Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 20/01/2018, 07:49 (GMT+7)
Vai trò của hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - kết quả và một số kinh nghiệm

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị: “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất”1, cùng với công tác chuẩn bị kế hoạch và lực lượng ở chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc khẩn trương chuẩn bị kế hoạch chi viện sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở miền Nam.

Về lực lượng, ngày 19-3-1967, Binh chủng Đặc công chính thức được thành lập. Ngay sau đó, Binh chủng đã huấn luyện gần 4.000 chiến sĩ, đào tạo 457 cán bộ trung đội phó, bổ túc và huấn luyện chuyển binh chủng cho 527 cán bộ từ cấp trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng. Tăng cường cho các chiến trường miền Nam 2.563 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thành một tiểu đoàn, 40 đội, 7 khung cán bộ tiểu đoàn, 30 khung cán bộ đội. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo: Quân chủng Hải quân thành lập thêm một số đoàn tàu vận tải “Không số”, sẵn sàng chở vũ khí, đạn dược, thuốc men theo đường biển vào chi viện cho các mặt trận ở Khu 5, Khu 9, miền Đông Nam Bộ. Quân chủng Phòng không - Không quân thành lập Tiểu đoàn máy bay vận tải IL14 (thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919), sẵn sàng chi viện cho Mặt trận Trị - Thiên - Huế. Các sư đoàn dự bị chiến lược, như: 308, 304, 320, 312… gấp rút kiện toàn về tổ chức, lực lượng biên chế, trang bị vũ khí; khẩn trương tổ chức huấn luyện, diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng theo phương án tác chiến mới. Các lực lượng phòng không, phòng thủ bờ biển, giao thông vận tải, công binh, thông tin liên lạc,… được chấn chỉnh về tổ chức, tăng cường về số lượng, biên chế, trang bị các phương tiện đảm bảo kỹ thuật mới, hoàn chỉnh thế trận nhằm bảo vệ vững chắc miền Bắc, giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho các chiến trường. Lực lượng phòng không nhân dân được kiện toàn và tăng cường cả về quân số và trang bị. So với năm 1964, đến cuối năm 1967 số trung đoàn, tiểu đoàn pháo cao xạ tăng từ 2,5 lần lên 4,7 lần; số trung đoàn tên lửa tăng 5 lần; các đơn vị ra-đa cảnh giới tăng 2 lần; máy bay chiến đấu (Mig 17, Mig 21) tăng 2,2 lần. Các đơn vị phòng không của dân quân, tự vệ phát triển cả về số lượng và chất lượng, được trang bị thêm nhiều súng trường, súng phòng không 12,7 mm, pháo cao xạ 37 mm; thường xuyên được huấn luyện, diễn tập chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tham gia ứng cứu bảo đảm giao thông vận tải trên các trọng điểm huyết mạch2.

Cùng với đó, công tác tuyển quân, huấn luyện chiến sĩ mới, động viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến cũng được gấp rút xây dựng. Trong năm 1967 và 2 quý đầu năm 1968, toàn miền Bắc đã động viên được gần 15,5 vạn cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành nhiều trung đoàn, sư đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật bổ sung cho các chiến trường và củng cố lại vùng mới giải phóng; đồng thời, động viên hàng chục nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học, công nhân tại các công trường, nhà máy ở miền Bắc tham gia phục vụ chiến trường, góp phần quan trọng để cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam giành thắng lợi.

Về vật chất, Mặc dù chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt, nhưng trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, miền Bắc đã huy động được một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vũ khí, trang bị kỹ thuật, kịp thời chi viện cho các chiến trường. Vụ Hè - Thu năm 1967, nhân dân các tỉnh miền Bắc đã chi viện cho các mặt trận tại chỗ và miền Nam hơn 25 vạn tấn lương thực và rau quả các loại, hơn 2,5 vạn tấn thực phẩm (trâu, bò, lợn, gà, cá, tôm, nước mắm), 5.600 tấn muối cùng nhiều hàng hóa dân sinh khác. Vụ Đông - Xuân 1968, các địa phương đã đóng góp cho chiến trường hơn 30 vạn tấn lương thực, 3,2 vạn tấn thực phẩm. Ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo, sản xuất hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men cùng nhiều hàng hóa quân sự khác, đảm bảo cung cấp đầy đủ theo yêu cầu tác chiến ngày càng lớn, v.v.

