Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 27/01/2023, 05:45 (GMT+7)
Kỷ niệm 50 ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1973 - 27/01/2023)
Từ hòa đàm Paris năm 1973, suy nghĩ về công tác đối ngoại trong tình hình mới

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao,... tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của Hiệp định đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tại Paris. Tiếp ngay sau đó, một hội nghị quốc tế với sự tham gia của ngoại trưởng cả 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc và đại diện các nước thành viên Ủy ban giám sát đã nhóm họp để ký Định ước quốc tế bảo đảm việc thi hành Hiệp định. Đó là những sự kiện mang tính lịch sử có ý nghĩa sâu sắc và tác động lớn lao, không chỉ riêng đối với nước ta mà đối với cả thế giới.

Thể theo Hiệp định, Mỹ buộc phải rút toàn bộ quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự hoành hành của quân xâm lược nước ngoài dày xéo đất nước ta suốt hàng trăm năm. Quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời dặn của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn tất vế thứ hai trong lời dặn của Người là “đánh cho ngụy nhào” vào năm 1975, thống nhất đất nước. Những mốc son đó làm cho uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế càng được nâng cao với tư cách là một nước đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển chưa cao, nhưng đã anh dũng chiến đấu, đánh bại các đế quốc to, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội của nhân dân trên toàn thế giới. Một trong những minh chứng cho điều này là ngay trong năm Hiệp định được ký, có thêm 15 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, trong đó có nhiều nước công nghiệp phát triển, như: Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Canada, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Ôxtrâylia, v.v.

Có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mang tầm thời đại như vậy là nhờ sự hy sinh, chiến đấu của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vận dụng những tư tưởng lớn của Bác Hồ về đấu tranh cách mạng nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng. Trong đó, cuộc đấu tranh ngoại giao tại cuộc hòa đàm Paris thực sự là cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch đã để lại nhiều bài học quý cho ngày nay và mãi mãi mai sau. Trong hoàn cảnh phải “lấy yếu đánh mạnh”, việc tạo dựng sức mạnh tổng hợp là một nhân tố hết sức quan trọng. Sức mạnh tổng hợp ở đây bao hàm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từ Bắc chí Nam; sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ta với nhân dân Lào và Campuchia; sức mạnh của tình đoàn kết và sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.

Sức mạnh tổng hợp còn được thể hiện ở chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao; trong đó, đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam là cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò tích cực và chủ động theo tư tưởng của Bác Hồ: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”1.

Thành công trong cuộc hòa đàm Paris thể hiện sáng tỏ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến lược và sách lược theo lời dạy của Bác Hồ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”2. Thể theo ý tưởng ấy, trước sau như một, chúng ta kiên định những nguyên tắc cơ bản là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, công việc nội bộ của Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định; quân đội Mỹ phải rút hết và không điều kiện khỏi Việt Nam, không có chuyện quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam của chính đất nước mình. Sách lược của ta thì muôn hình vạn trạng, hết sức linh hoạt theo hướng đánh thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Khác với Hội nghị Genève năm 1954, khi giải pháp chia cắt nước ta thành hai miền do một số nước lớn áp đặt, trong quá trình hòa đàm Paris, một mặt chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ; mặt khác, hết sức tránh để bạn bị lôi cuốn vào xung đột trực tiếp với Mỹ. Trong hoàn cảnh giữa các đảng và các nước anh em nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, Đảng ta đã hết sức nỗ lực, vô cùng khôn khéo xử lý cục diện bất lợi như vậy, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Những bài học lớn nói trên còn nguyên giá trị cần được vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh đất nước ta cũng như cục diện thế giới đã và đang có những thay đổi hết sức lớn lao, vô cùng sâu sắc.

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Hiện nay, nước ta đã có hòa bình, về kinh tế đã thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển và trở thành một nước có thu nhập trung bình; về quan hệ đối ngoại, chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới; đồng thời, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và chính trị quốc tế, tham gia nhiều thể chế đa phương khu vực và toàn cầu với tư cách là một thành viên tích cực, chủ động, tinh thần trách nhiệm cao. Trong bối cảnh đó, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, Quân đội ta triển khai mạnh mẽ quan hệ đối ngoại quốc phòng với quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới, bao gồm quân đội tất cả các nước lớn, kể cả những nước từng xâm lược nước ta. Ngoại giao quốc phòng diễn ra dưới những hình thức phong phú, đa dạng và rất hiệu quả; trong đó, nổi lên là sáng kiến hình thành cơ chế: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN với các nước đối thoại, đối tác (ADMM+); sự tham gia tích cực vào hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, kết hợp với nhiều hoạt động “dân vận khéo”, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế.

Để phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, bài học “phải trông ở thực lực” vẫn còn nguyên giá trị với cách tiếp cận tổng thể về sức mạnh vật chất lẫn tinh thần, như ngày nay người ta thường nói là gắn kết “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. Hiện nay, tuy nước ta tiếp tục duy trì “phong độ” là một nền kinh tế năng động, kể cả trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như mấy năm gần đây. Song, đứng trước yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cao hơn nữa để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình nếu tính rằng kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn gấp đôi giá trị GDP; trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp trên 20% GDP, khoảng 50% giá trị công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu và hầu như toàn bộ giá trị xuất siêu. Nhiều ngành công nghiệp nền tảng tiếp tục khó khăn, yếu kém, kể cả trong những lĩnh vực nước ta có yêu cầu lớn bồi bổ cho thế mạnh về nông nghiệp là cơ khí nông nghiệp, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, v.v. Công nghiệp quốc phòng, trang bị cho Quân đội tuy đã đạt được nhiều tiến bộ, từng bước hiện đại; song, có lẽ chưa thể yên tâm nếu thấy rằng, thế giới hiện nay đang diễn ra cuộc chạy đua gay gắt về nhiều loại vũ khí siêu thanh, siêu hiện đại, có khả năng thay đổi tương quan lực lượng lẫn phương thức tiến hành chiến tranh.

Trong khi “sức mạnh cứng” của ta cần được gia tăng mạnh mẽ trước những bất ổn cả về kinh tế, an ninh, chính trị trên thế giới thì ta luôn có nhiều lợi thế về “sức mạnh mềm”. Đó là uy tín, sự tôn trọng của nhân dân thế giới dành cho Nhân dân và Quân đội ta nhờ những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp đấu tranh vì lẽ phải của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta: kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Đó là bài học phối hợp nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân; giữa “ngoại giao dân sự” với đối ngoại quốc phòng và an ninh. Đó còn là những giá trị tinh thần và văn hóa của dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhưng sẵn sàng xả thân vì nước, ý chí đoàn kết sắt đá của dân tộc, bản chất hòa hiếu, tinh thần nhân văn và tâm hồn rộng mở với bạn bè bốn phương, v.v.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên  hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi…”3. Để thực hiện thành công chính sách đối ngoại do Đại hội XIII đề ra trong tình hình quốc tế cực kỳ phức tạp như hiện nay, càng cần phải vận dụng nhuần nhuyễn hơn nữa những bài học quý do lịch sử để lại, tiếp tục kiên trì những lợi ích có tính nguyên tắc, kết hợp với cơ động, linh hoạt về sách lược.

Ngày nay, lợi ích quốc gia - dân tộc bất biến vẫn là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình vì lợi ích phát triển đất nước, nhằm mục tiêu đến năm 2025 nước ta có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tới năm 2045 trở thành nước thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về sách lược, hơn lúc nào hết, càng cần vận dụng cách tiếp cận biện chứng về đối tác và đối tượng theo tinh thần: trong mỗi đối tượng vẫn có những mặt cần tranh thủ hợp tác; trong một số đối tác có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh. Trong hoàn cảnh mới càng cần phải vận dụng nhuần nhuyễn phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh theo hướng hợp tác càng nhiều, càng tốt nhưng không để mất vị thế độc lập, tự chủ; kiên quyết và khôn khéo đấu tranh khi lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm hại, song tránh để quan hệ đổ vỡ dẫn tới đối đầu, xung đột.

Cũng với cách tiếp cận như vậy, chúng ta không chọn bên mà chọn những lẽ phải lớn hơn là: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc, giải quyết xung đột, mâu thuẫn bằng giải pháp hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển, thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác dựa trên pháp luật, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc. Kết hợp nhuần nhuyễn quan hệ song phương sâu rộng về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giao lưu nhân dân với nỗ lực duy trì và phát huy vai trò trong các thể chế đa phương hiện đang đứng trước nhiều thách thức và trải qua quá trình tái cấu trúc sâu rộng.

Trong điều kiện hiện nay, khái niệm “an ninh” không chỉ liên quan tới các mối đe dọa truyền thống mà cả những mối đe dọa phi truyền thống; yêu cầu phòng vệ từ sớm, từ xa không chỉ liên quan tới lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, mà cả kinh tế, tài chính, nhiên liệu, dịch bệnh, thiên tai, v.v. Trong hoàn cảnh mới, hơn lúc nào hết càng cần gia tăng sự phối hợp hết sức chặt chẽ và hài hòa giữa các ngành, các cấp và các địa phương.

Đòi hỏi cuối cùng mang tính quyết định là nhân tố con người làm công tác đối ngoại phải có những phẩm chất cần thiết, đó là quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững phẩm chất của người cán bộ, đảng viên; kiên định, khôn khéo trong giao tiếp đối ngoại, không ngừng học tập, rèn luyện mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Đó cũng là phẩm chất của những cán bộ đã tham gia cuộc hòa đàm hết sức khó khăn vào 50 năm trước để có được Hiệp định lịch sử về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam để lại cho chúng ta nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

VŨ KHOAN, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 147.

2 - Sđd, Tập 8, tr. 555.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 161 - 162.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.