân công giáo viên chủ nhiệm lớp để hướng dẫn, giúp đỡ và chịu trách nhiệm về kết quả của lớp mình phụ trách. Hằng tuần, đội ngũ cán bộ quản lý học viên xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý quá trình tự học, tự rèn của học viên chặt chẽ, nghiêm túc. Nhờ đó, phong trào học tập, rèn luyện của học viên ngày càng sôi nổi, với các mô hình sáng tạo, như: “Giảng đường thanh niên”, “Đôi bạn học tập”, “Giờ học thanh niên”, “Chi đoàn huấn luyện giỏi”,... góp phần đảm bảo cho chất lượng học tập của học viên ngày càng đi vào thực chất. Thông qua các mô hình đó, học viên từng bước làm chủ quá trình học tập, tự giác, tích cực tự học tập, tự rèn luyện bản thân, với mục tiêu: học để làm người, làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi về đơn vị công tác.

3. Thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất

Đánh giá kết quả học tập khách quan, chính xác, khoa học là giải pháp rất quan trọng, phản ánh chất lượng sản phẩm đào tạo, là cơ sở để rà soát, điều chỉnh toàn bộ quá trình dạy học. Nhận thức được điều đó, Nhà trường đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 60/CT-TM, ngày 25-12-2006 của Tổng Tham mưu trưởng về “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”. Theo đó, Nhà trường tập trung chỉ đạo các lực lượng tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các đối tượng chặt chẽ, nghiêm túc. Đồng thời, thành lập Ban Khảo thí (kiêm nhiệm) làm tham mưu cho Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc quản lý và triển khai thực hiện công tác khảo thí, bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Các khoa giáo viên xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi cho các đối tượng, đáp ứng được yêu cầu đa dạng các loại câu hỏi thi, kiểm tra, đảm bảo lượng kiến thức toàn diện, tính phân loại trình độ học viên cao; tích cực đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra. Ngoài các hình thức thi viết, vấn đáp, Nhà trường còn chú trọng tăng hình thức thi, kiểm tra trắc nghiệm, tự luận ngắn; tăng nhịp độ thi, kiểm tra bằng các hình thức: kiểm tra thường xuyên, định kỳ và kết thúc môn. Điều này đã giúp học viên thường xuyên tự đánh giá và điều chỉnh phương pháp học tập kịp thời, hiệu quả. Phòng Đào tạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những bất cập trong quá trình dạy học, huấn luyện; tổng hợp, đánh giá kết quả học tập của các đối tượng khách quan, công bằng và chính xác. Trong quá trình giáo dục - đào tạo, Nhà trường thường xuyên giữ mối liên hệ với các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu nhằm khảo sát, ghi nhận những thông tin phản hồi về chất lượng của học viên sau khi về công tác tại đơn vị để có sự điều chỉnh quá trình dạy học cho phù hợp. Đầu tư trang bị hệ thống ca-me-ra để tăng cường giám sát tại các phòng học, nơi tổ chức thi, kiểm tra; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm Quy chế thi, kiểm tra. Nhờ đó, những năm gần đây, quy trình tổ chức thi, kiểm tra của Nhà trường được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc; đánh giá kết quả học tập của học viên bảo đảm tính toàn diện, khách quan, minh bạch, công bằng và chính xác; hạn chế được những biểu hiện  tiêu cực và bệnh thành tích.

Hiệu quả từ “Dạy thực chất, học thực chất và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực thất” đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Trường Quân sự Quân khu 5. Hằng năm, kết quả học tập của các đối tượng đều 100% đạt yêu cầu; trong đó, tỷ lệ khá và giỏi năm sau cao hơn năm trước. Điều quan trọng là, học viên ra trường đều đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đề ra. Ba năm liền (2015 - 2017), Nhà trường được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng. Đó là minh chứng sinh động trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Trường Quân sự Quân khu 5; tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá ĐỖ THANH XUÂN, Chính ủy Nhà trường
_____________________

1 - “Ba thực chất”: 1. Dạy thực chất; 2. Học thực chất; 3. Thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực thất.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 291.

3 - “Ba tiêu chí” - Dạy học tích cực gắn với giáo án điện tử và bản đồ tư duy.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.

5 - Sđd, Tập 13, tr. 90.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.