Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:17 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tăng thiết giáp đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng đột kích quan trọng trên chiến trường, góp phần chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta. Hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập là biểu tượng chiến thắng đáng tự hào của Bộ đội Tăng Thiết giáp và của cả dân tộc.
Xe tăng Quân Giải phóng chiếm Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu)
Sau chiến thắng trận đầu (tháng 01-1968), nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp (TTG) được hình thành, phát triển, Bộ đội TTG được tham gia nhiều chiến dịch tiến công, phản công quy mô lớn, từ Trị - Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Đông Nam Bộ, đồng bằng Cửu Long đến Cánh Đồng Chum (Lào), v.v. TTG đã phát huy khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, phối hợp với bộ binh thực hiện đòn thọc sâu vào các mục tiêu quan trọng của địch, tạo đột biến chiến dịch. Từ đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chủ trương củng cố, phát triển lực lượng TTG với quy mô lớn, thành lập một số trung đoàn, lữ đoàn TTG và được bố trí trên các địa bàn chiến lược trọng yếu để sử dụng đánh hiệp đồng binh chủng giành thắng lợi quyết định khi thời cơ đến. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ, Bộ Chính trị quyết định “tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam”. Để chuẩn bị cho kế hoạch Chiến lược đó, lực lượng TTG được giao nhiệm vụ vừa phát triển về số lượng, vừa phát triển về đầu mối đơn vị và điều chỉnh thế bố trí trên chiến trường (từ Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên đến Nam Trung Bộ). Theo đó, một số đơn vị TTG được bổ sung vũ khí, trang bị kỹ thuật (TBKT) mới, đưa xe tăng và các đoàn cán bộ vào tận miền Tây Nam Bộ.
Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng TTG được lệnh tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, cùng các lực lượng khác đánh đòn điểm huyệt mở màn, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. 07 giờ 15 phút sáng ngày 10-3-1975, sau màn hỏa lực của pháo binh, TTG và các đơn vị của ta trên xe cơ giới với tốc độ cao băng qua các vật cản, dẫn dắt bộ binh đồng loạt xung phong vượt qua các cứ điểm vòng ngoài, áp sát vào khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Sáng 11-3, xe tăng trên các hướng dẫn dắt bộ binh thực hành đột kích mạnh, tiêu diệt địch và yểm trợ đắc lực cho bộ binh chiến đấu; 11 giờ trưa ngày 11-3, toàn bộ địch ở thị xã Buôn Ma Thuột bị tiêu diệt, trận mở màn then chốt quyết định của Chiến dịch Tây Nguyên giành toàn thắng.
Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu “hoàn hảo” nhất, mẫu mực cả về chỉ đạo, tổ chức chỉ huy, nghệ thuật tác chiến nói chung và nghệ thuật tác chiến của xe tăng nói riêng. Thực hiện kế hoạch nghi binh chiến lược, Bộ đội Công binh đã cắt 1/3 độ rộng thân cây rừng để khi TTG cơ động không bị địch trinh sát, phát hiện (đây là sự sáng tạo để nghi binh che giấu lực lượng). Vì vậy, khi TTG xuất hiện đã phát huy sức đột phá mạnh, thọc sâu táo bạo, cơ động phát triển với tốc độ cao, áp đảo địch ngay từ đầu làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, bị động, lúng túng đối phó, dẫn đến hoang mang và thất bại nhanh chóng.
Trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, TTG tập trung lực lượng cơ động theo phương châm: thần tốc, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến và hình thành cách đánh mới: đánh địch trong hành tiến. Nét nổi bật của nghệ thuật sử dụng TTG trong tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế là ta đã phát huy khả năng về hỏa lực và cơ động, sử dụng từng phân đội tăng (cỡ đại đội) phối thuộc cho trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, thực hành đột phá nhanh, mạnh vào trung tâm hệ thống phòng ngự địch, không cho chúng kịp co cụm chống đỡ; đồng thời đánh chiếm nhanh các trung tâm chỉ huy đầu não của địch. Khi tiến công sát mép biển, TTG đã sử dụng pháo trên xe để tiêu diệt tàu, xuồng của hải quân địch, góp phần ngăn chặn các cuộc rút chạy của địch. Khi phát triển chiến dịch đến Hội An, ta tiếp tục vận dụng hình thức tác chiến hiệp đồng binh chủng, TTG lại khẳng định vai trò đột kích quan trọng đánh địch rút chạy trên biển.
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật sử dụng TTG đã phát triển vượt bậc, trên 5 hướng của chiến dịch, TTG được sử dụng tập trung quy mô lớn nhất (05 trung đoàn, lữ đoàn TTG) thực hành đánh các trận then chốt, chiếm các mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Trên từng hướng, ta sử dụng một bộ phận TTG đủ để đột phá mở cửa (thường từ đại đội đến tiểu đoàn tăng cường), còn đại bộ phận được sử dụng làm nhiệm vụ thọc sâu, chia cắt, vu hồi chiến dịch. Lực lượng thọc sâu chiến dịch lấy TTG làm nòng cốt, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh, phòng không,… và lực lượng nổi dậy tiến công với tốc độ cao, vận dụng thành công các thủ đoạn đột phá, kết hợp với thọc sâu, chia cắt, bỏ qua hoặc vòng tránh các cứ điểm địch, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, nhất là trong việc nâng cao nhịp độ tiến công, đột phá chọc thủng các tuyến ngăn chặn của địch. Nghệ thuật sử dụng TTG còn thể hiện ở nghệ thuật sử dụng lực lượng tập trung vào hướng, mục tiêu và thời cơ có lợi nhất. Vì vậy, lực lượng TTG đã cùng các lực lượng thực hiện tốt phương châm chiến lược “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của Bộ đội TTG - phẩm chất của người lính xe tăng - được khẳng định và tạo được dấu ấn riêng, khác biệt; trong đó, có những mốc son lịch sử không thể nào quên. Đó là hình ảnh đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc dũng cảm chiến đấu, hy sinh để khai thông hướng cầu Vĩnh Bình bắc qua sông Sài Gòn; TTG dẫn đầu cả năm cánh quân trên năm hướng, hình thành thế “gọng kìm” đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt, hồi 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, hai xe tăng mang số hiệu 390 và 843 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống ngụy. Hình ảnh đó sẽ mãi không phai mờ trong ký ức của mỗi người lính TTG nói riêng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Chiến thắng 30-4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca bất hủ về chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc anh hùng, mà trong đó Bộ đội TTG vinh dự được tham gia và đóng góp một phần quan trọng.
Ngày nay, quân và dân ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với thế và lực mới của đất nước. Là binh chủng chiến đấu, lực lượng đột kích chủ yếu của Lục quân nhân dân Việt Nam, Bộ đội TTG đang nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cùng các lực lượng khác luôn sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
Kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học quý về nghệ thuật sử dụng TTG trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định phải tập trung xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng huấn luyện, rèn luyện, trình độ sử dụng vũ khí, trang bị, khoa học quân sự của cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, Binh chủng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, bám sát tình hình nhiệm vụ; xây dựng Binh chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ về tổ chức biên chế, sử dụng lực lượng, bố trí chiến lược các đơn vị TTG ở các vùng, miền; về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; về cải tiến, mua sắm, hiện đại hóa xe TTG.
Để thực hiện tốt điều đó, Binh chủng tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, hiện đại”, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức từ cơ quan Bộ Tư lệnh Binh chủng đến các đơn vị TTG toàn quân, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Từ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong quy hoạch và sử dụng cán bộ, Binh chủng xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực một cách chủ động và đồng bộ; nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Sĩ quan TTG, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ trình độ để tiếp cận vũ khí mới, theo lộ trình hiện đại hóa. Cùng với kiện toàn về tổ chức biên chế, Binh chủng chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, tiến hành đồng bộ các nội dung huấn luyện sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật TTG và đào tạo thành viên kíp xe; nâng cao chất lượng công tác tham mưu huấn luyện, đổi mới chương trình nội dung và phương pháp huấn luyện cho các đối tượng; chú trọng huấn luyện hiệp đồng tác chiến giữa TTG với binh chủng hợp thành và các lực lượng trong khu vực phòng thủ địa phương; huấn luyện kỹ, chiến thuật phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử của địch.
Cùng với đó, Binh chủng chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, trang bị cho các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đào tạo và các nhiệm vụ khác. Công tác bảo đảm kỹ thuật phải tập trung nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, TBKT, giữ vững đầu xe trang bị phục vụ huấn luyện chiến đấu và dự trữ lâu dài; kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, khai thác, sử dụng với sửa chữa, khôi phục tình trạng kỹ thuật của TTG. Các đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, bồi dưỡng tay nghề, nâng bậc thợ; tiếp tục đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình bảo quản, bảo dưỡng và quản lý TBKT; thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, TBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn Binh chủng.
Phát huy truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng”, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTG tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, góp phần xây dựng lực lượng TTG “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thiếu tướng NGUYỄN KHẮC NAM, Tư lệnh Binh chủng TTG
Tăng,thiết giáp 1975
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội