Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD

QPTD -Thứ Năm, 14/11/2024, 08:48 (GMT+7)
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau

Đã từ lâu, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ trở thành một cụm từ khắc sâu vào tâm trí, trái tim của mọi người dân Việt Nam. Vì sao vậy? Vì Cụ Hồ là biểu tượng cho phẩm giá Việt Nam, Người kết tụ những giá trị văn hóa cao đẹp, Người khai mở con đường cách mạng Việt Nam, nên việc Quân đội do Người sáng lập và những người lính được mang tên Người là niềm kiêu hãnh, tự hào như một lẽ đương nhiên. Danh xưng, danh hiệu đó thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp, giá trị cao quý mà không phải đội quân nào trên thế giới cũng có được.

1. Suốt 80 năm qua, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đội quân do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập đã chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, lập nên biết bao chiến công hiển hách.

Họ là những người lính nông dân chân lấm tay bùn; những học sinh, sinh viên nơi đô thị phồn hoa nhưng đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, khí phách can trường, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Những người lính hồn nhiên, trong sáng vừa phong nhã, hào hoa vừa bình dị, phong trần “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Chính Hữu).

Người dân Điện Biên lưu luyến chia tay bộ đội sau lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ảnh: NGUYỄN HUY

Phẩm chất ấy được cụ thể hóa bằng lý tưởng sống cao đẹp, bằng những tấm gương ngời sáng tinh thần và ý chí cách mạng. Họ luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, ở mọi giai đoạn lịch sử cách mạng, họ đều có chung một chí hướng, một con đường, vì nhân dân phục vụ, chiến đấu hy sinh vì nước, vì dân: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui” (Phan Huỳnh Điểu).

Chính lý tưởng và lẽ sống cao đẹp ấy đã thôi thúc tinh thần vượt lên gian khổ, hiểm nguy để người lính quyết chiến, quyết thắng. Đó là Bế Văn Đàn, dù bị thương nhưng vẫn chiến đấu đến cùng. Giữa giờ phút sống chết, anh không ngần ngại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình hô đồng đội bắn. Khi đồng đội còn chần chừ, anh nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”.

Còn đồng chí Phan Đình Giót dùng cả thân mình bịt lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh... vì Đảng... vì dân!”, tạo thời cơ cho cả đoàn quân xông lên như vũ bão đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở đường cho Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đồng chí Tô Vĩnh Diện trong tình huống ngặt nghèo đã lấy thân mình chèn bánh pháo, giúp đồng đội ghìm giữ không để pháo rơi xuống vực sâu.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc còn sản sinh ra biết bao tấm gương anh hùng như: Trần Can, La Văn Cầu, Cù Chính Lan... và muôn vàn dũng sĩ ưu tú. Các anh, các chị bằng máu và nước mắt của mình đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ hiển hách như “một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20”. Đó là biểu tượng cho khí phách và ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc...

2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người lính Cụ Hồ áo vải chân trần lại một lần nữa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Dẫu khốc liệt, gian nan, giữa bốn bề bom rơi đạn lửa, người lính gác tình riêng dấn thân vào cuộc chiến đấu: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Thanh Thảo).

Những người lính sinh ra từ bùn đất nhưng khí phách can trường, không một thế lực quân thù nào có thể vùi dập. Nhưng khi hòa bình, họ trở về với bản chất nhân hậu, nhân văn: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi).

Người lính bước vào cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc tràn đầy niềm lạc quan cách mạng, coi thường cái chết, ngay cả khi vết thương còn đang rỉ máu: “Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn nằm đó, tiếng xe reo” (Phạm Tiến Duật). Đó cũng là những con người trung kiên, quả cảm, xả thân vì nước, vì dân: “Đầu bị thương không rời trận địa/ Giáp mặt quân thù quên hết nỗi đau riêng”.

Chúng ta không thể quên một Trừ Văn Thố lao người vào lỗ châu mai, lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch trong trận tấn công đồn Cây Trường ngày 18/10/1963; chị Út Tịch mộc mạc, chân thành nhưng lẫm liệt khí phách với câu nói bất hủ: “Còn cái lai quần cũng đánh!”; đồng chí Nguyễn Viết Xuân ngay cả khi bị thương nặng vẫn cắn răng đứng dậy hô vang: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Câu nói của anh như lời hiệu triệu, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho hàng ngàn chiến sĩ ngoài mặt trận...

Còn nhiều, rất nhiều tấm gương quả cảm hy sinh vì cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do. Chính Bộ đội Cụ Hồ chứ không phải ai khác, họ là những anh hùng thời đại, có trái tim nhân hậu, yêu đồng chí, đồng bào, yêu quê hương, đất nước, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng vượt lên khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh các anh là biểu tượng cho “... dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân). Đó chính là dáng đứng của Bộ đội Cụ Hồ: “Sống hiên ngang bất khuất ở trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (Tố Hữu). Các anh như là linh hồn dân tộc Việt Nam, là sức mạnh của non sông, đất nước, nơi kết tinh những truyền thống tốt đẹp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những con người bình dị nhưng ưu tú ấy đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đưa đất nước, non sông về một mối.

3. Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là sự kết tinh những phẩm chất ưu tú, trở thành những giá trị mẫu mực, bất biến trong lòng dân tộc. Mới đây, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã lên đường, đêm ngày tuần tra biên giới ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Bộ đội tham gia phân luồng, hướng dẫn, lập hàng trăm chốt, bảo đảm trật tự, an toàn khu cách ly. Không thể không xúc động khi hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ phải sơ tán vào rừng, dựng lán ở tạm, nhường doanh trại làm khu cách ly cho kiều bào và công dân ở nước ngoài về nước tránh dịch. Khi dịch bệnh lan rộng, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân y thần tốc vào vùng trung tâm dịch, lập nên các bệnh viện dã chiến chống dịch với sức mạnh cao nhất.

Các chiến sĩ Quân đội luôn ở tuyến đầu gian nguy, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, vất vả, gian lao, vượt nắng đội mưa đến từng nhà, từng ngõ, xóm phát lương thực, trao túi an sinh, bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho nhân dân trong cơn hiểm họa. Trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh, không ít cán bộ, chiến sĩ đã gục xuống khi đang làm nhiệm vụ. Sự hy sinh thầm lặng và cao quý của các anh càng làm sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân phục vụ. Đó chính là lẽ sống của người lính trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tháng 9/2024, cơn bão số 3 kéo theo mưa, lũ, sạt lở đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân ở nhiều tỉnh phía Bắc, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Chính trong cơn nguy biến nhất, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã có mặt tại những nơi xung yếu, lao vào trung tâm bão, lũ để tìm kiếm cứu nạn-cứu hộ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong giờ phút cam go, những chiến sĩ Quân đội luôn nêu cao tinh thần “tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, bất kể ngày đêm căng mình trong bão, lũ. Đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nhưng tất cả các anh vẫn dũng cảm quên mình, kiên cường chống lại cơn hung dữ của thủy thần, xả thân cứu giúp người dân trong hoạn nạn.

Trong suốt 80 năm qua, cùng với nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong mọi thời khắc khó khăn, cam go nhất của nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt kịp thời, đúng lúc. Bộ đội từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam, từ biên cương tới hải đảo, từ vị tướng đến chiến sĩ binh nhì luôn sát cánh, gắn bó thủy chung với nhân dân, kiên trung, tận tụy, hết lòng phụng sự nhân dân.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Quân đội ta có truyền thống vẻ vang cả trong chiến đấu lẫn công tác và lao động sản xuất, được nhân dân ghi nhận, yêu mến đặt cho tên gọi hết sức cao quý, thiêng liêng và trìu mến là Bộ đội Cụ Hồ.

Với tinh thần ấy có thể khẳng định, danh xưng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa tinh thần vô giá của toàn dân tộc, cần phải được giữ gìn, lưu truyền không phải chỉ cho quá khứ mà cho cả hôm nay và mai sau.

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI, Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Công tác đảng, công tác chính trị có vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I. Lênin từng chỉ rõ: tiến hành công tác đảng, công tác chính trị không chỉ là nguyên tắc cơ bản, mà còn là vũ khí mạnh mẽ của Đảng Cộng sản trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội.