Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:40 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 có cuộc đối đầu lịch sử giữa Không quân Việt Nam còn non trẻ với Không quân Mỹ mạnh hơn nhiều lần. Bằng ý chí, nghị lực của mình, Không quân ta đã hạ gục thần tượng “pháo đài bay B.52”, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.
Sư đoàn Không quân 371 tiền thân là Bộ Tư lệnh Không quân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ); là “cái nôi” của Không quân nhân dân Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Sư đoàn luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm và biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS). Đó vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao của Sư đoàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù phải đối đầu với Không quân Mỹ mạnh hơn ta nhiều lần, song với nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, Sư đoàn đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, xuất kích hàng ngàn lượt chiếc máy bay, tham gia hàng trăm trận đánh, bắn rơi hơn ba trăm máy bay các loại; trong đó, có cả máy bay chiến lược B.52 được mệnh danh là “pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Đặc biệt, trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn máy bay chiến lược B.52 và máy bay chiến thuật hiện đại để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Dự đoán trước ý đồ của chúng, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn đã tổ chức tập huấn, nghiên cứu, diễn tập chống tập kích đường không bằng B.52 của Không quân Mỹ. Trên cơ sở đó, ngày 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh, khi phát hiện máy bay B.52 đã phóng một quả tên lửa làm chúng bị thương nặng buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Thái Lan. Đây là trận đối mặt đầu tiên giành chiến thắng của Không quân ta, mở ra phương thức tác chiến mới khi phải đối đầu với B.52 của địch. Điều đó đã khẳng định, máy bay MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể bắn rơi B.52 bằng ý chí, nghị lực và lòng quả cảm vô song. Để tiêu diệt “pháo đài bay B.52”, Sư đoàn đã bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến, bất ngờ xuất kích chặn đánh từ xa khi đội hình của chúng chưa kịp triển khai. Phát huy khí thế đánh B.52, đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân của Trung đoàn Không quân 921 cất cánh từ sân bay Yên Bái đã dũng cảm vượt qua hàng rào bảo vệ bằng máy bay tiêm kích của địch và tiếp cận bắn rơi một máy bay B.52. Tiếp đó, đêm 28-12-1972 khi phát hiện tốp B.52, từ sân bay Cẩm Thủy, phi công Vũ Xuân Thiều đã bí mật cất cánh và tiếp cận được chúng, mặc dù ở cự ly quá gần, nguy hiểm nhưng anh vẫn công kích tiêu diệt, lao thẳng vào vùng lửa máy bay địch và anh dũng hy sinh. Trong quá trình tác chiến, Sư đoàn luôn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng Phòng không thực hiện tốt phương thức đánh “bóc vỏ”, đánh tiêu hao, làm cho đội hình máy bay địch bị phá vỡ, phân tán, chỉ huy rối loạn, cường độ nhiễu giảm, tạo điều kiện cho tên lửa của ta tiêu diệt. Trong Chiến dịch này, Sư đoàn đã bắn rơi 07 máy bay các loại; trong đó, có 02 máy bay B.52. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần cho Bộ đội Không quân, với tinh thần “dám đánh, quyết đánh và đánh thắng B.52” của Mỹ.
Để làm được điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung làm tốt công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” cho CB,CS. Trước khi địch mở chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn, dự báo sớm tình hình, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn phải bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc, tiêu diệt được “pháo đài bay B.52” của Mỹ. Thực hiện chủ trương đó, Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nhận rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đánh máy bay B.52. Đồng thời, đã thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo “Tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, xây dựng bản lĩnh, niềm tin chiến thắng cho bộ đội. Công tác giáo dục đã làm cho mọi đối tượng phát huy cao độ khả năng sáng tạo, tinh thần vượt khó, chấp nhận hy sinh, lấy mục tiêu cao nhất là phải bắn rơi được máy bay B.52. Trước mỗi ban bay, chuyến bay, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, phi công để hiệp đồng tác chiến, xây dựng quyết tâm, hướng dẫn hành động, nhằm bảo đảm cho người sẵn sàng, máy bay sẵn sàng, có lệnh là cất cánh được ngay. Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp còn đặc biệt coi trọng nêu gương “người tốt, việc tốt”, những cán bộ, phi công kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống trên không và mặt đất, chấp nhận nguy hiểm bảo vệ cho những chuyến bay an toàn, thắng lợi.
Trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, không cân sức, để đánh được B.52, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, sức sáng tạo của CB,CS và tinh thần làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong đó, Sư đoàn đã tập trung làm tốt công tác huấn luyện, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật; rèn luyện cho mọi CB,CS thành thạo về kỹ thuật, chiến thuật và nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ các mặt công tác, huy động mọi khả năng, kết hợp mọi phương thức bảo đảm cho Không quân ta cất cánh đánh thắng địch ngay từ trận đầu, chuyến bay đầu. Với tinh thần chiến đấu cao, các đơn vị đã thực hiện có hiệu quả các phong trào: “Đã cất cánh là bắn rơi máy bay địch”, “Chỉ huy giỏi, dẫn đường chính xác, kỹ thuật hàng không, thông tin ra-đa tốt”; nêu cao ý thức tự lực tự cường, làm chủ máy bay và vũ khí, trang bị, phương tiện; chủ động nắm tình hình, linh hoạt trong xử lý tình huống trên không và mặt đất. Mỗi khi địch thay đổi chiến thuật, sử dụng những thủ đoạn mới, CB,CS Sư đoàn lại sáng tạo ra những phương thức đánh đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn, bí mật sân bay. Qua mỗi ban bay, chuyến bay, mỗi tình huống trên không và mặt đất, lãnh đạo, chỉ huy các đại đội, phi đội đều kịp thời rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, bản lĩnh chính trị, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” cho CB,CS.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn là sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Từ những chuyến bay chỉ mang tính răn đe cho đến khi tìm được phương thức tiếp cận máy bay B.52 và đánh được chúng, Sư đoàn đã luôn phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và phòng không nhân dân; luôn dựa vào dân để xây dựng và chiến đấu. Trong mọi tình huống, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã luôn phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động nhân dân, dựa vào sức dân để thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác ngụy trang, nghi binh, sơ tán, phân tán, bảo đảm đường băng, đường lăn, sân đỗ và các vị trí đỗ máy bay chuẩn bị cho cất cánh… Vì thế, dù phải đương đầu với khó khăn, thử thách, nhưng chính sự đùm bọc, giúp đỡ, che chở (cả về vật chất và tinh thần) của nhân dân các địa phương nơi đóng quân đã tạo thành hậu phương vững chắc để Sư đoàn vượt qua những thách thức, củng cố niềm tin trong mỗi chuyến bay đối mặt với B.52. Sự gắn bó máu thịt với nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn để CB,CS Sư đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần “dám đánh, quyết đánh và đánh thắng B.52”, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã đi qua 40 năm, nhưng việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học vô cùng quý giá đối với Bộ đội Không quân trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời của Tổ quốc hiện nay. Là lực lượng nòng cốt trong tác chiến đường không, Sư đoàn có nhiệm vụ trực tiếp đánh trả các cuộc tiến công của Không quân địch, với tinh thần đánh thắng ngay từ trận đầu, giờ đầu của cuộc chiến tranh. Kế thừa bài học phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong điều kiện, hoàn cảnh mới, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tiếp tục xây dựng cho CB,CS lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ XHCN; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ nhiệm vụ, không để xảy ra chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, lỡ thời cơ trong mọi tình huống. Trước yêu cầu mới, Sư đoàn coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao lòng tự hào về truyền thống dân tộc, Quân đội, Quân chủng, Sư đoàn, nhất là truyền thống đánh thắng B.52, xây dựng ý chí “quyết đánh, quyết thắng”, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực tự cường, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, truyền thống “Đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể”, khắc phục những biểu hiện hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta. Cùng với đó, Đảng ủy Sư đoàn tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; gắn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh với xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Sư đoàn phải chú trọng hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong quản lý vùng trời, điều hành bay trong khu vực với trách nhiệm cao, nâng cao khả năng dẫn dắt, phát hiện, các mặt công tác bảo đảm đáp ứng đầy đủ yêu cầu chỉ huy chiến đấu và mọi hoạt động của Sư đoàn; thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với tình huống, đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, địa bàn hoạt động. Trong huấn luyện bay, các đơn vị phải thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo: “tích cực, thận trọng, vững chắc, an toàn”; chú trọng bảo đảm tiến độ huấn luyện, cân đối giữa giờ bay và tiến độ bay, bảo đảm có đủ lực lượng phi công cho từng nhiệm vụ; đồng thời, chú trọng huấn luyện bay đêm, bay biển, bay ứng dụng chiến đấu, huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường, ưu tiên huấn luyện cho các phi công làm nhiệm vụ mũi nhọn.
Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần tạo thành sức mạnh chiến đấu là một bài học truyền thống, một yêu cầu cơ bản đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn. Vận dụng sáng tạo bài học đó trong điều kiện, hoàn cảnh mới là một bảo đảm quan trọng để trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Sư đoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời thân yêu của Tổ quốc.
Đại tá NGUYỄN VĂN MẬU
Chính ủy Sư đoàn Không quân 371
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội