Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 19/08/2024, 05:33 (GMT+7)
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam

Những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt; trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó là những minh chứng sinh động, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phản động.

Trong các giai đoạn phát triển của đất nước kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, an sinh xã hội luôn là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bảo đảm an sinh xã hội được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao vị thế đất nước; là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội nước ta.

Hiện nay, hơn 96,1% người dân tộc thiểu số sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và thường xuyên được sử dụng các dịch vụ khám chưa bệnh ở tất cả các tuyến từ Trung ương tới cơ sở. Ảnh: dangcongsan.vn

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận thành quả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được. Họ triệt để lợi dụng những khó khăn về đời sống của một bộ phận nhân dân, các vấn đề xã hội bức xúc; kết quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,… để thực hiện các thủ đoạn chống phá. Thứ nhất, trực tiếp công kích, xuyên tạc hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong gần 80 năm qua, nhất là trong thời gian gần đây. Thứ hai, cố tình bôi đen, phủ nhận những kết quả thực tế trong bảo đảm an sinh xã hội mà chúng ta đã đạt được cùng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả hai phương diện này được các thế lực thù địch, phản động kết hợp chặt chẽ với nhau và luôn gắn với các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, coi đó là “điểm tựa” và “chất liệu” để chống phá. Họ thường rêu rao các luận điệu, như: chính sách an sinh xã hội của Việt Nam “thiếu tiến bộ, thiếu công bằng xã hội”; “Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân”, rằng “chế độ an sinh xã hội ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”, chính quyền “bỏ mặc dân nghèo tự lo”, “tự bơi”, v.v. Qua đó, hình thành mũi nhọn trực tiếp tiến công, hướng đến mục tiêu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; bôi đen, phủ định bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhưng sự thật luôn rõ ràng! Những luận điệu xuyên tạc không thể phủ nhận được thực tế rằng: việc bảo đảm an sinh xã hội luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam; là chính sách cơ bản để xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ tác động bất lợi, rủi ro, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Mục đích mà Đảng và Nhân dân ta phấn đấu là làm cho mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Mục đích đó vừa đặt ra yêu cầu, vừa quy định phương hướng, mục tiêu chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bối cảnh chính quyền non trẻ phải đương đầu với “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy để kiến tạo, xây dựng chế độ xã hội mới, không ngừng nâng cao, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Trước thực tế có tới 95% dân số không biết đọc, biết viết, khoảng 10% dân số bị chết đói, việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho nhân dân là vấn đề vô cùng hệ trọng và là nhiệm vụ bức thiết được Đảng, Chính phủ thực hiện ráo riết. Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng hơn một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, “giặc đói”, “giặc dốt” cơ bản đã bị đẩy lùi, nền tài chính quốc gia được gây dựng lại; nền văn hóa, nếp sống mới bước đầu được xây dựng; y tế, vệ sinh phòng bệnh được quan tâm, v.v. Đó là những vấn đề rất cơ bản thể hiện sinh động thành tựu an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đã sớm thực hiện trong chăm lo đời sống nhân dân; phản ánh sâu sắc bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ xã hội nước ta, dù mới chỉ bắt đầu xây dựng.

Trên phương diện chính sách. Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng và không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân và toàn diện, theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) đã ghi nhận những điều khoản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống chính sách an sinh xã hội: “Quyền lợi các giới cần lao, trí thức và chân tay được bảo đảm” (Điều 13); “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14). Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” (Điều 34). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”1. Thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta xác định: hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa dạng, linh hoạt “có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong cuộc sống”2. Đồng thời, đề ra các giải pháp chủ yếu: hoàn thiện hệ thống bảo hiểm, trợ giúp, cứu trợ xã hội; triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”3.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch,… mang tính toàn diện và bao trùm đến mọi tầng lớp xã hội, trên tất cả các “trụ cột” của chính sách và tổ chức thực hiện trên thực tế. Cụ thể là: (1). Hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; (2). Hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm góp phần tạo việc làm đa dạng, đáp ứng phần lớn nhu cầu lực lượng lao động, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3). Hệ thống trợ giúp xã hội, thông qua trợ cấp trực tiếp bằng tiền, hiện vật kinh phí từ ngân sách nhà nước, giúp người dân khắc phục rủi ro, biến cố; (4). Hệ thống chính sách ưu đãi người có công, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi; (5). Hệ thống bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin,...) ngày càng cải thiện về chất lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đại bộ phận người dân, đặc biệt là nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, v.v.

Với chính sách ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và đi vào cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trên các lĩnh vực. Về giảm nghèo, Đảng, Nhà nước ta thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo, đạt thành tựu nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm từ 9,88% năm 2015 còn 2,75% năm 2020, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một trong 30 nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được quốc tế ghi nhận. Về bảo trợ xã hội, cả nước hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (trong đó: 191 công lập và 234 ngoài công lập) nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41 nghìn người. Đến cuối năm 2023, đã có 100% đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, 100% số người bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời, không để ai bị đói, hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng, hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc. Đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, có diện bao phủ ngày càng mở rộng. Theo thống kê, đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 18,305 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm 2023 (tăng gần 02 lần so với năm 2010). Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm y tế liên tục tăng qua các năm (2021: 91,01%; 2022: 92,04%; 2023: 93,35%), tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Trong đó, hầu hết các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác. Quyền tiếp cận thông tin, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ngày càng được thực hiện tốt hơn. Hiện nay, đường truyền dẫn cáp quang, dịch vụ thông tin di động đã đến 100% xã trong toàn quốc. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng cả nước, riêng tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam đã lên đến 99,8% xét trên dân số. Hệ thống cơ sở giáo dục phát triển nhanh, phổ cập giáo dục từ cấp mầm non đến trung học cơ sở hoàn thành trước thời hạn; trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. Những kết quả từ chính sách an sinh xã hội đã góp phần khiến chỉ số hạnh phúc của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Ngày 20/3/2024, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10; trong đó, Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54/143 quốc gia khảo sát.

Với những số liệu “biết nói” trên, hướng đến mục tiêu: “Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững,… gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân”4, Việt Nam đã có hệ thống an sinh xã hội phát triển thành mạng lưới bao trùm, toàn diện, vì con người, diện bao phủ không ngừng được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tất cả các đối tượng. Đây chính là minh chứng khẳng định thành tựu bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam là rất đáng tự hào, người dân được thụ hưởng thực sự, thực tế và ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thực tế đó là không thể phủ nhận dưới mọi hình thức.

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG - Trung tá, TS. NGUYỄN HỮU CẦN
__________________
        

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

2 - Sđd, tr. 228.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 116.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 78 - 79.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.