Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 09/06/2018, 11:30 (GMT+7)
Xã luận: Phát huy tinh thần Thi đua ái quốc trong thời kỳ mới

Cách đây 70 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhằm động viên tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới. Trong suốt 70 năm qua, Lời kêu gọi của Người luôn là động lực mạnh mẽ, lôi cuốn, động viên mọi người dân Việt Nam phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tư tưởng về Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về sức mạnh quần chúng nhân dân và từ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tư tưởng đó, đã trở thành những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào Thi đua yêu nước của dân tộc; đồng thời, là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách về công tác thi đua - khen thưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Thi đua, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, diễn ra liên tục, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn đối với xây dựng tổ chức, con người vững mạnh. Thi đua tạo ra động lực để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người; thúc đẩy tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế cao cả; làm cho tất cả già, trẻ, gái, trai và các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung là tự hoàn thiện mình, đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ cách mạng.

70 năm qua, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, đến thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào Thi đua yêu nước luôn diễn ra một cách sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi tham gia. Các phong trào: “Ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”,… trong những năm tháng chiến tranh đã làm nên kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh mà đến nay âm hưởng của nó vẫn làm lay động tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.

Cùng với phong trào Thi đua yêu nước, phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội không ngừng đổi mới, có sức cổ vũ, động viên mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, phong trào Thi đua Quyết thắng đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, bám sát nhiệm vụ chính trị và đặc điểm, tính chất của các cơ quan, đơn vị; khơi dậy ý thức tự lực tự cường, tinh thần hăng say trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động, giành những đỉnh cao mới trên các mặt hoạt động của cán bộ, chiến sĩ. Từ năm 2014 đến nay, phong trào Thi đua Quyết thắng được thực hiện gắn chặt với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” nên sức lan tỏa và hiệu ứng của phong trào càng được nhân lên, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tình đoàn kết quân - dân; làm cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là động lực động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để đẩy mạnh Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua trở thành cuộc vận động cách mạng sâu rộng trong đời sống xã hội. Cùng với đó, cần không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào Thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng; về yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào; về xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”. Phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội cần tập trung thực hiện tốt các khâu đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu của từng cơ quan, đơn vị; gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các nghị quyết: Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII), góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tư tưởng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh công tác thi đua - khen thưởng trong thời kỳ mới. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.