Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 21/02/2018, 14:16 (GMT+7)
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Với bản chất khoa học, cách mạng, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăng-ghen soạn thảo đã trở thành một trong những tác phẩm “gối đầu giường” của những người cộng sản. Đã 170 năm trôi qua, cùng với sự vận động biến đổi của thực tiễn, nhiều vấn đề lý luận mới đặt ra cần bổ sung, phát triển. Song, những nội dung có tính nguyên tắc trong Tuyên ngôn vẫn soi đường, chỉ lối cho phong trào cách mạng thế giới hiện nay; đồng thời, là cơ sở lý luận quan trọng, khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của cách mạng Việt Nam.

1. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chỉ ra cơ sở lý luận vững chắc khẳng định tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong quy luật phát triển của xã hội loài người hướng đến chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình tuân theo những quy luật khách quan. Theo đó, loài người sẽ tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Yếu tố cơ bản xét đến cùng chi phối toàn bộ những biến đổi to lớn của lịch sử và sự thay thế các chế độ xã hội là sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất trong mối quan hệ biện chứng với quan hệ sản xuất xã hội. Khi quan hệ sản xuất trở thành xiềng xích, trói buộc sự phát triển của lực lượng sản xuất, thì khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội: chế độ xã hội mới ra đời thay thế chế độ xã hội cũ với các quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Dưới góc độ tiếp cận ấy, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã “giải phẫu” phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ ra mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất mà giai cấp tư sản không thể tự giải quyết được. Từ mâu thuẫn đó, nảy sinh vô số những hạn chế, khuyết tật, đưa đến sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Các cuộc khủng hoảng diễn ra theo chu kỳ “phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có”1 của chủ nghĩa tư bản và đi liền với nó là tình trạng thất nghiệp và tệ nạn xã hội, những cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, giành giật thị trường, trút toàn bộ gánh nặng lên người lao động và các dân tộc bị áp bức, các dân tộc chậm phát triển. Giai cấp tư sản đã tạo lập nên một xã hội mà sự giàu có trên sự khốn cùng của giai cấp công nhân và những người lao động. Xã hội tư sản sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, nhưng nó không những không xóa bỏ được đối kháng giai cấp, mà còn làm cho nó gay gắt hơn. Thêm nữa, “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất”2, điều đó dẫn đến việc “cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội”3. Chính quá trình này tạo ra những điều kiện và tiền đề để phủ định chế độ tư hữu, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.

Khi luận chứng tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã làm sáng tỏ lực lượng có sứ mệnh lịch sử “đào huyệt” chôn chủ nghĩa tư bản chính là giai cấp công nhân hiện đại. Bởi, giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất triệt để cách mạng, có đầy đủ những yếu tố cho phép họ giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Động lực của họ là mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa với giai cấp tư sản; đại biểu cho lợi ích của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Và, sự tồn tại, phát triển của giai cấp tư sản là dựa trên sự bóc lột sức lao động làm thuê của giai cấp công nhân; sự giàu có và xa hoa của giai cấp tư sản đi liền với sự bần cùng hóa, sự tha hóa của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân. Do vậy, khác với tất cả, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân không phải là phong trào của thiểu số và mưu lợi ích cho thiểu số. Trái lại, nó là phong trào của đa số, mưu lợi ích cho đa số, nó xóa bỏ chế độ tư hữu và xây dựng một xã hội mới mà ở trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Giai cấp công nhân hội tụ đủ điều kiện khách quan và năng lực chủ quan để vươn lên nắm ngọn cờ lãnh đạo, trở thành lực lượng đi đầu dẫn dắt quần chúng nhân dân tiến hành cách mạng vô sản. 

C. Mác và Ph. Ăng-ghen cũng khẳng định rằng: để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải xây dựng được một chính đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân, gồm những người tiên tiến nhất, giác ngộ nhất. Về mặt lý luận, họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản; về mặt thực tiễn, là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, luôn luôn thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên.

2. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản soi sáng con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu giá trị và thực chất của độc lập dân tộc. Không chấp nhận độc lập dân tộc theo con đường phong kiến, tư sản hay độc lập giả hiệu, bánh vẽ; dân tộc ta chọn kiểu độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản: độc lập dân tộc làm tiền đề và phải đi tới hạnh phúc, tự do thực sự cho nhân dân. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, phản ánh ý nguyện của toàn dân tộc, phù hợp với quy luật vận động của thời đại. Điều đó, thể hiện sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng trong cuộc đấu tranh của dân tộc và của giai cấp công nhân, gắn chủ nghĩa yêu nước với đấu tranh giai cấp, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc hướng đến “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Ngay Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Cuộc cách mạng đó, do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, với phương pháp là dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để đánh đổ thực dân, đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội với tinh thần “Không có gì quý hơn Ðộc lập Tự do”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cho thấy, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, kết nối muôn người Việt Nam như một, tạo nên sức mạnh vô song, “nhấn chìm” mọi kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải bằng cách quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là một quá trình không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thoát “ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường,…”4. Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản của cách mạng, gắn liền với lợi ích của quốc gia là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Đó chính là sự nhận thức và vận dụng sáng tạo những nguyên lý trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự thắng lợi của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam từ trước đến nay.

Hiện nay, thế giới đang tiếp tục đổi thay, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn lền với chủ nghĩa xã hội đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên nắm vững và thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quán triệt sâu sắc quan điểm: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và đối ngoại; kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo kết hợp tiếp thu những thành tựu mới trên các lĩnh vực của thời đại để đề ra đường lối đúng, bảo đảm vừa kiên định nguyên tắc chiến lược, vừa linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Theo đó, cần tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; thực hiện đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị với những bước đi phù hợp; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Việt Nam phát triển cả về phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc. Tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi cho người dân. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả; giải quyết tốt quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù, chủ nghĩa tư bản có những điều chỉnh thích nghi và còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản và khuyết tật vốn có của nó sẽ sớm muộn đưa chủ nghĩa tư bản tới con đường diệt vong. Chủ nghĩa xã hội, phong trào cách mạng thế giới mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đó vẫn là mục tiêu, lý tưởng, khát vọng của nhân loại với tính cách là một chế độ xã hội thực sự đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho con người. Vì vậy, nó có sức sống mãnh liệt, hợp quy luật, hợp lòng người, là khát vọng của thời đại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần giữ vững lòng tin vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản; khắc phục những tư tưởng hoài nghi, dao động, cơ hội, xét lại, giáo điều trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Không ai có thể đảo ngược quy luật vận động của lịch sử: “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”5.

Đã 170 năm từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, thời gian đó đủ để cho chúng ta nhìn nhận, kiểm nghiệm và khẳng định những giá trị to lớn của Tuyên ngôn. Tinh thần Tuyên ngôn đã và sẽ tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản./.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĂN THẾ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị
Bộ Quốc phòng

____________

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 604.

2 - Sđd, tr. 600.

3 - Sđd, tr. 601.

4 - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 65,66.

5 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 613.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.