Thứ Bảy, 23/11/2024, 19:58 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
C. Mác (1818 - 1883) - bác học thiên tài, người thày vĩ đại của giai cấp công nhân và lao động quốc tế. Người đã cùng với Ph. Ăng-ghen xây dựng nên hệ thống lý luận khoa học và cách mạng để nhận thức và cải tạo thế giới. Gần hai thế kỷ đã đi qua với biết bao biến thiên lịch sử, nhưng học thuyết C. Mác vẫn luôn phát triển, khẳng định tầm vóc, sức sống, giá trị thời đại và tiếp tục soi sáng thiên niên kỷ mới.
1. C. Mác đã hoàn thành cuộc cách mạng trong nghiên cứu khoa học về đời sống xã hội, cung cấp cho nhân loại công cụ sắc bén để nhận thức và cải tạo xã hội, thực hiện sứ mệnh cao cả giải phóng con người. Vượt lên trên tầm cao trí tuệ của các nhà tư tưởng đương thời, C. Mác đã giải đáp được những câu hỏi lớn mà thời đại đang đặt ra về đời sống xã hội mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, trong lịch sử nhân loại chưa từng chứng kiến một học thuyết xã hội nào mà ảnh hưởng của nó lại sâu rộng đối với loài người như chủ nghĩa Mác.
Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, chủ nghĩa Mác đã được chứng minh về mặt khoa học, trở thành hệ thống lý luận khoa học sâu sắc, toàn diện, triệt để và cân đối. Các nguyên lý, quy luật đúng đắn về lịch sử - xã hội của chủ nghĩa Mác được dùng làm “kim chỉ nam” trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn. Sáng tạo là đặc tính của triết học Mác - đó là một hệ thống mở, không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Nhờ vậy, chủ nghĩa Mác không thể bị lỗi thời trước sự biến đổi không ngừng của xã hội loài người.
Bộ “Tư bản” là tác phẩm vĩ đại nhất của C. Mác, có tính khoa học nhất trong lịch sử tư tưởng kinh tế nhân loại mà ngay cả kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác cũng không thể bác bỏ. Trong đó, C. Mác đã chứng minh bằng lý luận khoa học về sự phát sinh, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Ông cũng là người đầu tiên đưa lý luận khoa học vào phong trào công nhân, làm cho họ ý thức được đầy đủ về địa vị, vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
2. Tư tưởng C. Mác hướng dẫn cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và lao động quốc tế giành nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa thời đại. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848) là mốc son đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Đây là cương lĩnh cách mạng đúng đắn để giai cấp công nhân tập hợp lực lượng đấu tranh với giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Lý luận Mác nhanh chóng được truyền bá rộng khắp châu Âu và trên toàn thế giới, trở thành nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế và kim chỉ nam cho hành động cách mạng vô sản thế giới. Nhưng giai cấp công nhân muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, nhất thiết phải tổ chức ra chính đảng thực sự là bộ phận tiên tiến, giác ngộ nhất, trung thành và đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào đấu tranh của giai cấp, dân tộc, có lý luận khoa học dẫn đường. Vì vậy, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ bị coi là “bóng ma” ám ảnh châu Âu đã trở thành hiện thực sinh động. Công xã Pa-ri nổ ra ở Thủ đô Pa-ri, Pháp (ngày 18-3-1871) là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, mặc dù chỉ tồn tại 72 ngày, nhưng đã làm rung chuyển thành trì chủ nghĩa tư bản, góp phần làm sâu sắc lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại của chủ nghĩa Mác. “Hội Quốc tế xã hội chủ nghĩa” - Quốc tế II với sự ra đời của các đảng dân chủ - xã hội ở các nước tư bản từ sau những năm 1889, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, gắn đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, lý luận phát triển ngày càng sâu rộng. Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thắng lợi, hiện thực hóa lý tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác, mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản; đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên tự giải phóng, giành lại những giá trị chân chính của con người. Cùng với thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên đất nước Liên Xô vĩ đại; thắng lợi của các lực lượng dân chủ chống họa phát xít, sự ra đời và không ngừng lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực và cao trào cách mạng ở thế kỷ XX là những bằng chứng đầy sức thuyết phục khẳng định sức sống mãnh liệt của học thuyết C. Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung.
3. Tư tưởng C. Mác tiếp tục soi sáng con đường cách mạng của giai cấp công nhân và lao động quốc tế trong thiên niên kỷ mới. Hiện nay, nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ mới với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào. Trong khi đó, các nước tư bản chủ nghĩa do tận dụng được các thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ ứng dụng vào phát triển sản xuất, khắc phục tạm thời khủng hoảng và có những bước phát triển mới. Tương quan giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản thay đổi có lợi cho các nước tư bản chủ nghĩa. Lợi dụng tình thế đó, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội được dịp công kích, bôi nhọ chủ nghĩa Mác với tham vọng làm sụp đổ nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, hướng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa để đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Họ cố tình đồng nhất sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với thất bại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; coi đó là “Thất bại lớn - Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX”. Hoặc, có vẻ “khách quan” hơn khi cho rằng, học thuyết Mác ra đời từ thế kỷ XIX có đóng góp khá nhiều cho lịch sử và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi, nhưng với thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác không còn phù hợp nữa, cần sớm “giải thể ý thức hệ cộng sản”(!); Hầu hết các nước ngày nay đều bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chỉ còn một vài nước là tôn thờ, v.v.
Hiện tại chủ nghĩa xã hội đang gặp không ít khó khăn nhưng đó chỉ là những khó khăn nhất thời. Các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế đang đoàn kết, thống nhất để có tiếng nói chung, tích cực đổi mới, cải cách tìm ra con đường đúng đắn cho những bước phát triển mới. Lý tưởng về một xã hội không có người bóc lột người vẫn có sức mạnh chinh phục lòng người. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin mãi mãi là ngọn cờ tư tưởng cổ vũ sức mạnh sáng tạo của triệu triệu con người đang đấu tranh cho lẽ phải, công bằng và một xã hội mới tốt đẹp. Hiện nay, giai cấp công nhân và những người cộng sản trên toàn thế giới, cùng với hàng tỷ người dân trên trái đất vẫn đang lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm ngọn cờ tư tưởng và hướng về nó với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh gắn mục tiêu chủ nghĩa xã hội với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Những thành tựu to lớn của đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang làm nức lòng nhân dân các nước, đồng thời là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của cách mạng thế giới, nhất là phong trào cánh tả ở Tây Âu và Mỹ La-tinh. Chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng lao động. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin xa lạ với những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, thoát ly cuộc sống. Đương thời, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới chỉ ra những nguyên lý cơ bản, đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Để lý luận đó được vận dụng thắng lợi vào đời sống hiện thực, nhất thiết cần đến tinh thần sáng tạo cách mạng của khối quần chúng đông đảo dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”1. Sự nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành nguồn động lực to lớn thúc đẩy cả lý luận và thực tiễn cách mạng không ngừng phát triển.
Để xem xét và giải quyết những vấn đề phức tạp mà thời đại đang đặt ra về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, chiến tranh, hòa bình,… người ta không thể không ngừng nghiên cứu, tiếp thu bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà hạt nhân là phép biện chứng mác-xít. Học thuyết kinh tế của C. Mác vẫn còn giữ nguyên giá trị trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, toàn cầu hóa hiện nay. Những phân tích sâu sắc của C. Mác về chủ nghĩa tư bản hiện thời đang được đặc biệt quan tâm và như nhiều nhà nghiên cứu đã nói, những dự báo khoa học của Ông đang được chứng thực trong cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm qua. Sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất xã hội đã vượt ra khỏi khuôn khổ của quan hệ sản xuất tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Tư bản tập thể, các công ty siêu quốc gia có sức mạnh to lớn, nhưng mục đích kinh doanh không phải trước hết vì con người mà vì lợi ích của tập đoàn tư bản thân hữu đã phản ánh sai lệch nền kinh tế.
Giáo sư Ê-ríc Hốp-xbao (nhà sử học, chiến sĩ cộng sản nổi tiếng, Ác-hen-ti-na) cho rằng, học thuyết của Mác về chủ nghĩa tư bản không chỉ như là yếu tố cổ vũ chính trị, tinh thần cho phong trào cánh tả đang phát triển mạnh mẽ ở Mỹ La-tinh, mà còn giúp thế giới tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu hiện nay. Bởi, C. Mác đã mô tả chính xác về các quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản và dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phát triển ra sao vào đầu thế kỷ XXI trên cơ sở phân tích kinh tế của xã hội tư bản vào thời kỳ đó. Trước những biến cố của lịch sử hiện nay, chính các giới nghiên cứu tư sản cũng phải quay trở lại nghiên cứu học thuyết của Mác về chủ nghĩa tư bản, khẳng định vị trí học thuyết này trong sự phát triển của xã hội loài người.
Để lý luận của các nhà kinh điển có sức sống bất diệt, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam sau 30 năm đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”2. Bởi, “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”3. Thế giới thật công bằng, sáng suốt khi xem xét tất cả những đóng góp của học thuyết Mác đối với sự phát triển của nhân loại và bình chọn, tôn vinh “Mác là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của toàn nhân loại trong 1.000 năm qua”; đồng thời khẳng định, “Thế kỷ XXI nhân loại sẽ không có tương lai nếu không có chủ nghĩa Mác”. Tư tưởng C. Mác không hề bị “lỗi thời” như kẻ thù của chủ nghĩa xã hội xuyên tạc, mà luôn tràn đầy sinh lực, tiếp tục soi sáng thiên niên kỷ mới.
Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN NHUẬN ________________
1 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, M. 1974, tr. 232.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 69.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI , Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.
C. Mác
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội