Thứ Tư, 18/09/2024, 16:36 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc, nhằm động viên mọi nhân lực, vật lực cho kháng chiến và kiến quốc, làm cho “kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”1. Để Thi đua ái quốc trở thành phong trào “ăn sâu, lan rộng” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như trong các cấp, ngành, lực lượng,… ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, mở đầu cho một phong trào hành động cách mạng sôi nổi của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người khẳng định: “Cuộc Thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công”2. Từ tư tưởng Thi đua ái quốc của Người, phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai sâu rộng, duy trì và phát huy mạnh mẽ trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân đội thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác, với tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, toàn quân đã dấy lên các phong trào thi đua điển hình, như: “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Luyện quân lập công”,“Giết giặc lập công”, “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” (rèn cán, chỉnh quân), v.v. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào Thi đua yêu nước trong Quân đội tiếp tục được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Điển hình là các phong trào: “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”; thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Đơn vị anh hùng diệt Mỹ”, “Năm xung phong”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, 500, 1000 của đế quốc Mỹ”, v.v. Năm 1973, kế tục và phát triển phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Bộ Quốc phòng phát động phong trào “Thi đua Quyết thắng”3 rộng khắp trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhằm động viên đông đảo cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và công nhân, viên chức quốc phòng thi đua lập những chiến công vang dội trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển sâu rộng, hướng vào mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phong trào luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị, thực sự là đòn bẩy thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, điểm nhấn của phong trào Thi đua Quyết thắng là thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức để giành những thành tích mới trên các mặt công tác. Tiêu biểu như các phong trào: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Luyện hay, đánh giỏi”, “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện rèn”, “Một tập trung, ba khâu đột phá”, “Toàn quân hành động theo điều lệnh”, v.v. Các phong trào thi đua trên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chấp hành kỷ luật ở các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, những năm gần đây, phong trào Thi đua Quyết thắng được các đơn vị gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích, các phong trào, cuộc vận động của các ngành, tổ chức quần chúng và thực hiện có hiệu quả “Ba khâu đột phá”. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị quân đội có nhiều hoạt động thiết thực cùng cả nước hướng tới người nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Qua đó, khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, tinh thần hăng say trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động, giành những đỉnh cao mới trên các mặt hoạt động4.
Với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, phong trào Thi đua Quyết thắng tiếp tục được triển khai có hiệu quả, thông qua các phong trào, cuộc vận động lớn trong toàn quân: “Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh”; “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”, “Thực hiện nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng”, “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Mặt khác, phong trào Thi đua Quyết thắng còn góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tình nguyện”; thông qua thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và bảo vệ môi trường, với sự tham gia của hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện của các đơn vị trong toàn quân. Đó không chỉ là biểu hiện sinh động của những giá trị cao đẹp về lòng dũng cảm, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân quên mình vì nhân dân của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, mà còn là kết quả của phong trào Thi đua Quyết thắng mang lại. Đáng chú ý là, thông qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả thiết thực, như: “Luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Tích cực chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ”,... của khối quân khu, quân đoàn, quân chủng; “Học tốt, rèn nghiêm, nghiên cứu khoa học tốt”, “3 nâng cao, 3 mẫu mực”,… của khối học viện, nhà trường; “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”,“Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác” của ngành Quân y; “An toàn lao động - An toàn giao thông - Không vi phạm kỷ luật” trong các đơn vị kinh tế, v.v.
Phải khẳng định rằng, tiếp nối phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, phong trào Thi đua Quyết thắng đã phát triển liên tục, cả bề rộng và chiều sâu, được các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành các phong trào thi đua của từng ngành, lĩnh vực và giai đoạn cụ thể, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác, v.v. Qua đó, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân không ngừng được nâng lên, làm cơ sở để Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Từ thực tiễn 70 năm thực hiện tư tưởng Thi đua yêu nước của Bác Hồ và phong trào Thi đua Quyết thắng, chúng ta cần thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm; trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trước hết, phải thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này; kịp thời cụ thể hóa các phong trào thi đua thành các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở đó, tổ chức giáo dục, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ ở từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, sức sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, sự phấn đấu bền bỉ, liên tục trong từng tập thể, cá nhân, tạo không khí thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực hoạt động; đồng thời, khắc phục những nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm, “bệnh thành tích”, thi đua, khen thưởng thiếu trung thực.
Hai là, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các phong trào, đợt thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, đưa chất lượng thực hiện nhiệm vụ đi vào chiều sâu, thực chất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy phong trào thi đua ngày một phát triển.
Ba là, chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng, đủ về số lượng, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kịp thời tham mưu, đề xuất những nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác thi đua - khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Bốn là, thực hiện tốt công tác tổng kết, nghiên cứu rút kinh nghiệm trong thực hiện các phong trào, đợt thi đua; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đẩy mạnh công tác nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng nhằm động viên, cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đảm bảo cho phong trào thi đua đi vào cuộc sống, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ để cá nhân, đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ___________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 71.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 547.
3 - Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 932.
4 - Từ 2010 - 2015, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã ghi nhận và biểu dương 51 tập thể, cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 5.800 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương; 955 tập thể được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ, Cờ Thi đua của Bộ Quốc phòng; 15 Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; 1.288 Chiến sĩ Thi đua toàn quân và 305 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng (Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân - Kỷ yếu Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quốc lần thứ IX, Nxb QĐND, H. 2015, tr. 50).
Lời kêu gọi,phong trào thi đua,ái quốc,Quyết thắng,Quân đội
Bộ đội Cụ Hồ - một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay 17/09/2024
Vai trò của chính ủy, chính trị viên trong xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” 09/09/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Dấu ấn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch giai đoạn 1971 - 1975 17/05/2024
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong giáo dục chính trị, tư tưởng bộ đội hiện nay 10/05/2024
Ngày vui thống nhất non sông 30/04/2024
Vận dụng tư tưởng Ph.Ăngghen về bản chất giai cấp của quân đội trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị hiện nay 28/11/2023
Đại tướng Phan Văn Giang gửi Thư chúc mừng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 18/11/2023
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vai trò của chính ủy, chính trị viên trong xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”
Bộ đội Cụ Hồ - một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay