Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 07/02/2013, 10:25 (GMT+7)
“Độc tài, độc đoán, mất dân chủ” - luận điệu xuyên tạc bản chất Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch
Vẫn những điệp khúc cũ rích, các thế lực thù địch rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị “độc tài, độc đoán, mất dân chủ”(!) Lý do mà chúng đưa ra là: chỉ có sự “cạnh tranh”, “đối trọng” nhiều đảng thì xã hội mới có dân chủ thực sự! Phải chăng là như vậy?
 
  
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) mang bản chất khoa học và cách mạng. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc. Điều này đã được kiểm chứng và khẳng định cả về lý luận và thực tế trong hơn 80 năm qua từ ngày có Đảng. Đảng CSVN mang bản chất khoa học, bởi vì Đảng ra đời, tồn tại và phát triển hợp theo quy luật của xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đảng CSVN mang bản chất cách mạng, bởi vì Đảng lĩnh trách nhiệm lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước; mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân nhằm đạt mục tiêu của CNXH; đồng thời, đóng góp vào phong trào cách mạng thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, v.v.

Vấn đề dân chủ của một đất nước không phụ thuộc vào số lượng các chính đảng. Có khi một quốc gia chỉ có một đảng nhưng vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ cho toàn xã hội; có khi một quốc gia có nhiều đảng nhưng đất nước vẫn không có dân chủ. Đảng CSVN là đảng duy nhất hiện nay đóng vai trò cầm quyền ở đất nước Việt Nam. Sự cầm quyền của Đảng CSVN là sự lựa chọn của lịch sử vận động phát triển của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự hy sinh, phấn đấu của toàn Đảng qua các thời kỳ cam go của cách mạng; được nhân dân Việt Nam tin yêu, trao trọng trách dẫn đường phát triển cho dân tộc. Đảng dứt khoát không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của xã hội nước ta trong bước đường phát triển, là sự phản ánh bản chất của một đảng mác-xít – lê-nin-nít chân chính. Đó là một đảng mang trong lòng sự phát triển theo các nguyên tắc của một đảng chính trị tiên phong, trong đó đậm nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; một đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, với vận mệnh của dân tộc; một đảng phát triển trên nền tảng dân chủ và chỉ phát triển vững mạnh khi có chế độ sinh hoạt dân chủ thực sự.

Thực tế cho thấy trong thế giới hiện thời, các đảng chính trị có vai trò rất quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có vấn đề dân chủ. Dân chủ là khát vọng ngàn đời của con người và cũng là động lực, mục tiêu của sự phát triển trong công cuộc trường chinh đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Dân chủ hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của một chính đảng và chất lượng thực tế của đảng ấy khi nó hoạt động trong lòng xã hội.

Nói như vậy, không phải cứ có Đảng Cộng sản (một đảng mặc dù mang trong lòng mình bản chất khoa học và cách mạng) là nghiễm nhiên bảo đảm dân chủ cho xã hội. Điều kiện tiên quyết bảo đảm và phát huy dân chủ cho toàn xã hội trong điều kiện một đảng cầm quyền, là đảng cầm quyền ấy phải có nhận thức đúng, hoạt động theo quy luật khách quan và được xây dựng thực sự trong sạch, vững mạnh. Do đó, Đảng CSVN luôn phấn đấu để thể hiện bản chất của mình trong thực tế, làm cho Đảng luôn luôn trở thành tổ chức tiên phong dẫn dắt sự phát triển của toàn dân tộc. Trên con đường đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu về dân chủ hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội… của đất nước ngày càng cao. Vì vậy, Đảng CSVN hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Việc Đảng ta triển khai nghiêm túc đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thời gian qua là một việc làm cụ thể để củng cố, tăng cường bản chất khoa học và cách mạng của một đảng mác-xít – lê-nin-nít chân chính.

Đảng CSVN đã và đang là tổ chức chính trị hạt nhân lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị xây dựng nền dân chủ. Cương lĩnh, đường lối của Đảng được thể chế hóa thành luật pháp của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sinh hoạt dân chủ rõ nhất của Nhà nước ta được thể hiện sinh động trong các hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, việc toàn dân đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, là một minh chứng cho điều đó.

Với tinh thần phát huy dân chủ, để “lòng dân, ý Đảng” hòa quyện, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhân dân ta đã được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối phát triển đất nước. Trí tuệ của Đảng CSVN không chỉ ở trong bản thân Đảng mà còn là sự tổng hợp, kết tinh từ xã hội. Là chính đảng duy nhất cầm quyền, cho nên Đảng ta rất cần sự đóng góp trí tuệ của nhân dân, để Đảng luôn thực sự “là đạo đức, là văn minh”, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ mà lịch sử và nhân dân đã giao phó. Tuy nhiên, đó phải là những ý kiến góp ý bằng cái tâm trong sáng, với ý thức xây dựng, vì sự phát triển của đất nước, chứ không phải là những “ý kiến” của những kẻ giả danh dân chủ, giả danh nhân dân để phá hoại mối đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng CSVN được kết tinh từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, lại được thực tế phong trào cách mạng của nhân dân kiểm chứng, phản ánh lại cho Đảng để Đảng biết phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế, sai lầm. Có như vậy, sự cầm quyền của Đảng mới được bền vững. Ở đây, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được thể hiện rõ: vừa luôn có những ý kiến tâm huyết đóng góp, vừa thay mặt các tầng lớp nhân dân kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của Đảng. Chính vì vậy, là Đảng duy nhất cầm quyền nhưng Đảng ta không sa vào “đảng trị”, không chuyên quyền, độc đoán… như các thế lực thù địch thường rêu rao, mà Đảng ta sống và hoạt động trong lòng xã hội, trong lòng nhân dân, được nhân dân kiểm tra, giám sát và chung ý, chung lòng, vì mục tiêu của sự nghiệp phát triển dân tộc. Với sự góp ý xây dựng và sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, Đảng CSVN duy nhất cầm quyền chắc chắn sẽ tránh được sự chủ quan, phiến diện trong việc đề ra đường lối, chủ trương, biện pháp và chỉ đạo hoạt động thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cùng với đó, Đảng ta hết sức coi trọng công tác dân vận, nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Dân vận là vấn đề lớn; nó càng cực kỳ quan trọng đối với việc bảo đảm và phát huy dân chủ đối với xã hội trong điều kiện một Đảng cầm quyền. Hệ quả của vị trí và vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là tuyệt đại đa số những ng­ười có chức, có quyền là đảng viên. Điều đó dễ làm cho họ xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Trên thực tế, khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực của xã hội trong vai trò cầm quyền, đã có một số tổ chức đảng và đảng viên không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng. Đã có sự ngộ nhận hoặc lạm dụng vai trò “cầm quyền” của Đảng, mà không thấy được cái quyền Đảng CSVN cầm là quyền từ nhân dân ủy thác cho Đảng; nhân dân luôn đứng ở vị trí tối thư­ợng trong hệ thống quyền lực của đất nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Đảng ta là “độc đoán”, “mất dân chủ”. Trái lại, đó chỉ là những biểu hiện của sự nhận thức và thực hành dân chủ chưa đúng với bản chất của một đảng cầm quyền; là sự vận dụng chưa đúng quan điểm của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác dân vận. Điều này đã được Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm. Người chỉ rõ, quan liêu là bệnh thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền; quan liêu cộng với tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm”, “thứ giặc ở trong lòng”, nó “nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám”.

Để Đảng ta tiếp tục phát huy tốt bản chất cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân, không rơi vào chuyên quyền, độc đoán, cần kiên quyết khắc phục, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Trước hết, coi trọng thực hiện tốt  nguyên tắc tập trung dân chủ ngay trong bản thân đảng cầm quyền. Chỉ khi nào Đảng ta thực hiện tốt nguyên tắc đó thì mới đủ sức phát huy dân chủ ở ngoài xã hội. Trên thực tế hoạt động của Đảng CSVN cầm quyền những năm qua, vẫn còn tình trạng một số tổ chức đảng không bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc này, vừa thiếu tập trung đúng đắn, vừa thiếu dân chủ thực sự. Một Đảng “là đạo đức, là văn minh” theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, phải làm cho mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình cho Đảng; khi đã thảo luận dân chủ và ra nghị quyết rồi thì phải nói và làm theo nghị quyết (tập trung). Như thế, theo Hồ Chí Minh, quyền dân chủ hóa ra quyền phục tùng chân lý. Một Đảng cầm quyền phải thật sự chú trọng phòng tránh, khắc phục bệnh cửa quyền, chủ quan, duy ý chí, mệnh lệnh. Có như thế, Đảng CSVN mới không chỉ đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc.

Sự bảo đảm dân chủ cũng là kết quả từ việc Đảng CSVN tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Hiện nay, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đặt trọng tâm vào đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước. Trong kết cấu quyền lực của xã hội Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thì tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân nắm mọi quyền lực thông qua Nhà nước do dân lập nên. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, quan điểm, các nghị quyết của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; bố trí cán bộ cho hệ thống bộ máy nhà nước và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước, mà lãnh đạo để Nhà nước phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo trong quản lý đất nước và xã hội.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải bảo đảm nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu của tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Liệu điều này có mâu thuẫn với việc bảo đảm và phát huy dân chủ cho xã hội không? Về nguyên tắc, điều này không có gì mâu thuẫn với vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Với vai trò như vậy, Đảng CSVN là người chịu trách nhiệm cuối cùng, là người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ và của hệ thống chính trị. Vấn đề là ở chỗ, trong thực tế hoạt động lãnh đạo công tác cán bộ, Đảng thể hiện cụ thể bằng những cách thức như thế nào cho phù hợp với từng thời kỳ. Phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Lãnh đạo của Đảng chú trọng vào việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức, đoàn thể này hoạt động theo đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, tính hiệu quả, thiết thực càng cần được chú ý để thực sự phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; làm cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong hoạt động, tránh căn bệnh hành chính hoá. Một đảng duy nhất, đóng vai trò cầm quyền, nhưng cũng phải tôn trọng tính chất hiệp thương chính trị của Mặt trận.

Muốn bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng bằng những phương thức thích hợp, có hiệu quả, Đảng phải đằm mình vào cuộc sống sôi động, phong phú trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là biểu hiện sinh động để khẳng định: Đảng CSVN không “độc tài, độc đoán, mất dân chủ” như các thế lực thù địch thường xuyên tạc, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng đối với đất nước.
 
QUANG THẮNG
 
Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.