Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 16/12/2019, 07:54 (GMT+7)
Tăng cường quan hệ gắn bó quân - dân - nguồn sức mạnh của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, cội nguồn sức mạnh của Quân đội. Mối quan hệ quân - dân được Người khẳng định: “Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”1. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân là yêu cầu tất yếu, là một nội dung cốt lõi trong đường lối xây dựng Quân đội của Đảng ta.

Đồng chí Trương Thị Mai chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ  Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, ngày 15-12-2019

1. Mối quan hệ quân - dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, lãnh tụ Hồ Chí Minh căn dặn: “Đội quân vũ trang phải có chi bộ lãnh đạo, phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào có thể tiêu diệt được”2. Lời căn dặn ấy, không chỉ thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, mà còn là quan điểm, đường lối xuyên suốt trong xây dựng, rèn luyện Quân đội là đội quân kiểu mới, vừa được tổ chức theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vừa mang tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc; là Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là đội quân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Bởi vậy, lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên nhắc nhở, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong việc giữ gìn mối quan hệ quân - dân.

Mối quan hệ quân - dân được thể hiện ngay từ việc tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, như Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”3. Người chỉ rõ: cơm bộ đội ăn, áo bộ đội mặc, vũ khí bộ đội dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế mà có. Nhân dân thức khuya, dậy sớm, ăn gió, nằm sương để đắp đường cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo, lội suối, khó nhọc, gian lao để chuyên chở súng đạn cho bộ đội. Quân đội muốn phát triển, lớn mạnh và chiến thắng, thì phải dựa trên “cái gốc”, “cái nền” vững chãi ấy: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”4.

Sinh ra từ nhân dân, được sự đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở của nhân dân thì Quân đội phải luôn “hiếu với dân”. Điều đó được thể hiện ở tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, thật sự coi nhân dân là cha mẹ của Quân đội. Người luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”5. Để làm được điều đó, đòi hỏi “Các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”6. Hiếu với dân không chỉ là một lòng một dạ phục vụ nhân dân, mà cao hơn nữa là phải kính trọng dân. Trọng dân không chỉ bằng lời nói, mà còn phải thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội “phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép là đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”7. Trọng dân, có hiếu với dân thôi chưa đủ, Quân đội phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, đồng thời là mệnh lệnh từ trái tim đối với mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Để làm được điều đó, bộ đội phải tích cực giúp dân, gần gũi và chăm lo bảo vệ dân; trong quan hệ với nhân dân làm đúng ba điều nên “Kính trọng dân. Giúp đỡ dân. Bảo vệ dân” và ba điều răn “Không lấy của dân. Không dọa nạt dân. Không quấy nhiễu dân”. Có như vậy mới gây dựng được lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí; có như vậy thì “khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”8.

Trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, tư tưởng nhân dân là nền tảng sức mạnh, Quân đội phải hiếu với dân, phải biết trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; trưởng thành, thắng lợi là nhờ nhân dân giúp đỡ. Giữ vững bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với nhân dân là vấn đề cốt tử trong mọi giai đoạn cách mạng.

2. Công tác dân vận của Đảng trong Quân đội là cầu nối, phương thức để củng cố, tăng cường mối quan hệ quân - dân

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cái gì cũng phải nhờ dân, không có dân thì không có bộ đội”9, 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn dựa vào dân, sát cánh cùng nhân dân thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác dân vận, nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Quân đội và là nội dung cơ bản xây dựng Quân đội về chính trị. Kết quả đạt được trong công tác dân vận của Quân đội qua từng giai đoạn cách mạng là minh chứng cho mối quan hệ quân - dân gắn bó, ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo ra các phong trào sôi nổi trong toàn quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự; là đội tuyên truyền thì phải có kế hoạch công tác dân vận, binh vận, địch vận, bảo mật, phòng gian để đảm bảo đánh thắng trận đầu. Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ thắng lợi, công tác dân vận của Quân đội có vai trò và đóng góp đặc biệt quan trọng. Đó là giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua gian khổ, hy sinh và thử thách hiểm nguy, vận động và phát huy sức mạnh của toàn quân, toàn dân vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”,… đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, là cơ sở cho những thắng lợi của cách mạng.

