Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 24/07/2017, 08:16 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017) đúng vào thời điểm cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ1. Thấm nhuần lời dạy của Bác, 70 năm qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ và người có công luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, thực hiện tích cực, có hiệu quả. Đây vừa là tình cảm, lương tâm, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của các thế hệ được thừa hưởng thành quả cách mạng đối với những người đã hy sinh cuộc đời hoặc một phần xương máu, cũng như quyền lợi cá nhân cho thắng lợi chung của dân tộc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng ban Tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ cung cấp thông tin cho báo chí. (nhandan.com.vn)

Nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ công tác chính sách đối với người có công với cách mạng. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật cũng được xây dựng, ban hành, từng bước hoàn thiện nhằm thể chế đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc người có công. Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác này, phong trào chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được toàn xã hội quan tâm, huy động được tiềm năng to lớn của cộng đồng, đạt nhiều thành tựu trên các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, v.v. Từ những hành động “Hiếu nghĩa bác ái”, phong trào “Mùa đông binh sĩ”,… trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, sau này là những phong trào: vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình,... trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ với 5 chương trình lớn: Nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đạt được hiệu quả to lớn. Đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân của họ đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, v.v. Bên cạnh đó, để các gia đình có thân nhân hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến yên lòng, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2013 đến tháng 12-2016, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 10.220 hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước (riêng năm 2016, tìm kiếm, quy tập được 2.223 hài cốt liệt sĩ và ba mộ tập thể). Cả nước hiện có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ (trong đó: 1.750 đài tưởng niệm liệt sĩ, 4.810 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3.077 nghĩa trang liệt sĩ) thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương quan tâm, bảo tồn, gìn giữ như các công trình lịch sử, văn hóa có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống. Điều đó thể hiện sự tri ân sâu sắc và cũng là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với người có công với đất nước, cách mạng.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội, là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn. Qua đó, khơi dậy truyền thống, lòng yêu nước, huy động được sức mạnh của toàn xã hội và trở thành công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, được phát triển từ thôn, bản, làng, xã, khu phố,… đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần để chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào chăm sóc người có công ngày càng phát triển sâu rộng. Các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng,... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc2. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26-4-2013, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các địa phương, đơn vị nhận phụng dưỡng; 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, 98,5% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Những thành tựu đó góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thể hiện sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Sự trân trọng, tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công chính là làm nghĩa vụ với lịch sử, đề cao truyền thống cách mạng hào hùng, khẳng định thành quả to lớn của Đảng, của dân tộc; tô đậm thêm truyền thống nhân văn, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đồng thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt bậc, triển khai hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, có hiệu quả. Tuy vậy, đến nay, chính sách người có công còn một số bất cập: một bộ phận người có công vì nhiều lý do vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách; hồ sơ tồn đọng còn nhiều; một số ít người khai man hồ sơ, trục lợi chính sách chưa được xác minh, xử lý nghiêm; số liệt sĩ chưa được quy tập và xác định danh tính còn nhiều. Vẫn còn không ít người có công gặp khó khăn về nhà ở và con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh khó khăn trong học tập, việc làm, v.v. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, giúp cho họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, rất cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn, đáp nghĩa. Trong những năm tới, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần lãnh đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công. Qua đó, làm cho mọi tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị và nhân dân thấy rõ: thực hiên tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng bác ái, hiếu nghĩa, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” ngày hôm nay chính là việc làm thiết thực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi Người có công, làm căn cứ triển khai đồng bộ, đầy đủ chế độ ưu đãi đối với các đối tượng được thụ hưởng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực người có công, đáp ứng yêu cầu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Hoạt động quản lý phải được đổi mới, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc xác nhận, chi trả trợ cấp, thực hiện các chế độ ưu đãi khác ngoài trợ cấp được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện; tạo điều kiện thuận lợi để người và gia đình có công được thụ hưởng quyền ưu đãi, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với cá nhân và gia đình mình. Cần chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, nhất là những biểu hiện tham nhũng trong lĩnh vực xã hội nhạy cảm này.

Ba là, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai sâu rộng “5 chương trình tình nghĩa” và phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”. Tạo điều kiện để các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển đúng theo phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, v.v.

Bốn là, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 và Chỉ thị 21/CT-TTg, ngày 22-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, các công trình ghi công liệt sĩ, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Tổ chức thăm hỏi, động viên đối tượng người có công tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh và gia đình chính sách tiêu biểu, v.v.

Năm là, quán triệt quan điểm của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, chủ động khai thác mọi tiềm năng, thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện để người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, làm “… người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”3, thương binh, bệnh binh “tàn mà không phế”4.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công trong thời kỳ mới là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Đây không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội; không chỉ cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thái độ của chúng ta đối với lịch sử sẽ là chìa khóa mở ra tương lai của đất nước, của dân tộc.

ĐÀO NGỌC DUNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 372.

2 - Từ năm 2011 - 2016, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 2.451 tỷ đồng; xây dựng gần 48.000 Nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 45.000 Nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 10.900 tỷ đồng; tặng hơn 64.200 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá gần 895 tỷ đồng.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 584.

4 - Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 692.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.