Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:19 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hết sức quan tâm thực hiện chính sách đó và đã thu được những kết quả rất tích cực.
65 năm qua, kể từ ngày 27-7-1947 - Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta. Các chính sách này đã đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Từ những chính sách đối với thương binh, tử sĩ còn đơn giản ra đời trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không ngừng được sửa đổi, bổ sung qua các thời kỳ cách mạng, qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, đã phát triển thành hai pháp lệnh. Đó là Pháp lệnh Phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng), với 13 diện đối tượng và hàng chục chính sách kèm theo.
Căn cứ vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ, 49.609 Mẹ Việt Nam anh hùng, 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185.000 thương binh B, 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng, 186.137 người hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và còn trên 1,7 triệu đối tượng có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước. Như vậy, với việc ban hành hai pháp lệnh trên, các nội dung ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ và người có công đã được pháp luật hóa; nhiều vấn đề do lịch sử để lại và nảy sinh trong cơ chế mới đã được giải quyết, xử lý hài hòa; đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng từng bước được nâng lên.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp và nghiên cứu khoa học của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã được xây dựng và phát triển để phục vụ các đối tượng chính sách. Từ An dưỡng đường và cơ sở phục hồi chức năng đầu tiên ra đời ở vùng tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đến nay, cả nước đã có một hệ thống gồm 30 trung tâm điều dưỡng thương binh, 14 cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng, phân bố đều trong cả nước với trang thiết bị được đổi mới. Các cơ sở trên đã phục vụ kịp thời cho việc điều dưỡng thương binh, bệnh binh, đào tạo cán bộ của Ngành, dạy nghề cho các đối tượng, phục hồi chức năng và điều dưỡng cho người có công.
Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách, nhân dân đã góp nhiều công sức xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ. Đến nay, cả nước đã xây dựng được trên 3.000 nghĩa trang - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của trên 800.000 liệt sĩ. Trong số đó, nhiều nghĩa trang trở thành những công trình văn hóa - lịch sử của đất nước, như: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ... Nhiều công trình tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng, như: Tượng đài chiến thắng Sông Lô (Phú Thọ), Tượng đài chiến thắng Núi Thành (Quảng Nam), Tượng đài chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang), Đền thờ liệt sĩ Bến Dược (Thành phố Hồ Chí Minh)... cùng hàng nghìn nhà bia ghi tên liệt sĩ khác trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ người Việt Nam.
Đi đôi với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu, rộng. Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, “Ủng hộ binh sĩ bị thương”, những việc làm “Hiếu nghĩa bác ái” hưởng ứng lời kêu gọi và theo gương Bác Hồ trong những ngày cả nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến những vườn cây, ao cá, tạo việc làm cho hàng chục vạn thương binh, quân nhân xuất ngũ, chăm sóc thân nhân liệt sĩ khi cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Đến nay, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ phát triển thành 5 chương trình tình nghĩa, bao gồm: Xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng Nhà tình nghĩa; đón nhận thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ không nơi nương tựa. Các chương trình tình nghĩa trên được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện có hiệu quả cao. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc, với nhiều hình thức phong phú, như: Nhà tình nghĩa, Vườn cây tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Áo lụa tặng bà, áo ấm tặng mẹ; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; Chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già, yếu, cô đơn, đỡ đầu con liệt sĩ... Thông qua đó, phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Trong 5 năm qua, từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ủng hộ được 1.263 tỷ đồng; xây mới gần 54.000 Nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 37.000 nhà, với tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 68 tỷ đồng. Riêng Quân đội, đã xây dựng hàng ngàn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội tặng các gia đình chính sách; đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội; phụng dưỡng hàng ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v.
Bên cạnh sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, các cấp, các ngành đã tích cực động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Mãi mãi xứng đáng là công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng kiểu mẫu”. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách vượt khó, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều con của thương binh, liệt sĩ đã vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, kế tục xứng đáng truyền thống, sự nghiệp cách mạng của gia đình, quê hương, đất nước.
Có thể thấy, bằng chính sách của Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ngày càng phát triển vững chắc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều vấn đề có tác động đến tâm lý, tình cảm của hàng triệu người, liên quan đến việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm cho các đối tượng chính sách phải được hưởng thụ đúng, đủ ưu đãi của Nhà nước; khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức thực hiện phong trào. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giúp các gia đình chính sách, nhất là các gia đình sống ở vùng xa, vùng sâu, vùng trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vùng thường xuyên bị thiên tai, cuộc sống còn khó khăn, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, đơn vị kinh tế và mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công”1; đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 28-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng” và hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tập trung mọi cố gắng để giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, Nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Đây là công việc lớn, phức tạp và rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của Nhà nước, phải có sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Trước hết, từng ngành, từng địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai kế hoạch cụ thể, rà soát, xem xét, kết luận từng trường hợp theo đúng quy định, tránh để nhầm, sót những người thực sự có cống hiến mà không được hưởng chính sách. Đồng thời, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về người có công.
Hai là, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số” cho các đối tượng. Theo đó, các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất hợp lý trong công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc” đúng tiến độ, đúng, đủ đối tượng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Các cấp cần chú ý đẩy mạnh phong trào ở cơ sở để ngày càng có nhiều xã, phường, khu dân cư làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Đồng thời, các cấp cần thường xuyên làm tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập và công tác.
Bốn là, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Qua đó, cổ vũ, động viên toàn dân tích cực tham gia chăm sóc đời sống của các gia đình chính sách, người có công, góp phần đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.
PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 229.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội