Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 22/07/2024, 09:18 (GMT+7)
Thực tiễn bác bỏ sự xuyên tạc về đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Nhưng thực tiễn thành tựu trong công tác đối ngoại của nước ta đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc.

Trong những năm gần đây, ngoại giao “cây tre Việt Nam” là thuật ngữ được nhiều người nhắc đến khi đề cập đến hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đây là sự khái quát, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện, trên cơ sở quán triệt phương châm đối ngoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh về ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Nguồn: vietnamplus.vn

Thuật ngữ ngoại giao “cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng lần đầu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (ngày 22/8/2016). Đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Có thể khái quát, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái,…”1. Sự khẳng định đó đã làm rõ nguồn gốc và đặc trưng của đường lối đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao đó được nhân dân ta tin tưởng, cộng đồng quốc tế đánh giá cao; bạn bè quốc tế ủng hộ, tôn trọng. Thế nhưng, để phủ nhận các thành quả của cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cùng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình xuyên tạc đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” bằng nhiều luận điệu mang tính kích động, phủ định, bôi nhọ. Họ xuyên tạc trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là “ba phải”, “hai mặt”, “gió chiều nào che chiều ấy”, “không có lập trường nhất quán, ổn định”, là “bắt cá hai tay”… nên không thể tin cậy được(!). Họ cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ; trong khi đó, đường lối ngoại giao “cây tre” của Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “trì trệ”, “tự tách mình ra khỏi dòng chảy của lịch sử”, không phù hợp(!). Họ phê phán chủ trương “bốn không”2 của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại quốc phòng là “dại dột”, “tự trói tay mình”, “tự cô lập mình”. Từ đó, họ “khuyên” Việt Nam nên chọn theo (hay dựa vào) nước này để chống nước kia và ngược lại(!).

Có thể khẳng định ngay rằng, những luận điệu nói trên của các thế lực thù địch, phản động là hoàn toàn sai trái, cần kiên quyết bác bỏ. Trên phương diện lý luận, việc sử dụng cụm từ ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sự khái quát rất cao về lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở đúc kết thực tiễn lịch sử và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam - một nền ngoại giao được xây dựng, phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hình tượng “cây tre Việt Nam” phản ánh sinh động, nhưng dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao nước ta. Theo đó, “Vững ở gốc” là sự kiên định về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm nguyên tắc hàng đầu, “bất biến”; là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối. “Chắc ở thân” là những phương pháp tạo nên sức mạnh, thực hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn, quyết định, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. “Uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau, đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biết dừng, biết biến”, “biết nhu, biết cương” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Trên phương diện thực tiễn, cách mạng nước ta hơn 90 năm qua, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã chứng minh rất rõ: các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã góp phần giành lại và củng cố vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; tăng cường thế và lực, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, góp phần vào xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Từ một nước bị bao vây, cấm vận nhiều mặt, nhưng với chính sách ngoại giao đúng đắn, giàu nhân văn, Việt Nam đã tạo được lòng tin đối với các tổ chức, các nước trên thế giới. Đến nay, trên bình diện song phương, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 03 nước quan hệ đặc biệt, 07 nước đối tác chiến lược toàn diện3, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Quốc hội nước ta cũng có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Nước ta cũng đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm; trong đó, rất đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong năm 2023, đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Cùng với đó, quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, nước ta là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), v.v.

Thông qua ngoại giao “cây tre Việt Nam”, quan hệ đối ngoại quốc phòng và an ninh của nước ta cũng không ngừng được mở rộng. Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với trên 100 quốc gia; trong đó có quan hệ với tất cả 05 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn; thiết lập tùy viên quốc phòng tại 33 nước, kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc; có 52 quốc gia đặt tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự tại Việt Nam. Ở cấp độ đa phương, nước ta cũng là thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, v.v. Từ năm 1991, nước ta đã là thành viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và năm 2014, bắt đầu tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến nay, Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, nhân viên của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm với hòa bình thế giới.

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” cũng đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nếu năm 1991, nước ta mới có quan hệ  kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ, thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 400 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đã đạt trên 680 tỉ USD, gấp 120 lần so với những năm đầu đổi mới, trong đó xuất khẩu đạt trên 354 tỉ USD; thu hút FDI đạt 36,6 tỉ USD, tăng 32,8%; nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư dài hạn ở Việt Nam. Nước ta cũng đã tham gia ký kết và là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 03 FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), v.v.

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” không chỉ nhận được sự đồng thuận từ dư luận trong nước, mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận, ủng hộ. Ông Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khẳng định: “Đây chính là nền tảng ngoại giao để Việt Nam vẫn phát triển ổn định, lành mạnh dù đứng trước tình hình thế giới vô cùng phức tạp”. Ông Amiad Horowitz, Ủy viên Ban Quốc tế, Ủy viên Ban Hòa bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ cho rằng: “Ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” là cách tiếp cận ngoại giao độc đáo, nhận được rất nhiều lời khen ngợi,… Bất kỳ ai quan tâm đến sự chung sống hòa bình đều cần phải nghiên cứu trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” để học được những bài học quan trọng”. Ngài Murayama Tomoichi, Cựu Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp và xu thế toàn cầu hóa, đường lối ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” vừa linh hoạt, vừa kiên trì do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã lãnh đạo Việt Nam với những đặc tính vốn có của cây tre là “mềm mỏng” nhưng lại “mạnh mẽ”, “kiên quyết không lùi bước”. Tư tưởng đó vừa vì hòa bình của Việt Nam, cũng vừa là đóng góp cho chung sống hòa bình với các nước châu Á và với các nước trên thế giới”.

Những thực tiễn nói trên đã khẳng định giá trị của đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là không thể phủ nhận. Đường lối đó góp phần nâng cao sức mạnh, tiềm lực, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế; đồng thời, góp phần quan trọng vào xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Đó là những minh chứng rất sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về đường lối, chính sách đối ngoại theo trường phái “cây tre Việt Nam”.

NGUYỄN NGỌC HỒI
_____________
       

1 - Nguyễn Phú Trọng – Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 150.

2 - Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

3 - Gồm các nước: Trung Quốc (5/2008), Liên bang Nga (7/2012), Ấn Độ (9/2016), Hàn Quốc (12/2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Australia (3/2024).

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.