Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:44 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn độc lập, miền Nam do Chính quyền Sài Gòn quản lý. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam tiếp tục chiến đấu, hy sinh chống ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, với tinh thần quả cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong giai đoạn 1957-1959, cách mạng miền Nam gặp không ít khó khăn khi Ngô Đình Diệm ban hành Đạo luật 10/59, công khai tàn sát, bắt bớ, làm nhiều cán bộ, đảng viên cộng sản bị giết hại và nhiều đồng bào bị tù đày. Từ chỗ toàn tỉnh có trên 2.000 đảng viên, 115 chi bộ, đến cuối năm 1959 chỉ còn 18 chi bộ, với 162 đảng viên. Trước tình hình trên, tháng 01-1959, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 15 quyết định cho phép lực lượng miền Nam sử dụng bạo lực kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để lật đổ chính quyền Mỹ-Diệm, cao trào diễn ra ở các địa phương: Bác Ái (02-1959), Trà Bồng (8-1959), ... sau đó lan nhanh ra khắp miền Nam, đặc biệt là phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre.
Thực hiện chủ trương của Đảng, đêm ngày 02 tháng 01 năm 1960, Tỉnh ủy Bến Tre họp tại xã Tân Trung, quyết định: “Phát động một tuần lễ toàn dân đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn”, diễn ra từ ngày 17-01 đến ngày 25-01. Điểm đột phá tại Cù lao Minh (gồm 3 huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú), điểm chính ở Mỏ Cày. Theo kế hoạch, ngày 17-01-1960, cuộc Đồng khởi nổ ra tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày). Chỉ sau hai ngày diễn ra Đồng khởi, ba xã trên hoàn toàn giải phóng. Trung đội quân giải phóng đầu tiên của Bến Tre thành lập tại vườn dừa, xã Bình Khánh. Sau đó, phong trào chuyển hướng sang Gồng Trôm, tập trung ở các xã trọng điểm: Châu Hòa, Châu Bình và Phong Mỹ, dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Từ thắng lợi trên, trong vòng một tuần (17 đến 24-01-1960), 47 xã ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nổi dậy, làm chủ nhiều ấp; trong đó, 22 xã làm chủ hoàn toàn.
Trước sức mạnh của phong trào Đồng khởi, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung lực lượng phản kích nhằm đè bẹp phong trào. Ngày 22-02-1960, 01 đại đội từ Mỏ Cày tiến vào Phước Hiệp; ngày 24-02-1960, huy động 3.000 quân đánh vào 3 xã: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Với tinh thần quật khởi, kiên cường, quân dân ba xã đã dùng vũ khí thô sơ phản kích, làm cho cuộc tấn công của chúng thất bại. Không dừng ở đó, ngày 25-3-1960, hơn 10.000 quân hỗn hợp (thủy, bộ, biệt kích, dù) tiến vào vây quét các xã “điểm” của huyện Mỏ Cày. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định dùng biện pháp chính trị, phát động quần chúng, đặc biệt là phụ nữ để đấu tranh chống giặc. Có thời điểm (tháng 3-1960), huy động được hơn 7.000 phụ nữ Giồng Trôm biểu tình, phản đối, đòi các đơn vị quân chủ lực của Chính quyền Sài Gòn đang càn quét phải rút về vị trí cũ. Qua 1 năm Đồng khởi Bến Tre, ta đã tiêu diệt, bức hàng, bức rút trên 100 đồn bốt, thu 1.700 súng, giải phóng hoàn toàn 72/115 xã. Trong đó, có hơn 1.000 khẩu súng lấy được bằng binh vận, tịch thu; tạm cấp cho nông dân hơn 80.000 ha ruộng vườn.
Từ Bến Tre, phong trào Đồng khởi lan khắp miền Nam. Nhân dân miền Nam đã vùng lên như triều dâng, thác đổ, làm lung lay chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến cơ sở, khiến giới chức Mỹ phải thú nhận: “Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới mà chính quyền Mỹ phải đương đầu với một cố gắng phát triển rất tốt của Cộng sản nhằm lật đổ một chính phủ thân phương Tây”1.
Có thể nói, cuộc Đồng khởi quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân Bến Tre đã mở màn cho phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược. Đây là một hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bè lũ tay sai. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre và các cuộc Đồng khởi trong toàn miền Nam bắt đầu từ mùa xuân năm 1960, đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 20-12-1960 để lãnh đạo cuộc đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn. Phong trào đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam; một sự kiện lịch sử trọng đại, dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Với tinh thần đó, Bến Tre xứng đáng với tên gọi “Quê hương Đồng khởi”, với tất cả nội dung và hình thức của nó.
