Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 15/09/2011, 02:22 (GMT+7)
Xây dựng Lữ đoàn 125 vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Là đơn vị sinh ra những “con tàu không số”, làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lữ đoàn 125 Hải quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng cả nước làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Phát huy truyền thống đó và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong điều kiện mới, Lữ đoàn đang tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh, hiện đại, ngang tầm đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ.


Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng BQP kiêm Tư lệnh Quân chủng thăm và kiểm tra đơn vị

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam chống Mỹ – ngụy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở con đường vận tải quân sự đặc biệt trên biển. Theo đó, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125. Đối với Đơn vị, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm; vì phải vận chuyển trên vùng biển rộng, điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp; trong khi phương tiện tàu thuyền còn thô sơ, khó che dấu hoạt động trước sự kiểm soát gắt gao của hải quân và không quân địch.

Chỉ một năm sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thực hiện vận chuyển chuyến hàng quân sự đầu tiên trên con tàu vỏ gỗ “Phương Đông 1”, với 30 tấn vũ khí, vượt hàng nghìn hải lý, từ bến Nghiêng (Hải Phòng) vào Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu con đường chiến lược trên biển đã được mở; đồng thời, khẳng định một phương thức vận chuyển mới, nhanh nhất, hiệu quả nhất và làm cho địch bất ngờ nhất, góp phần quan trọng để quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp với nổi dậy phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên, để đưa được hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược vào miền Nam, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn phải kiên gan, bền chí, dũng cảm vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, nhất là  sự phong toả, săn đuổi của kẻ thù. Mỗi lần ra khơi là một lần cán bộ, chiến sĩ “tàu không số” phải đấu trí căng thẳng với địch để bảo vệ con tàu và giữ bí mật về con đường biển; địch chặn lối này, ta mở lối khác; địch ngăn biển gần, ta đi biển xa; địch khống chế đường dài, ta đi phân đoạn; kết hợp giữa vận chuyển đường biển và đường bộ để đưa hàng trăm chuyến hàng vào miền Nam an toàn. Vì vậy, con đường vận tải trên biển mang tên Bác đã trở thành một kỳ tích, một huyền thoại. Trong 14 năm (từ 1961 đến 1975), Lữ đoàn đã huy động trên một ngàn lượt chiếc tàu, đi quãng đường dài hàng vạn hải lý, vận chuyển trên một trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Lữ đoàn đã cùng với đơn vị bạn cơ động hàng trăm hải lý, trực tiếp chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu, Phú Quốc,… góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên biển
Sau khi nước nhà thống nhất, Lữ đoàn được củng cố về tổ chức biên chế, bổ sung nhiệm vụ; từng bước được trang bị thêm tàu cùng phương tiện kỹ thuật mới, hiện đại và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), vận tải Trường Sa, trực bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển,… góp phần xây dựng thế trận phòng thủ và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên chăm lo làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; giúp đỡ hàng chục gia đình chính sách, cựu chiến binh của đơn vị với số tiền hàng trăm triệu đồng/ năm. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta có chiều hướng gia tăng, với những động thái mới rất nghiêm trọng. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình”, vu cáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm tổn hại tới mối quan hệ giữa nước ta và các nước trong khu vực. Vì vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hoà bình trên vùng biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu đó, Quân chủng Hải Quân nói chung, Lữ đoàn 125 nói riêng, phải tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau.

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhận thức rõ đặc điểm, nhiệm vụ của Lữ đoàn là thường xuyên phải hoạt động độc lập, dài ngày trên biển, ở nhiều hướng khác nhau, xa đất liền, xa sự chi viện của trên; đối mặt với sóng to, gió lớn; trực tiếp đấu tranh, chiến đấu và xử lý các tình huống phức tạp trên biển,… nên Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn đã xác định: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách là nội dung và yêu cầu quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Để làm được điều đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải luôn hướng vào làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu suốt các quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8, khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết Trung ương 4, khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thông qua đó, làm cho mọi quân nhân nắm vững tình hình biển, đảo, nhiệm vụ của quân đội, của Quân chủng và đơn vị; có nhận thức đầy đủ về đối tượng, đối tác cùng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; từ đó, nêu cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu lý tưởng của Đảng, vững vàng trong khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình giáo dục, các đơn vị tích cực đổi mới phương pháp, hình thức theo hướng: “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo”; kết hợp nhiều mặt công tác, giữa giáo dục với rèn luyện, huấn luyện và xây dựng nền nếp chính quy, nhằm bồi dưỡng ý chí chiến đấu, xây dựng lòng tin cho bộ đội vào cách đánh và nghệ thuật tác chiến của Hải quân nhân dân, nâng cao tính chủ động sáng tạo, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kế thừa bài học thành công của đơn vị làm nhiệm vụ vận tải quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ luôn được Lữ đoàn coi trọng, chủ động đi trước một bước. Đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, các cấp coi trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là năng lực của cán bộ chủ trì và đội ngũ cấp uỷ viên các cấp, bảo đảm có đủ phẩm chất chính trị, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ và khả năng tập hợp quần chúng, tạo ra phong trào cách mạng thiết thực để giáo dục, rèn luyện quần chúng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng ở đơn vị.


Diễn tập hiệp đồng với không quân
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng SSCĐ. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân chủng, Lữ đoàn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, coi đó là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ, nhất là trình độ xử lý các tình huống phức tạp trên biển. Theo đó, công tác huấn luyện của Lữ đoàn phải bám sát phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện; kết hợp vận dụng những bài học quý về vận tải của đơn vị trong chiến tranh và kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo những năm qua để đưa chất lượng huấn luyện lên một bước mới.

Để các đơn vị huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan Tham mưu phối hợp với các đơn vị, đổi mới việc xây dựng chương trình, nội dung và quy trình huấn luyện theo hướng: sát phương án, sát đối tượng, địa bàn và sát với phương tiện, trang bị của từng đơn vị. Trong đó, tập trung đột phá vào hai nội dung: huấn luyện bộ đội thành thạo và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là đối với VKTBKT mới và huấn luyện sát phương án tác chiến của từng lực lượng. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp vững về chuyên môn, giỏi về năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành; thuần thục công tác chỉ huy – tham mưu cấp hải đội và Lữ đoàn cũng như nâng cao trình độ về ngoại ngữ, tin học. Đối với đơn vị, tăng cường huấn luyện, diễn tập phối hợp ban đêm theo các phương án đã xác định và trong điều kiện thời tiết xấu; chú trọng huấn luyện nâng cao sức cơ động của các loại phương tiện để kịp thời giải quyết, xử lý các tình huống xảy ra trên biển, đảo. Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện còn đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải chú ý bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền năng lực phán đoán và kỹ năng xử lý tình huống sao cho khôn khéo, linh hoạt nhưng kiên quyết, nhất quán, tránh bị kích động, mắc mưu địch, dẫn đến hậu quả khôn lường.


Chuyển hàng và quà từ đất liền ra Quần đảo Trường Sa
Ba là, thường xuyên làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác. Do nhiệm vụ phải thường xuyên cơ động trên biển với cường độ cao, liên tục dài ngày, để bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, Lữ đoàn rất quan tâm, chăm lo đến công tác bảo đảm các mặt, nhất là công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Đối với công tác hậu cần, trước hết, Lữ đoàn tập trung bảo đảm vật tư, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác, nhất là nhiệm vụ “BM”, “CV”. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; trong đó, chú trọng công tác nuôi dưỡng bộ đội; tăng cường công tác vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, trước tình hình giá cả thị trường tăng cao, một mặt Lữ đoàn bảo đảm đủ tiêu chuẩn, định lượng bữa ăn theo quy định; mặt khác, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đầu tư xây dựng các khu tăng gia tập trung, các trạm giết mổ và chế biến tại bếp,… góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Bên cạnh đó, với tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, Lữ đoàn quan tâm chăm lo nơi ăn, ở của bộ đội, nhất là củng cố, xây dựng hệ thống doanh trại chính quy “Xanh - sạch -  đẹp”. Lữ đoàn phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành các dự án xây dựng doanh trại tại nơi ở mới.

Đối với công tác bảo đảm kỹ thuật, Lữ đoàn tập trung nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền và VKTBKT tại đơn vị, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, phục vụ kịp thời cho các nhiệm vụ của đơn vị, nhất là nhiệm vụ vận tải Trường Sa và trực bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời, duy trì nghiêm túc chế độ, nền nếp kỹ thuật tuần, tháng, quý; chú trọng xây dựng đơn vị điểm và tàu chính quy mẫu mực để nhân rộng ra toàn Lữ đoàn. Trong điều kiện hiện nay, ngân sách quốc phòng dành cho Quân chủng nói chung, Lữ đoàn nói riêng còn nhiều hạn hẹp, Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50; tích cực nghiên cứu, tìm tòi, phát huy sáng tạo nhằm khai thác, sử dụng, bảo quản, sửa chữa có hiệu quả VKTBKT hiện có; đồng thời, vươn lên làm chủ các loại VKTBKT mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Đại tá BÙI TIẾN THÀNH

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.