Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:48 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” để lại cho Sư đoàn Phòng không 361 nhiều bài học quý. Trong đó, bài học về tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, Sư đoàn Phòng không 361 là lực lượng chủ yếu, có nhiệm vụ hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng của Quân chủng, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô tiêu diệt máy bay địch (chủ yếu là B.52) bảo vệ vững chắc Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ, nhạy bén của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Sư đoàn đã tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu liên tục trong điều kiện ác liệt, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật tổ chức lực lượng và xây dựng thế trận đánh B.52.
Trước hết, về nghệ thuật tổ chức lực lượng phòng không, trực tiếp là các đơn vị Tên lửa đánh B.52 của địch: Đối tượng tác chiến chủ yếu của Sư đoàn là máy bay B.52 được bảo vệ bởi hệ thống nhiễu dày đặc và tạo giả, lại được máy bay F-4, F-105 hộ tống; muốn tiêu diệt được B.52 phải phát hiện sớm, chính xác mục tiêu. Để thực hiện vấn đề này, Sư đoàn tổ chức lực lượng ra-đa của Trung đoàn 293, Tiểu đoàn 8 dẫn đường, đài ra-đa nhìn vòng của sở chỉ huy các trung đoàn, tiểu đoàn tên lửa tạo thành mạng ra-đa khép kín có tuyến trước, tuyến sau, chính diện và bên sườn; đồng thời, tổ chức hệ thống quan sát mắt bố trí ở những nơi xung yếu1, bảo đảm phát hiện mục tiêu ở cả tầng thấp và tầng cao. Nhờ đó, ngay từ phút đầu của Chiến dịch, tất cả các trạm, đài ra-đa của Sư đoàn đều thu được tín hiệu nhiễu của B.52, thậm chí có đơn vị nhìn rõ tín hiệu B.52 trên màn hiện sóng; vọng quan sát mắt phát hiện máy bay địch lợi dụng dãy Tam Đảo bay thấp vào Hà Nội. Nghiên cứu, đánh giá kỹ về địch, Sư đoàn quyết định sử dụng và khéo kết hợp giữa khí tài điện tử với quang học, “mắt thần” với “mắt thường” để giúp kíp chiến đấu tên lửa có thêm thông tin chính xác về B.52, kể cả khi ra-đa đài điều khiển tên lửa bị nhiễu nặng, B.52 đã vào gần (khu mù đỉnh đầu). Trên cơ sở đó, Sư đoàn tổ chức lực lượng tên lửa – lực lượng chủ công tiêu diệt B.52 thành bộ phận chốt vòng trong đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu; đồng thời, dự kiến phương án tổ chức lực lượng cơ động vòng ngoài (khi có tăng cường). Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa vòng trong với vòng ngoài đã tạo được lưới lửa hỏa lực vừa tập trung, vừa rộng khắp, bao trùm toàn bộ không phận đảm nhiệm, với mục tiêu chủ yếu tập trung tiêu diệt là B.52. Cùng với đó, lực lượng súng pháo phòng không, tên lửa tầm thấp (SPPK,TLTT) được tổ chức thành hai bộ phận để trực tiếp đánh máy bay chiến thuật của địch bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các trận địa tên lửa và thực hiện phối hợp với các lực lượng khác phá vỡ sự liên kết đội hình tác chiến của không quân địch. Ngoài ra, Sư đoàn còn tổ chức hai trạm trung chuyển đạn tên lửa ở Bắc và Nam sông Hồng; thành lập nhiều tổ, đội kỹ thuật, hậu cần trực tiếp xuống các đơn vị bảo đảm khí tài, đạn tên lửa và các nhu cầu khác cho các đơn vị chiến đấu liên tục, trong điều kiện ác liệt.
Bước vào Chiến dịch, Sư đoàn gặp khó khăn về tổ chức, sử dụng lực lượng. Đó là lực lượng nòng cốt chỉ còn Trung đoàn Tên lửa 257 và 261; Trung đoàn Tên lửa 236, đơn vị thiện chiến, có nhiều kinh nghiệm đánh B.52 đang chiến đấu tại Mặt trận Trị - Thiên. Do đó, trong những ngày đầu Chiến dịch (giai đoạn 1), sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn chưa được phát huy đầy đủ; cho đến khi có đủ lực lượng tham gia (giai đoạn 2), nhất là trong trận then chốt (ngày 26-12), Sư đoàn mới đạt hiệu quả, hiệu suất chiến đấu ở mức cao nhất.
Về xây dựng thế trận phòng không: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình địch, ta, Sư đoàn đề nghị Quân chủng xây dựng thế trận đánh B.52 - thế trận tên lửa: hỏa khí tập trung, hỏa lực tập trung. Hệ thống trận địa (chính thức, dự bị, dã chiến...) được xây dựng cơ bản, liên hoàn, rộng khắp; có phương án đánh B.52 hoàn chỉnh. Nét đặc sắc về nghệ thuật bố trí thế trận ở đây là, Sư đoàn lựa chọn những trận địa ở hướng chính, chếch so với đường bay một khoảng cách nhất định làm trận địa chốt; đồng thời, chọn kíp chiến đấu giỏi, khí tài tốt bố trí vào những trận địa này nhằm đảm bảo bắn rơi B.52. Theo đó, Trung đoàn Tên lửa 261 bố trí ở phía Bắc sông Hồng, tập trung hỏa lực đánh B.52 trên hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu Tây - Tây Bắc, một phần lực lượng đánh địch trên hướng Đông - Đông Bắc; phối hợp với Trung đoàn Tên lửa 257 đánh địch ở hướng Tây - Tây Nam. Trung đoàn Tên lửa 257 bố trí lực lượng ở phía Nam sông Hồng, tập trung hỏa lực đánh B.52 trên hướng Tây - Tây Nam; một phần lực lượng đánh địch ở hướng Đông - Đông Nam; phối hợp với Trung đoàn Tên lửa 261 đánh B.52 ở hướng Tây - Tây Bắc. Nhờ đó, trong tác chiến có thể tập trung từ 2 đến 3 tiểu đoàn Tên lửa cùng đánh vào một tốp B.52, có tiểu đoàn còn đủ điều kiện để bắn “nhồi”, bắn “bồi”; thậm chí có những tốp B.52 bị tới 5 tiểu đoàn Tên lửa bắn lần lượt hoặc cùng một lúc2. Thế trận đánh B.52 như vậy đã không chỉ thuận lợi trong cơ động bảo toàn lực lượng; mà còn cho phép chuyển hóa thế trận linh hoạt, vẫn giữ vùng hỏa lực ổn định, không bị xáo trộn; càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, hiệu suất chiến đấu ngày càng cao. Điển hình, ngày 20-12, ta bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 7 chiếc B.52 (5 chiếc rơi tại chỗ). Bước vào giai đoạn 2 của Chiến dịch, Quân chủng đã kịp thời điều Trung đoàn 274, Tiểu đoàn 71, 72 thuộc Trung đoàn Tên lửa 285 và một số kho, trạm tăng cường cho Sư đoàn. Để bắn rơi B.52, trước khi chúng cắt bom, Sư đoàn sử dụng, bố trí lực lượng này cơ động đánh địch vòng ngoài bảo vệ mục tiêu. Bị bất ngờ, lúng túng, vì thế trận Tên lửa đã vươn ra phía trước, B.52 không kịp cắt bom đã bị bắn rơi3. Với những kinh nghiệm đúc rút được trong những tháng, năm dày công nghiên cứu cách đánh B.52 và sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư lệnh Quân chủng, Sư đoàn đã tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận đánh B.52 hợp lý; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, các biện pháp chiến đấu, trong 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 25 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), diệt và bắt sống nhiều giặc lái, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực quân sự, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh. Trong đó, tiến công hỏa lực đường không đã có những phát triển mới, trở thành phương thức tác chiến chủ yếu trong chiến tranh hiện đại. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra, có thể địch cũng tổ chức tiến công hoả lực đường không ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh với quy mô, cường độ lớn và tính chất ác liệt; đồng thời, cũng có thể chúng sẽ kêu gọi Liên hợp quốc áp đặt “vùng cấm bay” nhằm kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn các hoạt động trên không của ta, hỗ trợ cho bọn phản động bên trong bạo loạn lật đổ chính quyền nhân dân. Tình hình đó đòi hỏi Sư đoàn phải tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt; trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không nói chung, nghệ thuật tổ chức lực lượng và xây dựng thế trận phòng không bảo vệ yếu địa nói riêng. Đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, nổi lên là:
Chú trọng xây dựng Sư đoàn vững mạnh về mọi mặt. Trong tình hình mới, nhiệm vụ của Sư đoàn rất nặng nề, phức tạp, đòi hỏi phải tổ chức, xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại” với những yêu cầu mới về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tinh nhuệ về chính trị là yếu tố hết sức cấp thiết. Thực hiện vấn đề này phải trên cơ sở quán triệt, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Quân đội, của Quân chủng và của Sư đoàn; đồng thời, huấn luyện và trang bị cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Sư đoàn có đủ tri thức để nhận biết, đánh giá đúng kẻ thù, đúng tầm quan trọng của vũ khí, trang bị kỹ thuật; từ đó không những khai thác, sử dụng, phát huy có hiệu quả các loại vũ khí, khí tài hiện có, mà còn sẵn sàng nhận và sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới được trang bị; cùng với đó, là các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất hoặc vô hiệu hóa tính năng, tác dụng các loại vũ khí công nghệ cao của địch. Là lực lượng nòng cốt của Quân chủng, bảo vệ yếu địa nên đòi hỏi Sư đoàn phải tinh nhuệ cả về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Vì thế, trong thời gian tới, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Sư đoàn phải được tiếp tục đầu tư, cải tiến, nâng cấp và số hoá làm tăng khả năng tác chiến của nhiều loại vũ khí, nhất là, tên lửa - lực lượng nòng cốt của Sư đoàn.
Tập trung nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, nhằm từng bước nâng cao trình độ tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng của Sư đoàn Phòng không bảo vệ yếu địa một cách có hiệu quả. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn sẽ tác chiến trong điều kiện chiến tranh nhân dân phát triển cao, nhất là thế trận phòng không nhân dân ở các vùng trọng điểm phòng không và thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), được chuẩn bị từ thời bình. Đó là những thuận lợi để Sư đoàn phát huy sức mạnh cả về thế và lực nhằm giành thắng lợi. Quá trình xây dựng thế trận Sư đoàn cần gắn chặt với "kế hoạch tổng thể" xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của các khu vực quanh yếu địa, nhất là hạ tầng cơ sở (giao thông, kho, trạm, thông tin liên lạc...). Cùng với đó, phải chú trọng đầu tư xây dựng một số cụm trận địa hỏa lực tên lửa phòng không ở những hướng chiến lược, nhưng vùng hỏa lực phải bao trùm toàn bộ khu vực yếu địa. Mỗi cụm phải có đủ hệ thống trận địa (cơ bản, dã chiến, dự bị và trận địa giả…), công trình sơ tán, cất giấu phương tiện, lực lượng dự bị, đường cơ động thuận tiện. Thế trận của Sư đoàn phải bảo đảm yêu cầu đánh địch từ xa đến gần, đánh rộng khắp và đánh tập trung, chi viện được cho các lực lượng cả trong tác chiến phòng thủ chiến lược; đồng thời, vừa có thể phòng tránh, bảo toàn được lực lượng, đảm bảo đánh địch có hiệu quả cao, bảo vệ an toàn mục tiêu và cùng các lực lượng khác trên mặt trận đối không tiêu hao, tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện của địch khi có thời cơ. Xây dựng thế trận Sư đoàn Phòng không phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ngay từ thời bình và trong suốt quá trình chiến tranh; việc thực hiện phải đồng bộ cả thế trận "tĩnh" và "động"; thế trận "thật" và "giả"…; bảo đảm yêu cầu vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn và linh hoạt; trong đó, chú trọng tạo giả lực lượng, phương tiện để nghi binh, lừa địch... Chỉ có như vậy, thế trận của Sư đoàn Phòng không 361 mới đáp ứng tốt nhất cho các lực lượng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Đại tá NGUYỄN QUANG TUYẾN
Sư đoàn trưởng
1 - Cửa Bà Lạt, Thái Bình; Sặt, Hải Dương; Ba Vì, Hà Tây; Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Thanh Sơn, Phú Thọ, v.v.
2 - Đêm 26-12-1972, các tốp B.52: 601, 603 bị hỏa lực của d79, 93, 57, 88, 77 bắn; tốp 602 bị d88, 86, 78, 79, 59 bắn.
3 - Ngày 27-12-1972, Tiểu đoàn 72 bố trí ở trận địa Đại Chu, Bắc Ninh bắn rơi tại chỗ máy bay B.52 (địa điểm rơi: Hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội