Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 07/11/2014, 22:02 (GMT+7)
Vấn đề con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành tựu 45 năm qua ở Việt Nam

Trong Di chúc thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa, vấn đề Người trăn trở nhất là đảm bảo cho mọi người dân được sống ấm no, hạnh phúc, trong một xã hội thanh bình. 45 năm qua (1969 - 2014), Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện về mọi mặt để nâng cao mức sống cho các tầng lớp nhân dân. Đây là việc làm thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Di nguyện của Người; cũng là minh chứng bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy nỗi thống khổ của người dân trong chế độ nô dịch thực dân, phong kiến. Vì thế, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư để mưu cầu cuộc sống ấm no cho các tầng lớp nhân dân. Và, Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Ngay cả khi chuẩn bị hành trang “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Bác vẫn không quên căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải có những chính sách, việc làm cụ thể đối với từng đối tượng, từng thành phần trong xã hội, không bỏ sót một ai; từ những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và cha mẹ, vợ con của họ, đến những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, v.v. Người không chỉ quan tâm đến những người đã đóng góp xương máu, công sức cho cách mạng và thắng lợi của cuộc chống Mỹ, cứu nước, mà còn quan tâm đến cả “những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,... thì nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”[2],...

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trại điều dưỡng Bắc Ninh. (Ảnh tư liệu)

Khi vĩnh biệt Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng quyết tâm “đem hết sức mình” phấn đấu thực hiện Di chúc của Bác, biến lý tưởng cách mạng và những điều mong muốn của Bác thành hiện thực. Với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong), Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách đi vào lòng người, như: xây dựng các trạm an dưỡng, điều dưỡng để chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ thành lập các công ty, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho thương binh, bệnh binh nhẹ để họ tự lao động nuôi mình, giảm một phần khó khăn cho xã hội với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đối với các liệt sĩ, Đảng, Nhà nước chỉ đạo các địa phương từ xã (phường) đến huyện, tỉnh xây dựng hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm vừa để tri ân, tôn vinh họ, vừa để giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong đó, nổi bật là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9, Quảng Trị, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quốc gia cạnh Quảng trường Ba Đình Hà Nội, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, v.v. Những địa danh này thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tu bổ, tổ chức các hoạt động bổ ích, giáo dục truyền thống nhân ngày lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm. Trong buổi tiếp thân mật 80 cựu chiến binh Sư đoàn 356 (ngày 14-7-2014) - đơn vị lập nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang 40 năm trước, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm tốt chế độ chính sách với những người có công, quy tập hài cốt những liệt sĩ còn sót lại trên chiến trường, lập đài tưởng niệm để tri ân, tôn vinh, trước mắt là cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 356, sau đó là các đơn vị cùng tham gia bảo vệ đất nước.

Đối với thân nhân (cha mẹ, vợ con) của liệt sĩ, thương binh và bệnh binh,  Đảng, Nhà nước ta có chính sách ưu tiên đặc biệt, như: trả lương nuôi dưỡng, vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đóng góp xây dựng quỹ chất độc da cam, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, v.v. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, Nhà nước đều trích một phần kinh phí, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương thăm hỏi, tặng quà thân nhân của liệt sĩ, thương binh và bệnh binh.

Nông dân chiếm tỉ lệ 70% dân số cả nước hiện nay - đây là lực lượng quan trọng, nguồn sức mạnh to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như: xóa bỏ thuế nông nghiệp, trợ vốn, trợ sức, chuyển đổi vật nuôi cây trồng, bao tiêu sản phẩm, xây dựng nông thôn mới,... tạo động lực thúc đẩy nông dân phát triển sản xuất, làm giàu cho quê hương, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước v.v.

Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, nhất là trong 30 năm đổi mới gần đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có thể tự hào trước những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề về con người - quyền con người (QCN). Những thành tựu to lớn, cơ bản về QCN ở nước ta là hiện thực sinh động không thể phủ nhận. Điểm nổi bật là, Đảng, Nhà nước Việt Nam ngày càng coi trọng, có nhận thức, quan điểm, tư tưởng đúng đắn, phù hợp với Tuyên ngôn thế giới về QCN của Liên hợp quốc (LHQ) và thực tế Việt Nam. Điều này được thể hiện ở đường lối, Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản và Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hiến pháp đã dành cả Chương II: “QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 49 điều, trong đó Điều 14 ghi: “ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Việt Nam cũng tích cực hội nhập, tham gia hợp tác quốc tế và các công ước quốc tế về QCN.

Với sự nỗ lực của toàn dân, cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, QCN đã và đang được thực hiện, được bảo vệ, bảo đảm trên thực tế. Có thể nói, “nhân dân lao động” và mọi đối tượng, thành phần, tầng lớp trong xã hội mà Bác đề cập trong Di chúc đều được chăm lo và có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Không những vậy, những nhóm người yếu thế trong xã hội, như: dân tộc thiểu số, người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chiến tranh, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chính sách khác được Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, chăm lo. Điều đó đã được thể chế hóa bằng những điều luật và chính sách an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Trước khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986), Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 300 USD/năm, nay đã trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới, bình quân đầu người khoảng 1.960 USD/năm 2013. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (6-7 triệu tấn/năm). Chỉ số phát triển con người (HDI) theo tiêu chuẩn quốc tế công bố ngày 03-7-2013, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tốc độ phát triển cao trên thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2012, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng từ 55,7 lên 75,4. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam) đến cuối năm 2013 còn 7,6%, v.v. Những con số đầy ấn tượng đó là minh chứng hùng hồn, không thể phủ nhận về thành tựu QCN ở Việt Nam. Dư luận thế giới, đặc biệt LHQ đánh giá cao những thành tựu về QCN ở Việt Nam, coi Việt Nam là một điển hình về “xoá đói giảm nghèo”, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

Chính vì những thành tựu và đóng góp trên lĩnh vực QCN mà Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng nhân quyền của LHQ với số phiếu rất cao. Người dân Việt Nam ngày nay có quyền tự hào là công dân của một đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, ngày càng tiến tới giàu mạnh, có vị thế quốc tế ngày càng cao; thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng nhân loại tiến bộ. Đó là món quà quý giá mà chúng ta kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta, dân tộc ta, nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người./.

 

TRUNG DŨNG

 


[1] - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 627.

[2] - Sđd, tr. 617.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.