Thứ Sáu, 25/04/2025, 01:14 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Trong 10 năm (1979 – 1989), nhân loại chứng kiến một hiện thực hiếm thấy trong lịch sử thế giới; đó là cuộc hồi sinh kỳ diệu của đất nước Chùa Tháp xinh đẹp. Có được thành quả đó, ngoài sự nỗ lực tự thân, nhân dân Cam-pu-chia đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ to lớn, toàn diện của nhân dân Việt Nam, tiêu biểu là Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của ba nước Đông Dương thắng lợi (năm 1975), nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia mong muốn được sống trong hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác xây dựng đất nước. Song, ngay sau ngày chiến thắng, tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia, thi hành đường lối và chính sách cực kỳ phản động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... gây nên thảm họa diệt chủng đối với nhân dân trong nước, “nhuộm đất nước Cam-pu-chia bằng máu và nước mắt”1, với hơn 3 triệu người chết. Về đối ngoại, với tư tưởng dân tộc cực đoan, chúng phá hoại tình hữu nghị, khối đoàn kết và liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, gây nên những tổn thất to lớn, tội ác không thể dung thứ. Trước hành động đó, Việt Nam kêu gọi chính quyền “Cam-pu-chia dân chủ” đàm phán, chấm dứt hành động xâm lược, bảo vệ quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Song thiện chí của Việt Nam đã bị Pôn Pôt – Iêng-Xary khước từ; hơn thế, chúng còn tiếp tục leo thang xâm phạm lãnh thổ và liên tiếp gây tội ác man rợ với nhân dân Việt Nam, buộc Việt Nam phải giáng trả thích đáng.
Trước hiểm họa tàn lụi của dân tộc, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia kêu gọi “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả dân tộc”2, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia thực hiện cuộc phản công và tổng công kích bắt đầu từ ngày 23-12-1978, giải phóng Phnôm-Pênh ngày 07-01-1979 và giành được thắng lợi quyết định trên cả nước vào ngày 17-01-1979. Bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pôt – Iêng-Xary bị xóa sổ từ Trung ương đến cơ sở; Cam-pu-chia được giải phóng khỏi chế độ tàn bạo, người dân thoát khỏi họa diệt chủng; Hội đồng Nhân dân Cách mạng được thành lập, chính thể Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia ra đời.
Thắng lợi to lớn đó, trước hết là kết quả của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân tình nguyện Việt Nam với lực lượng cách mạng Cam-pu-chia, sự ủng hộ, giúp đỡ và tham gia chiến đấu của nhân dân Cam-pu-chia; nhất là, tinh thần khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng của Quân tình nguyện Việt Nam, được nhân dân Cam-pu-chia ca ngợi, tôn vinh, gọi là “Quân đội nhà Phật”. Lịch sử Cam-pu-chia mở ra một trang mới, kỷ nguyên hồi sinh và phát triển; tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị truyền thống Cam-pu-chia – Việt Nam được khôi phục.
Để bảo vệ thành quả cách mạng và nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, ngày 18-02-1979, hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia ký Hiệp định “Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác”. Thực hiện các điều khoản trong Hiệp định, Việt Nam để lại một bộ phận Quân tình nguyện và nhanh chóng cử chuyên gia kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá,... sang giúp nhân dân Cam-pu-chia. Đến cuối năm 1980, đã có 22 đoàn chuyên gia Trung ương, 20 đoàn chuyên gia tỉnh, thành phố cùng với Quân tình nguyện hết lòng giúp hồi sinh và phát triển đất nước Chùa Tháp với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, Lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia được xây dựng trong năm 1978 không ngừng lớn mạnh về số lượng3, tổ chức, trình độ chính trị và tác chiến. Cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng và Đoàn chuyên gia Quân sự 478 Việt Nam giúp Bạn xây dựng bộ máy cơ quan Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang 3 thứ quân; thành lập các trường sĩ quan; trước mắt, mở các lớp giáo dục chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Các quân khu: 4, 5, 7 và 9 trực tiếp giúp Quân đội Cam-pu-chia xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương trên các địa bàn đứng chân; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn,… Năm 1983, sau khi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ban hành Nghị quyết 39/NQ-TW “Về điều chỉnh tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (1983 - 1986)”, xác định ba mục tiêu chiến lược: tiêu diệt, làm tan rã địch, làm cho chúng không thể gượng dậy được; xây dựng thực lực cách mạng; đoàn kết liên minh Cam-pu-chia – Việt Nam. Theo đó, Lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia từng bước lớn mạnh, vươn lên đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu chống địch, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân.
Hệ thống chính quyền cách mạng Cam-pu-chia không ngừng được xây dựng và củng cố, bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cam-pu-chia) đã phát huy vai trò ngày càng lớn trong xây dựng đất nước; các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng, như: Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đoàn kết nhân dân xây dựng, phát triển đất nước. Năm 1987, lợi dụng việc Việt Nam tuyên bố rút Quân tình nguyện vào năm 1990 và Bạn ban hành chính sách Hoà hợp dân tộc, tàn quân Pôn Pôt và lực lượng Khơ-me đỏ chống phá quyết liệt, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, tấn công vào một số thị xã, huyện lỵ, vô hiệu hoá chính quyền xã, ấp. Do có một hệ thống chính quyền đủ mạnh từ Trung ương đến địa phương, Bạn không những vẫn đứng vững mà còn tiếp tục phát triển. Đây là thành công lớn nhất, thắng lợi có ý nghĩa to lớn của cách mạng Cam-pu-chia, minh chứng hùng hồn cho sự giúp đỡ đầy hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, nhất là Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia.
Hơn thế, ta còn tích cực giúp Bạn trong công tác xây dựng Đảng. Đảng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia được xây dựng ngang tầm, khẳng định được vai trò, sức mạnh của mình, đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn trong công cuộc hồi sinh, phát triển đất nước. Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam giúp Bạn nhanh chóng hình thành hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương xuống cơ sở (cả dân sự và quân sự). Nhờ đó, lực lượng đảng viên phát triển mạnh mẽ, tạo ra hạt nhân lãnh đạo ở các ngành, các cấp, các địa phương và các đơn vị vũ trang,… Nếu đầu năm 1979, Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia có khoảng 200 đảng viên thì đến năm 1983 đã có gần 2.000 đảng viên. Tất cả 20 tỉnh, thành của Cam-pu-chia có Tỉnh ủy, Thành ủy lâm thời. Thành công của sự nghiệp xây dựng Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia (sau này đổi tên thành Đảng nhân dân Cam-pu-chia) có ý nghĩa quyết định thắng lợi của 10 năm hồi sinh đất nước. Trong thời gian ngắn, Cam-pu-chia không những đã ổn định đời sống nhân dân, mà còn từng bước phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho cách mạng vừa chiến đấu, đập tan các cuộc tập kích, lấn chiếm của Pôn Pôt và các thế lực thù địch, vừa tạo thế và lực đứng vững, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân trước những thử thách khắc nghiệt, ngăn chặn việc quay trở lại và tái diễn chế độ diệt chủng.
Chế độ diệt chủng đã để lại đống tro tàn với biết bao thảm họa: thiếu đói trầm trọng, dịch bệnh tràn lan, hơn 1 triệu người dân phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”; nền kinh tế bị tàn phá kiệt quệ: không tiền tệ, không thương nghiệp, không tài chính, ngân hàng, không có sản xuất công nghiệp, “có tới 80% nhân dân không sản xuất,... Muốn sản xuất nông nghiệp cũng làm không được vì đang là mùa khô không có nước. Nơi có nước có thể làm được thì thiếu giống, thiếu phương tiện,…”4.
Trước tình hình đó, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cam-pu-chia nhanh chóng ổn định đời sống, giải quyết những nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nhất là cứu đói hơn 4 triệu người; tham gia chiến dịch chuyên chở, phân phát lương thực viện trợ cứu đói, thóc giống, thuốc men, hàng tiêu dùng thiết yếu và nông cụ5. Đồng thời, giúp chính quyền các cấp tổ chức, vận động nhân dân khắc phục khó khăn, khẩn trương làm mùa và đẩy mạnh trồng các loại rau màu, cây lương thực để giải quyết nạn đói. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam trực tiếp xuống và nằm lại tại các làng, bản, phum sóc, phố, phường để tham gia sản xuất, ngăn chặn dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, vừa giúp sức lao động, vừa thắt chặt mối quan hệ với nhân dân nước Bạn. Đến cuối năm 1979, nhân dân Cam-pu-chia đã vượt qua nạn đói; cuối năm 1987, sản lượng lương thực đạt 2 triệu tấn, công nghiệp đã sản xuất được một khối lượng lớn hàng hoá, máy móc, thậm chí có một số ít mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, Quân tình nguyện còn sử dụng hàng ngàn xe quân sự giúp Bạn vận chuyển đưa hàng chục vạn người dân trở về quê cũ làm ăn.
Ghi nhận sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình đó, Xăm đec Hun Xen cảm động viết: “Trong hoàn cảnh gay go này, sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam là vô cùng quan trọng. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời viện trợ lương thực thuốc men và hàng tiêu dùng để phân phát cho dân khi thiếu thốn. Ngoài viện trợ của Chính phủ, chúng ta còn thấy viện trợ của nhân dân, thông qua từng gia đình. Hàng chục vạn gói quà được gửi qua các tỉnh kết nghĩa với các tỉnh Cam-pu-chia,... Về phần Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia cũng đóng góp một phần lớn vào việc giải quyết nạn đói ở Cam-pu-chia. Các đơn vị Quân tình nguyện dù có lệnh hay không có lệnh của cấp trên đều đem các khẩu phần lương thực thuốc men của mình chia cho nhân dân Cam-pu-chia, thậm chí còn nhận nuôi toàn bộ trong một thời gian đối với những người dân vừa chạy khỏi hàng ngũ Pôn Pôt trước khi trở về quê hương, nhận nuôi người già, yếu không thể đi đâu được và nuôi các trẻ mồ côi cho đến khi chúng ta thành lập được các trại trẻ em mồ côi,... Chấm dứt nạn đói cần được tính vào thành quả cách mạng chúng ta đã giành được”6.
Nếu như những thắng lợi trên mặt trận kinh tế đã góp phần quan trọng vào việc đưa đất nước và dân tộc Cam-pu-chia hồi sinh, tạo nên thế tất thắng không thể đảo ngược, thì tính ưu việt của chế độ mới, kết quả khôi phục, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa được nhân dân thế giới nhìn nhận và đánh giá cao, trở thành bệ đỡ để Cam-pu-chia tiếp tục xây dựng đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại. Từ một đất nước không có trường học, trí thức, giáo viên bị tàn sát, được sự giúp đỡ của Việt Nam, sự nghiệp giáo dục của Cam-pu-chia hồi phục và phát triển nhanh chóng. Đến năm học 1985 - 1986, tại Cam-pu-chia, ngành mẫu giáo có trên 4 vạn cháu với 1.500 giáo viên, tiểu học có khoảng 1,5 triệu, trung học cơ sở hơn 316.500, trung học phổ thông trên 14.000 học sinh. Ngành Y tế có 90 bác sĩ và 476 y sĩ ra trường. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa, như: báo chí, phát thanh, truyền hình, thư viện, bảo tàng,... được khôi phục và thiết lập đã không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.
Từ một đất nước bị cô lập, Cam-pu-chia vươn lên phát triển quan hệ với nhiều nước trên thế giới, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế, chủ động tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề đặt ra đối với đất nước mình. Ngày 28-4-1986, Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ra nghị quyết về Phương hướng công tác đối ngoại: tranh thủ giảm dần, đi đến chấm dứt đối đầu quân sự, giành một giải pháp chính trị có lợi. Tiếp đó, ngày 27-8-1987, Cam-pu-chia công bố chính sách Hoà hợp dân tộc, nêu rõ: Mọi người dân đều có thể cùng nhau hợp tác thực sự, xây dựng một nước Cam-pu-chia độc lập, hòa bình, không liên kết và hữu nghị với các nước láng giềng,… Đạt được kỳ tích đó là sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân Cam-pu-chia và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, nhất là Quân tình nguyện và chuyên gia.
Có thể thấy, trong 10 năm giúp Bạn lật đổ chế độ diệt chủng, xây dựng lại đất nước về mọi mặt, trong đó, nổi bật là xây dựng thực lực cách mạng, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã giúp Cam-pu-chia với tất cả khả năng của mình, tất cả những gì có thể trên mọi phương diện. Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ theo phương châm: Cam-pu-chia làm, Việt Nam giúp; ta và Bạn cùng làm, tiến tới Bạn tự làm, tự đảm đương nhiệm vụ của cách mạng nước mình. Sự giúp đỡ có hiệu quả của Việt Nam được thực tiễn lịch sử đất nước Chùa Tháp kiểm nghiệm trong những tháng, năm hồi phục, phát triển.
Toàn bộ hoạt động giúp hồi sinh và tái thiết đất nước Chùa Tháp thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, trong sáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp nhất là Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia. Đồng thời, thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng và nguyên tắc đối ngoại Hồ Chí Minh: “giúp bạn là tự giúp mình”. Chặng đường 10 năm trực tiếp giúp Bạn hồi sinh đất nước của Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam là một kỳ tích, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam ở những thập niên cuối thế kỷ XX.
PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh
Và TS. TRẦN TRỌNG THƠ ___________
1 - Tuyên bố của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phòng 82, ĐVBQ 2295.
2 - Dẫn theo: Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Cam-pu-chia, Kỷ yếu 8 năm hoạt động của Ban Liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Cam-pu-chia (1998 - 2006), Nxb GTVT, H. 2007, tr. 397.
3 - Tính đến tháng 4-1979, quân số lực lượng vũ trang tập trung của Cam-pu-chia có hơn 1,1 vạn, các đơn vị được trang bị vũ khí bộ binh khá đầy đủ và được huấn luyện về quân sự, chính trị; số lượng dân quân du kích lên tới gần 3 vạn người, trong đó, khoảng 6.000 người được trang bị vũ khí.
4 - Hun Xen - 10 năm quá trình Cam-pu-chia (1979 - 1989). Người dịch Nguyễn Văn Đảm, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tr. 79 - 80.
5 - Trong năm 1979, Nhà nước Cam-pu-chia đã nhận được hơn 200 ngàn tấn lương thực của các nước (Việt Nam khoảng 45 ngàn tấn). Quân tình nguyện tham gia vận chuyển, phân phối đến tay nhân dân khoảng 150.000 tấn.
6 - Hun Xen - 10 năm quá trình Cam-pu-chia (1979 - 1989). Người dịch Nguyễn Văn Đảm, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tr. 81.
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ 10/04/2025
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước 28/03/2025
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 27/03/2025
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ 26/03/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ 26/03/2025
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk” 27/02/2025
Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam 27/02/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm và chúc mừng Học viện Quân y 27/02/2025
Gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 26/02/2025
Thư của Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ Quân y toàn quân 25/02/2025
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, ngang tầm nhiệm vụ
Xứng đáng là cơ quan đầu ngành toàn quân về tham mưu, chỉ đạo công tác dân quân tự vệ
Tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng nhân tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