Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 05/09/2016, 09:06 (GMT+7)
“Tuyên ngôn Độc lập” với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình
ngày 02-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân - phong kiến. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân, đồng bào đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”1. Nội dung căn bản, tư tưởng cốt lõi của bản Tuyên ngôn Độc lập là độc lập dân tộc. Đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm đó thống nhất với khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta và khát vọng đó đã thành hiện thực bằng những nỗ lực đấu tranh bền bỉ đầy hy sinh, gian khổ của toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bản Tuyên ngôn Độc lập còn là lời thề độc lập của nhân dân Việt Nam trước thế giới và trước cả những kẻ rắp tâm xâm lược nước ta. Ý nghĩa to lớn mang tính lịch sử của Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện ở chỗ đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của một dân tộc, được thể hiện ở những nội dung căn bản là đất nước được hoàn toàn tự do, nhân dân được hoàn toàn sống trong hòa bình, hạnh phúc và thực sự được hưởng thụ các giá trị dân chủ, công bằng, bình đẳng, đúng như Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Tất cả mọi ngư­ời đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm đ­ược, trong những quyền ấy, có quyền đ­ược sống, quyền tự do và quyền mư­u cầu hạnh phúc”. Rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Tuyên ngôn Độc lập 02-9-1945 không chỉ đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khẳng định độc lập, tự do và quyền được hưởng độc lập, tự do của dân tộc, của con người Việt Nam trước thế giới, mà nó còn biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá để bảo vệ đến cùng quyền bất khả xâm phạm ấy - “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Điều đó được minh chứng qua sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đầy hy sinh, gian khổ với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”2, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, thống nhất”.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, lãnh thổ, chủ quyền biên giới, biển, đảo tiếp tục gia tăng. Đối với nước ta, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời, chúng sẵn sàng can thiệp bằng vũ trang, gây chiến tranh, xung đột để hỗ trợ lực lượng phản động. Tình hình đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Trong điều kiện mới, tinh thần căn bản của Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ cùng những bài học quý trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm vừa qua vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập dân tộc của chúng ta đang hưởng thụ không chỉ đơn thuần theo nghĩa Tổ quốc không bị mất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, mà còn không để bị lệ thuộc bởi các thế lực bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, tức là chúng ta hoàn toàn có quyền tự quyết mọi vấn đề, nhất là về đường lối cách mạng, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước, hoạch định và triển khai chính sách đối nội, đối ngoại. Đương nhiên, độc lập còn bao hàm cả việc giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vấn đề quan trọng đặt ra là chúng ta phải kế thừa, vận dụng và phát huy tinh thần của Bản Tuyên ngôn Độc lập như thế nào cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”3.

Theo đó, chúng ta phải luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là lợi ích cao nhất của đất nước ta. Cũng vì thế, chúng ta không cho phép bất kỳ thế lực nào xâm phạm, xâm hại đến lợi ích tối cao đó. Đó là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong điều kiện mới, để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; thường xuyên tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đó là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước, v.v. Đặc biệt, phải coi trọng đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, thực sự là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình mới, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ chính trị. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lấy đó làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Đồng thời, xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, độc lập dân tộc là tiền đề để xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội tạo nền tảng để bảo vệ độc lập dân tộc. Thực tiễn cách mạng chứng minh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam.

Trong thực tế, khái niệm độc lập có nội hàm rất rộng và có sự phát triển mới về nội dung, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Mức độ toàn cầu hóa càng cao, hội nhập quốc tế càng sâu, rộng thì khái niệm độc lập càng phong phú, càng phức tạp và việc bảo vệ độc lập dân tộc vì thế cũng khó khăn hơn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện, sâu sắc bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong quan hệ quốc tế, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện vấn đề có tính nguyên tắc là: giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng, cùng có lợi. Nếu như Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã đề cập “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, thì Đại hội XII của Đảng xác định đường lối đối ngoại: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”4. Theo đó, trong hoạt động đối ngoại, chúng ta cần tập trung tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước; phải đặc biệt coi trọng việc dự báo tình hình quốc tế, khu vực, những động thái, xu thế biến động liên quan đến quốc phòng, an ninh. Từ đó, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xử lý các tình huống, góp phần ngăn ngừa, triệt tiêu các nguy cơ có thể gây tổn hại đến độc lập dân tộc. Đồng thời, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác trong quan hệ quốc tế, làm cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập phát triển, nhất là về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế.

Cùng với đó, Đảng ta còn thường xuyên quan tâm bảo vệ quyền con người “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc. Điều đó được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách xã hội: mỗi bước phát triển về chính trị, kinh tế - xã hội đều gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Những năm qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cam kết và cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia bảo vệ quyền con người, quyền tự quyết của các dân tộc và các hoạt động chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình. Thực hiện tốt các cam kết đó, một mặt thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, góp phần vào đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới; đồng thời cũng nhằm bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG

______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 3.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 433.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 153.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.