Để có được thắng lợi của phong trào Đồng khởi, Ban chỉ huy Đồng khởi đã vận dụng sáng tạo và phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao mới. Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung bố trí trận địa khắp địa bàn, như: gài mìn, hình thành các bãi chông theo các hướng địch tiến quân (ta dự báo), tổ chức lực lượng bắn tỉa, đánh chặn. Đồng thời, đưa hàng trăm ghe, xuồng chở trên 5.000 người già, trẻ em, phụ nữ và các vật dụng sinh hoạt lên tràn ngập thị trấn Mỏ Cày; tổ chức cho trên 5.000 đồng bào các xã lân cận đến hỗ trợ, đấu tranh trực diện với địch, quyết liệt đòi chúng rút quân, ngưng bắn pháo, v.v. Cùng lúc đó, cuộc đấu tranh chính trị đã nổ ra trong toàn Tỉnh; riêng tại Giồng Trôm, lực lượng lên đến hơn 5.000 người, đấu tranh nhiều ngày tại trung tâm quận lỵ.
Thắng lợi của cuộc Đồng khởi Bến Tre đã phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam và là tiếng súng báo hiệu sự sụp đổ không sao tránh khỏi của chế độ Mỹ - ngụy. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết 15; sự quán triệt sâu sắc đường lối, phương châm, linh hoạt vận dụng sáng tạo Nghị quyết đó vào điều kiện thực tế của Tỉnh Bến Tre, nên đã động viên toàn dân đứng lên Đồng khởi. Đồng thời, đó còn là sự quán triệt sâu sắc quan điểm quần chúng của Đảng và Bác Hồ, thấy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, cũng phải tin ở lực lượng và sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức, tập hợp nhân dân bằng các hình thức hoạt động thích hợp trong từng giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở đó, gìn giữ và phát triển lực lượng (lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, binh vận), phát động, quy tụ toàn bộ sức mạnh của nhân dân vào cuộc Đồng khởi. Mặc dù, cuộc Đồng khởi Bến Tre diễn ra 60 năm, nhưng tinh thần quật khởi, ý nghĩa chính trị và kinh nghiệm vận động quần chúng, chỉ đạo thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay.
Phát huy bài học từ cuộc Đồng khởi Bến Tre, trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước những năm trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta luôn xác định “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”; giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài và là nguồn sức mạnh, động lực to lớn để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi thời kỳ cách mạng, công tác vận động quần chúng luôn được coi là nhiệm vụ chiến lược, được tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, địa bàn, đối với mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao gian nan, thử thách, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã khẳng định sự phát triển mới của Đảng trong việc khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Trước thực tiễn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác vận động quần chúng của Đảng đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện, cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành. Ngày 20-3-1990, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ra Nghị quyết về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” (Nghị quyết 8B). Cùng với đó, các Nghị quyết 23, 24, 25 Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo”; các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, về công tác thanh niên, về đội ngũ trí thức và về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định 290-QĐ/TW, ngày 25-02-2010, của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; trong đó, quy định rõ trách nhiệm, nội dung, phương thức công tác dân vận của toàn bộ hệ thống chính trị, v.v. Nhờ quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quyết định và Quy chế công tác dân vận, nên đã góp phần nâng cao ý thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác vận động quần chúng, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, làm chuyển biến phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phương thức điều hành và lề lối làm việc của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở đối với công tác này. Thông qua thực tiễn vận động quần chúng, xuất hiện nhiều phong trào tiêu biểu, hiệu quả, như: “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào của từng đoàn thể, lực lượng vũ trang. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường quốc phòng, an ninh; phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” và lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, nhằm chia rẽ mối quan hệ Đảng - dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng của Đảng trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém là: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mang nặng bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, chuyên quyền, độc đoán, ức hiếp nhân dân, tham nhũng, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, nên đã làm cho niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ và chính quyền các cấp bị giảm sút. Việc thể chế các chủ trương của Đảng còn chậm, nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, xã hội còn bất cập. Các đoàn thể quần chúng ở nhiều nơi cũng bị hành chính hóa, nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp nhân dân chậm đổi mới; không ít tổ chức cơ sở hoạt động thất thường, hình thức, nhiều đoàn viên, hội viên không tha thiết gắn bó với đoàn thể của mình. Những yếu kém đó, đã làm giảm nhiệt tình cách mạng và hạn chế việc phát huy tiềm năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Đảng, bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình nói trên là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Công tác vận động quần chúng chưa đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, chưa đấu tranh có hiệu quả với bệnh quan liêu và tệ tham nhũng. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao, v.v.
Trong những năm tới, đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Để tận dụng thời cơ, vận hội, phát huy mọi nguồn lực xã hội và tiềm năng to lớn trong nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần phải đổi mới, tăng cường công tác vận động quần chúng; trong đó, tập trung vào một số vấn đề sau:
1- Tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác vận động quần chúng. Thường xuyên làm tốt việc tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương, giải pháp về công tác vận động quần chúng của Đảng; nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Qua đó, làm cho họ nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác vận động quần chúng của Đảng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực, phát huy chủ nghĩa yêu nước, năng lực thực thi dân chủ, tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đổi mới công tác giáo dục lý luận, tuyên truyền, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống đối, lôi kéo, kích động quần chúng của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2- Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng của chính quyền các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên bồi dưỡng cán bộ chính quyền các cấp kiến thức về công tác vận động quần chúng. Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách về quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là những vấn đề về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Chính quyền và các đoàn thể các cấp tiếp tục hướng dẫn cơ sở vận động nhân dân xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước cụ thể về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những ngành, những đơn vị có quan hệ trực tiếp với dân, làm tốt việc công khai các quy định, tiêu chuẩn cụ thể về trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên chính quyền, công bố để nhân dân biết và kiểm tra việc thực hiện; tổ chức tốt việc tiếp dân và giải quyết kịp thời những đơn, thư khiếu tố của nhân dân. Cán bộ, đảng viên cơ quan chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu thực hiện đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân thực hiện tốt trách nhiệm trước cử tri; tăng cường tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri để phản ánh và kiến nghị với các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với tình hình đất nước và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; tiếp tục phát huy, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
3- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Tổ chức tốt và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; cổ vũ các mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, làm cho tình hình kinh tế chuyển biến ngày càng tốt hơn, đời sống nhân dân và tình hình xã hội ngày càng ổn định. Chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư và cùng với nhân dân động viên các nguồn lực xã hội để phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, khoa học, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều khó khăn; chăm sóc đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực. Toàn dân thực hiện phong trào tiết kiệm trong sản xuất và trong tiêu dùng. Phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng và nhân dân tham gia đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng; gắn cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể với cuộc đấu tranh chống tiêu cực ngoài xã hội, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; xây dựng và thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân; giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông để biểu dương những nhân tố mới, kinh nghiệm tốt, tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước; phê phán, đấu tranh kiên quyết với những quan điểm sai trái, lệch lạc, những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch và những biểu hiện tiêu cực. Tổ chức thực hiện rộng khắp, có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tích cực động viên nhân dân tham gia chăm lo công tác quốc phòng toàn dân và an ninh, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
4- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động quần chúng. Thường xuyên nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng. Phát huy quyền chủ động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trong vận động, chăm lo quyền lợi chính đáng của nhân dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng, hướng về cơ sở. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết về nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Định kỳ, cấp ủy đảng các cấp làm việc, nghe báo cáo tình hình và định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, công tác mặt trận và các đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội làm nòng cốt trong phát huy dân chủ, năng lực, trí tuệ, ý thức, trách nhiệm công dân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời, lựa chọn, cử những người có tín nhiệm, năng lực và uy tín để tham gia công tác vận động quần chúng.
5- Quân đội tích cực tham gia công tác vận động quần chúng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã tích cực tham gia công tác vận động quần chúng hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng đời sống văn hóa mới, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, Quân đội tiếp tục làm tốt công tác vận động quần chúng chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đề cao trách nhiệm công dân trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không để các thế lực thù địch lôi kéo, kích động, chống phá. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội tích cực giúp dân xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, xây dựng khu định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm thì hình ảnh, phẩm chất “Bộ Đội Cụ Hồ” càng thêm tỏa sáng, không quản khó khăn sẵn sàng giúp dân trong cơn hoạn nạn, góp phần làm sâu sắc thêm tình cảm quân - dân trong thời kỳ mới, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, làm cho tinh thần của cuộc Đồng khởi Bến Tre mãi mãi được thể hiện và phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.
Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân __________________
1 - “Nước Việt Nam là một dân tộc Việt Nam” - Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện sử học, Nxb Khoa học xã hội. 1976, tr. 207 - 208.
phong trào Đồng khởi,công tác vận động quần chúng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội