Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 21/02/2018, 07:03 (GMT+7)
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” báo trước cái kết tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản

Tháng 02-1848 “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăng-ghen soạn thảo lần đầu tiên được xuất bản. Đây không những là một văn kiện có tính lịch sử mà còn là ngọn đuốc soi đường cho cả hiện tại và tương lai. Trong đó, kết luận của các ông về sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên giá trị cho dù thực tiễn đã nhiều đổi khác.

Những năm cuối của thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nhân loại đã chứng kiến những biến động “lay trời, chuyển đất”, đó là: những sai lầm trong quá trình cải tổ dẫn đến sự sụp đổ thành trì chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, kéo theo sự thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản có sự điều chỉnh, thích nghi và tạo ra những “giới hạn” mới để phát triển. Trước thực tiễn đó, không ít người dao động, mất phương hướng, hoài nghi mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại và của đất nước ta. Vậy, nhân loại và dân tộc ta sẽ đi con đường nào để đạt đến khát vọng hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc? Câu trả lời cho băn khoăn đó chưa bao giờ nằm ngoài kết luận về “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”1 của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời cách đây đã 170 năm. Bởi lẽ, chủ nghĩa tư bản vẫn mang trong mình những căn bệnh trầm kha, mà nguồn cơn của nó bắt nguồn từ những mâu thuẫn cố hữu, gắn liền với bản chất “bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn”2. Dù đã được che lấp khá tinh vi bởi nhiều biểu hiện biến đổi, thích nghi. Nhưng, những mâu thuẫn ấy không những không mất đi mà còn phát triển gay gắt và tích tụ, chỉ trực nổ tung khi đến giới hạn của nó. Tất nhiên, giới hạn ấy sẽ chẳng thể nới ra mãi được bằng những hành động ngụy tạo chủ quan hay những mỹ từ tâng bốc, cổ vũ cho chủ nghĩa tư bản, cũng như những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm hạ thấp chủ nghĩa xã hội.

Cần thấy rằng, để đi đến kết luận đó, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã “giải phẫu” khoa học và toàn diện chủ nghĩa tư bản. Bóc tách từng khía cạnh của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, các ông đã chỉ ra mâu thuẫn không thể điều hòa giữa lực lượng sản xuất phát triển với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa lỗi thời, làm sáng tỏ bản chất bóc lột của tư bản đối với lao động, sự áp bức của giai cấp tư sản thống trị đối với giai cấp vô sản và các tầng lớp nhân dân bị trị, của đế quốc đối với thuộc địa, v.v. Từ đó, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: giải quyết triệt để những mâu thuẫn ấy không có con đường nào khác con đường đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản.

Vậy mà hiện nay vẫn còn có người huyễn hoặc rằng: nhờ ứng dụng thành tựu cách mạng khoa học và công nghệ và một số điều chỉnh trong quan hệ sản xuất đã làm mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được giải quyết. Đó là cách nhìn nhận phiến diện, thiếu khoa học. Về điều này, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chứng minh: quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là hình thức xã hội của sản xuất, không những không còn bảo đảm sự phù hợp mà trái lại, nó trở thành lực cản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, mâu thuẫn đó ngày càng sâu sắc hơn và lan ra phạm vi rộng hơn cùng với toàn cầu hóa mà giai cấp tư sản không thể tự khắc phục. Bởi lẽ, theo các ông, giai cấp tư sản chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn ấy bằng hai con đường: “Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải hủy bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ”3, như thế, tất yếu đều “đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn, ghê gớm hơn”4. Những điều chỉnh trong quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất cũng như quan hệ phân phối chỉ là “tấm màn ảo thuật” che đậy những hạn chế cố hữu của chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động không thể là “phương thuốc” để chữa lành những căn bệnh của chủ nghĩa tư bản, ngược lại còn rèn “vũ khí” để giết mình ngày càng sắc nhọn hơn. Không chỉ vậy, giai cấp tư sản “còn tạo ra những người sử dụng những vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại”5. Sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản do chính lực lượng trong lòng nó tạo ra. Những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản ngày càng phát triển, đã làm xuất hiện một lực lượng đối lập với giai cấp tư sản và có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp toàn cầu hóa, giai cấp công nhân có sự phát triển về số lượng, mức sống, sự giác ngộ, học vấn, trình độ kỹ thuật, cơ cấu nghề nghiệp và tính xã hội hóa cao. Nhưng, họ vẫn là những người làm thuê, vẫn “buộc phải tự bán mình”, “tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau”6. Càng tạo ra giá trị gia tăng cao, giai cấp công nhân càng bị bóc lột thậm tệ. Tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư hiện đại cao hơn thế kỷ XIX rất nhiều lần. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), năm 2010 tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư trung bình là 300%, cá biệt có những công ty như tập đoàn Microsoft năm 2004 tỷ suất này lên tới 5.000%7. Những chính sách phúc lợi mà giai cấp tư sản dành cho người lao động không nằm ngoài mục đích là bóc lột tối đa sức lực và trí tuệ của họ. Như vậy, bản chất mối quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân là quan hệ giữa chủ với tớ, thống trị với bị trị, áp bức với bị áp bức. Địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân hiện đại không hề thay đổi; động lực đấu tranh nhằm đảo ngược địa vị ấy của họ không những không mất đi, mà còn gia tăng và mở rộng ra toàn cầu.

Lẽ đương nhiên, với bản chất bóc lột, sự phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa luôn đồng hành với đầy rẫy bất bình đẳng, bạo lực, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nghèo đói, v.v. Sự bất công, phi lý càng gia tăng, sẽ càng làm phân hóa giàu - nghèo trong chủ nghĩa tư bản. Sự giàu có của giai cấp tư sản tỷ lệ thuận với sự bần cùng hóa nhanh chóng của quần chúng nhân dân lao động. Hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng lớn. Mặt trái của toàn cầu hóa đang thúc đẩy sự bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước nghèo, chậm phát triển trở nên thậm tệ hơn dưới các hình thức mới. Việc làm giàu, trục lợi từ “chu trình” gây xung đột, chiến tranh ở các nước yếu thế để rồi “hào phóng” viện trợ tái thiết không hề thay đổi bản chất, nhưng thủ đoạn, cách thức ngày càng tinh vi, thâm độc hơn; thậm chí, nạn nhân của họ còn “mang ơn” chính kẻ thù của mình. Thêm nữa, tệ nạn xã hội, nền tảng gia đình, chuẩn mực đạo đức xã hội bị giá trị vật chất làm băng hoại nghiêm trọng. Đúng như Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật sư, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương”8. Không chỉ vậy, “Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần”9, và “không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa”10. Đó là số ít trong vô vàn những “vết loét” không thể che đậy và tự khắc phục được của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Do đó, dù có điều chỉnh thích nghi để cố gắng thay hình đổi dạng, nhưng những “khuyết tật” từ trong bản chất sẽ đưa đến sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Đây là cái kết không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, sẽ là chủ quan, duy ý chí nếu cho rằng chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ trong tương lai gần, vì “Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn còn khả năng dung chứa sự phát triển hơn nữa của lực lượng sản xuất hiện đại. Khả năng kéo dài sự sinh tồn của nó là không thể xem nhẹ”11. Nhưng, sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội tất yếu diễn ra như “một quá trình lịch sử tự nhiên”, khi lực lượng sản xuất không còn “địa bàn đầy đủ cho phát triển” và “Những quan hệ tư sản đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải đã được tạo ra trong lòng nó nữa”12. Song, những quan hệ sản xuất lỗi thời không tự nhường chỗ cho quan hệ sản xuất mới. Do đó, giai cấp công nhân cần nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ chính trị, ý thức giai cấp, giác ngộ sứ mệnh lịch sử của mình, đoàn kết, tập hợp sức mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiến hành cách mạng, nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Đối với Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”13. Do đó, ngay trong Chính cương năm 1930 của Đảng đã khẳng định: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội”14. Thực tiễn cho thấy, đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của lịch sử, thể hiện ý nguyện của dân tộc, phù hợp với quy luật vận động của thời đại. Song, là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, lâu dài và gian khổ. Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, v.v. Tuy nhiên, trước hết Đảng phải luôn tự đổi mới; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn với tinh thần tích cực, kiên quyết hơn. Theo đó, tập trung quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v. Để thực hiện có hiệu quả điều đó, thì “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”15.

Đã 170 năm trôi qua, nhưng giá trị của Tuyên ngôn về sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản vẫn mãi soi sáng trí tuệ chúng ta trong nhận thức thời đại; đồng thời, củng cố niềm tin cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dù còn lắm chông gai, khúc khuỷu./.

Đại tá, TS. ĐINH XUÂN KHUÊ và Thiếu tá, CN. NGÔ XUÂN CHÍNH

Trường Sĩ quan Lục quân 2
___________

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 613.

2 - Sđd, tr. 600.

3, 4, 5, 6 - Sđd, tr. 605.

7 - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1(98)-2016, tr. 93.

8, 9, 10 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 600.

11 - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1(98)-2016, tr. 94.

12 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 604 - 605.

13 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 30.

14 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 433.

15 - Nguyễn Phú Trọng - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb CTQG, H. 2017, tr. 208.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.