QPTD -Thứ Bảy, 28/11/2015, 16:12 (GMT+7)
Kỷ niệm 195 năm Ngày sinh Ph. Ăng-ghen (28-11-1820 – 28-11-2015)
Tư tưởng Ph. Ăng-ghen về tăng cường sức mạnh quân sự bảo vệ Tổ quốc

Ph. Ăng-ghen là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, được nhân loại tôn vinh là nhà bác học “bách khoa”, nhất là lĩnh vực khoa học quân sự. Ông đã cùng với C. Mác tạo nên bước ngoặt cách mạng vĩ đại, đặt nền tảng thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho lý luận về chiến tranh và xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, về phương thức bảo vệ thành quả của cách mạng, v.v.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học di sản lý luận và thực tiễn quân sự của các nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử, như: Na-pô-lê-ông, Oen-linh-tơn, Giếch-sơn, Gnai-dơ-nau, Clau-dơ-vít-xơ,... Ph. Ăng-ghen đã tái hiện lịch sử xuất hiện của chiến tranh như một hiện tượng xã hội - chính trị, khác hẳn về bản chất với những cuộc xung đột vũ trang khi xã hội loài người chưa phân chia thành giai cấp. Ông đã dày công nghiên cứu và công bố hàng trăm bài phóng sự liên quan đến vấn đề quân sự; xuất bản nhiều công trình khoa học quân sự lớn, tiêu biểu, như: “Chiến tranh nông dân ở Đức”, “Tiểu luận về chiến tranh”, “Quân đội”, “Chống Đuy-rinh”, “Vai trò của bạo lực trong lịch sử”, “Châu Âu có thể giải trừ quân bị được không”, v.v. Các công trình đó hàm chứa những khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật, được vận dụng nhuần nhuyễn trong xem xét lĩnh vực quân sự, để hình thành nên hệ thống quan điểm khoa học về chiến tranh và quân đội; đồng thời, là nền tảng hình thành cương lĩnh quân sự của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, nhằm phục vụ công cuộc cải tạo thế giới, giải phóng con người, giải phóng xã hội.

Những tư tưởng, luận điểm của Ph. Ăng-ghen đi sâu giải thích một cách khách quan, khoa học hiện tượng xã hội phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc; sự chuyển hóa tiềm lực quân sự trong chiến tranh; quan hệ giữa con người và vũ khí; về ảnh hưởng xã hội và những đảo lộn to lớn mà chiến tranh gây ra, v.v. Trong đó, có những quan điểm, luận điểm về xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc của giai cấp vô sản, mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn cách mạng sâu sắc.

Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra mối liên hệ giữa chiến tranh và kinh tế, chiến tranh và chính trị; sự phụ thuộc của phương thức tiến hành chiến tranh, tổ chức và sức mạnh quân sự của nhà nước với quân đội làm nòng cốt vào chế độ kinh tế, xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Theo Ph. Ăng-ghen, quân đội bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp và nhà nước tổ chức ra nó và “Quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”1. Vì vậy, sức mạnh của quân đội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà nước sinh ra nó. Luận điểm này của Ph. Ăng-ghen đã giáng một đòn mạnh vào lý luận quân sự của giai cấp tư sản hòng che đậy bản chất giai cấp của chiến tranh và quân đội.

Lý luận quân sự của Ph. Ăng-ghen cũng chỉ rõ, cơ sở tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước trong bảo vệ Tổ quốc phụ thuộc vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định. Ông khẳng định: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”2. Ông cũng tập trung nghiên cứu, luận giải một cách biện chứng về sự chuyển hóa lượng - chất trong sức mạnh quân sự của nhà nước, về sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với sự hoàn thiện trình độ tổ chức quân sự trong mối tương quan với các tiền đề kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội; chỉ ra sự tăng cường sức mạnh quân sự của bất cứ nhà nước nào cũng không thoát khỏi những điều kiện kinh tế. Bởi, theo Ph. Ăng-ghen, “thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung”3. Sau khi phát hiện ra tính quy luật của sự phụ thuộc sức mạnh quân sự, quốc phòng và điều kiện phát triển kinh tế của nhà nước đã sinh ra và nuôi dưỡng nó, Ph. Ăng-ghen còn chỉ ra vai trò và những vấn đề cơ bản về xây dựng tiềm lực quân sự của nhà nước vô sản; về kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhà nước vô sản, chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược do nhà nước của giai cấp tư sản tiến hành.

Dựa trên quan niệm chủ nghĩa duy vật về các quá trình lịch sử - xã hội, Ph. Ăng-ghen nêu rõ yêu cầu cấp thiết phải xây dựng và tăng cường tiềm lực quân sự của nhà nước vô sản. Ông cho rằng, sức mạnh nền quốc phòng của đất nước được biểu hiện ở khả năng vật chất và tinh thần có thể huy động để tạo thành sức mạnh phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu các loại hình chiến tranh thông thường và hiện đại. Trong đó, tiềm lực kinh tế quân sự là một bộ phận đặc biệt của tiềm lực kinh tế đất nước, trực tiếp cung cấp trang bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho tiềm lực quân sự để tạo nên sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản. Tiềm lực kinh tế quân sự bao gồm bộ phận đang phục vụ thường xuyên cho nhu cầu quân sự và bộ phận ở dạng tiềm năng của nền kinh tế quốc dân có thể huy động sử dụng cho nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước khi cần thiết. Quy mô phát triển của tiềm lực kinh tế quân sự chịu sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố, nhưng trước hết và trực tiếp là sự phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của nhà nước. Tiềm lực kinh tế quân sự nếu được nhà nước không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển sẽ có tác động tích cực đến xây dựng, phát triển tiềm lực quân sự, tiềm lực chính trị - tinh thần của đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nhà nước vô sản trong bảo vệ Tổ quốc.

Nghiên cứu các cuộc chiến tranh trên thế giới, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ, nhân tố hậu phương vững chắc của cuộc chiến tranh có vai trò hết sức quan trọng tạo nên sức mạnh quân sự của nhà nước trong bảo vệ Tổ quốc, chống thù trong, giặc ngoài; là một yếu tố thường xuyên quyết định sự thành bại của chiến tranh. Theo luận điểm của Ph. Ăng-ghen, hậu phương là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật,…; là nơi chi viện nhân lực, vật lực và là chỗ dựa chính trị - tinh thần cho các lực lượng ở tiền tuyến. Tiền tuyến muốn đánh thắng địch thì phải có hậu phương vững mạnh về mọi mặt, trong đó có tiềm lực quân sự được xây dựng và tăng cường từ thời bình. Đây là một trong những vấn đề có tính chiến lược và quyết định sống còn đối với thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng. Ph. Ăng-ghen đã viết: “ … toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại rõ ràng là phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào nhân lực và vũ khí, nghĩa là vào số lượng và chất lượng của dân cư và của kỹ thuật nữa”4.

Phân tích về sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản, Ph. Ăng-ghen nêu lên những vấn đề cơ bản xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự của nhà nước, làm nền móng cho việc tổ chức vũ trang để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Ông khẳng định, tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự của nhà nước vô sản sẽ làm cho quân đội luôn kiên định, vững vàng trước những khó khăn, thử thách; phẩm chất chính trị - tinh thần, sức mạnh và ý chí chiến đấu chắc chắn sẽ ngày càng nâng cao; những người lính sẽ khéo léo, thông minh hơn và quyết tâm xả thân trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc của mình. Luận giải về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh: vai trò của con người giữ yếu tố quyết định, vũ khí, trang bị dù hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ giữ vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản. Hơn nữa, con người trong bảo vệ thành quả cách mạng vô sản chính là đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân. Ông đánh giá cao vai trò của đội ngũ tướng lĩnh, sĩ quan trong xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản. Đồng thời, luôn đề cập vấn đề phải đẩy mạnh trí tuệ hóa lực lượng vũ trang cách mạng, để hiện đại hóa nền quốc phòng, quân đội; chú trọng sử dụng những kỹ sư dân sự, nhằm tăng tính năng động, hiệu quả hoạt động quân sự của đội ngũ sĩ quan. Ph. Ăng-ghen cũng đề cập tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản, cần phải hết sức chú trọng nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội; phải chuyển trọng tâm huấn luyện quân sự rộng khắp đối với nhân dân sang giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho thanh niên.

Những tư tưởng, quan điểm của Ph. Ăng-ghen về vấn đề xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản, đã tạo bước ngoặt căn bản trong lý luận quân sự của giai cấp vô sản, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính cách mạng. Vì vậy, C. Mác coi Ông là “Người có uy tín về quân sự bậc nhất”; V.I. Lê-nin tôn vinh Ph. Ăng-ghen là nhà tư tưởng lỗi lạc của giai cấp vô sản và là nhà am hiểu quân sự vĩ đại. Lý luận về quân sự của Ph. Ăng-ghen trở thành công cụ sắc bén để mỗi Đảng Cộng sản cầm quyền nhận thức sâu sắc và thực thi hiệu quả trong đấu tranh giành và giữ vững chính quyền cách mạng.

Hệ thống những tư tưởng, quan điểm lý luận của Ph. Ăng-ghen về tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản được V.I. Lê-nin vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện Đảng Cộng sản đã nắm chính quyền, tập trung xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin là người có cống hiến to lớn trong bảo vệ và phát triển học thuyết về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nhà nước Xô-viết Nga. Ông khẳng định: “Kể từ ngày 25 tháng Mười năm 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc”5. V.I. Lê-nin cũng là người trực tiếp vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng, quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về vấn đề xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và các thành quả của cách mạng. V.I. Lê-nin nêu rõ: “Trong chiến tranh hiện đại, tổ chức kinh tế có một ý nghĩa quyết định”6; để chuẩn bị quốc phòng, ngăn chặn chiến tranh, phải “bắt đầu phát triển kinh tế”. Vì vậy, những năm là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô-viết Nga, V.I. Lê-nin luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước; trong đó, có các tiềm lực quân sự để nâng cao sức mạnh nền quốc phòng đất nước, góp phần quyết định đập tan mưu đồ xâm lược của 14 nước đế quốc, cùng sự chống phá quyết liệt của bọn cơ hội, xét lại, phản động ở trong nước, bảo vệ vững chắc thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, quan điểm lý luận quân sự của Ph. Ăng-ghen, vận dụng sáng tạo vào đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trên cơ sở lấy xây dựng, phát triển sức mạnh chính trị - tinh thần làm nền tảng, sức mạnh quốc phòng - an ninh là cốt yếu, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng tăng cường sức mạnh tổng hợp lớn nhất của đất nước. Đồng thời, tập trung giải quyết một cách biện chứng, thành công mối quan hệ giữa các tiềm lực, giữa con người và vũ khí, trang bị, giữa hậu phương với tiền tuyến, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế,… từ trong thời bình và khi có chiến tranh để ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão, kinh tế - xã hội và văn hóa của nhân loại đã đạt tới một trình độ phát triển rất cao so với thời đại của Ph. Ăng-ghen. Song, những tư tưởng vĩ đại của Người về tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước vô sản để bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, trung thành và vận dụng sáng tạo những tư tưởng, lý luận đó của Ph. Ăng-ghen, Đảng ta tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đường lối quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là hệ thống tư tưởng, quan điểm, kế sách giữ nước hữu hiệu của Đảng, đã được toàn dân, toàn quân quán triệt, thực hiện, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THẮNG, Viện Khoa học xã hội nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng
______________________________

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 242.

2 - Sđd, tr. 235.

3 - Sđd, tr. 235.

4 - Sđd, tr. 241.

5 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 102.

6 - Sđd, Tập 34, tr. 260.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.