Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 03/03/2011, 16:37 (GMT+7)
Lại một báo cáo sai lệch, định kiến về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã và đang trở thành hiện thực ở Việt Nam; là minh chứng sinh động thể hiện quyền con người ở Việt Nam đang ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Vậy mà, tổ chức "Quan sát nhân quyền" của Mỹ (HRW), trong "Báo cáo nhân quyền năm 2011", lại một lần nữa đánh giá sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Việc làm này có dụng ý xấu và không có lợi trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hòa Kỳ đang ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

         

Trong bản Báo cáo, phần nói về Việt Nam, họ bắt đầu bằng sự bịa đặt: “Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tự do ngôn luận trong năm 2010, sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù hàng loạt nhà văn, nhà vận động chính trị và những người phê phán chính phủ một cách ôn hòa”. Và rằng, hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm qua “thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN về đẩy mạnh dân chủ..., tăng cường nhân quyền và các quyền tự do cơ bản". Báo cáo còn dựng lên một số câu chuyện để gán cho Chính phủ Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, như: "bắt giữ và xét xử nhiều nhân vật chống đối chính sách của Nhà nước", siết chặt kiểm soát mạng Internet, "sách nhiễu và gây áp lực với các blogger độc lập và những người viết bài chỉ trích trên mạng" hay "chính quyền nghiêm cấm mọi hoạt động tôn giáo",v.v. và v.v.

Chưa hết, sau khi đưa ra những nhận định hết sức sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, HRW tiếp tục cái "điệp khúc" kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC). Họ khuyến cáo các nước khác, nhất là các nước có quan hệ "làm ăn lớn" với Việt Nam, hãy "góp tiếng nói" đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền và dân chủ. Thậm chí, họ còn lên mặt, bày tỏ thất vọng trước việc Nhật Bản, "dù có vị thế khá đặc biệt với tư cách là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho Việt Nam", đã "không hề đưa ra những nhận xét công khai về tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam"!?

Dựa vào đâu mà HRW đưa ra những đánh giá, nhận định như vậy về Việt Nam?  Điều này cũng không khó giải thích. Thực ra, những đánh giá, nhận định của HRW chỉ là sự sao chép, lặp lại những thông tin sai lệch, bịa đặt của một số kẻ phản động lưu vong người Việt tán phát trên các phương tiện tâm lý chiến ở hải ngoại. Đó là những con người, những nhân cách đã bị lịch sử Việt Nam hiện đại để lại phía sau, lạc hậu và trở nên xa lạ với thực tại của đất nước, nhưng vẫn còn giữ định kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và chế độ XHCN. Họ cố tình "bới lông, tìm vết", xâu chuỗi những hạn chế, khuyết điểm, những hiện tượng đơn lẻ khó tránh khỏi trong quá trình điều hành, quản lý đất nước, để phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới; về nhân quyền, dân chủ, tính ưu việt của CNXH và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thông tin mà họ đưa ra, rõ ràng có một động cơ chính trị không lành mạnh, cố tình làm xấu đi hình ảnh một đất nước Việt Nam XHCN đang trên đà đổi mới, phát triển, được bạn bè quốc tế ca ngợi và dành nhiều thiện cảm.          

title
Lễ hội Đền Hùng
Không phải là "người trong cuộc", lại cóp nhặt những thông tin sai lệch như vậy, nên những nhận định, đánh giá của HRW trong Báo cáo thường niên năm 2011 đương nhiên là không đúng sự thật và là sự vu cáo trắng trợn tình hình thực tế ở Việt Nam. Sự thật là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đất nước Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, với những con số đầy ấn tượng: tăng trưởng kinh tế bình quân trong 10 năm (2001-2010) đạt 7,2%/năm; năm 2010, GDP gấp 3,4 lần, thu ngân sách gấp 5 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD,... Việt Nam đã vượt ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng về xóa đói, giảm nghèo (năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo là 58%; đến năm 2008 xuống 14,5% và năm 2008 giảm còn dưới 10%). Việt Nam hiện được xem là quốc gia sớm đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; được đánh giá là ổn định chính trị, có môi trường đầu tư tin cậy,v.v. Trên cơ sở những thành tựu quan trọng về kinh tế, Việt Nam đang ngày càng đạt được những tiến bộ vững chắc về văn hóa, xã hội, về dân chủ và nhân quyền.

Ở Việt Nam, những quyền cơ bản của người dân đang ngày càng được pháp luật bảo đảm, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và những cam kết mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên quốc tế và khu vực. Về quyền được sống trong tự do, độc lập - quyền thiêng liêng nhất - đến nay, mọi người dân Việt Nam đều đang được thụ hưởng, với tư cách là người làm chủ và đang ra sức giữ gìn, bảo vệ. Về quyền này, những kẻ từng mưu đồ "bán nước, cầu vinh", thường né tránh, không dám thừa nhận. Về quyền mưu cầu hạnh phúc, các quyền dân sự, chính trị khác, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu theo mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; tạo điều kiện để mọi người dân đều có điều kiện đóng góp ý kiến một cách xây dựng, có trách nhiệm vào đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia ứng cử, đề cử và bầu cử dân chủ vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước XHCN. Cho rằng, Việt Nam hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều hoàn toàn bịa đặt. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (Điều 69) khẳng định rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin". Điều này cũng được cụ thể hóa trong Luật Báo chí và Luật Xuất bản. Với hơn 700 cơ quan báo chí, bao gồm: báo chí Trung ương, báo địa phương, báo điện tử, trang tin điện tử, đài phát thanh, truyền hình và mạng Internet (đến nay, mạng 3G đã phủ sóng hầu hết lãnh thổ đất nước), mọi người dân Việt Nam, kể cả vùng sâu, vùng xa, có điều kiện để được thông tin đầy đủ những vấn đề thời sự nóng hổi của thế giới, khu vực và đất nước. Báo chí Việt Nam đang thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội; tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng đường lối, nghị quyết của Đảng, phát hiện, dự báo kịp thời những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất chủ trương, biện pháp khắc phục những khuyết điểm, tồn tại; đồng thời, còn là một kênh quan trọng, tham gia có hiệu quả cao vào việc đấu tranh, phê phán với cái sai, bảo vệ cái đúng, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Việc HRW cho rằng, chính quyền "nghiêm cấm mọi hoạt động tôn giáo" là hoàn toàn trái với những gì đang diễn ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, một quốc gia đa tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam ý thức rất sâu sắc vấn đề này, luôn chủ trương tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người dân. Những năm gần đây, đời sống tôn giáo của đất nước ngày càng được cải thiện; chùa chiền, thánh thất được chính quyền các địa phương tạo điều kiện xây mới, khang trang, bề thế; nhiều cơ sở đào tạo mới của tôn giáo ra đời; các sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi động theo hướng "tốt đời, đẹp đạo",v.v.

Nhân thành công của Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà phân tích chính trị Al-ber-to-Cruz (người Tây Ban Nha) nhận định: khác với các nước Đông Nam Á khác, bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân với những chính sách cụ thể... điều đó đã giúp Việt Nam đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tốt hơn so với những "con hổ châu Á" khác. Tờ Obsever (Người quan sát) của Gam-bi-a từng có bài viết, đề cập: Thành công xuất sắc nhất của chính phủ Việt Nam là đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của nhân dân như việc xây dựng đường xá, cung cấp nước sạch, điện, trường học, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và viễn thông. Họ cũng sẵn sàng mở cửa ra thế giới bên ngoài, học tập những công nghệ mới và kỹ năng quản lý của các nước phát triển. Với Gam-bi-a, Việt Nam có thể được coi là “Một người khách từ tương lai” - theo cách nói của nhà thơ Nga An-na Akh-ma-to-va. Đó mới là sự thật về tình hình ở Việt Nam mà HRW cần lắng nghe, tập hợp để thưa trình.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, khái niệm về nhân quyền được hiểu một cách đầy đủ, luôn có tính hai mặt; đó là: quyền và việc hạn chế quyền. HRW chắc không lạ gì Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948), hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), đều khẳng định các quyền tự do cơ bản của con người phải chịu những hạn chế do luật định; về thực chất, những hạn chế đó chính là sự bảo đảm để các quyền không vượt khỏi những quy tắc và đạo đức xã hội. Do đó, việc một số người ở Việt Nam thời gian gần đây bị cơ quan pháp luật Việt Nam đưa ra xét xử, chẳng hạn như: Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định,... hoàn toàn không phải là "bắt bớ, bỏ tù" một cách vô cớ, như cách mà HRW lập luận. Bởi lẽ, họ là những kẻ tuyên truyền, kích động, tập hợp lực lượng chống Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định xã hội. Trước cơ quan pháp luật, chính họ đã phải cúi đầu nhận tội; vì vậy, đừng nên ngụy biện, xem họ chỉ là những người "bất đồng chính kiến". Đưa ra xét xử họ một cách nghiêm minh nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng quyền dân chủ để phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định xã hội chính là biện pháp cần thiết để quyền con người được tôn trọng và việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, lợi ích quốc gia được bảo đảm. Điều này đáng lẽ ra phải được HRW ghi nhận và đưa vào Báo cáo như một nỗ lực của Việt Nam trong việc điều hành đất nước theo hướng nhà nước pháp quyền dân chủ tiến bộ.

Là một tổ chức quan trọng như HRW, việc tập hợp thông tin, đưa ra nhận định, khuyến cáo cần phải hết sức khách quan, trung thực, tránh bị thiên lệch. Bởi lẽ, thông tin sai sẽ dẫn đến nhận định không đúng, trực tiếp ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Xét riêng trong quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam hiện tại, với tất cả những gì mà chính phủ hai nước đang nỗ lực phấn đấu, cam kết, mong muốn "bình thường hóa quan hệ" hay "trở thành đối tác tin cậy" của nhau, việc báo cáo chính xác càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đáng tiếc là, HRW dường như phải chịu một sức ép nào đó mỗi khi soạn thảo nội dung Báo cáo nhân quyền thường niên. Đó là chưa kể đến những việc làm đáng lên án của bản thân HRW trong những năm gần đây, luôn công khai tài trợ và kích động một số phần tử chống đối cực đoan ở Việt Nam lợi dụng chiêu bài "dân chủ, nhân quyền" có những hành động gây mất ổn định xã hội, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Nên chăng, HRW cần có cái nhìn và hành động thực tế hơn, cân nhắc kỹ hơn lợi, hại và nên từ bỏ tư duy áp đặt theo kiểu: giá trị Mỹ đi trước, chính sách Mỹ theo sau. "Bản nhạc" về nhân quyền mà HRW lải nhải tấu lên đã quá xưa cũ, không còn đánh lừa được dư luận tiến bộ, không thể làm đảo ngược những phát triển tiến bộ, đúng định hướng, hợp lòng dân của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam; "lợi bất cập hại", không chừng còn ảnh hưởng xấu đến chính sách ngoại giao "thêm bạn, bớt thù" và hy vọng tăng cường vai trò, ảnh hưởng của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới, trong đó có mối quan hệ Mỹ-Việt mà chính phủ Mỹ đang theo đuổi.

NGUYỄN HỌC

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.