Bước vào thời kỳ hòa bình, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, công tác dân vận của Quân đội tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trước Đảng và nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ của Quân đội với nhân dân bằng những kết quả nổi bật:

Một là, tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Hai là, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ Đảng - Dân. Quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân gọi tên gần gũi, trìu mến là “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là kết quả của sự phấn đấu bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ suốt 75 năm qua; là sự phản ánh đầy đủ bản lĩnh, phẩm giá người quân nhân cách mạng tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, xả thân chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, v.v. Quân đội giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Hình ảnh người “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, hình ảnh các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng đồng hành, sát cánh cùng đồng bào, ngư dân,... đã góp phần làm cho nhân dân tin tưởng vào “Bộ đội Cụ Hồ”, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đảng - Dân, quân với dân gắn bó.

Ba là, công tác dân vận của Quân đội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Các đơn vị Quân đội thường xuyên chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền cấp xã; phát triển Đảng trong quân nhân người dân tộc thiểu số; thu hút trí thức trẻ công tác ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa,… góp phần “xóa” thôn, bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, giúp các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động10.

Bốn là, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững chủ quyền, ổn định chính trị của đất nước. Quân đội là lực lượng chủ lực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hình thành thế trận bảo vệ Tổ quốc; bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cách mạng, vận động quần chúng, huy động nguồn lực trong nhân dân ủng hộ Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ với phương châm “4 cùng, 4 bám”11 được cán bộ, chiến sĩ khắc cốt, ghi tâm thực hiện. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành công tác dân vận; tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; phòng, chống và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Năm là, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phong trào Thi đua “Dân vận khéo” trong toàn quân; qua đó, xuất hiện hàng nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phong trào quần chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới; các phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo”, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”,... với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Những kết quả của công tác dân vận trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta đã góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tiếp tục bồi đắp và phát huy giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

3. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Quân đội, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân trong tình hình mới

Bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức và vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng; các phương tiện thông tin, mạng xã hội tác động mạnh mẽ, đa chiều tới nhận thức và hoạt động của nhân dân. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tinh vi; tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp,... đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với việc phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo trong nhân dân tham gia các phong trào cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phải không ngừng đổi mới, nâng qua hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Kết luận 43-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo đối với công tác dân vận. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung của công tác dân vận, tạo sức mạnh tổng hợp trong mối quan hệ quân - dân để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức trong toàn quân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận 43-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW; Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương về công tác dân vận, thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố và tăng cường tình đoàn kết quân - dân, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Quân đội; xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của Đảng trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò của công tác dân vận; tăng cường sử dụng các kênh thông tin, các phương tiện để tuyên truyền, giáo dục về đường lối đối ngoại, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, các vấn đề về quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào Thi đua “Dân vận khéo”, các phong trào hành động cách mạng trong toàn quân.

Thứ tư, tập trung hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, đặc biệt là những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, nơi dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng gây mất ổn định; khắc phục tình trạng dập khuôn máy móc hoặc thụ động chờ đợi. Từng cơ quan, đơn vị Quân đội cần chủ động tham mưu đề xuất đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận.

Thứ năm, đẩy mạnh phong trào Thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, thực hiện các nội dung dân vận của chính quyền, Quy chế Dân chủ cơ sở, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ; tiến hành sơ kết, tổng kết theo định kỳ; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhận rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong toàn quân.

Với truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, Quân đội nhất định sẽ viết tiếp trang sử vẻ vang, luôn giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương
_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.

2 - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H. 1977, tr. 130.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.

4 - Sđd, Tập 5, tr.502.

5 - Sđd, Tập 7, tr. 76.

6 - Sđd, Tập 12, tr. 273.

7 - Sđd, Tập 6, tr. 458.

8 - Sđd, Tập 7, tr. 76.

9 - Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường chính trị trung cấp, năm 1951.

10 - Giai đoạn 2013 - 2018, cử 332 cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền xã; đào tạo 21.195 cán bộ quân sự cơ sở; kết nạp Đảng trên 5.500 quân nhân người dân tộc thiểu số, 310 quân nhân có đạo; thu hút gần 8.000 lượt trí thức trẻ công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, v.v.

11 - 4 cùng: 1. Cùng ăn; 2. Cùng ở; 3. Cùng làm; 4. Cùng nói tiếng đồng bào. 4 bám: 1. Bám chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; 2. Bám dân; 3. Bám địa bàn; 4. Bám đối tượng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.