Thứ Tư, 20/11/2024, 22:25 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD
Với địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, Cao Bằng - vùng đất của sự hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, được Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa trong nước đầu tiên của Trung ương Đảng. Đây cũng là nơi ghi dấu mốc lịch sử vẻ vang về sự ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - “Đội quân đàn anh” của lực lượng vũ trang cách mạng; đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc nước ta, Cao Bằng từ ngàn xưa đã được biết đến là một vùng đất cổ, có lịch sử và truyền thống yêu nước lâu đời, là nơi “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc, có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước. Cũng do vị trí đặc biệt đó, năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng, nhưng phải mất 10 năm sau chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở đây. Không chịu khuất phục sự cai trị của thực dân, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã liên tục đứng lên đấu tranh, nhưng chưa giành được thắng lợi, bởi chưa có một chính đảng và đường lối lãnh đạo đúng đắn, đặc biệt là chưa có lực lượng vũ trang đủ sức mạnh để đối phó với kẻ thù.
Với lòng yêu nước thiết tha, tầm nhìn chiến lược và trí tuệ hơn người, lại thấu hiểu nỗi đoạ đày đau khổ của nhân dân ta dưới ách nô dịch của thực dân Pháp, sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục, Nguyễn Ái Quốc đã đến với Học thuyết của Lênin. Và chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Người tìm thấy con đường đấu tranh giành tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1; đồng thời, chọn cho mình con đường “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”2. Theo Người, “Cách mệnh là sự nghiệp của quần chúng”; trong đó, “công nông là gốc cách mệnh”. Để thực hiện mục tiêu đánh đổ cả hai kẻ thù của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và phong kiến tay sai, ngay trong văn kiện đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như “Quân đội công nông” (sẽ được tổ chức) nói riêng là làm “cách mạng tư sản dân quyền” do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Như vậy, ngay từ rất sớm, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định muốn đập tan bạo lực phản cách mạng thì phải dùng bạo lực cách mạng; để có bạo lực cách mạng thì phải có lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cùng nhân dân thực hiện mục tiêu đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Đường lối cứu dân, cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng nhanh chóng lan tỏa về nước, chỉ hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là xã Hoàng Tung, huyện Hoà An). Những người cộng sản Cao Bằng cũng đã nhận thức sâu sắc và triệt để thực hiện quan điểm của Đảng về vai trò to lớn của lực lượng vũ trang cách mạng và đấu tranh vũ trang, phải “tổ chức ra quân đội công nông”. Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với nhãn quan chính trị nhạy bén của nhà chiến lược cách mạng thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Cao Bằng - nơi hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở để liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”3. Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm “đại bản doanh” đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào.
Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại Pác Bó) đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam; trong đó, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội cứu quốc. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”4; chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt; “phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”5. Sau Hội nghị, việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương, những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu. Công tác đào tạo cán bộ quân sự được đặc biệt chú trọng. Cùng với tổ chức lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập chính trị6, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó. Không chỉ thể hiện sự quan tâm công tác huấn luyện thông qua việc trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện, nắm tình hình, rút kinh nghiệm sau từng ngày huấn luyện, Người còn trực tiếp giảng dạy cho các học viên về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch, v.v. Để giảng dạy và huấn luyện đạt kết quả tốt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn nhiều tài liệu quan trọng như: “Mười chính sách của Việt Minh”, “Chiến thuật du kích”, “Kinh nghiệm du kích Nga”, v.v. Những giáo trình quân sự đầu tiên này góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đối với Đảng bộ Cao Bằng, Người chỉ thị: “Bây giờ là lúc phải tổ chức lực lượng vũ trang cho tới tận các địa phương, phải làm gấp, nếu chần chừ sẽ không kịp đâu, chẳng mấy chốc mà Hồng quân Liên Xô sẽ tiêu diệt bọn phát xít, lúc bấy giờ ta phải có đủ lực lượng để đứng lên giành chính quyền”7.
Theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập quân sự trở nên sôi nổi rộng khắp trong cả nước. Tháng 11/1941, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên (còn gọi là Đội du kích Pác Bó), gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền thực hiện công tác đặc biệt, v.v. Đảng bộ Tỉnh mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh để đào tạo cán bộ quân sự huấn luyện, tổ chức lực lượng vũ trang các cấp. Đặc biệt, với nòng cốt là các chiến sĩ Đội du kích Pác Bó được phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ, các đội tự vệ chiến đấu ở các châu của Cao Bằng đã không ngừng phát triển, được tổ chức huấn luyện sâu về kỹ thuật cá nhân và các phương thức chiến đấu. Đến đầu năm 1943, các xã, tổng thuộc các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đều có các đội tự vệ. Tháng 3/1943, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng quyết định thành lập các đội vũ trang thoát ly, châu Hà Quảng do đồng chí Dương Đại Lâm làm đội trưởng; châu Hòa An do đồng chí Nguyễn Thế Đỗ làm đội trưởng và khu Thiện Thuật của đồng bào Mông ở Nguyên Bình do đồng chí Cao Lý làm đội trưởng. Lực lượng vũ trang thoát ly đã tổ chức nhiều trận đánh phục kích, tập kích vào các toán địch đi lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng và diệt trừ những tên tay sai phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng và tài sản của nhân dân.
Cùng với xây dựng, phát triển tổ chức lực lượng, Trung ương Đảng và Bác Hồ rất coi trọng vai trò, vị trí quan trọng thiết yếu của vũ khí, trang bị trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Do đó, ngay sau khi được thành lập, tháng 3/1931, Đảng đã chỉ đạo Chi bộ Nặm Lìn lựa chọn, cử 04 đồng chí: Hoàng Hồng Việt, Hoàng Đình Hùng, Nguyễn Nam Hùng và Đàm Thế Vinh đi học sửa chữa và chế tạo vũ khí tại Trung Quốc, sau đó thành lập binh công xưởng tại vùng núi Lam Sơn (Hồng Việt, Hòa An) để sửa chữa, chế tạo vũ khí, trang bị cho cán bộ, hội viên hoạt động bí mật, vừa để tự vệ, vừa để tiêu diệt những tên tay sai gian ác và bọn mật thám chỉ điểm lùng bắt cán bộ cách mạng. Đặc biệt, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, trước yêu cầu đòi hỏi thực tiễn, lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh biên soạn các bài giảng (về sau được in thành sách “Con đường giải phóng”) nêu rõ sự cần thiết và vị trí quan trọng của việc sắm sửa vũ khí: “Trước hết phải có ít khí giới”8 và cách để có vũ khí “Một là từ trong tay giặc. Hai là ở trong dân. Nhân dân sẽ bằng mọi cách tự tạo ra vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang của mình”9. Khi cử các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Hoàng Minh Thảo,… đi học lớp quân sự, Người dặn đồng chí Đàm Quang Trung phải học tập cách sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện có của các nước trong phe Đồng minh và của cả đối phương. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và sự đòi hỏi cấp thiết về vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, tháng 3/1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng giao đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã), Bí thư Liên Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo Binh công xưởng tại căn cứ Lam Sơn (Hòa An, Cao Bằng) để sửa chữa, sản xuất các loại vũ khí để trang bị cho các đội tự vệ. Nguyên vật liệu cung cấp cho binh công xưởng chế tạo các loại vũ khí thô sơ gồm các loại thùng sắt, cuốc xẻng, nồi đồng, chảo gang, dao hỏng, liềm gẫy, lư hương đồng,… do nhân dân xung quanh vùng Lam Sơn, Hòa An mang đến ủng hộ.
Không ngăn nổi làn sóng cách mạng ở Cao Bằng ngày một dâng cao, thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào và tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các căn cứ cách mạng, hòng thị uy, bắt bớ, giết hại cán bộ cách mạng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1944, chúng bắt hơn 200 cán bộ, sát hại 22 người. Những thủ đoạn, tội ác dã man của thực dân Pháp không làm lung lay lòng trung thành và ý chí của nhân dân đối với cách mạng. Đồng bào các dân tộc Cao Bằng vẫn vững tâm tin tưởng và một lòng ủng hộ phong trào cách mạng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng có những chuyển biến tích cực. Như vậy, so với các địa phương trong cả nước, Cao Bằng luôn có được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Bác Hồ; các tổ chức đảng và lực lượng vũ trang Cao Bằng được phát triển mạnh mẽ; đường lối cứu dân, cứu nước của Đảng được tuyên truyền rộng rãi; đồng bào các dân tộc trên địa bàn có niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của cách mạng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Vũ khí, trang bị chiến đấu từng bước được bảo đảm cho các đội tự vệ. Đây là những cơ sở nền tảng, điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đội quân vũ trang cách mạng chủ lực tập trung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng thời kỳ mới.
Năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Ðảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Ngày 13/8/1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng họp bàn thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Tuy nhiên, sau khi trở lại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh10 đã phân tích và nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”11. “Hình thức thích hợp” được Hồ Chí Minh chỉ ra là thành lập “Đội quân giải phóng” - Đội quân chủ lực - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Theo Người: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...”12.
Chấp hành Chỉ thị của Người và sự chỉ đạo của Trung ương, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm chính trị viên). Sự kiện Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của Tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chỉ hai ngày sau khi thành lập, với sự vận dụng linh hoạt địa thế hiểm yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”13, hoạt động dựa vào nhân dân và sự quán triệt sâu sắc lời căn dặn: “Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch tưởng ta ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình”, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã lập được chiến công vang dội, tiến công tiêu diệt gọn 02 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, mở ra truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Hai trận công đồn tuy quy mô tác chiến nhỏ, nhưng thanh thế, tiếng vang của Đội quân chủ lực đã vang xa cả trong và ngoài nước, mang lại niềm tin vững chắc cho nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Cao Bằng nói riêng về tương lai trưởng thành, lớn mạnh của “Đội quân đàn anh”, gây hoang mang lo sợ trong hàng ngũ của địch.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. Và mảnh đất, con người Cao Bằng là cội nguồn vững chắc cho sự hình thành, nơi chứng kiến sự kiện lịch sử chính trị vẻ vang ấy. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở các châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với nhân dân cả nước, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ năm 1975 đến nay. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta”14. Đó là Đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trung tướng TRẦN HỒNG MINH, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng
__________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 30.
2 - Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (năm 1923).
3 - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Nxb CTQGST, H. 2018, tr. 37.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 - 1945), Nxb CTQG, H. 2000, tr. 129.
5 - Sđd, tr. 130.
6 - Cuối năm 1940, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức đưa 40 cán bộ, đảng viên sang Trung Quốc học tập, huấn luyện quân sự làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng. Từ năm 1941 đến năm 1944, theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có khoảng 200 thanh niên Cao Bằng sang học các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc).
7 - Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, H. 1975, tr. 296.
8 - Dẫn theo: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 258.
9 - Sđd, tr. 264.
10 - Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian 01 năm 14 ngày bị tù, Người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù”. Tháng 9/1943, Người được trả tự do. Đến tháng 9/1944, Người trở về lại Cao Bằng.
11 - Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký), Nxb CTQG, H. 2005, tr. 174
12 - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Nxb CTQGST, H. 2018, tr. 141.
13 - Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký), Nxb CTQG, H. 2005, tr. 175
14 - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Nxb CTQGST, H. 2018, tr.132.
Cao Bằng,đội quân chủ lực đầu tiên,nơi ra đời,Quân đội nhân dân Việt Nam
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ 12/11/2024
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội 06/11/2024
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay 04/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ 24/10/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam