Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 06/10/2011, 16:56 (GMT+7)
Vận dụng kinh nghiệm bảo đảm cho “Đoàn tàu không số” vào công tác kỹ thuật của Bộ đội Hải quân hiện nay

Chiến công của “Đoàn tàu không số” luôn gắn liền với những đóng góp tích cực, to lớn, âm thầm và hiệu quả của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Quân chủng Hải quân. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong các “con tàu không số” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác kỹ thuật (CTKT). Vận dụng những bài học kinh nghiệm đó, hiện nay, ngành Kỹ thuật Quân chủng Hải quân đang tập trung nâng cao chất lượng CTKT, góp phần xây dựng Hải quân theo hướng hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thềm lục địa của Tổ quốc.  

alt
Tàu của Đoàn 125 nhận hàng từ bến Đá Bạc (Thuỷ Nguyên - Hải Phòng) chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1973

Công tác bảo đảm trang bị (BĐTB), bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho “Đoàn tàu không số” có đặc điểm nổi bật là tiến hành trong điều kiện muôn vàn khó khăn, phức tạp: tàu thuyền nhỏ, thô sơ, dễ hư hỏng, vật tư kỹ thuật thay thế khan hiếm, trình độ thợ sửa chữa có hạn; trong sự kiểm soát gắt gao và đánh phá ác liệt của Hải quân, Không quân Mỹ, ngụy cũng như bão gió trên biển... Mặc dù vậy, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong “Đoàn tàu không số” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; BĐTB, BĐKT cho hàng ngàn lượt chuyến tàu, đi hàng trăm vạn hải lý, chống chọi và vượt qua hàng chục cơn bão lớn, vận tải hàng trăm ngàn tấn vũ khí, trang bị (VK,TB), hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình thực hiện CTKT của “Đoàn tàu không số”, Quân chủng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, thấu suốt quan điểm “vì miền Nam” và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, huy động mọi nguồn lực để tiến hành CTKT. Trong hoàn cảnh nền kinh tế miền Bắc chưa phát triển, nhất là công nghệ đóng tàu biển mới ở thời kỳ sơ khai, nhưng nhờ huy động được nhiều nguồn lực nên chỉ hơn 1 năm, các cơ sở được giao nhiệm vụ đóng tàu đã lần lượt cho xuất xưởng nhiều tàu có trọng tải 50 đến 60 tấn. Cùng với đó, các đơn vị trong toàn quân đã tập trung mọi khả năng cung cấp trang bị, thiết bị để xây dựng các cơ sở, như: cầu cảng, kho trạm và bảo đảm các loại vật tư kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu BĐTB, BĐKT cho các chuyến tàu.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân vào miền Bắc, hàng trăm tấn vật tư, thiết bị máy móc của Đoàn 125 được lệnh sơ tán; trong đó, phần lớn VK,TB kỹ thuật phải cất giấu trong rừng và phân tán trong nhân dân. Nhờ có sự che chở, giúp đỡ, quản lý của nhân dân mà VK,TB, vật tư kỹ thuật được bảo đảm an toàn. Lực lượng vận tải ở phía Nam mặc dù nằm trong vùng kiểm soát của địch, nhưng đã bí mật liên hệ với các cơ sở đóng và sửa chữa tàu ở Biên Hòa, Vũng Tàu, Sài Gòn để đóng mới, sửa chữa hoặc mua tàu, thuyền có sẵn đưa vào sử dụng thực hiện nhiệm vụ...

Có thể khẳng định, nhờ quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, huy động mọi nguồn lực để tiến hành CTKT, với sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ sở kỹ thuật trong nước và nhân dân địa phương trên cả hai miền đất nước, nên ngành Kỹ thuật Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần trực tiếp vào việc chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, việc tổ chức CTKT có nhiều thuận lợi, nhất là trong điều kiện sự nghiệp CNH,HĐH đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng; lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao... Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐTB và BĐKT cho Quân chủng Hải quân "tiến thẳng lên hiện đại" thì yêu cầu quan trọng là phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tiến hành CTKT. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị kỹ thuật của Quân chủng phải thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát nắm chắc lực lượng và khả năng sửa chữa, sản xuất của các cơ sở công nghiệp nơi đóng quân để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch động viên khi có tình huống tác chiến xảy ra. Mặt khác, Quân chủng tiếp tục tăng cường quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực, trong đó có các nội dung hợp tác về kỹ thuật, góp phần BĐKT, BĐTB cho các lực lượng Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Hai là, chủ động, tích cực xây dựng lực lượng chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Nhận thấy, vận tải bằng đường biển chi viện cho miền Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nên cuối năm 1961, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn 7591. Đồng thời, chỉ thị cho các bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tổng tham mưu tiến hành lựa chọn, điều động cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn hàng hải, ưu tiên cán bộ kỹ thuật là người miền Nam về công tác tại Đoàn 759. Với lực lượng kỹ thuật đa dạng từ nhiều nguồn, trong khi thực tế đòi hỏi mỗi người trên tàu phải đảm nhiệm được nhiều việc, xử lý tốt các tình huống, nên để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 759 hết sức quan tâm bồi dưỡng kiến thức CMKT gắn với giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Vì vậy, dù phải đối mặt với bom đạn của địch, sóng to, gió lớn…, nhưng cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" nói chung và cán bộ, nhân viên kỹ thuật nói riêng vẫn kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy bài học đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng chủ trương: đẩy mạnh tổ chức xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, linh hoạt, cơ động cao, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu mạnh; coi trọng tính cân đối, hợp lý và đồng bộ”; đủ khả năng xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ lệnh về tổ chức lực lượng của Tổng Tham mưu trưởng; thường xuyên chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân chủng hiện đại, có trình độ và khả năng chiến đấu cao. Trong đó, Quân chủng luôn quan tâm xây dựng lực lượng CMKT vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong tình hình mới, công tác đào tạo cán bộ, nhân viên CMKT phải tích cực đổi mới cả nội dung, chương trình, cập nhật những kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng trang bị, phương tiện hiện đại. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, sát với phương tiện, trang bị và yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể; khuyến khích, động viên mỗi người tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện; kết hợp giữa giáo dục chuyên môn với nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật.

Ba là, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến các loại phương tiện vận tải phù hợp với đặc điểm chiến trường và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Giai đoạn đầu mới thành lập, Đoàn 759 chưa có phương tiện để thực hiện nhiệm vụ vận tải bằng đường biển, lực lượng kỹ thuật phải nghiên cứu thiết kế các loại tàu thuyền có hình dạng gần giống tàu thuyền của ngư dân Nam Bộ và đặt cơ sở đóng tàu I Hải Phòng đóng mới được 4 chiếc tàu vỏ gỗ trọng tải 35 tấn. Sau đó, do yêu cầu nâng cao khối lượng vận tải, ngành Kỹ thuật đã nhanh chóng nghiên cứu, thiết kế tàu vỏ sắt, trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Sau sự kiện Vũng Rô, tuyến vận tải của ta bị lộ, địch đã tổ chức lùng sục gắt gao, ra sức phong tỏa biển, đội ngũ cán bộ kỹ thuật lại nghiên cứu cải dạng các tàu vận tải cho giống với các tàu đánh cá, tàu buôn, tàu nghiên cứu biển của các nước trong khu vực; đồng thời, tổ chức đóng mới một số tàu cao tốc để nhanh chóng vào bến thả hàng và kịp quay lại ngay trong đêm; chủ động cải tiến, thiết kế và sản xuất xuồng chuyển tải có lắp máy đẩy đưa hàng từ tàu vào bến và bộ dây móc có nhíp để kéo hàng từ dưới nước lên bờ... Nhờ đó, rất nhiều chuyến tàu đã vượt qua sự kiểm soát nghiêm ngặt của Mỹ, ngụy để vận chuyển hàng vào bến an toàn.

Bài học về tinh thần chủ động sáng tạo, không chịu lùi bước trước khó khăn, ngày đêm trăn trở nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, chế tạo những con tàu phù hợp với đặc điểm chiến trường và yêu cầu vận tải trong từng giai đoạn có ý nghĩa quan trọng và đang được phát huy trong CTKT hiện nay. Những năm vừa qua, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã chủ động phối hợp với các viện, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo, sản xuất, cải tiến VK,TB hải quân; trong đó, tập trung chế tạo vật tư, phụ tùng đặc chủng; kết hợp với khai thác, làm chủ VK,TB kỹ thuật mới. Trong năm 2008, 2009 đã có 97 nội dung hợp tác được thực hiện; năm 2010, các cơ sở BĐKT của Quân chủng hoàn thành khoảng 200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Quân chủng hiện đang tiếp tục thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp để không ngừng nâng cao chất lượng BĐKT, BĐTB cho các nhiệm vụ của Quân chủng.

Bốn là, coi trọng công tác huấn luyện kỹ thuật, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có trình độ, khả năng thao tác sử dụng và sửa chữa VK,TB kỹ thuật, bảo đảm cho tàu hoạt động an toàn trong mọi tình huống.

Yêu cầu của một chuyến vận tải biển là phải có trang bị máy móc tốt, đội ngũ cán bộ, thuyền viên giỏi về hàng hải và cơ điện (hai ngành cơ bản). Thấy rõ điều đó, Đoàn 125 đã tập trung huấn luyện chu đáo các nội dung về hàng hải địa văn và thiên văn để cán bộ và chiến sĩ của mỗi con tàu biết cách quan sát thiên thể và các mục tiêu trên bờ, trên đảo để đưa tàu đến bến an toàn; đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức về nguyên lý cấu tạo, tính năng tác dụng của một số loại tàu, thuyền để mọi người có thể sử dụng, vận hành thành thạo các loại máy móc theo đúng quy trình, quy phạm và biết tự sửa chữa, khắc phục những sự cố khi hoạt động trên biển. Trong điều kiện vừa xây dựng lực lượng, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các đợt công tác diễn ra liên tục, nên việc huấn luyện kỹ thuật tại đơn vị thường tiến hành trong thời gian ngắn, xen giữa các chuyến công tác bằng hình thức tự học tập, trao đổi kinh nghiệm, vừa học, vừa làm là chủ yếu… Nhờ vậy, Đoàn luôn có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ giỏi cả về hoa tiêu và thao tác, vận hành, sửa chữa VK,TB kỹ thuật, góp phần thực hiện tốt công tác BĐKT cho mỗi chuyến đi...

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Quân chủng đang tích cực đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật theo phương châm “thiết thực, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả”. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các đơn vị tích cực triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân viên CMKT, nhất là thợ kỹ thuật bậc cao, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, làm chủ VK,TB kỹ thuật mới. Cùng với đó, Quân chủng còn phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường để nghiên cứu chỉnh lý, biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện kỹ thuật cho phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và VK,TB kỹ thuật của Quân chủng, từng bước nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT, bảo đảm phục vụ tốt cho lực lượng Hải quân hoàn thành vai trò nòng cốt cho toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc NGUYỄN VĂN NINH

Phó Tư lệnh Quân chủng

__________

1 - Tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...