Để vận chuyển kịp thời khối lượng lớn vật chất - kỹ thuật và binh lực tới các hướng tiến công, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Hội đồng Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cùng với Đoàn 559 làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải. Rất khẩn trương, sau khi được Bộ Giao thông vận tải tăng cường thêm 12.600 công nhân, lực lượng này đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường 7, 12, 21, 48 và mở một số tuyến đường vòng tránh. Trước khi bước vào các chiến dịch vận chuyển của Bộ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, lực lượng Đoàn 559 đã mở mới và củng cố tuyến vận tải cơ giới gần 1.000 km đường trục chính, 445 km đường trục phụ, 822 km đường trục ngang tỏa ra các chiến trường, 560 km đường vòng tránh, đường dự bị, 450 km đường vào các kho hàng, hình thành thế trận giao thông liên hoàn, vững chắc3. Trong các chiến dịch ra quân bảo đảm giao thông vận tải năm 1967-1968, nhân dân các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 đã đóng góp hàng triệu ngày công, chuyên chở hàng triệu tấn đất đá san lấp hố bom, sửa đường.

Với quyết tâm cao độ, vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, trong hai năm 1967, 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong và Bộ đội Hải quân đã chi viện kịp thời cho miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chưa kể gần trăm ngàn tấn vật chất do Trung Quốc chi viện quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc và trên 42 triệu đô-la. Nhờ nỗ lực như vậy, việc chi viện vật chất - kỹ thuật cho chiến trường miền Nam và các chiến trường phối hợp trong năm 1967 và đầu năm 1968 tăng 8,4 lần so với năm 1965.

Như vậy, việc huy động tiềm lực từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đã góp phần quan trọng tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần để quân và dân miền Nam hăng hái chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Từ việc huy động thành công sức người, sức của ở một hậu phương có nền sản xuất lạc hậu, thường xuyên bị mưa bom, bão đạn phá hoại để chi viện cho chiến trường chiến đấu với kẻ thù có sức mạnh vật chất gấp nhiều lần, có thể rút ra được một số kinh nghiệm quý báu sau:

Một là, nhận thức đầy đủ vai trò của hậu phương lớn miền Bắc trong chiến tranh cách mạng để có chủ trương, giải pháp, phương thức huy động đúng đắn “sức người sức của” cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngay từ khi Mỹ hất cẳng Pháp ở miền Nam, Đảng ta đã xác định đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là kẻ thù chủ yếu, trực tiếp của cách mạng nước ta, cần phải đánh đuổi chúng để thống nhất đất nước. Muốn vậy, miền Bắc phải được củng cố mọi mặt để trở thành hậu phương lớn của cả nước. Theo Lê-nin: “Muốn tiến hành chiến tranh một cách thực sự, phải có một hậu phương được tổ chức vững chắc”4. Thấu triệt quan điểm đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 01-1959), Đảng chỉ rõ: “Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội một mặt là theo quy luật phát triển khách quan của xã hội miền Bắc, vì mục đích nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân miền Bắc; mặt khác là tích cực gánh vác phần trách nhiệm đối với phong trào cách mạng của cả nước”5. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), một lần nữa đề ra chủ trương phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, gắn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta đã áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp để vận hành nền kinh tế ở miền Bắc. Từ năm 1965, miền Bắc đã xây dựng được 18.600 hợp tác xã bậc cao, gần 700 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc/héc-ta/năm; các ngành công nghiệp đã sản xuất được 90% hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có cả tư liệu sản xuất. Nhờ đó, ta đã huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ chiến tranh, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, vươn lên, chi viện mạnh mẽ, liên tục, ngày càng cao về sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nhất là trong những lần ta mở các cuộc tiến công lớn, như: Tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phong trào “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai". (Ảnh tư liệu)

Hai là, tạo khí thế thi đua sôi nổi “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” vì miền Nam ruột thịt. Trong quá trình xây dựng hậu phương miền Bắc, nhằm động viên, cổ vũ mọi người tự giác cống hiến công sức, của cải cho cách mạng, Đảng và Chính phủ đã phát động nhiều cuộc vận động chính trị, phong trào thi đua yêu nước, nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi giới đều có những phong trào thi đua riêng, như: thanh niên “ba sẵn sàng", phụ nữ “ba đảm đang”, nông dân “tay cày tay súng”, công nhân “tay búa tay súng”, học sinh làm “nghìn việc tốt chống Mỹ”, v.v. Các khẩu hiệu hành động: “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” xuất hiện ở mọi nơi trên miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược; qua đó, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong mọi hoạt động. Hàng triệu thanh niên sẵn sàng lên đường nhập quân ngũ hoặc tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, mọi người vừa tích cực lao động vừa dũng cảm chiến đấu bắn máy bay địch.

Ba là, công tác chi viện của hậu phương chiến lược được chỉ đạo chặt chẽ, huy động nhiều lực lượng và toàn dân tham gia. Cuộc huy động sức người, sức của chi viện được cấp ủy và chính quyền các địa phương xác định là nhiệm vụ hàng đầu, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện kiên quyết, với nhiều biện pháp sáng tạo; có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành đoàn thể; nhân dân nhiệt tình đóng góp, ủng hộ. Trên mặt trận vận tải, hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến miền Bắc được huy động tham gia đảm bảo giao thông từ hậu phương ra tiền tuyến. Đó là chưa kể đến nhân dân ven đường cũng tham gia vào chuỗi bảo đảm này, như: giúp xe vận tải vượt qua các chướng ngại vật, ngụy trang cho phương tiện, bảo vệ hàng hóa, với những khẩu hiệu đầy quyết tâm: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, v.v. Khi được huy động lực lượng vận tải, đông đảo nhân dân với phương tiện thô sơ tích cực tham gia giải tỏa hàng hóa đến những địa điểm cất giấu. Với tinh thần đó, nên mặc dù bị đánh phá ác liệt, nhưng tuyến đường Trường Sơn huyền thoại chưa bao giờ bị gián đoạn; khí thế chi viện cho tiền tuyến ngày càng nâng cao, tiếp lửa cho các chiến trường, các cuộc tổng tiến công chiến lược.

Bốn là, công tác chi viện của hậu phương chiến lược được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, kịp thời và đi trước một bước, bám sát yêu cầu tác chiến của chiến trường. Song song với chuẩn bị kế hoạch tác chiến, công tác chi viện, bảo đảm chuẩn bị về binh lực, vật chất - kỹ thuật cho các chiến dịch, các cuộc tiến công phải luôn được thực hiện từ sớm. Thực tế trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, công việc này được xúc tiến mạnh mẽ ngay từ đầu năm 1967 và liên tục trong suốt quá trình chuẩn bị kế hoạch cũng như thực hành tiến công. Sau Tổng tiến công, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, miền Bắc tiếp tục chi viện số lượng lớn người và vật chất để khôi phục lại lực lượng và thế trận cách mạng. Bộ đội của các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào được tổ chức thành các bộ phận nhỏ để đưa xuống cơ sở làm nhiệm vụ của du kích và bộ đội địa phương; qua đó, giúp cho cách mạng miền Nam phục hồi và phát triển, tiến lên hoàn thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Những kinh nghiệm trên còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và yêu cầu của chiến tranh hiện đại nếu xảy ra./.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUANG
___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 50-51.

2 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975), Nxb, QĐND, H. 1977, tr. 164-165.

3 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nxb QĐND, H. 2008, tr.304.

4 - V.I.Lê-nin - Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, M. 1976, tr. 497.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 63.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.